Thảm họa mang tên thuốc lắc: Trượt sâu vào tội lỗi
Bài viết “Thảm họa mang tên thuốc lắc” đăng trên Chuyên đề ANTG đã đề cập tới tệ nạn sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) trong một bộ phận giới trẻ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc thực trạng các tụ điểm tổ chức sử dụng MTTH và những hậu quả xã hội từ tệ nạn này.
Bắt giữ Nguyễn Anh Cường (giữa), kẻ điều hành “động lắc” 145 Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Điểm mặt những “ổ lắc”
Có một thực tế là từ khi “trào lưu” sử dụng thuốc lắc du nhập vào Việt Nam dễ ngót nghét gần chục năm đến nay, số vụ phát hiện, bắt giữ liên quan đến MTTH, tuy có lúc tăng, lúc giảm, song không có dấu hiệu chấm dứt. Lắc, đập đá, phá ke… vẫn như một thứ mốt sành điệu lan tràn trong giới trẻ.
Thống kê sơ bộ của Công an TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã bắt giữ 185 vụ với 435 đối tượng phạm tội về MTTH, chiếm 16% về số vụ và 32% số đối tượng so với số vụ bắt giữ tội phạm ma túy nói chung. Tang vật thu giữ gần 13.000 viên và 3,757kg MTTH; 421,794gr ketamin; 14,068gr methamphetamin, 399gr cần sa. Ngoài các vụ tàng trữ, buôn bán MTTH, Lực lượng Công an đã triệt phá một loạt các tụ điểm chứa chấp sử dụng ma túy mà người ta hay gọi là các “động lắc”.
Điển hình như rạng sáng 28/1, Phòng PC47 phối hợp với Cục C47 kiểm tra quán karaoke 46 Trương Hán Siêu, quận Hoàn Kiếm, tạm giữ 53 người, trong đó qua xét nghiệm phát hiện 7 người (4 khách và 3 nhân viên) dương tính với ma túy, thu 8,5 viên MTTH; khởi tố tạm giam 1 đối tượng về hành vi chứa chấp sử dụng trái phép ma túy. 2h15′ ngày 27/2, lực lượng phối hợp nêu trên tiếp tục kiểm tra quán cà phê karaoke “Đêm Ảrập” tại 33 Phủ Doãn. Qua phân loại 81 đối tượng phát hiện 42 người dương tính với ma túy, thu giữ 27 viên MTTH, 4 gói ketamin; đã khởi tố, tạm giam 4 đối tượng về hành vi mua bán, chứa chấp sử dụng trái phép ma túy.
Vụ bắt giữ ổ lắc trong bar ca nhạc “Đêm Tây Hồ” vào rạng sáng 20/3 chưa kịp lắng xuống thì ngay tại địa bàn quận Tây Hồ, ngày 15/5, lực lượng Công an đã tiến hành triệt phá “động lắc” mới tại quán karaoke 145 Yên Phụ, bắt giữ hàng chục dân chơi, thu 65 viên MTTH cùng nhiều tang vật khác. 6h30′ ngày 23/5, tại quán karaoke ở khu 3, xã Phượng Cát, huyện Quốc Oai do Nguyễn Thị Thủy (40 tuổi) là chủ kinh doanh, Công an huyện Quốc Oai bắt quả tang 9 đối tượng (7 nam, 2 nữ) đều ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất thuê phòng hát để “lắc”, thu giữ 2 gói heroin, 3 viên MTTH cùng một số dụng cụ khác liên quan đến việc sử dụng ma túy.
Triệt phá mạnh ở vũ trường, các đối tượng chuyển sang nhà nghỉ, karaoke, cà phê giải khát; đánh mạnh ở nội thành thì dạt ra ngoại thành. MTTH giống như con bạch tuộc nhiều vòi, cắt chỗ này lại mọc ở chỗ khác.
Vì sao “lắc” chỉ diễn ra vào ban đêm và dân chơi lại thích chọn những địa điểm trên? H. “chồn” – một đối tượng từng bị bắt trong “động lắc” giải thích rằng, tác động của việc “cắn thuốc” khiến hệ thần kinh trung ương bị kích thích cao độ, đồng tử giãn. Nếu gặp ánh sáng mạnh thì chỉ có nước… mù mắt. Đó là nguyên nhân vì sao “dân lắc” chỉ hoạt động trong bóng tối. Thậm chí nhiều đối tượng khi dùng nhiều thuốc cũng không chịu nổi thứ ánh sáng mập mờ, yếu ớt này, phải đeo thêm kính râm. “Vào vũ trường nào mà có thằng đeo kính đen, đích thị là có sử dụng thuốc lắc” – H. “chồn” khẳng định chắc nịch. Những nơi tối tăm như vậy, chỉ có các vũ trường, quán karaoke… mới có đủ điều kiện đáp ứng. Một số vụ “lắc” tại khách sạn hay nhà riêng, các đối tượng phải dùng chăn, ri đô bịt kín tất cả các cửa, nơi ánh sáng có thể lọt vào.
Đấy là cái lý của dân chơi. Còn về phía những kẻ tổ chức “động lắc”, dù vô tình hay cố ý để dân chơi sử dụng MTTH trong cơ sở kinh doanh của mình, thì lý do khiến họ lao vào loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về ANTT này chỉ là lợi nhuận. Nếu như một phòng karaoke bình thường có giá 200.000 – 300.000 đồng/giờ, thì sau 24 giờ, giá thuê phòng vọt lên tới 500.000 đến 1.000.000 đồng/giờ. Thậm chí, phòng VIP tại quán karaoke 145 Yên Phụ vừa bị triệt phá được tâng giá tới 2 triệu đồng/giờ. Chưa kể giá đồ ăn, thức uống đắt đỏ gấp hàng chục lần so với giá gốc mà khách hàng phải chi trả khi vào phòng. Việc thu tiền cắt cổ này, mặc nhiên ai cũng biết nhưng cơ quan thuế mấy khi xử lý được bởi khách hàng phải trả tiền nhưng chẳng bao giờ được cầm hóa đơn thanh toán. Tiêu thụ rượu lậu, trốn thuế chính là những khoản thu lời không nhỏ của các chủ kinh doanh này.
Video đang HOT
Với Cơ quan Công an thì những hoạt động bất thường sau 24 giờ của các quán karaoke, giải khát, vũ trường… là dấu hiệu nghi vấn tổ chức sử dụng MTTH. Thực tế các vụ bắt giữ “động lắc” cho thấy các địa điểm này đều hoạt động quá giờ quy định.
Chốn ăn chơi sa đọa
“Lắc” là một cuộc chơi nhầy nhụa và thác loạn. Đó là cảm nhận của chúng tôi khi chứng kiến tận mắt những gì để lại trên sàn nhảy và các phòng karaoke tại “động lắc” 145 Yên Phụ sau khi bị Công an quận Tây Hồ triệt phá. Thức ăn, bao cao su đã qua sử dụng, giấy vệ sinh, vỏ bánh kẹo… một mớ hổ lốn đập vào mắt tại chiếc giường trong một căn phòng VIP của quán karaoke này khiến chúng tôi có cảm giác buồn nôn. Căn nhà 5 tầng 1 tum được chủ quán thiết kế thành nhiều phòng karaoke với sức chứa từ 30-50 người/phòng, kèm hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại như một sàn nhảy thu nhỏ.
Bản thân Nguyễn Trọng Đại (29 tuổi, trú tại ngõ 78 đường Giải Phóng, quận Đống Đa) – chủ “động lắc” này trước khi mở quán từng là dân chơi MTTH chính hiệu nên quá hiểu phải làm thế nào để thu hút “dân bay” đến với quán karaoke của mình. Cộng sự đắc lực của Đại là Nguyễn Anh Cường, người được giao trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động của “động lắc” cũng là kẻ có nhiều kinh nghiệm. Trước đó, Cường đã điều hành một quán karaoke khác trên đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ.
Quán karaoke này thường xuyên hoạt động quá giờ quy định, có dấu hiệu nghi vấn chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đã bị Công an quận Tây Hồ kiến nghị UBND quận rút giấy phép kinh doanh sau nhiều lần kiểm tra, phát hiện vi phạm. Chính vì vậy, khi tổ chức quán karaoke 145 Yên Phụ, Đại và Cường đã cho lắp đặt camera trước cửa để theo dõi, quy định nhân viên không được tiếp người lạ mặt. Nếu không phải khách quen hoặc phải được sự “bảo lãnh” của những mối khách ruột, người lần đầu tiên đến “động lắc” này khó mà lọt qua cửa. Không quy định thành văn bản nhưng nhân viên của quán được “quán triệt” rằng, khách vào đây muốn làm gì thì làm, nếu có nhìn thấy họ sử dụng ma túy thì cũng coi như không biết. Cái sự cố tình làm ngơ này không phải là vô lý khi vào thời điểm 2h sáng ngày 15/5, khi Lực lượng Công an ập vào kiểm tra các phòng karaoke, nhiều đối tượng vẫn đang lắc lư khi chỉ còn độc chiếc quần lót trên người.
Một trinh sát phòng chống ma túy kể rằng, đã từng tham gia triệt phá nhiều tụ điểm “lắc” nhưng khi vào “động lắc” tại bar Đêm Tây Hồ, những gì “mắt thấy, tai nghe” trên sàn nhảy khiến anh không khỏi rùng mình, còn các trinh sát nữ thì đỏ mặt xấu hổ. Khi đã đến độ “phê lòi”, nam thanh niên tự nhiên cởi bỏ hết quần áo đang mặc trên người vứt xuống sàn. Chiếc quần lót cũng được anh ta tụt xuống, vung vẩy “khoe hàng” với những người xung quanh. Rồi anh ta “đưa hàng” cho một thiếu nữ đang nhún nhẩy bên cạnh… nắm giữ hộ. Cả hai quấn riết lấy nhau trong tiếng nhạc đập chát chúa, trong ánh đèn quay chớp chớp.
Dường như những hành động kỳ quặc ấy không làm những người xung quanh bận tâm, bởi khi “cắn thuốc” rồi thì tự nhiên sẽ có cảm giác thân thiện. Người không quen sẽ trở thành bạn bè thân thiết, trai gái không yêu nhau cũng có thể làm được những việc mà chỉ những người yêu nhau mới làm. Ảo giác của MTTH mang lại cho người sử dụng tất cả những gì họ nghĩ, họ muốn. Những gì hiện hữu trong các “động lắc” cho thấy một lối sống sa đọa, đắm chìm trong cảm giác hưởng thụ cá nhân.
Thảm họa từ lắc
Bay, lắc, đập đá, phá ke… là những từ lóng của dân chơi MTTH mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Với những người “ngoại đạo” thì đơn giản, đó là ma túy, mà đã là ma túy thì là thứ nguy hiểm cần tránh xa. Nhưng thế nào là thuốc lắc, thế nào là “hàng đá”, thế nào là “ke” thì cũng cần phân biệt để biết tác hại của nó. Thuốc lắc có tên gọi khoa học là Ecstacy, dạng viên nén, là loại MTTH được pha trộn thành phần của nhiều chất gây ảo giác, gây kích thích thần kinh trung ương, gây co cơ. Chính vì vậy, các đối tượng sử dụng Ecstacy cần có nhạc mạnh để tăng hưng phấn thường tìm đến các vũ trường, bar ca nhạc.
Cảnh cởi trần thường gặp trong các “động lắc”.
Nhiều đối tượng sử dụng lần đầu, khi bị tác động co cơ khiến cơ thể co giật “đùng đùng”, lắc lư, gây ra những động tác hết sức kỳ lạ, khác người. Chính vì vậy, Ecstacy được dân chơi gọi là “thuốc lắc”. “Ke” tức là Ketamin, loại MTTH ở dạng bột trắng, trong y học có tác dụng giảm đau nên các đối tượng dùng thuốc lắc thường sử dụng kết hợp để chống mỏi mệt khi “lắc” nhiều. Điều này cũng lý giải một số đối tượng tham gia đua xe, đánh nhau trở nên hung hăng, không biết đau là gì khi “lâm trận”, bởi đã sử dụng Ketamin trước đó.
Còn “hàng đá” là Methamphetamin, MTTH tồn tại dưới dạng tinh thể giống như đá. Loại MTTH này gây kích thích mạnh hệ thần kinh trung ương, khiến người sử dụng có cảm giác hưng phấn, vui vẻ, dễ thân thiện với những người xung quanh; khi sử dụng với liều cao gây trạng thái choáng, suy sụp, giảm khả năng lao động, loạn nhịp tim, không muốn ăn uống. Trong trạng thái hưng phấn, người sử dụng MTTH còn khiến những người khác tưởng là thanh niên khỏe mạnh, yêu đời. Nhưng lao vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, chỉ trong một thời gian ngắn, không chỉ tiêu tốn một khoản tiền lớn, người dùng MTTH bị suy kiệt cơ thể và có những hành động không thể kiểm soát nổi, gây ra các mối nguy hiểm cho xã hội.
Theo phân tích của giám định viên về ma túy, tác hại của MTTH giống như các thuốc gây loạn thần, nhưng sự hư hỏng chức năng não nặng hơn và kéo dài hơn (trên 6 tháng). Sau đó, xuất hiện các triệu chứng cai, biểu hiện bằng ngủ lịm, kiệt sức, giảm cân (vì nhảy múa nhiều) và trầm cảm. Đa số các trường hợp, sau khi dùng thuốc “lắc” đã xuất hiện các trạng thái loạn thần cấp tính hoặc mãn tính (kéo dài ít nhất 48 giờ), xuất hiện những ý tưởng liên hệ. Chẳng hạn thấy ai đó đang thực hiện một hành động nào đó, những người sử dụng thuốc “lắc” sẽ nghĩ rằng chắc là họ làm hại mình, nên tấn công lại, trong khi thực chất người đó chẳng làm hại gì.
Ông Nguyễn Văn Long (SN 1966, ở đường Lê Lợi, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) là một nạn nhân của tội ác bắt nguồn từ MTTH. Tối 21/5/2010, đang nằm xem tivi trong nhà, ông Long bị gã hàng xóm Trần Thế Dương (SN 1979) vô cớ vác dao sang nhà đâm chết. Cơ quan điều tra xác định Trần Thế Dương đã dùng MTTH, bị ảo giác nên “nổi hứng”… thích chém giết.
Trước đó, vào chiều 2/5/2010, người dân ở đường Thiên Lôi, quận Lê Chân, Hải Phòng vô cùng kinh hãi trước sự việc ông Phạm Đề Kháng đang ở trong nhà, bỗng nhiên bị một thanh niên đột nhập dùng súng sát hại. Sau khi bắt giữ kẻ giết người là Nguyễn Tiến Công (SN 1979) do “phê” MTTH đã hứng chí muốn leo trèo lên mái nhà. Thấy một con mèo, Công miên man đuổi bắt, trèo vào tầng hai nhà ông Kháng rồi gây án mạng…
Rạng sáng ngày 13/5 vừa qua, Công an phường Kim Mã, quận Ba Đình cũng đã giải quyết một tình huống nghẹt thở liên quan đến MTTH. Trên tầng hai một căn hộ ở ngõ 103 Kim Mã, người dân phát hiện một thanh niên đang cố thủ với con dao nhọn trên tay phải và quả lựu đạn trên tay trái. Để đảm bảo an toàn cho người dân, Công an quận Ba Đình phối hợp lực lượng Quân đội bao vây hiện trường, tiếp cận và khống chế đối tượng, thu lựu đạn. Tại Cơ quan Công an, Lê Quang Hải khai nhận trước đó có sử dụng MTTH, gây ảo giác lo sợ có kẻ đang định giết mình nên Hải đã dùng dao và lựu đạn phòng thân…
Theo CAND
Khi nhà cho thuê thành "ổ chứa" tội phạm
Lợi dụng những kẽ hở trong quản lý của chính quyền cơ sở, chế tài xử phạt thiếu răn đe... nhiều đối tượng hình sự, đặc biệt là tội phạm ma túy đang chọn nhà trọ, nhà cho thuê là nơi ẩn náu lý tưởng để hoạt động phạm tội. Với các chủ nhà trọ, nhà cho thuê, sau khi thu tiền của khách... họ cũng phó mặc.
Thuê nhà để hoạt động phạm tội
Cơ quan công an khám xét "động lắc" do Đại và Cường điều hành
Dư âm triệt xóa các "ổ" sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp ở các phòng trọ, nhà cho thuê giữa lòng Thủ đô vừa lắng xuống, thì những tháng gần đây, CATP Hà Nội phối hợp với lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an lại tiếp tục phát hiện, bóc gỡ nhiều "ổ lắc", "động lắc" trá hình trong các quán cà phê, karaoke, nhà nghỉ tại các quận trung tâm Thủ đô... Điểm chung của các vụ án này: đối tượng phạm tội đều thuê nhà để ẩn náu, trú ngụ "hoạt động".
Kể lại việc phát hiện, triệt xóa "động lắc" trên phố Yên Phụ do 2 đối tượng Nguyễn Trọng Đại (SN 1982), ở quận Đống Đa và Nguyễn Anh Cường (SN 1976), ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội điều hành, chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAQ Tây Hồ cho biết: Khoảng tháng 1-2011, Nguyễn Trọng Đại - đối tượng từng quản lý, điều hành quán karaoke ở 173 Nghi Tàm, thuộc phường Yên Phụ, vừa bị UBND quận Tây Hồ thu hồi giấy phép kinh doanh, do có biểu hiện chứa chấp, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tiếp tục đến thuê ngôi nhà 145 phố Yên Phụ mở khách sạn, "kinh doanh" không phép.
Lần này, Đại không trực tiếp lộ diện mà giao cho "đàn em" là Nguyễn Anh Cường đứng ra thuê nhà. Trung tá Đỗ Danh Chiến - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAQ Tây Hồ phân tích: Thông thường, khi biết mình lọt vào "tầm ngắm" của cơ quan công an, những đối tượng ma túy thường lẩn tránh, tìm thuê các nhà dân ở khu vực kín đáo, ít người qua lại hòng giấu tung tích, che đậy hoạt động phi pháp. Song Đại là một trường hợp "đặt biệt". Anh ta chấp nhận bỏ ra 50 triệu đồng - cái giá không hề rẻ để thuê một ngôi nhà 5 tầng trên phố Yên Phụ "kinh doanh", ngay tại địa bàn vừa bị thu giấy phép do có dấu hiệu hoạt động phạm pháp.
Chỉ huy CAP Yên Phụ cho biết thêm: "Bình mới, rượu cũ", với kiểu kinh doanh khách sạn "khác người", lấy ngày làm đêm như của Đại thì sớm muộn cũng phát giác. Phát hiện nhiều kẻ ra vào đây ban đêm, xăm trổ đầy mình, dấu hiệu hoạt động bất minh, CAP đã tiến hành kiểm tra hành chính ngôi nhà, song đối tượng quản lý, điều hành tụ điểm ăn chơi, thác loạn này chỉ đạo nhân viên chốt cửa, cố thủ bên trong. "Dù biết các đối tượng chống đối, nhưng chúng tôi cũng đành "bó tay" bởi những sai phạm, vi phạm hành chính như: hoạt động quá 24h, lực lượng công an không được phá cửa kiểm tra" - chỉ huy CAP Yên Phụ cho biết.
Thiếu chế tài... thiếu cả sự hợp tác
Không chỉ là nơi trú ngụ của số đối tượng ma túy, hình sự, các phòng trọ, nhà cho thuê hiện cũng là "bãi đáp" lý tưởng của tệ nạn mại dâm. Theo thông tin chúng tôi thu thập được, gần đây trên địa bàn Hà Nội xuất hiện những tốp gái bán dâm gắn "mác" sinh viên, đi tìm thuê những ngôi nhà khang trang cao 3-4 tầng, giá 5-6 triệu đồng trong các ngõ nhỏ vờ sinh sống, học tập. Sống bầy đàn, đêm xuống, số gái bán dâm này tỏa đi các quán bar, karaoke, vũ trường... ở Hà Nội mời chào "bạn trai" về nhà ngủ cùng.
Những cuộc "mây mưa" dù kéo dài suốt đêm, hay diễn ra chốc lát... thì những giao dịch vẫn luôn lặng lẽ. Tuy vậy, thực tế cho thấy: những "ổ" mại dâm này dù tổ chức tinh vi đến đâu, nhưng việc có cả chục "sinh viên" sống trong ngôi nhà 3-4 tầng, giữa khu vực dân cư đông đúc, hay đưa "bạn trai" về nhà vào lúc nửa đêm, chắc chắn không "qua mặt" được người dân nơi đây, và cũng sẽ nhanh "đến tai" chính quyền cơ sở. Nhưng không hiểu vì lý do gì, việc kiểm tra, xử lý chưa triển khai quyết liệt, vi phạm đến giờ vẫn tồn tại ở một số nơi!
Một trong những nguyên nhân khiến các nhà trọ, nhà cho thuê trở thành nơi "nương náu" của các loại tội phạm, là do sự thờ ơ, không tuân thủ các quy định pháp luật của chủ nhà trọ, nhà cho thuê. Theo quy định: Khi có khách đến lưu trú, tạm trú, chủ nhà trọ, nhà cho thuê phải đến cơ quan công an khai báo tạm trú, tạm vắng cho khách, hoặc đơn giản hơn là gọi điện thoại thông báo với CSKV việc khách lưu trú, tạm trú. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có việc trốn nộp thuế cho thuê nhà, các chủ nhà trọ, nhà cho thuê đang phớt lờ quy định của pháp luật. Không khai báo lưu trú, trong trường hợp CSKV có kịp thời phát hiện cũng không thể phạt "nóng" chủ cơ sở, bởi Luật Cư trú quy định: sau 30 ngày chủ nhà trọ, nhà cho thuê không đến khai báo lưu trú cho khách mới bị xử phạt hành chính, mức phạt từ 100.000-200.000 đồng. Chế tài xử phạt chẳng thấm vào đâu so với khoản lợi nhuận lớn thu được từ việc cho thuê nhà - một cán bộ CAQ Tây Hồ thẳng thắn.
Ngoài những bất cập trong chế tài xử lý, sự thiếu hợp tác của các chủ nhà trọ, nhà cho thuê, thì sự "quá tải" cũng là khó khăn không nhỏ với lực lượng làm nhiệm vụ. Việc một CSKV phải "nắm" cả trăm hộ, hàng nghìn nhân khẩu trên địa bàn như hiện nay, thì việc "nắm" người, "nắm" hộ khó có thể chặt chẽ. Trong khi đó, hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, chúng liên tục di chuyển chỗ ở để đối phó với lực lượng công an.... Để ngăn chặn thực trạng này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ hơn của các ban, ngành và chính quyền cơ sở, bởi nếu không "quản" được việc thuê và cho thuê nhà - đây chính là "đất" cho tội phạm nương náu.
Theo ANTD
Ông chủ giấu mặt của 'động lắc' thác loạn đầu thú Bị cảnh sát lật tẩy việc thuê người điều hành điểm ăn chơi ở 145 phố Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), ông chủ Nguyễn Trọng Đại đã ra đầu thú sau nhiều ngày lẩn trốn. Ngày 19/5, Đại đã trình diện tại Công an quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại cơ quan điều tra, vị giám đốc 29 tuổi của một công...