Thẩm định dự toán Tỉnh lộ 2
Sở Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng Tỉnh lộ 2, đoạn từ cầu Hà Dừa đến cầu Đôi, Diên Khánh.
Sau khi thẩm định, Sở Giao thông vận tải kết luận, dự toán công trình có tổng mức đầu tư hơn 126,2 tỷ đồng. Khối lượng chủ yếu của dự toán phù hợp với khối lượng tính toán tại thiết kế. Việc áp dụng đơn giá, định mức trong dự toán của tư vấn thiết kế cơ bản phù hợp với định mức, đơn giá xây dựng cơ bản, mặt bằng giá vật liệu tại thời điểm lập và các quy định về lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.
Sở Giao thông vận tải cho biết, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công – dự toán xây dựng Tỉnh lộ 2, đoạn từ cầu Hà Dừa đến cầu Đôi, Diên Khánh đủ điều kiện để trình phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo.
Được biết, dự án có tổng chiều dài hơn 5,8km, được chia làm 2 đoạn: Đoạn 1 xây dựng tuyến mới kết nối đường số 1 kè Diên Khánh dài 419m, mặt đường 12m; đoạn 2 nâng cấp, mở rộng từ nền đường cũ dài 5,4km. Giải phóng mặt bằng theo lộ giới 24m. Riêng đoạn tuyến làm mới nối từ đường số 1 Khu đô thị mới Nam sông Cái và Tỉnh lộ 2 tại km1 945 phạm vi giải phóng mặt bằng ngoài lộ giới 24m còn thêm phạm vi gia cố mái taluy phía sông.
Nam Trung Bộ gồng mình chống hạn
Một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ đang thực hiện các giải pháp để đối phó với tình trạng khô hạn ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều tháng qua, địa bàn tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa không có mưa, hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn ha lúa, hoa màu cháy khô trên đồng ruộng. Hiện chính quyền các địa phương và người dân đang tìm giải pháp tích cực chống hạn.
Tại tỉnh Phú Yên, chính quyền tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm kê, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tế nguồn nước; có giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt tới từng hộ, thôn, bản, xã ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt (đặc biệt chú ý vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển).
Tỉnh chỉ đạo, trường hợp cấp bách không còn nguồn nước cho sinh hoạt, các địa phương phải có phương án sử dụng phương tiện chở nước đến từng cụm dân cư. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân...
Tương tự như tỉnh Phú Yên, tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa ra nhiều phương án phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triên khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm nước để phục vụ dân sinh và sản xuất; khuyến cáo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng (từ cây lúa sang cây trồng cạn sử dụng ít nước đối với những vùng bị thiếu nước), không sản xuất đối với những vùng nguồn nước không đảm bảo cung cấp trong suốt mùa vụ.
Các địa phương phải thường xuyên thực hiện nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, sửa chữa cửa cống lấy nước bị rò rỉ, thất thoát nước; đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao, khoan giếng để bơm nước phục vụ sinh hoạt và chống hạn cho cây trồng khi bị hạn hán; thực hiện các biện pháp tiên tiến, tiết kiệm nước...
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành 2 phương án phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn. Phương án 1 là có mưa và Phương án 2 là không có mưa trong những tháng tới. Đối với phương án không có mưa (hạn hán), dung tích các hồ còn 30% thì các địa phương cấp huyện khẩn trương thực hiện các giải pháp chống hạn tùy theo tình hình thực tế của địa phương, ưu tiên nước sinh hoạt cho trên 25.800 hộ với 103.900 người. Nếu hạn hán lớn, bắt buộc phải bỏ trên 14,400 m2 diện tích vụ Hè Thu. Các địa phương sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác để tăng cường các biện pháp ứng phó.
Cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang: Hai tỉnh chọn 2 phương án đầu tư khác nhau UBND tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa thống nhất trình Bộ Giao thông vận tải 2 phương án để lựa chọn, xây dựng cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk chọn phương án 1A có tổng chiều dài xây dựng 105km, tổng mức đầu tư 27.000 tỷ đồng, trong khi tỉnh Khánh Hòa chọn phương án 1C...