Thảm cảnh người di cư lậu vào Anh : Điều tận thấy từ 1 nhà báo Việt
Vụ 39 người tử vong trong container ở Anh đã gây rúng động toàn cầu. Nhưng đó không phải là sự việc duy nhất.
Từ trước đó gần 10 năm, theo tìm hiểu của một nhà báo Việt Nam tại Cộng hoà Pháp, người Việt từng tìm cách vào “trời Tây”. Bà đã tận mắt chứng kiến hành trình gian khổ của những người mang ước vọng đổi đời này.
Người Việt tìm cách nhập cư vào Anh từ cả chục năm nay
8 ngày sau thảm kịch kinh hoàng khi phát hiện 39 người chết trong container, cảnh sát nước này đang khẩn trương điều tra, xác minh danh tính các nạn nhân, đồng thời truy tìm những nghi phạm bị cáo buộc ngộ sát và buôn người.
Tại Việt Nam, nhiều gia đình đã trình báo tới nhà chức trách về việc họ nghi ngờ người thân của mình nằm trong số 39 nạn nhân xấu số trên. Chính quyền Anh vẫn chưa hoàn tất việc xác nhận danh tính nạn nhân, tuy nhiên sự việc đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho những khát vọng đổi đời ở “Trời Tây” của người Việt.
Trao đổi với PV Dân Việt, nhà báo Nguyễn Thu Hà – Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam – Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nguyên Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Cộng hòa Pháp chia sẻ, sự việc xảy ra với 39 công dân được phát hiện ở Pháp là một điều thực sự đau xót và đáng tiếc.
Nhà báo Nguyễn Thu Hà cách đây khoảng 10 năm, khi còn là Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Cộng hòa Pháp, bà đã thực hiện chùm phóng sự điều tra về việc người Việt nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh.
Từ những năm 2009, người Việt đã tìm cách sang các nước phương Tây để tìm cơ hội đổi đời, cách họ chọn là nhập cư trái phép vào những nước mình mong muốn. Trong ảnh là 1 trong 5 kỳ của loạt phóng sự điều tra nạn nhập cư trái phép vào Anh của nhà báo Nguyễn Thu Hà năm 2009.
Chùm phóng sự này đã đạt Giải 3 Giải Báo chí toàn quốc năm 2010. Điều đó có thể thấy, người Việt đã tìm cách nhập cư trái phép vào các nước phương Tây từ khá lâu.
Với sự việc 39 người nhập cư trái phép vào nước Anh được phát hiện tử vong, nhà báo Nguyễn Thu Hà cho biết, bà từng được chứng kiến tận mắt tình cảnh của những người nhập cư bất hợp pháp, được nghe tận tai những câu chuyện kinh hoàng mà họ trải qua, giờ đây lại biết thêm về những cái chết thảm khốc của 39 nạn nhân, bà cảm thấy thương và tiếc cho họ.
“Tiếc vì họ đã tin một cách mù quáng vào những viễn cảnh tươi đẹp mà những kẻ đưa người trái phép vẽ ra để kiếm lợi một cách vô nhân đạo, để rồi bỏ ra hàng chục ngàn USD mua lấy một ảo mộng quá mong manh.
Thương vì họ đã phải trả một giá quá đắt cho một cuộc hành trình đầy gian nan, mà nếu thành công thì sẽ là một cuộc sống vất vưởng và một tương lai ảm đạm ở “Trời Tây”, nếu thất bại thì sẽ là sự trở về tay trắng hoặc tệ hơn nữa là bỏ mạng nơi đất khách quê người” – nhà báo Nguyễn Thu Hà bày tỏ.
Theo nhà báo Thu Hà, hiện tượng tìm đường nhập cư trái phép vào Anh đã tồn tại từ hơn 10 năm nay. Phương thức và mục đích hầu cũng như không thay đổi. Vẫn luôn là hành trình đầy gian nan, vất vả với biết bao rủi ro đe dọa, đôi khi phải trả giá bằng cả tính mạng.
Hầu hết những người Việt nhập cư bất hợp pháp bị bắt đều khai sang đây nhằm mục đích kinh tế. Người thì nghe theo những lời quảng cáo lừa bịp, với mơ ước sang Anh để kiếm việc làm và tiền bạc, họ đã cầm cố, vay nợ, bán nhà cửa để có tiền trả cho các chi phí cho chuyến đi.
Người thì nghe thông tin của bạn bè, người thân đã trốn thoát sang được Anh, làm móng tay, trồng cây thuốc phiện, kiếm được tiền, không những gỡ lại vốn và còn giúp đỡ được kinh tế gia đình ở quê nhà, nên cố gắng liều một phen để hy vọng đổi đời.
Bất chấp luật pháp để tìm cơ hội
Theo nhà báo Nguyễn Thu Hà, các nước sở tại rất cương quyết trong việc ngăn chặn nạn nhập cư trái phép. Tại Pháp, do tính chất phức tạp của các trại tị nạn cũng như sự hiện diện của những đối tượng này, chính quyền đã tổ chức không ít các cuộc giải tỏa những lều trại đó.
Nhưng các biện pháp cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” hay “ném đá ao bèo”, vì khi các nhà cầm quyền mở chiến dịch, những người tị nạn này thường ẩn náu trong rừng hoặc lánh sang các địa phương khác, chờ tình hình yên ắng họ lại tụ về Calais, nơi duy nhất có cảng biển và đường hầm dẫn sang Anh.
Với nước Anh, chính quyền cũng rất gắt gao trong việc kiểm soát dòng người tị nạn bất hợp pháp vào nước này, nhưng không xuể. Những trường hợp vượt biên trót lọt vào Anh khiến cho những kẻ tị nạn bờ bên kia càng mong muốn tìm đường sang Anh.
Video đang HOT
“Theo điều luật tị nạn của Liên minh Châu Âu (EU) và theo luật pháp Anh, nếu một người nhập cư trái phép bị phát hiện, người đó sẽ bị trục xuất về đất nước mà trước đó họ đã đi qua.
Những người tị nạn bất chấp nguy hiểm, lập lán trại ở những bìa rừng đầy tuyết trắng xoá, họ ở đó, chờ một cơ hội để vào được lãnh thổ nước Anh. (Ảnh: Thu Hà)
Trên thực tế, đa số những người nhập cư trái phép bị trả về nơi xuất phát là Pháp. Ở Pháp họ được cảnh sát thẩm vấn để xác định nguồn gốc, quốc tịch… Nhưng hầu hết những người này không có giấy tờ tùy thân và luôn tìm cách nói dối để không bị hồi hương cưỡng bức, vậy nên công tác xác minh nguồn gốc thường gặp rất nhiều khó khăn.
Nếu trong vòng 30 ngày không xác minh được nhân thân thì cảnh sát phải thả họ ra. Và ngay sau khi được tự do, những người này lại tìm cách quay lại Calais mong tìm một cơ hội khác để sang Anh” – Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam – TTXVN thông tin.
Cũng chính vì vậy, theo tìm hiểu của nhà báo Nguyễn Thu Hà, đối với người Việt tị nạn, do đã đến quá gần nơi họ cần đến, do những gánh nặng nợ nần nơi quê nhà, cộng với niềm hy vọng sẽ lại có cơ hội tìm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn ở “miền đất hứa” nên khi bị bắt, những người Việt nhập cư bất hợp pháp đều không muốn về nước.
Sau khi bị bắt rồi được thả, những người Việt này lại lần mò quay trở lại biên giới, tìm cách sang Anh.
Những hành trình đầy nước mắt, tủi nhục
Trở lại thời điểm cách đây 10 năm, lúc này nhà báo Hà khi còn là phóng viên thường trú của TTXVN tại Cộng hòa Pháp, trong quá trình thâm nhập làm phóng sự điều tra về nạn nhập cư bất hợp pháp vào Anh qua biên giới Pháp, bà đã gặp những người Việt tị nạn ở rừng Angres, vùng Nord-Pas-de Calais.
Nhà báo Thu Hà nhớ lại, theo lời kể của những người Việt tị nạn trên, để đến được Pháp, họ đã phải trả một khoản tiền lớn cho chuyến hành trình.
Tùy theo phương tiện, số tiền đó có thể dao động từ 6.000 USD đến 16.000 USD. Về lộ trình của những người có quyết định nhập cư vào phương Tây, người ít tiền thường đi đường vòng, sang Trung Quốc rồi qua Nga. Những người có tiền nhiều hơn thì đáp máy bay tới thẳng Nga, hoặc CH Séc.
Sau đó, họ tiếp tục một lộ trình khá giống nhau, băng qua một số nước Đông Âu để vào EU, đến Pháp rồi sang Anh, điểm đến cuối cùng và cũng là “thiên đường” mà tất cả những người Việt nhập cư bất hợp pháp hướng tới.
Chuyến đi có thể kéo dài hàng tháng trời trong lạnh giá và mưa tuyết. Bên cạnh sự vất vả về thể xác do phải trèo đèo, lội suối, vượt rừng, nhảy xe, họ còn phải chịu sự hành hạ về tinh thần do luôn phải sống trong tình trạng căng thẳng, lo lắng vì phải chạy trốn và chui lủi để tránh sự kiểm soát của lực lượng tuần tra biên giới.
Theo nhà báo Thu Hà, hành trình nhập cư trái phép của những Việt tị nạn hay bất kỳ quốc gia nào đều tiềm ẩn sự nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng. Trong ảnh là hiện trường chiếc xe container chở 39 người ở Anh.
Khi đã đến Pháp rồi thì họ thường tập trung ở thị xã Calais, thuộc vùng Nord-Pas-de-Calais, nơi có đường hầm Eurotunnel xuyên qua eo biển Manche nối Anh với Pháp.
“Ở đây, những người nhập cư bất hợp pháp này thường co cụm thành từng nhóm, sống theo cộng đồng dân tộc, trong các lán trại ngoài rừng hoặc trong những khu nhà cất tạm bợ.
Người có tiền thì chờ sự sắp xếp của một số “đường dây” đưa người qua biên giới. Người không có tiền thì thường ẩn náu ở các vùng đầm lầy, các cánh rừng rậm rạp, nơi gần các cây xăng, các trạm dừng nghỉ, để tìm cơ hội bám hoặc chui vào các xe tải để lên phà vượt biển sang Anh, hoặc bám theo tàu hay ô tô chạy qua đường hầm Eurotunnel để tới Quốc đảo, nơi họ tin rằng sẽ có được một cuộc sống mới sung sướng hơn.
Vào buổi tối, những người này lần mò ra các trạm nghỉ chân của xe tải rồi tìm cách giấu mình trong các xe. Trời càng rét càng phải đi vì ít người để ý, quần áo càng ít càng dễ giấu mình.
Nhỏ con thì nằm ép trong các khe ở dưới gầm xe, to lớn thì chui vào đống hàng hóa trong thùng xe. Phải trốn thật kỹ và sau đó mặc cho số phận định đoạt. Người nào sui xẻo, bị cảnh sát phát hiện thì bị bắt giữ.
Nếu chẳng may lên nhầm phải chiếc xe đi Bỉ, hay Hà Lan, thì lại phải tìm cách mà quay trở lại nơi này để thử vận may khác. Tệ hơn cả là có thể bị chết do lạnh cóng hoặc bị rơi trên đường.
Không ít những trường hợp đã bị tai nạn, tử vong, hoặc bị bắt đưa vào trại tạm giam ở Pháp, Hà Lan, Đức, rồi sau đó bị trả về quê hương nếu xác định được danh tính và nơi cư trú” – nhà báo Thu Hà kể lại.
Điệp khúc bị bắt, thả rồi lại bị bắt
Nói về một trường hợp mình đã từng gặp, tác giả của loạt bài điều tra đạt giải 3 báo chí toàn quốc năm 2010 bộc bạch, bà vẫn chưa thể quên được nét khắc khổ, hãi hùng trên những gương mặt bơ phờ bởi sương gió dặm đường của họ khi kể về hành trình đầy gian nan và vất vả mà họ đã trải qua để đến được bờ biển Manche.
Một người tự xưng là Long đã kể lại cho nhà báo Thu Hà những ký ức kinh hoàng mà anh ta đã trải qua. Đó là những tuần đi triền miên trong rừng, mệt quá cũng chỉ được nghỉ vài tiếng mỗi ngày. Càng đêm tối, càng phải đi để dễ trốn hải quan và công an. Thức ăn chỉ là nước uống và bánh mỳ.
Không chỉ đàn ông, có cả những người phụ nữ xuất hiện trong dòng người tị nạn, nhập cư trái phép. Nhà báo Thu Hà nhớ lại, một cô gái trẻ tên Thủy, đến từ Hải Phòng cũng không ngờ chuyến đi lại kinh hoàng đến thế. Cô tâm sự cảm thấy bị hủy hoại cả về thể xác, lẫn tâm hồn, nhiều lúc tủi cực chỉ muốn chết mà không dám.
Người nhập cư trái phép có nhiều cách để vào nước Anh hoặc các nước phương Tây. Người không có tiền thì thường ẩn náu ở các vùng đầm lầy, các cánh rừng rậm rạp, nơi gần các cây xăng, các trạm dừng nghỉ, để tìm cơ hội bám hoặc chui vào các xe tải để lên phà vượt biển sang Anh, hoặc bám theo tàu hay ô tô chạy qua đường hầm Eurotunnel để tới Quốc đảo.
“Ngay cả khi đến Pháp rồi thì chặng đường cuối cùng, từ Pháp sang Anh tuy ngắn nhất, nhưng lại là chặng khó nhất và rủi ro cao nhất. Người thanh niên trẻ có tên là Tiến cho biết đã tìm cách sang Anh đến cả 20 lần, nhưng vẫn chưa sang được.
Có lần trốn trong thùng xe, lạnh đến nỗi máu đông cứng, chân không cử động nổi, cảnh sát phải bế xuống và cho vào phòng ấm để khỏi bị chết cóng. Có lần Tiến thoát được hai trạm kiểm soát rồi, vậy mà đến trạm cuối cùng ở bên Anh vẫn bị chó nghiệp vụ phát hiện. Không có giấy tờ, cũng chẳng biết tiếng Anh, bị bắt rồi cảnh sát Anh trục xuất ngược về Pháp.
Cảnh sát Pháp cũng ngán ngẩm, bắt rồi lại thả ra và anh ta lại tìm đường quay lại Calais để tiếp tục thử vận may, cứ như vậy đến 20 lần trong hơn sáu tháng trời mà vẫn chưa thoát được” – nhà báo Thu Hà chia sẻ.
Khi đã qua được các “cửa ải” để đến với “miền đất hứa”, theo lời kể của những người nhập cư Việt Nam mà nhà báo Thu Hà đã từng tiếp xúc, họ được hứa khi sang Anh, họ sẽ được bố trí làm các công việc không những đủ để trang trải nợ nần mà còn có thể giúp đỡ gia đình.
Tuy nhiên, nhiều người chưa “cập được bến mong ước” thì đã tử nạn do chết cóng hoặc bị cảnh sát bắt và trục xuất.
Tuy nhiên, vì không có giấy tờ tùy thân, không có giấy phép lao động nên việc họ có thể làm chỉ là những công việc với đồng lương rẻ mạt như làm móng tay, phụ bếp, hoặc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, thậm chí nguy hiểm như trồng cây thuốc phiện.
“Trong quá trình điều tra, tôi nhận thấy do thiếu thông tin về mặt trái của con đường nhập cư bất hợp pháp nên nhiều người vẫn trông chờ vào một ảo mộng làm giàu ở trời Tây.
Vậy nên mong rằng, báo chí và nhà nước ta cần có nhiều thông tin hơn nữa về vấn đề này để người dân, nhất là ở vùng nông thôn, hiểu được và cân nhắc trước khi bỏ tiền đề mua lấy những rủi ro nguy hiểm cho con em mình” – nhà báo Thu Hà bày tỏ.
Theo danviet
Chiến dịch biến Napoleon thành huyền thoại quân sự
Tài cầm quân xuất chúng giúp Napoleon chỉ huy đội quân yếu ớt đánh bại đối thủ áp đảo về quân số trên chiến trường Italy năm 1796.
Năm 1792, Chiến tranh liên minh lần thứ nhất nổ ra khi một số cường quốc châu Âu chung sức chống Cộng hòa Pháp sau cuộc cách mạng nổ ra ở nước này. Cuộc tấn công Italy năm 1796 là một phần trong cuộc chiến, cũng là một trong những chiến dịch quân sự quan trọng nhất sự nghiệp của Napoleon Bonaparte, đưa ông lên hàng ngũ chỉ huy kiệt xuất và mở đường cho loạt chiến thắng của Pháp trước khi Napoleon lên ngôi hoàng đế.
Trong chiến dịch này, tương quan lực lượng giữa Pháp và đối thủ Áo không thay đổi so với những cuộc giao tranh trước thời điểm diễn ra cách mạng Pháp. Sự khác biệt duy nhất là cách dùng binh của Napoleon. Ông cho quân đội hành quân thần tốc đến Italy, khiến đối phương không kịp trở tay bằng sự nhanh nhẹn, quyết đoán và linh hoạt trên chiến trường.
Trận đánh ở cầu Lodi năm 1796. Ảnh: War History.
Italy vào thời điểm đó không phải một quốc gia thống nhất, mà là tập hợp gồm nhiều bang thành khác nhau. Quân Áo áp đặt quyền cai trị trực tiếp hoặc điều khiển các chính quyền bang thành thông qua ảnh hưởng chính trị.
Khi đặt chân tới miền bắc Italy vào tháng 3/1796, Napoleon nắm trong tay 60 khẩu pháo và 37.000 binh sĩ, đa phần là những người ốm yếu, vô kỷ luật, lại không có lực lượng chi viện vì Pháp đang dồn lực cho cuộc tấn công quy mô lớn vào Rhine.
Ở bên kia chiến tuyến, quân Áo và đồng minh áp đảo về quân số với hơn 50.000 người. Tuy nhiên, tài năng của Napoleon đã biến quân Pháp rệu rã thành lực lượng đầy kiêu hãnh.
Trận đánh quan trọng đầu tiên trong chiến dịch Italy diễn ra ở Montenotte ngày 12/4. Napoleon dàn quân trên một đỉnh đèo rồi dụ một phần lực lượng Áo tiến vào. Sau đó, Pháp tấn công với quân số áp đảo, chia cắt quân Áo với đồng minh ở Piedmont, tây bắc Italy.
Áp dụng chiến thuật "tốc chiến tốc thắng", đội quân của Napoleon đánh bại quân Piedmont ở Millesumo và Vico, quân Áo ở Dego và Ceva, buộc đối phương co cụm phòng ngự. Sau các trận đánh này, Napoleon tiếp tục phát động chiến tranh tổng lực nhằm vào lực lượng Piedmont và giành chiến thắng ở Mondovi.
Quân Piedmont phải đầu hàng và chấp nhận hiệp ước đình chiến Cherasco ngày 28/4. Napoleon chỉ mất một tháng để đánh bại quân Piedmont, lực lượng từng chống Pháp suốt hơn ba năm trước đó. Quân Pháp mất 6.000 binh sĩ, trong khi tổn thất của quân Áo và đồng minh là hơn 25.000 người.
Napoleon cầm cờ dẫn đầu đội quân vượt cầu Arcole. Ảnh: War History.
Sau chiến thắng này, quân Napoleon tiếp tục hướng về Milan, nơi họ đối đầu lực lượng Áo ở cầu Lodi. Cây cầu rộng gần 4 m, dài 61 m và luôn có một khẩu đội pháo binh Áo canh gác.
Napoleon cho kỵ binh vòng bên sườn để tìm đường vượt sông, đồng thời ra lệnh cho bộ binh vượt cầu tấn công để cầm chân đối phương. Chiến thuật này khiến bộ binh Pháp chịu thiệt hại nặng vì trúng đạn pháo của Áo. Một số binh sĩ nhảy xuống sông để tránh đạn và sống sót, nhưng bị kỵ binh đối phương tấn công khi bơi sang bờ bên kia.
Tuy nhiên, lúc này kỵ binh Pháp đã kịp vòng qua sông và bất ngờ tấn công thọc sườn khiến quân Áo không kịp trở tay. Việc đánh bại quân Áo tại cầu Lodi giúp Napoleon chiếm được Milan.
Nhận lệnh từ chính quyền Pháp, Napoleon tiếp tục hành quân đến miền trung Italy, nơi ông được tặng nhiều kiệt tác nghệ thuật để không tấn công các vùng lãnh thổ của Giáo hoàng. Một cánh quân Áo được điều đến đây nhưng bị quân đội Pháp đánh bại ở Lonato.
Sau khi chiến thắng quân Pháp ở vùng Rhine, Áo điều thêm quân đến Italy để đối phó quân đội Napoleon. Ngày 12/10, Napoleon chịu thất bại đầu tiên ở ngoại ô Verona.
Vài ngày sau, ông tìm lại niềm vui chiến thắng bằng trận đánh ở Arcole. Ban đầu, ông chỉ huy quân băng cầu với hy vọng giành thắng lợi như ở Lodi. Khi kế hoạch thất bại, Napoleon cho quân vòng xuống phía nam, xây cầu nổi trên đầm lầy và đánh thọc sườn quân Áo. Dù hai bên đều chịu thương vong lớn, quân đội Pháp là những người giành chiến thắng ở Arcole.
Cuộc chiến kéo dài suốt mùa đông với nhiều trận giao tranh nhỏ. Hai bên đều chịu thương vong nhưng Áo không thể tái chiếm những lãnh thổ bị mất. Tháng 1/1797, quân Napoleon đánh bại đối phương ở Mantua, buộc 30.000 quân Áo đầu hàng.
Dù thất bại, Áo vẫn không chịu đàm phán hòa bình cho đến tháng 4/1797. Napoleon tự mình đứng ra thương lượng, thay vì để công việc này cho các nhà ngoại giao và chính trị.
Áo đã nhượng bộ đáng kể ở Italy và thuộc địa của họ ở Bắc Âu. Bỉ, Hà Lan và bờ tây sông Rhine trở thành lãnh thổ của Pháp, các khu vực Napoleon chiếm được ở miền bắc Italy cũng giành độc lập và trở thành Cộng hòa Cisalpine.
Napoleon sau đó tìm cách lan truyền tin tức về sự vĩ đại của mình. Ông yêu cầu hai tờ báo tung hô thành công cả trong quân đội và ở quê nhà để tăng danh tiếng, mở đường cho việc lên ngôi hoàng đế sau này.
Theo Duy Sơn (VNE)
Hành trình nghiệt ngã tới Anh và cuộc sống như nô lệ Nhiều người nhập cư tới Anh nói rằng hành trình tới Anh là một trong những trải nghiệm kinh khủng nhất đời họ. Điều gì khiến các lao động Việt Nam rời khỏi quê nhà, đánh liều mạng sống trong chuyến đi lành ít, dữ nhiều tới Anh. Nhiều người tin rằng đó là lời hứa hẹn, dụ dỗ từ những kẻ buôn...