Thái Thùy Linh lên tiếng trước sự việc ở chùa Bồ Đề
Là một người có nhiều hoạt động từ thiện – xã hội trong thời gian qua, trước vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), ca sỹ Thái Thùy Linh đã đưa ra ý kiến của riêng mình.
Ngày 4/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 – CATP Hà Nội) đã bắt khẩn cấp hai đối tượng vụ nghi án mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Trước đó, thông tin nghi vấn chùa Bồ Đề làm “trung gian” mua bán trẻ em mồ côi khiến dư luận xôn xao, cộng đồng mạng thể hiện nhiều bức xúc.
Cách đây gần một tháng, sau những bức xúc dồn nén, lại thêm việc nghe được câu chuyện của một người phụ nữ kể về việc cứu một trẻ sơ sinh ra khỏi chùa Bồ Đề đã khiến ca sĩ Thái Thùy Linh có chia sẻ ý kiến trên trang cá nhân. Bài viết của Thái Thùy Linh đã nhận nhiều sự ủng hộ và cả những phản ứng trái chiều…
Thái Thùy Linh mừng vì sự thật khủng khiếp ở chùa Bồ Đề đang được đưa ra ánh sáng
Trong thời điểm dư luận đang “ nóng” lên khi cơ quan điều tra đang hé mở dần sự thật về việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ Thái Thùy Linh về vấn đề này.
Cảm xúc của chị như thế nào khi đường dây mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề đang được phanh phui, cơ quan điều tra vào cuộc bắt giữa và khởi tố một số đối tượng liên quan?
Tôi vừa mừng vừa cảm thấy lo lắng.
Điều khiến tôi mừng nhất là sự việc gây nhức nhối từ lâu, ảnh hưởng đến rất nhiều thứ về về đức tin, chân- thiện- mỹ nhưng do quá nhạy cảm mà không ai dám động vào giờ đã được cơ quan điều tra, được pháp luật can thiệp làm cho sáng tỏ. Mừng cho những đứa trẻ thoát khỏi lòng thương giả tạo và sự chăm sóc hời hợt.
Tôi cũng mừng cho những người thẳng thắn dám đứng lên tố cáo, mừng cho những phóng viên điều tra đã bỏ thời gian dài, bất chấp hiểm nguy để theo đuổi sự việc này. Họ đã vượt qua những trở ngại về sự vất vả, bị đe dọa và nỗi sợ hãi vô hình về quả báo khi động đến nơi đền chùa…để đưa sự thật ra ánh sáng. Chỉ với quan điểm trên trang cá nhân cách đây gần một tháng mà tôi đã bị trách cứ, thậm chí bị chửi bới, bị đe dọa, huống hồ những người xông pha vào tận nơi để điều tra.
Và tôi cũng mừng với suy nghĩ: Sự thật xấu xa được phơi bày, ban đầu có thể khiến những người tình nguyện viên, những nhà hảo tâm cảm thấy bị sốc, bị tổn thương nhưng, thà cắt bỏ cái ung nhọt để làm lại còn hơn là bị mất dần niềm tin.
Bên cạnh đó, tôi vẫn có sự lo lắng. Tôi không rõ câu chuyện này sẽ được làm sáng tỏ đến đâu, đến chừng nào. Người đứng đằng sau mọi việc, liệu sẽ bị xử lý đúng tội không?
Video đang HOT
“Với tư cách người tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, điều tôi lo lắng là, nếu sự việc này không được làm sáng tỏ sẽ khiến nhiều người phẫn nộ, các tình nguyện viên, nhà hảo tâm có thể quay lưng với các hoạt động thiện nguyện”, Thái Thùy Linh chia sẻ.
Trước đây, chị từng tham gia các hoạt động từ thiện tại chùa Bồ Đề chưa?
Tôi chưa sang chùa Bồ Đề làm từ thiện. Gần 3 năm nay tôi quá bận rộn với các hoạt động thiện nguyện như chuỗi chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viên”, “Mặc Ấm vì học sinh dân tộc miền núi”…và nhiều chương trình khác nữa. Tôi có suy nghĩ, chùa Bồ Đề đã nổi tiếng, đã nhận được nhiều sự chung sức của các nhà hảo tâm nên tôi muốn dành sự quan tâm tới những hoàn cảnh khó khăn nơi hẻo lánh, chưa được nhiều hỗ trợ. Gần 1 năm nay tôi có nghe nhiều chuyện tiêu cực ở chùa Bồ Đề nên tất nhiên tôi càng không chọn nơi đó để hoạt động thiện nguyện.
Chị đã nghe những chuyện khuất tất về chùa Bồ Đề từ khi nào, sao chị không lên tiếng sớm hơn, biết đâu sự việc sẽ được xử lý sớm?
Tôi biết nhiều chuyện ở chùa Bồ Đề qua các tình nguyện viên, qua người thân đi từ thiện ở chùa Bồ Đề. Có quá nhiều chuyện nhưng tôi không thể nói ra khi chưa tận mắt kiểm chứng. Tháng trước thì tôi thấy các thông tin đang tin cậy về chùa Bồ Đề càng lúc càng tệ nên dự định tự mình tìm hiểu sâu hơn về chùa Bồ Đề. Tôi và MC Lê Anh đã định hẹn một buổi gặp mặt các nghệ sĩ biết và quan tâm tới chùa Bồ Đề để cùng đóng góp thông tin cho rõ. Nhưng chưa kịp thực hiện thì biết bên báo chí đã điều tra.
Khi tôi chia sẻ những bức xúc nghi vấn trên trang cá nhân, tôi có kêu gọi những ai biết chuyện về chùa Bồ Đề xin lên tiếng? Hàng trăm người đã vào chia sẻ, rất nhiều câu chuyện… Sau tôi phải tạm xóa bài viết trên trang cá nhân vì một nhà báo có nói với tôi đừng gây chú ý kẻo “đánh rắn động cỏ”.
Thái Thùy Linh trong chuyến thiện nguyện “Mặc Ấm vì học sinh dân tộc miền núi”
Có ý kiến tỏ ra lo ngại rằng, khi đường dây mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị phát giác, những đối tượng liên quan bị khởi tố thì gần 200 trẻ em đang sống ở đó có bị lơ là chăm sóc, có bị đói khát hơn khi không nhà hảo tâm nào đến thăm nom?
Tôi lại nghĩ, bình thường những đứa trẻ đã không được chăm sóc cẩn thận rồi. Những ngày này khi mọi con mắt từ dư luận, cơ quan điều tra đang đổ dồn về phía chùa Bồ Đề thì họ sẽ tìm cách… chăm các cháu tốt hơn chứ. Tôi tin các cháu sẽ được đối xử tốt và không cháu nào… mất tích vào thời điểm này. Thực tế, ngay từ khi biết có “biến”, những thông tin khởi đầu trên mạng, trên báo chí thì tôi nhận được thông tin nhà chùa đang sửa, lắp điều hòa cho phòng của các cháu!?
Vậy chị nghĩ sao khi sự việc ầm ĩ tại chùa Bồ Đề sẽ khiến các nhà hảo tâm, những người nhiệt tình với công việc tình nguyện sẽ dần mất niềm tin và quay lưng với các hoạt động thiện nguyện?
Với tư cách người tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, điều tôi lo lắng là, nếu sự việc này không được làm sáng tỏ sẽ khiến nhiều người phẫn nộ, các tình nguyện viên, nhà hảo tâm có thể quay lưng với các hoạt động thiện nguyện. Chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta mất niềm tin vào các nơi, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ?
Tôi mong cơ quan điều tra một cách công minh vụ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này!
Xin cảm ơn chị!
Nguyễn Hằng
Theo Dantri
Diễn biến chi tiết vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề
Cho rằng việc quản lý trẻ em trong chùa rất lỏng lẻo, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã đưa ra những yêu cầu nhằm siết chặt việc quản lý trẻ em đến và đi từ chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội).
Chi tiết vụ án mua bán trẻ em đã được CA TP Hà Nội cung cấp đầy đủ vào chiều 5/8. Theo Phòng PC 45 - CA TP Hà Nội, vụ việc bắt đầu từ tháng 11/2013 khi anh Nguyễn Thành Long (Thái Thịnh, Hà Nội) đến chùa Bồ Đề làm từ thiện. Anh Long đã nhận đỡ đầu một cháu trai sinh ngày 26/10/2013 và đặt tên cháu là Cù Nguyên Công. Ngày 5/1/2014 anh Long đến chùa thăm nhưng không thấy cháu Công ở chùa Bồ Đề và nghi ngờ cháu đã bị mua bán.
Trước đó chị Trần Thị Thu Hà (Phú Thọ) có quan hệ yêu đương với anh Vũ Xuân Trường (Tuyên Quang). Tháng 10/2013, Hà sinh con sau khi có thai với Trường. Sợ gia đình biết, Hà đã cùng với Trường mang cháu đến chùa Bồ Đề nhờ nuôi dưỡng.
Sư trụ trì Thích Đàm Lan bảo Hà gặp Nguyễn Thị Thanh Trang là quản lý nhà Mở ở chùa Bồ Đề, người giúp việc cho sư Thích Đàm Lan (với mức lương 2 triệu đồng/ tháng) để làm thủ tục tiếp nhận cháu bé.
Theo cơ quan công an, việc quản lý trẻ em ở chùa Bồ Đề rất lỏng lẻo, dễ bị tội phạm lợi dụng (Ảnh IT)
Ngày 1/11/2013 có tập đoàn Vision đến chùa làm từ thiện, trong đoàn có anh Nguyễn Thành Long đã gặp và đặt tên cháu bé là Cù Huy Công, đồng thời nhận làm cha đỡ đầu cháu bé.
Trước đó Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, Hoàng Mai, Hà Nội) có nhờ Trang tìm cho một cháu bé khỏe mạnh để nhận làm con nuôi. Nguyệt hứa sẽ bồi dưỡng cho Trang tiền và Trang đồng ý. Sau nhiều lần Hà đến chùa thăm đứa trẻ thì Trang biết chị Hà là mẹ đứa trẻ.
Giữa tháng 12/2013 Trang nói với Hà có người chị dâu của Trang muốn nhận cháu bé làm con nuôi, đồng thời Trang đã nhờ chị Hoàng Thị Minh (SN 1977, Long Biên, Hà Nội) đóng giả làm chị dâu không có con để gặp chị Hà xin làm con nuôi và Hà đã đồng ý.
Trang hẹn chị Hà 1/1/2014 đến chùa Bồ Đề làm thủ tục xin lại con (mục đích đưa cháu bé ra khỏi chùa để giao cho Nguyệt nuôi). Sau khi thỏa thuận với chị Hà, Trang thông báo lại cho Nguyệt biết tại chùa Bồ Đề đang nuôi một cháu trai sơ sinh hơn 1 tháng tuổi (cháu Công). Nếu Nguyệt đồng ý nhận làm con nuôi thì phải đưa cho Trang 40 triệu đồng để Trang đưa cho mẹ cháu bé. Nguyệt đồng ý và vay mượn được 35 triệu đồng.
Đúng hẹn, Trang nhờ mẹ đẻ là bà Trần Thị Sở đón cháu Cù Nguyên Công mang về nhà ở xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. Ngày 2/1/2014 Trang và Nguyệt đưa cháu đi xét nghiệm HIV, và Nguyệt đã đưa cho Trang 35 triệu đồng. Sau đó Nguyệt bế cháu về và đem về quê Ninh Bình làm giấy khai sinh cho cháu là Phạm Gia Bảo, sinh ngày 10/10/2013.
Sau khi nhận tiền, Trang đã gửi qua tài khoản cho chị Hà 10 triệu đồng. Đến tháng 6/2014, Nguyệt liên lạc với Trang bảo cháu bé đang bị bệnh viêm phổi nặng nằm tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Trang muốn đến thăm nhưng Nguyệt không cho. 4 ngày sau Nguyệt thông báo cháu bé đã chết.
Xác định có dấu hiệu của hành vi mua bán trẻ em, ngày 3/8/2014, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt.
Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã thu giữ nơi ở của Phạm Thị Nguyệt nhiều giấy tờ nghi được làm giả để hợp thức hóa nguồn gốc những cháu bé mà Nguyệt đang nuôi. Hiện tại Nguyệt đang nuôi 2 cháu bé khoảng 2 tuổi không phải là con đẻ tại Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội, Phòng PC45 đang xác minh làm rõ việc này.
Quá trình điều tra xác minh tại chùa Bồ Đề hiện có 106 trẻ em độ tuổi từ 1 tháng đến 18 tuổi, có 17 người được nhà chùa giao nhiệm vụ trông trẻ và 2 nhân viên bảo vệ chùa, 2 nhân viên nấu cơm. Việc quản lý nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề không được các cơ quan chức năng cấp phép. Việc quản lý sổ sách và các thủ tục nhận trẻ em vào chùa nuôi dưỡng và thủ tục trả lại trẻ cho gia đình còn nhiều lỏng lẻo, sơ sài, dễ bị tội phạm lợi dụng.
Để làm công tác phòng ngừa tội phạm mua bán trẻ em không xảy ra, Cơ quan CSĐT đã đề nghị chùa Bồ Đề sau khi nhận trẻ em vào chùa nuôi, mỗi trẻ phải có sổ theo dõi riêng, có ảnh dán vào sổ và được đóng dấu giáp lai.
Sau khi nhận trẻ, nhà chùa phải trình báo chính quyền địa phương sở tại ngay. Chùa Bồ Đề phải có quy định về việc quản lý chăm sóc trẻ, phải có bộ phận kiểm tra thường xuyên trách nhiệm với những người được giao chăm sóc trẻ.
Trường hợp khi gia đình có nhu cầu đón trẻ về, ngoài việc có đơn, có xác nhận đóng dấu chính quyền địa phương thì người quản lý trực tiếp phải viết đơn đề xuất với chủ trì chùa, nêu rõ thời gian nhận và thời gian xin trẻ, mục đích, tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi ra khỏi chùa, đồng thời phải thông báo cho chính quyền sở tại biết.
Cơ quan công an cũng yêu cầu hàng tuần nhà chùa phải thông báo cho chính quyền địa phương biết số trẻ hiện đang được nuôi dưỡng trong chùa.
Theo Infonet
Chùa Bồ Đề nhận nuôi, quản lý trẻ: Chính quyền và chùa đều dễ dãi! Quản lý việc nhận nuôi trẻ còn lỏng lẻo. Đó là nhận định của thượng tá Vũ Thái Hưng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP.Hà Nội ngày 5.8 về vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề (Hà Nội). Chính vì sự lỏng lẻo này, nhiều nhà chùa dễ bị lợi dụng, dù có...