‘Thái sư Trần Thủ Độ’ hút khán giả ngay từ tập đầu
Cuốn hút ngay từ những cảnh sông nước đầu tiên trên đường về kinh thành Thăng Long của gia đình Trần Lý, phim “Thái sư Trần Thủ Độ” nhận được khá nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và người trong nghề.
NSND Lan Hương vai Đàm hoàng hậu trong phim Thái sư Trần Thủ Độ (đang phát trên sóng giờ vàng VTV1 và đã phát sóng 1/3 bộ phim trên Đài PT-TH Hà Nội)
Hấp dẫn ngay từ tập đầu
Dưới con mắt của một biên kịch khắt khe, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nhận xét: “Đây là một phim lịch sử chỉn chu. Đạo diễn chắc tay, có nghề và trong hoàn cảnh khó khăn của điện ảnh Việt Nam hiện nay, đó rõ ràng là nỗ lực của những người làm phim”. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng đánh giá cao Thái sư Trần Thủ Độ ở mặt nghề nghiệp: “Phim được làm kỹ lưỡng, câu chuyện rất chặt chẽ. Một bộ phim khá ổn”.
Quả thực, trong bối cảnh phim truyền hình được sản xuất với tốc độ vài ngày/tập, những gì Thái sư Trần Thủ Độ mang đến dễ gây thiện cảm cho khán giả. Từ những pha hành động đẹp mắt chống trả bọn cướp sông trên con thuyền của gia đình Trần Lý trên đường tới thành Thăng Long, cảnh nhà ngục tăm tối với những trận đòn roi của cai ngục đến cả những chi tiết nhỏ như chiếc chuông gió bằng tre được treo trong quán ăn đều tạo cảm xúc rất thật.
Một cảnh trong phim Thái sư Trần Thủ Độ.
Xúc động khi nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả, đạo diễn phim, NSƯT Tất Bình nói ông rất mừng vì mọi thứ đã diễn ra như kỳ vọng. “Bốn năm đắp kho, nhiều người không biết tưởng phim của chúng tôi tồi quá nên không được chiếu. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy chúng tôi không “đốt” tiền của nhà nước một cách vô ích” – đạo diễn phim Thái sư Trần Thủ Độ nói.
Đạo diễn Tất Bình cũng cho biết những người làm phim đã phải vượt qua nhiều khó khăn về kinh nghiệm làm phim đề tài lịch sử cổ trang, về cơ sở vật chất, áp lực của những người nghiên cứu lịch sử và ngay cả những cứ liệu lịch sử tin cậy cũng rất hiếm. “Chỉ riêng việc thảo luận xem ngày xưa các cụ mặc gì cũng đã khiến chúng tôi nhiều phen cãi nhau. Chúng tôi phải căn cứ vào những những hoa văn còn lại của thời Lý – Trần nhưng cập nhật hóa, sáng tạo rất nhiều để phù hợp với một tác phẩm nghệ thuật. Khi chúng tôi xin ý kiến của bên sử học về trang phục, bên ấy rất ngại ngần, chúng tôi lại phải giải thích trao qua, đổi lại. Cũng may, cố vấn lịch sử cho phim là GS Lê Văn Lan đứng ra bảo vệ quan điểm “lịch sử tùy thuộc vào góc nhìn”. Chúng tôi làm phim nghệ thuật chứ không phải làm phim tư liệu lịch sử” – đạo diễn Tất Bình nói.
“Dưới góc độ giải trí, mang đến cho khán giả kiến thức lịch sử, Thái sư Trần Thủ Độ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình” – biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá. “Tuy nhiên, để đánh giá đúng Trần Thủ Độ, để tên tuổi của ông định vị được trong lòng dân tộc đúng với tên phim Thái sư Trần Thủ Độ, cần phải nhắc đến ông với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Chỉ dừng lại ở giai đoạn chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần thì phim chưa đầy đủ và trọn vẹn, tôi hơi tiếc điều này” – bà Nhã nói.
Chỉ là “ánh sao đêm”?
Video đang HOT
Với những phản hồi tích cực từ Thái sư Trần Thủ Độ, không ít người kỳ vọng nếu được quan tâm và đầu tư, các đạo diễn sẽ cho ra mắt những bộ phim lịch sử cuốn hút chứ không phải màn ảnh nhỏ tràn ngập phim lịch sử Hàn Quốc, Trung Quốc như hiện nay. Dù vậy, bà Trịnh Thanh Nhã cho rằng trông chờ những tác động sau bộ phim này là không tưởng. Lý do, theo bà Nhã: “Vì bộ phim này được làm bằng khoản tiền khổng lồ mà không có nhà đầu tư nào chịu nổi ngoài nhà nước”.
Hứa Vĩ Văn và Lã Thanh Huyền tham gia diễn xuất trong phim.
Nhà biên kịch có tiếng này phân tích thêm rằng khó khăn nhất trong làm phim lịch sử hiện nay không phải là kịch bản, diễn viên mà chính là vì quy trình làm phim sai và quá cồng kềnh. “Khi định làm một phim lịch sử thì phải vẽ ra bối cảnh cho khoảng 1.000 tập phim, các nước đều thế cả, chỉ Việt Nam là chơi sang, chỉ dùng một lần. Những gì nhà đầu tư bỏ ra không được bảo tồn; bối cảnh, phục trang của phim sau đó đều bỏ đi vì hư hỏng. Nếu cứ làm một phim lại phải xây dựng một bối cảnh thì không ai dám bỏ tiền ra làm” – bà Nhã nói.
Chung tâm trạng này, đạo diễn Tất Bình tâm sự ông rất tiếc vì tất cả bối cảnh của phim Thái sư Trần Thủ Độ tại trường quay Cổ Loa hồi năm 2008 đã bị phá hủy hoàn toàn. “Cả đoạn tường thành dài 180 m, cao 6 m mà chúng tôi dày công hoàn thiện đã hư hỏng toàn bộ sau mấy năm trời. Giá như có tiền mà làm bằng gạch, đổ bê-tông kiên cố thì sau này còn có cái để quay. Bây giờ nghĩ đến cứ tiếc mãi” – ông Bình nói.
Theo Người Lao Động
Đắng ngắt phim tiền tỷ "đắp chiếu"
Nhìn lại những bộ phim tiền tỷ bị cấm chiếu hoặc khó lên sóng mới thấy những đề tài mà đạo diễn theo đuổi thường "có vấn đề" hơn những bộ phim có đề tài bình thường.
Lịch sử, kinh dị và hành động đến nay vẫn là ba thể loại nằm trong diện nguy hiểm và khó vượt vũ môn nhất.
Làm phim hay làm tiền?
Vừa giành được ba giải quan trọng tại Cánh diều 2013 gồm giải vàng Phim truyền hình xuất sắc nhất, Biên kịch phim Truyền hình xuất sắc nhất và Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc nhất, thế nhưng, đến nay Thái sư Trần Thủ Độ vẫn chưa rục rịch lên bất cứ sóng truyền hình nào.
Thái sư Trần Thủ Độ được đầu tư tới 57 tỉ đồng cho 30 tập phim, một mức kinh phí quá khủng thậm chí đến tận thời điểm hiện tại chứ không phải ba nằm về trước. Đáng lẽ phim được chiếu nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhưng đến nay, dù đã hoàn thành được ba nằm, bộ phim vẫn "bặt vô âm tín".
Giải thích về chuyện không công chiếu trong đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cho rằng: " Bởi về lịch sử Trần Thủ Độ là người tiêu diệt nhà Lý. Đó là chuyện nhạy cảm lịch sử."
Diện mạo bộ phim 57 tỷ đồng tiền thuế của dân vẫn chưa có ngày lộ diện
Trong khi đó, để duyệt từ khâu kịch bản cho tới giai đoạn nghiệm thu thành phẩm cuối cùng của bộ phim lịch sử phục vụ đại lễ này có cả một bộ sậu gồm những cây đa cây đề danh giá như: NGND Lê Đăng Thực, GS.TS.NSND Nguyễn Đình Quang (nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá) và GS Lê Văn Lan - nhà sử học danh tiếng.
Còn bây giờ, chính những người có trách nhiệm cũng không thể lý giải vì sao phim vẫn bị treo và đến khi nào phim được lên sóng. Đạo diễn Đào Duy Phúc từng chia sẻ: " Thái sư Trần Thủ Độ khiến tôi mất 4 năm từ khi tiếp nhận kịch bản cho tới lúc giao xong phim, gấp nhiều lần cho 1 bộ phim điện ảnh tôi từng làm". Đạo diễn Võ Tất Bình cũng đặt bao nhiêu kỳ vọng lên bộ phim.
Các diễn viên cũng đã cống hiến hết sức mình cho bộ phim lịch sử khó nhằn này. Trong khi những người có trách nhiệm dửng dưng ngó lơ thì chỉ có ê kip làm phim là trông ngóng, còn người dân thì ngẩn ngơ không biết bộ phim ngốn 57 tỷ tiền thuế của mình mặt mũi nó ra làm sao mà có cái giá đắt kinh thế!
Chưa khai sinh đã khai tử
Nếu như với Thái sư Trần Thủ Độ, người dân xót tiền của mình bỏ ra cho một bộ phim của Nhà nước thì với Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long, số tiền 100 tỉ đồng đổ vào 19 tập phim bị đóng băng vô thời hạn còn kinh khủng hơn khi nó được một đơn vị tư nhân đầu tư.
Bộ phim dù kịp hoàn thành vào năm 2010 nhưng cuối cùng cũng không thể lên sóng vào dịp Đại lễ do vấp phải quá nhiều ý kiến trái chiều "kết tội" Tàu hóa. Phim đã được yêu cầu chỉnh sửa hết lần này đến lần nọ và sau khi đã hoàn tất thì cũng đang bị đắp chiếu vô thời hạn do chưa có đài truyền hình nào gật đầu cho lên sóng.
Bộ phim 100 tỷ Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long vẫn bị nghẽn sóng
Tính cho đến thời điểm này, những bộ phim lịch sử thành công đếm không đủ trên một bàn tay, vì vậy, việc đổ tiền vào phim lịch sử tựa như đánh một canh bạc lớn. Chẳng vì thế mà sau thành công nhất định của phần đầu Huyền sử Thiên Đô, nhà sản xuất chưa có kế hoạch làm nốt phần sau vì họ bị lỗ nặng do với kinh phí bỏ ra.
Không đến nỗi căng thẳng như mảng phim lịch sử nhưng làm thế nào để bảo đảm được tính hù dọa hay đem đến những pha hành động kịch tính, đẹp mắt mà vẫn bảo đảm được tính chừng mực để không bị tuýt còi là một điều vô cùng khó khăn.
Mong muốn tái hiện góc khuất về thân phận của con người trong cuộc chiến giành địa phận, tình yêu giữa các băng nhóm xã hội đen cũng như cuộc sống Sài Gòn - Chợ Lớn một cách sống động trên màn ảnh rộng, thế nhưng, Bụi đời chợ Lớn đã không thể vượt vũ môn sau nhiều lần làm việc với hội đồng thẩm định.
Bụi đời chợ Lớn nghẹn ngào bị khai tử
Bộ phim 16 tỷ đồng của Charlie Nguyễn cuối cùng đã không thể ra mắt khán giả. Văn bản thông báo chính thức của Cục Điện ảnh "yêu cầu không cho phép phổ biến Bụi đời Chợ Lớn dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không để lọt bộ phim này ra thị trường" như một nhát dao đâm vào tim của tất cả ê kip làm phim, những người đã ngày đêm dồn hết tâm huyết cho sự ra đời đứa con tinh thần.
Nhằm rung lên hồi chuông cảnh báo về lối sống của giới trẻ hiện nay thông qua một câu chuyện được bọc trong lớp vỏ kinh dị, thế nhưng, Bẫy cấp ba cũng đã bị cấm chiếu hoàn toàn. Những tư tưởng giữa hai bên, đơn vị sản xuất khó lòng gặp nhau.
Ông Trần Trọng Dần, Giám đốc sản xuất bộ phim cho rằng: " Nếu cứ giáo dục theo cách giáo điều hay khuyên răn đơn thuần, tôi nghĩ nó sẽ không hiệu quả. Tôi muốn thông qua phim ảnh, vừa mang tính chất giải trí thì hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn". Trong khi đó, Hội đồng duyệt phim vẫn quả quyết bộ phim không hề có tính giáo dục như ông Dần chia sẻ.
Bẫy cấp 3 bị cho là thiếu tính giáo dục
Một khi phim không được ra rạp thì khó có thể nói bên nào đúng, bên nào sai. Nhưng có một điều chắc chắn, khi cánh cửa kiểm duyệt càng lúc càng khắt khe thì thách thức cũng ngày một lớn lên cho các nhà làm phim.
Nếu muốn làm nên điều gì khác biệt cho nền điện ảnh nước nhà, trước khi nghĩ đến chuyện làm thế nào để trở thành ông vua phòng vé, các nhà làm phim phải nghĩ đến việc làm thế nào để vượt vũ môn êm xuôi. Cẩn thận với tiền tỷ của dân cũng như của chính mình!
Theo Khám phá
Những con số 'thất kinh' của phim Việt 2012 44 tỷ đồng "bốc hơi", phim 57 tỷ qua 2 năm vẫn "đắp chiếu" hay 25 tỷ thu được nhờ phim hài nhảm là con số khiến nhiều người phải suy ngẫm về điện ảnh Việt năm nay. Cát nóng với 6 tỷ đồng Phim Cát nóng của Lê Hoàng đang gây ra nhiều tranh cãi. Bộ phim Cát nóng của đạo diễn...