Thái Nguyên: Chưa có “thuốc” trị dứt điểm vàng tặc
Những đợt truy quét “ vàng tặc” ở một số điểm nóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dường như mới đem lại kết quả mang tính thời vụ. Lán trại, tàu cuốc của các đối tượng khai thác vàng trái phép lại xuất hiện sau khi đoàn kiểm tra liên ngành rút quân.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Trung tuần tháng 10, trở lại cánh đồng Thác Kiệm ở xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, chúng tôi chứng kiến cảnh nhộn nhịp khoét núi bới vàng như 9 tháng trước. Ở chuyến đi lần trước, chúng tôi có mặt tại khu khai thác vàng trái phép cùng sự có mặt của trưởng xóm Xuyên Sơn. Khi đó, các đối tượng khai thác trái phép lẳng lặng tắt máy, rút vào các hang hốc trên núi để tránh ống kính phóng viên.
Các đối tượng khai thác vàng trái phép tại Thác Kiệm, xã Thần Sa. Ảnh: V.Hải
Video đang HOT
Lần này, thái độ “đón tiếp” của các bưởng vàng không còn “lành” như trước. Đứng từ trên núi, có thể dễ dàng phát hiện sự có mặt của người lạ đi vào cánh đồng Thác Kiệm phía dưới, nhưng các bưởng vàng vẫn tiếp tục điều hành “ phu vàng” làm việc. Một người đàn ông dáng bặm trợn cầm xẻng chỉ về phía chúng tôi, giọng hằn học: Đi chỗ khác cho bọn tao làm”.
Gần 20 lán trại cùng máy nổ, máy phát điện, máy nghiền cùng vài chục con người thực hiện việc đào, nghiền, đãi vàng ngay giữa ban ngày. Việc khai thác vàng trái phép ở xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa không phải xảy ra lần đầu.
Còn nhớ, sau bài viết Báo Lao Động đăng vào cuối tháng 1.2011, UBND huyện Võ Nhai đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành truy quét, phá hủy lán trại, tịch thu phương tiện của các đối tượng khai thác vàng trái phép. Nhưng chỉ vài tháng sau các bưởng vàng lại kéo về, ban đầu lác đác vài lán trại, sau đó cả khu vực lại nhộn nhịp như một công trường thực sự.
Thậm chí, các đối tượng còn dựng cả nhà gỗ dưới chân núi làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, có đường điện, chảo thu sóng TV. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các bưởng vàng chủ yếu đến từ nơi khác, còn nhân công đào vàng ở các hang hốc trên núi chủ yếu là người dân địa phương. Ngoài cánh đồng Thác Kiệm, ở các khu vực như Tân Kim, Thượng Kim của xã Thần Sa cũng xuất hiện một số máy xúc lấy lý do làm đường, làm ruộng nhưng thực chất là được sử dụng vào việc khai thác vàng trái phép; gần chục lán trại của dân đào vàng cũng có mặt ở khu vực Hang Gió.
Ở một điểm nóng khác về khai thác vàng sa khoáng trái phép là xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, UBND xã cũng vừa tổ chức truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép, thu giữ một máy xúc. Nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính đối phó sau khi có sự bức xúc của người dân. Ở thời điểm chúng tôi có mặt, một đoạn suối Hoan – cách trụ sở UBND xã chừng 500m – đã bị các đối tượng khai thác “nắn chỉnh” dòng chảy. Một chiếc tàu cuốc vẫn nằm chình ình ven suối với đầy đủ dụng cụ xúc, sàng tuyển. Trên bờ suối là một ao tự tạo để chứa phần đất cát được cho là có vàng sa khoáng chờ sàng lọc.
Thiếu giải pháp căn cơ
Ông Trần Văn Tập – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thần Sa, huyện Võ Nhai – lý giải việc tái diễn nạn khai thác vàng trái phép: “Do địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông khó khăn; người dân trong xã không còn khai thác được nguồn lợi từ rừng nên đã đi đào vàng trái phép”.
Chiếc tàu cuốc trên dòng suối Hoan chỉ nằm cách UBND xã Cây Thị hơn 500m.
Lý do khó quản lý do địa hình khó khăn chưa được thuyết phục lắm. Bởi lẽ, như điểm khai thác trái phép ở cánh đồng Thác Kiệm, không khó để nhận thấy các lán trại của các đối tượng đào vàng. Nơi này chỉ cách nơi sinh sống của người dân xóm Xuyên Sơn có một quãng đồng và các PV cũng đã không ít lần mục kích tận nơi địa điểm này. Một thực tế nữa là cứ sau mỗi lần có PV xuất hiện phản ánh, lực lượng chức năng của huyện lại ra quân truy quét và đều đạt hiệu quả.
Gần đây nhất – ngày 25.10, lực lượng chức năng huyện Võ Nhai đã ra quân truy quét vàng tặc từ khu vực Hang Hút đến lũng Tu Lườn, cánh đồng Thác Kiệm, Hang Gió, phá hủy trên 20 lán trại, thu giữ 7 máy nổ, 1 máy phát điện, hơn 700m ống dẫn nước. Còn các đối tượng khai thác vàng trái phép chỉ bị phạt hành chính, không thấy nhắc đến trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở do để tái diễn tình trạng kể trên. Chưa có được giải pháp mang tính căn cơ, nên nạn khai thác vàng trái phép tại các điểm nóng vẫn chực chờ bùng phát.
Theo Lao Động
Khai thác vàng trái phép tại Bắc Kạn vẫn "nóng"
Sau nhiều năm tìm kiếm, thăm dò trữ lượng vàng tại 6/8 huyện, thị xã của tỉnh Bắc Kạn gồm huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì, Chợ Mới, Pác Nặm, Bạch Thông, các cơ quan chức năng đã xác định được 17 mỏ, điểm quặng có vàng gốc, vàng sa khoáng với trữ lượng khoảng 30 tấn.
Một điểm khai thác vàng trái phép. (Ảnh minh họa: Thế Lập/TTXVN)
Theo các tài liệu thu thập được, 7 điểm vàng lớn tập trung tại huyện Ngân Sơn, trong đó mỏ vàng gốc Pác Lạng xã Thượng Quang vẫn được đánh giá nhiều vàng nhất, với trữ lượng khoảng 22,260 tấn.
Huyện Na Rì có 3 điểm vàng sa khoáng tập trung dọc theo dòng sông ngầm dưới dãy núi đá vôi, phun chảy từ khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ ra sông Bắc Giang thuộc địa phận các xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Tân An, Lương Thành có trữ lượng khoảng 5,694 tấn...
Ngoài các tài liệu thăm dò về vàng, Bắc Kạn đang sở hữu 165 điểm mỏ khoáng vật có giá trị kinh tế cao như 70 mỏ và điểm quặng chì kẽm, trữ lượng khoảng 4 triệu tấn, 13 mỏ và điểm mỏ quặng sắt, trữ lượng khoảng 22 triệu tấn; 150 triệu m3 đá vôi đá làm ximăng; khoảng 460 triệu m3 đá trắng, đá thạch anh; trên 10 triệu m3 đất sét ximăng...
Để bảo vệ được nguồn tài nguyên khoáng sản này, tỉnh Bắc Kạn đã có những động thái rất quyết liệt trong việc lập lại trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn, nhưng việc khai thác trái phép không những không giảm mà còn gia tăng phức tạp hơn.
Riêng tình trạng khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ diễn ra suốt từ năm 1986 đến nay vẫn chưa dẹp bỏ được. Mỗi lần chính quyền tổ chức truy quét tình hình tạm lắng xuống sau đó lại bùng phát dữ dội hơn. Nạn khai thác trái phép này đã tàn phá nguồn tài nguyên khoáng sản, tàn phá môi trường, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ông Ma Trương Thiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn cho biết tỉnh đã ra hẳn một nghị quyết về vấn nạn này. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý, ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản trái phép, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy trình khai thác và thực hiện các quy định về an toàn trong sản xuất, khai thác khoáng sản. Tỉnh giao trách nhiệm cá nhân và hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo chủ chốt các huyện, xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Đầu tháng Năm vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh đã ra quân truy quét và xử lý 4 máy xúc của 3 đối tượng khai thác vàng trái phép, mỗi đối tượng vi phạm bị phạt 80 triệu đồng. Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh còn quyết định phạt 6 đối tượng có vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản tại huyện Ngân Sơn, mỗi đối tượng 70 triệu đồng và tịch thu 8 máy xúc.
Tuy địa phương đã mạnh tay xử lý các vụ vi phạm song trên thực tế người khai thác vàng trái phép tại đây vẫn không chịu bỏ cuộc, vì mức phạt cao nhất hiện nay là 80 triệu đồng chưa đủ sức mạnh răn đe và không đáng kể so với lợi ích họ có được từ khai thác trái phép tài nguyên. Do đó, cần phải có chế tài đủ mạnh để loại bỏ tận gốc nạn khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.
Theo TTXVN
Quảng Ngãi: Đồng loạt tấn công "vàng tặc" Chưa bao giờ tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra ồ ạt ở một số huyện miền núi Quảng Ngãi như thời gian vừa qua. Hàng loạt con sông, suối ở nhiều xã trên địa bàn huyện miền núi Sơn Hà, Tây Trà... đang biến thành các bãi khai thác vàng trái phép. Tại đoạn sông Rin thuộc thôn Làng Nà,...