Thai ngoài tử cung và những điều bạn cần biết
Thai ngoài tử cung nếu phát hiện muộn sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng của người mẹ.
Vì nhiều nguyên nhân như vòi trứng bị hẹp hay tắc, trứng di chuyển chậm dẫn đến phôi thai không làm tổ và phát triển bên trong lòng tử cung, sẽ nằm lại bên ngoài tử cung và phát triển tại đó. Trong tình huống này, thai phụ cần nhận biết được các dấu hiệu nghi ngờ để kịp thời đến cơ sở y tế xử trí, tránh những biến chứng nguy hiểm do thai ngoài tử cung gây ra.
Vị trí thường gặp
Thai ngoài tử cung có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi trứng (thường gặp nhất), hoặc bám phía trên buồng trứng, thậm chí nằm trong ổ bụng hay nằm tại cổ tử cung. Nếu khối thai nằm bên trong vòi trứng, khi thai phát triển sẽ làm vòi trứng bị giãn to dần và căng phồng (gây đau thường xuyên vùng bụng dưới) và có thể bị rạn nứt (gây chảy máu ít, âm ỉ rỉ ra trong bụng). Khối thai có thể bị vỡ ra khi vượt quá khả năng căng giãn của vòi trứng, khi đó sẽ làm chảy máu nhiều ồ ạt trong ổ bụng. Trường hợp này cần phải mổ cấp cứu để cầm máu.
Thai ngoài tử cung ở vị trí ngay chỗ nối giữa vòi trứng và tử cung (gọi là thai đoạn kẽ, thai sừng hay thai góc tử cung) là nguy hiểm nhất vì khó chẩn đoán được sớm, gây mất máu nhiều và nhanh khi thai vỡ, ảnh hưởng nhiều đến khả năng có thai sau này.
Dấu hiệu thai ngoài tử cung
Video đang HOT
- Chậm kinh: Người bệnh có dấu hiệu chậm kinh, thử nước tiểu cho thấy dấu hiệu có thai, thậm chí có thể gặp các dấu hiệu ốm nghén.
- Chảy máu âm đạo: Xuất hiện muộn hơn, thường là lượng máu ít, đen sậm và kéo dài. Có khi chảy máu xuất hiện gần với ngày có kinh (theo chu kì), làm cho người bệnh nhầm tưởng là mình đang có kinh, hay đang bị rong kinh nên chủ quan không đi khám.
- Đau bụng: Đau bụng, thường là do tình trạng căng giãn của vòi trứng. Người bệnh thường có biểu hiện đau bụng âm ỉ ở một bên vùng bụng dưới rốn, đau có thể giảm tạm thời với các thuốc giảm đau nhưng sẽ đau trở lại sau khi thuốc giảm đau hết thời gian tác dụng. Hiếm hơn, có người có cảm giác đau vùng vai, do có hiện tượng tích tụ dịch hay máu trong ổ bụng, gây phản xạ trên thần kinh vùng bụng và gây ra đau vai.
Nếu có cơn đau dữ dội, da xanh xao và cảm giác mệt lả người hay ngất xỉu là dấu hiệu khối thai bị vỡ, có thể gây chảy máu nhiều trong ổ bụng, rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do đó, khi bắt đầu có dấu hiệu mang thai (thử que nước tiểu hoặc có các dấu hiệu ốm nghén), thai phụ cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và được tư vấn đầy đủ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ thai ngoài tử cung, cần phải nhập viện ngay để các bác sĩ theo dõi, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời sẽ hạn chế được biến chứng và tăng khả năng năng duy trì chức năng sinh sản bình thường.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Yêu an toàn khi 'bầu bí'
Mang thai và sinh nở là thiên chức tuyệt vời của người phụ nữ. Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, làm cho người phụ nữ mệt mỏi và lo lắng dẫn đến việc e dè, thậm chí kiêng quan hệ tình dục. Hãy hiểu đúng về chuyện yêu an toàn khi mang thai có thể đem lại cho bạn cảm giác vui vẻ và an toàn.
Đối với một số cặp vợ chồng, việc mang thai có thể làm cho họ lo lắng, căng thẳng và có thể dẫn tới việc có cảm giác không thỏa mãn. Hãy trao đổi một cách cởi mở với nhau sao cho hai người có thể hiểu được những gì khiến bạn và vợ bạn thấy thoải mái và những gì không nên.
Nhiều cặp vợ chồng đã quyết định đoạn tuyệt với tình dục trong suốt quá trình mang thai. Điều này là không nên, bởi khi mang thai, người phụ nữ vẫn có thể chiều chồng và bản thân họ vẫn có nhu cầu tình dục. Chồng bạn cũng cần được chia sẻ và yêu thương. Điều quan trọng là các bạn trao đổi với nhau về những cảm giác và nhu cầu của mỗi người. Hãy nhớ rằng có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu và cảm xúc như vuốt ve, âu yếm hay các động tác massage...
Sự chăm sóc và chia sẻ giữa hai bên trong quan hệ tình dục (QHTD) là một trong các yếu tố quan trọng tạo nên hạnh phúc. Hãy làm theo những gì bạn cho là đúng và khiến bạn cũng như người bạn đời cảm thấy thoải mái nhất. Các nghiên cứu cho thấy, "chuyện ấy" rất có ích cho việc mang thai, các bà bầu sẽ có một tâm trạng thoải mái hơn. Có nghiên cứu cho rằng trong quá trình mang thai mà không QHTD dễ dẫn tới việc giảm sự bài tiết sữa để nuôi con. Nhưng điều quan trọng là chúng ta cần phải biết cách QHTD khi có bầu là như thế nào để có thể phòng tránh các nguy cơ xấu xảy ra.
Vượt qua trở ngại
Ngực và núm vú: Vuốt ve ngực mang lại cảm giác thật thú vị khi yêu, đặc biệt là màn dạo đầu. Thế nhưng khi vợ mang bầu, việc vuốt ve ngực sẽ có những điều bất lợi. Ở 3 tháng đầu, ngực và núm vú đang bị đau, nên việc vuốt ve sẽ gây khó chịu. Trong những tháng cuối của thai kỳ thì núm vú của bạn đang căng sữa và rò rỉ sữa non. Đặc biệt, trong suốt quá trình mang thai, khi QHTD không nên kích thích vào ngực, vì có thể làm tăng tiết prolactin khiến tử cung co bóp nhiều hơn, dễ gây sẩy thai hoặc đẻ non.
Dễ bị các bệnh phụ khoa: Phụ nữ mang thai rất dễ bị bệnh lây truyền qua đường tình dục trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ, thông thường có thể bị nhiễm nấm hay viêm âm hộ, âm đạo, viêm bàng quang, cũng không loại trừ các loại bệnh nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong cho em bé. Vì thế người chồng nên mang bao cao su trong suốt thời gian vợ có thai, để phòng nhiễm khuẩn. Người vợ cũng cần chú ý giữ vệ sinh cơ thể và bộ phận sinh dục sạch sẽ hơn.
Yêu khi mang thai có ảnh hưởng tới em bé?
Nhiều cặp vợ chồng thường có tâm trạng lo lắng rằng việc QHTD khi mang thai sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi, thậm chí khiến em bé chào đời sớm (sinh non). Trên thực tế, trong suốt quá trình thai nghén, cả vợ hoặc chồng và thai nhi đều khỏe mạnh, không gặp phải bệnh lý hay bất kỳ rắc rối, phiền toái nào thì việc yêu trong thời kỳ thai nghén đều an toàn, điều băn khoăn thường chỉ là QHTD ở tư thế nào là thích hợp. Tuy nhiên, cũng cần biết đến một số tình huống đặc biệt như: khi thai nghén đang có nguy cơ cao bị chuyển dạ sớm thì không nên QHTD và nếu có QHTD thì không nên xuất tinh vì trong tinh dịch có chất gây co bóp tử cung. Tuy QHTD không gây ra vỡ màng ối sớm nhưng nếu bà bầu bị rỉ nước ở những tháng cuối thì cũng cần kiêng QHTD để phòng nhiễm khuẩn cho thai. Vào những tháng cuối của thai kỳ, việc QHTD nên nhẹ nhàng và lựa chọn tư thế thích hợp, tránh những tư thế đè nén vào tử cung, tránh việc giao hợp quá sâu và tránh kích thích âm đạo quá mức. Cần lưu ý, đôi khi việc đạt đến cực khoái khi QHTD trong tháng thứ 9, có khả năng gây nên co bóp mạnh ở tử cung, dẫn đến sinh non.
Người chồng và cả người vợ cần biết rằng bộ phận sinh dục nữ khi có thai chứa nhiều máu hơn và có khuynh hướng to lên, mềm ra, dễ giãn rộng hơn và sâu hơn, song khi có kích thích tình dục thì âm đạo vẫn tiết dịch nhầy làm trơn niêm mạc và cổ tử cung thì vẫn đóng kín. Nên khi QHTD, dương vật không có khả năng đụng chạm được tới bào thai, do vậy dù QHTD đều đặn cũng không ảnh hưởng tới sự phát triển của em bé trong tử cung.
Cần tránh QHTD trong những trường hợp sau: Khi bà bầu ra máu không rõ nguyên nhân và có tiền sử sẩy thai, có dấu hiệu song thai, rau tiền đạo, có bệnh sử hoặc tật hở eo tử cung, đã có tiền sử đẻ non, ra huyết một vài lần trong thai kỳ, tiền sử vỡ ối sớm, bị nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ (biểu hiện nôn nhiều...), biểu hiện triệu chứng của mắc bệnh phụ khoa (đau, rát khó chịu vùng phần phụ...).
Theo BS. Đông Hà
Sức khỏe đời sống
Thay đổi ở da, chị em nghĩ ngay đến... ung thư Bạn nên đi khám ngay lập tức để tầm soát ung thư nếu thấy một trong các triệu chứng "báo động đỏ" dưới đây. 1. Chảy máu bất thường Ho ra máu có thể là dấu hiệu của ung thư phổi. Vệt máu sẫm trong phân có thể là dấu hiệu ung thư đại tràng hoặc trực tràng. Ung thư cổ tử cung...