Thái loại bỏ toàn bộ quan chức thân Thaksin
Quân đội Thái đang tiến hành một cuộc cải tổ có hệ thống để tước quyền của những quan chức được cho là trung thành với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, Reuters đưa tin.
Động thái trên dường như là một nỗ lực để phá hủy thành trì ủng hộ với Thaksin và để đảm bảo rằng vị cựu lãnh đạo này không thể quay lại nắm quyền.
Tỉnh trưởng của 13 tỉnh đã bị thuyên chuyển, hầu hết là những người ở các vùng đông bắc và bắc ủng hộ Thaksin, các sĩ quan thuộc Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) cho biết.
Các lãnh đạo quân sự nắm quyền cũng tái cơ cấu lực lượng cảnh sát, từ lâu được coi là thành trì ủng hộ với Thaksin và em gái ông này Thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra. Thaksin làm cảnh sát suốt 13 năm trước khi từ chức để khởi nghiệp kinh doanh của riêng mình.
Bản thân ông Thaksin cũng bị lật đổ khỏi chức Thủ tướng trong một cuộc đảo chính năm 2006 và hiến pháp Thái đã được viết lại dưới thời chính phủ được quân đội hậu thuẫn nhằm hạn chế ảnh hưởng chính trị của cựu Thủ tướng này. Tuy nhiên, vài năm sau, vào 2011, em gái của Thaksin lại lên nắm quyền sau khi thắng trong tổng tuyển cử.
Thời điểm này, quân đội dường như có ý định đảm bảo rằng Thaksin lẫn những người thân trong gia đình không còn cơ hội trở lại nắm quyền.
“Họ sẽ kết thúc những gì đã khởi động năm 2006. Họ sẽ gây khó khăn cho những người trung thành với Thaksin đang muốn tìm đường quay lại”, Kan Yuenyong, một nhà phân tích chính trị tại đơn vị tình báo Siam nói.
Video đang HOT
Quân đội đã bắt hàng loạt người ở cả hai phía xung đột chính trị song bắt nhiều người thuộc phe áo đỏ ủng hộ Thaksin hơn. Quân đội cũng đóng cửa các đài phát thanh của người ủng hộ Thaksin cũng như đóng băng tài khoản ngân hàng của một số người khá.
Ngoài ra, ít nhất 17 sĩ quan cảnh sát cấp cao đã bị thuyên chuyển vào tuần trước, Reuters dẫn tài liệu của NCPO. Cuộc thanh trừng cũng loại cả những chỉ huy hàng đầu của Cơ quan điều tra đặc biệt – cơ quan tương tự FBI ở Mỹ. Người đứng đầu cơ quan điều tra đặc biệt Tarit Pengdith cũng bị chuyển công tác.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của cả cảnh sát lẫn quân đội đều phủ nhận một cuộc thanh trừng đang diễn ra.
“Việc sắp xếp đó không phải vì mục đích chính trị mà chỉ dựa trên sự phù hợp”, phó phát ngôn viên lục quân Winthai Suvaree nói.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Thái đề nghị giấu tên lại vẽ ra một bức tranh khác. “Đó là một cuộc thanh trừng có hệ thống để đảm bảo những người ở vị trí chủ chốt sẽ hợp tác với quân đội. Việc đó đồng nghĩa rằng những ai thân với Thaksin sẽ bị loại”.
Từ trước tới nay, cảnh sát nằm dưới quyền chỉ đạo của văn phòng Thủ tướng. Các nhà chỉ trích cáo buộc thủ tướng bị lật đổ Yinluck đã giữ toàn người thân tín trong lực lượng này và bổ nhiệm em rể Thaksin là Priewpan Damapong là cảnh sát trưởng quốc gia sau khi đắc cử năm 2011.
Hoài Linh
Theo_VietNamNet
Nổ tại điểm biểu tình ở Bangkok
Hai người biểu tình chống chính phủ đã bị thương trong một vụ nổ bên ngoài văn phòng thủ tướng Thái Lan khi các phe phái trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài sẵn sàng cho một cuộc chiến về người sẽ điều hành đất nước.
Những người Ảo Đỏ ủng hộ chính phủ reo hò trong một cuộc tuần hành ở tỉnh Nakhon Pathom hôm 10/5. (Ảnh: Reuters)
Chính phủ lâm thời trung thành với thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra đang níu lấy quyền lực và hy vọng về một cuộc tổng tuyển cử vào tháng Bảy tới để khôi phục lại uy quyền của mình.
Tuy nhiên, các phe đối lập lại nhạo báng tính hợp pháp của nó và đang kêu gọi thượng viện, tòa án và Ủy ban bầu cử bổ nhiệm một thủ tướng mới.
Các phương tiện truyền thông đưa tin những kẻ tấn công không xác định đã ném một quả lựu đạn về phía những người biểu tình chống chính phủ bên ngoài Tòa nhà Chính phủ vào khoảng nửa đêm. Trong khi đó, văn phòng thủ tướng đã bị bỏ trống trong vài tuần.
"Đó là một vụ nổ khiến hai người biểu tình bị thương nhẹ nhưng chúng tôi không thể xác định liệu đó có phải là một quả lựu đạn hay không," hãng thông tấn Reuters trích lời một sĩ quan cảnh sát cho biết.
Thái Lan đã bị chia cắt trong nhiều năm bởi cuộc đấu tranh giữa những người theo chủ nghĩa bảo hoàng và Thaksin Shinawatra, một cựu tài phiệt truyền thông, người đã nâng vị trí của mình trên chính trường một cách ngoạn mục với các chính sách mà ông đã dành được sự trung thành của những người nghèo ở nông thôn và thành thị.
Tuy nhiên, sự thành công của Thaksin lại đặt ra một thách thức đối với tầng lớp quyền lực truyền thống tại Bangkok. Ông đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006 và phải sống lưu vong ở nước ngoài kể từ khi bị kết tội tham nhũng vào năm 2008.
Thaksin hay những người trung thành với ông đã chiến thắng trong các cuộc bầu cử từ năm 2001 và bà Yingluck, em gái ông, đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan sau chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011.
Những người ủng hộ phe đối lập đang tham gia vào các cuộc biểu tình tại những địa điểm khác nhau ở trong và ngoài thủ đô Bangkok. Điều này gây ra lo ngại rằng các cuộc đụng độ sẽ xảy ra giữa những nhà hoạt động có vũ trang.
Bà Yingluck đã bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan phế truất vào hôm thứ Tư (7/5), sau 6 tháng diễn ra các cuộc biểu tình bạo lực chống lại bà.
Đảng Pheu Thai của bà Yingluck hiện vẫn đang điều hành một chính phủ lâm thời. Họ hy vọng sẽ tổ chức và giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 20/7 tới.
Những người Áo Đỏ ủng hộ Yingluck đã lên án việc phế truất bà là một cuộc đảo chính tư pháp và cảnh báo về một phản ứng cứng rắn nếu chính phủ tạm quyền của họ cũng bị lật đổ.
Sầm Hoa
Theo_VietNamNet
Người đứng sau đảo chính quân sự Thái Vị tướng lãnh đạo cuộc đảo chính ở Thái nổi tiếng là người bảo vệ hoàng gia mãnh liệt, một đối thủ của cựu thủ tướng ở tâm điểm cuộc khủng hoảng chính trị quốc gia, và là một người hay cáu dễ bị nổi đóa vì những câu hỏi khó chịu. Theo AP, khi đạo diễn cuộc đảo chính hôm 22/5, tướng...