Thái Lan và Malaysia bỏ AFF Cup 2020: Sự thật hay chỉ là “đòn gió”?
Những thông tin liên tiếp gần đây đã chỉ ra rằng ĐT Thái Lan và ĐT Malaysia muốn bỏ AFF Cup 2020. Đó là sự thật hay chỉ là “đòn gió”?
Những ngày qua, dư luận trong khu vực “dậy sóng” với thông tin ĐT Thái Lan muốn bỏ AFF Cup 2020 do lịch thi đấu dày đặc vào cuối năm. Khi việc đội bóng giàu thành tích nhất khu vực có tham dự AFF Cup hay không vẫn còn là dấu hỏi thì lại tiếp tục xuất hiện tin đồn về việc ĐT Malaysia cũng sẽ không tham dự giải đấu danh giá nhất Đông Nam Á cấp ĐTQG.
Vậy điều này có thể trở thành sự thật hay đó chỉ là những “chiêu trò” từ phía Malaysia và Thái Lan?
Vì sao xuất hiện thông tin Thái Lan và Malaysia muốn bỏ AFF Cup 2020?
Đầu tiên phải khẳng định ở thời điểm này, tất cả các nền bóng đá trong khu vực Đông Nam Á đều đang ở trạng thái “đóng băng” do dịch Covid-19. Các giải VĐQG đều không thể diễn ra khiến lịch thi đấu chắc chắn sẽ bị “dồn toa” về cuối năm. Điều này buộc LĐBĐ các nước phải tiến hành cân đối lại lịch trình các giải đấu để cấp ĐTQG không bị ảnh hưởng.
Khả năng tham dự AFF Cup 2020 của cả Thái Lan lẫn Malaysia đều đang bỏ ngỏ. (Ảnh: AFF).
Chính vì thế, việc cân nhắc “nặng, nhẹ”, giải đấu nào quan trọng hơn hay giải đấu nào bắt buộc phải tham gia cũng là điều mà các vị lãnh đạo ở các LĐBĐ tại Đông Nam Á chắc chắn phải tính đến. Về mặt này, đương nhiên vòng loại World Cup 2022 “có giá” hơn rất nhiều so với AFF Cup.
Bên cạnh đó, việc cả Thái Lan, Việt Nam lẫn Malaysia đều đang có cơ hội lớn để vào vòng loại thứ ba của World Cup 2022 khiến những toan tính trở nên chi li, kỹ càng hơn bởi chỉ một quyết sách sai lầm lúc này cũng khiến thành tích của nên bóng đá có nguy cơ đi xuống.
Vậy Thái Lan và Malaysia thực sự muốn bỏ AFF Cup 2020 hay đó chỉ là “đòn gió”?
Đầu tiên phải khẳng định rằng AFF Cup là giải đấu có truyền thống và có sức hút lớn trong khu vực. Có thể chất lượng giải đấu chưa quá cao và FIFA cũng chỉ công nhận đây giống như những trận giao hữu nhưng tính cạch tranh và sự ganh đua của giải đấu này là điều không ai ở Đông Nam Á có thể bàn cãi.
Ở một khu vực mà bóng đá như một thứ “tôn giáo” hàng đầu với hơn 600 triệu “tín đồ” cùng sự đa dạng văn hóa, AFF Cup giống như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Dù các đội tuyển bóng đá trong khu vực có đạt đến thành tích gì ở cấp châu lục thì AFF Cup vẫn giống như một nơi để các nền bóng đá khẳng định tham vọng cùng sự phát triển.
Sẽ không có màn siêu kinh điển ĐT Việt Nam – Thái Lan ở AFF Cup vào cuối năm nay?
Trong quá khứ, có thể có thời điểm Thái Lan dự giải đấu năm 1998 hay 2018 với đội hình không phải mạnh nhất nhưng khát khao vô địch cùng quyết tâm thể hiện hình ảnh trên sân của họ là không thay đổi. Chính vì thế, có thể nói rằng chỉ có lý do “không thể khác” mới khiến bất cứ đội bóng nào ở Đông Nam Á bỏ AFF Cup.
Tuy nhiên, những thông tin về việc Thái Lan và Malaysia muốn bỏ AFF Cup 2020 không đơn thuần là “đòn gió”. Đó chính xác hơn mới chỉ là một trong rất nhiều phương án mà 2 LĐBĐ ở những nước này đưa ra trong tham vọng khôi phục lại nền bóng đá sau đại dịch Covid-19.
Dù vậy, tất cả vẫn chưa có gì là chắc chắn bởi dịch bệnh chưa biết khi nào mới qua đi và những quyết định cuối cùng sẽ chỉ được đưa ra khi Covid-19 chính thức được kiểm soát.
Vào lúc này, chưa thể khẳng định bất cứ điều gì về tương lai của AFF Cup 2020 cũng như các giải đấu bóng đá trong khu vực. Hi vọng, dịch Covid-19 sẽ sớm qua đi để AFF Cup 2020 vẫn sẽ là giải đấu chất lượng với sự tranh tài của các đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á./.
Trần Tiến
Thai League chưa thể trở lại, Văn Lâm nghỉ thêm 2 tháng
Ông Thanawat Nitikanchana, Chủ tịch CLB Ratchaburi Mitr Phol cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát tại Thái Lan sẽ khiến Thai-League nghỉ thêm ít nhất 2 tháng.
Như đã đề cập, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) với người đứng đầu là Chủ tịch Somyot Poompanmuang tuyên bố rằng việc đá lại vào ngày 2-3 tháng 5 là khó khăn và có 4 cách tổ chức khác.
Phương án 1 là từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 21 tháng 11. Phương án 2 là từ ngày 2 tháng 6 đến 13 tháng 12. Phương án 3 từ ngày 1 tháng 7 đến 20 tháng 12 và cuối cùng là từ 1 tháng 8 đến 20 tháng 12. Với mỗi giai đoạn sẽ có chi tiết khác nhau.
Văn Lâm đang đối diện với thời gian nghỉ quá dài ở Thai-League. Ảnh: Muangthong United
Sắp tới các CLB sẽ bàn bạc phương án cụ thể, kèm theo các câu hỏi như có thi đấu thêm Cúp QG, hoặc cắt giảm một nửa giai đoạn kết hợp cho các cầu thủ ĐTQG dự AFF Cup 2020...
Ngày 14/4 tới tại Bộ Du lịch và thể thao Thái Lan, lãnh đạo 34 CLB Thai-League 1 và Thai-League 2 sẽ có cuộc họp trực tiếp để bàn bạc những vấn đề liên quan nền bóng đá Thái Lan.
Chủ tịch Thanawat Nitikanchana của CLB Ratchaburi Mitr Phol cho biết: "Cá nhân tôi đồng ý với các phương án được gợi ý đại khái của Chủ tịch Somyot. Bởi vì quay trở lại để đá vào ngày 2 tháng 5 chắc chắn là không thể.
Nhưng giải đấu phải trở lại, không thể bị hoãn quá lâu. Điều này phải đảm bảo rằng tất cả các bên đều thực sự sẵn sàng. Tuy nhiên tôi tin rằng nó sẽ không thể diễn ra trong 1-2 tháng nữa".
Ông Thanawat nói thêm rằng khi giải đấu bị dừng chắc chắn ảnh hưởng đến tất cả các đội. Tất cả các HLV, cầu thủ phải tìm cách thích nghi phù hợp. Một số người sẽ phải hy sinh. CLB Ratchaburi Mitr Phol cũng đang bàn bạc chuyện giảm lương của cầu thủ nhưng mới chỉ là bắt đầu thảo luận, phải cân nhắc nhiều yếu tố. Các cầu thủ ở CLB này vẫn đang nhận lương đều dù không thi đấu 2 tháng qua.
V.H
Bóng đá Việt Nam tung hết lực để dự AFF Cup 2020 Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmoung vừa tiếp tục đăng đàn khẳng định cơ hội để đội tuyển Thái Lan dự AFF Cup 2020 là không cao và FAT cũng không mặn mà lắm về giải này khi dịch bệnh Covid-19 quá phức tạp. Dù đó là "chuyện riêng" của đối thủ số 1 trong khu vực, thì...