Thái Lan: Thủ lĩnh biểu tình Suthep là ai?
Thủ lĩnh biểu tình Suthep từng ở thế trên và lên kế hoạch trấn áp biểu tình của phe áo đỏ năm xưa.
Cho đến vài năm trước, Suthep Thaugsuban vẫn là phó thủ tướng dưới thời Đảng Dân chủ và là tổng thư ký của đảng này. Thậm chí đến giữa tháng trước, ông vẫn là nghị sĩ của đảng này tại Quốc hội Thái Lan.
Giờ, chính khách 64 tuổi này đang là người dẫn dắt lực lượng biểu tình với ý định lật đổ chính quyền bà Yingluck và ảnh hưởng của gia đình Thaksin Shinawatra, thủ tướng bị đảo chính và là anh trai bà Yingluck.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan một lần nữa cho thấy chia rẽ khó gắn kết được ở nước này: giữa tầng lớp trung lưu và thân hoàng gia ở Bangkok với khu vực nông thôn, dân nghèo vùng đông bắc, căn cứ chính trị chính của Đảng Pheu Thai và gia đình Thaksin.
Không còn là chính quyền nữa, ông Suthep nay phất cờ đòi hạ bệ chính phủ của bà Yingluck (ảnh: Reuters)
Các đảng thân Thaksin như Thai Rak Thai và Pheu Thai được coi là lực lượng chính trị thành công nhất trong lịch sử hiện đại nước này. Thực tế các đảng này đã chiến thắng tất cả các cuộc bầu cử kể từ năm 2001 tới nay. Còn các cuộc biểu tình chống gia đình ông Thaksin và lực lượng thân cận chưa bao giờ chấm dứt kể từ năm 2005 tới nay. Ở đất nước mà có gần 20 cuộc đảo chính từ năm 1930, Thaksin cũng là thủ tướng duy nhất làm trọn vẹn một nhiệm kỳ cho đến trước khi bị lật đổ trong nhiệm kỳ 2.
Chính giới Thái nói sự nghiệp chính trường của ông Suthep cho thấy vài điều, đặc biệt là sự gan lì và tính bất ngờ. Trước khi là thủ lĩnh nhóm biểu tình, ông Suthep chính là người được giao nhiệm vụ đối phó với biểu tình thời ông là phó thủ tướng của phe Dân chủ. Năm 2010, ông Suthep là người ký lệnh giải tán các nhóm “áo đỏ” thân Thaksin, khi đó chiếm phần lớn khu trung tâm Bangkok. Tám tuần biểu tình và trấn áp khi đó làm gần 100 người thiệt mạng và khoảng 1.800 người bị thương – đợt trấn áp đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ của Thái Lan. Giờ thì vai trò thay đổi, ông Suthep đang là người dẫn dắt nhóm biểu tình.
Phong trào chống chính quyền bùng phát hồi tháng 10 sau khi Pheu Thai tìm cách đưa ra đạo luật ân xá để có thể đưa Thaksin về nước. Ông Suthep nhân cơ hội này để tấn công gia đình Thaksin. Giữa tháng 11, ông chính thức từ chức nghị sĩ để có thể tham gia lãnh đạo nhóm biểu tình. Sau khi dùng chiến thuật “bất phục tùng dân sự” trong thời gian đầu, phe Suthep chuyển sang dùng chiến thuật chiếm các tòa nhà chính phủ trong một tuần vừa rồi để hạ bệ chính phủ.
Ban đầu ông Suthep kêu gọi bà Yingluck từ chức, nhưng giờ ông nói sẽ không chỉ dừng ở vậy. Mục tiêu của ông là thay chính quyền dân cử bằng một hội đồng không qua bầu cử (thực tế là trở lại chế độ quân chủ tuyệt đối). Ông Suthep cho rằng đó là cách duy nhất để nhổ bỏ bộ máy chính trị Shinawatra ra khỏi chính trường Thái Lan. Suthep cũng bác các lời kêu gọi bầu cử mới vì phe Dân chủ gần như chắc chắn sẽ lại thất bại trong bầu cử.
Chính phủ của bà Yingluck trong khi đó tránh dùng các biện pháp mạnh với lo ngại có thể gây phản ứng từ dư luận. Đồng thời xung đột cũng có thể là cớ để quân đội có thể can thiệp và nguy cơ đảo chính một lần nữa trở lại.
Sự giận dữ của báo chí Thái có thể thấy rõ khi Bangkok Post đăng bình luận kêu gọi người dân đừng trở thành “công cụ và những kẻ điên khùng” cho “tầng lớp thượng lưu”. Cây viết Voranai Vanijaka hôm 1/12 cho rằng mâu thuẫn của chính trị Thái Lan hiện tại xuất phát từ chuyện ai sẽ điều hành chính trường Thái trong 5, 10 năm nữa (khi Quốc vương Bhumibol từ trần). Theo tác giả thì người dân nên giữ cân bằng giữa phe Suthep và Thaksin vào lúc này, không nên để “bên nào thắng tuyệt đối” vì con đường mà cả hai bên lựa chọn lúc này chỉ dẫn tới tình trạng chuyên chế mà thôi./.
Theo Thanh Tuấn (Tuổi Trẻ)