Thái Lan thông báo gia hạn tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng 2/2021
Một ủy ban thuộc Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 4/1 đã thông qua việc gia hạn tình trạng khẩn cấp ở nước này cho tới cuối tháng 2/2021.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Việc gia hạn 45 ngày đối với sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp, thay vì gia hạn từng tháng một như thông thường, được đưa ra khi Thái Lan đang phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 sau đợt bùng phát mới hồi tháng trước. Theo kế hoạch, quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 45 ngày sẽ được trình lên nội các vào ngày 5/1 để phê chuẩn.
Với số ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua lên tới 745 người – mức cao nhất từ trước tới nay, Chính phủ Thái Lan đã xếp 28/77 tỉnh, thành, trong đó thủ đô Bangkok, là các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời yêu cầu người dân làm việc ở nhà, tránh tụ tập hoặc đi ra ngoài tỉnh. Tính đến trưa 4/1, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 8.439 ca mắc COVID-19, trong đó có 65 ca tử vong.
Chính quyền thủ đô Bangkok (BMA) đã yêu cầu các nhà hàng và người bán thức ăn đường phố ngừng dịch vụ tại chỗ từ 19h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 5/1. Việc bán đồ ăn mang đi vẫn được phép trong khi việc bán rượu tại các nhà hàng cũng bị cấm và các quán bar, các cơ sở giải trí phải đóng cửa tại các tỉnh có nguy cơ cao. Trường học và cơ sở giáo dục trên cả nước cũng phải đóng cửa trong 1 tháng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha sau đó đã bác bỏ quyết định của BMA và tuyên bố các nhà hàng ở Bangkok được phép cung cấp dịch vụ tại chỗ cho đến 21h chứ không phải 19h kể từ 5/1.
Cùng ngày, Chính phủ Mông Cổ quyết định kéo dài lệnh phong tỏa áp đặt tại thủ đô Ulan Bator nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Mông Cổ Yangu Sidbaatar cho biết lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại thủ đô Ulan Bator theo kế hoạch kết thúc vào ngày 6/1 tới sẽ được kéo dài cho đến ngày 11/1 nhằm kiềm chế số ca nhiễm trong cộng đồng tăng trở lại.
Mông Cổ phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 3/2020. Đợt lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng nước này được phát hiện vào đầu tháng 11/2020 khi một phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sau khi người chồng từ Nga về nước kết thúc 21 ngày cách ly bắt buộc.
Ca lây nhiễm này đã khiến Chính phủ Mông Cổ áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc và sau đó gia hạn lệnh phong tỏa ở Ulan Bator và 2 tỉnh khác cho đến ngày 11/12/2020. Sau đó, Chính phủ Mông Cổ tái áp đặt lệnh phong tỏa tại Ulan Bator vốn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, từ ngày 23/12/2020 đến ngày 6/1/2021.
Tính đến ngày 4/1, Mông Cổ ghi nhận tổng cộng 1.286 ca mắc COVID-19, trong đó 1 ca tử vong. Đến nay, 878 bệnh nhân đã phục hồi.
Trong khi đó, Chính phủ Áo đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa thêm một tuần cho đến ngày 24/1, theo đó các nhà hàng và cửa hàng bán đồ không thiết yếu tiếp tục phải đóng cửa.
Hãng thông tấn APA dẫn lời Bộ trưởng Y tế Áo Rudolf Anschober ngày 4/1 cho biết quyết định này được đưa ra sau khi các đảng phái đối lập phong tỏa một dự luật cho phép những người có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 có thể đi ra ngoài để tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao, mua các mặt hàng không thiết yếu hay đi cắt tóc, một tuần trước khi kết thúc lệnh phong tỏa vào ngày 24/1.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các trường học cũng vẫn đóng cửa cho đến ngày 24/1 hay mở cửa theo kế hoạch ban đầu là vào ngày 18/1.
Thái Lan: Vi phạm quy định cấm tụ tập có thể bị phạt tới 1.300 USD
Chính phủ Thái Lan đã cấm tất cả các cuộc tụ tập có nguy cơ làm lây lan dịch COVID-19, ngoại trừ phạm vi gia đình và các hoạt động của chính phủ. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức tại các khu vực có dịch.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 22/12/2020. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trong thông báo ngày 30/12, người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan - ông Taweesilp Visanuyothin, cho biết tại các khu vực "kiểm soát" và "kiểm soát tối đa", mọi hoạt động tập trung đông người đều bị cấm, trừ các cuộc tụ họp quy mô gia đình và các hoạt động của chính phủ.
Trong khi đó, tại các khu vực "giám sát" và "giám sát chặt chẽ", các cuộc tụ tập có thể diễn ra nếu được sự chấp thuận trước của các tỉnh trưởng. Các cuộc tụ họp gia đình và các hoạt động của chính phủ vẫn được phép. Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với án phạt có thể lên tới 2 năm tù giam và/hoặc phạt tiền lên đến 40.000 baht (khoảng 1.300 USD). Các tỉnh trưởng có trách nhiệm tuyên bố khu vực nào được chỉ định là vùng kiểm soát đối đa, vùng kiểm soát, vùng giám sát chặt chẽ và vùng giám sát, đồng thời áp dụng các quy định riêng về cách ly đối với những người đến địa phương.
Quyết định trên được đưa ra sau khi đợt bùng phát dịch COVID-19 mới đã lây lan ra phần lớn các tỉnh của Thái Lan. Ngày 30/12, Thái Lan ghi nhận thêm 250 ca mắc COVID-19, trong đó có 241 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 8 ca trong khu cách ly và 1 trường hợp là người Myanmar nhập cảnh bất hợp pháp. Đến nay, đợt bùng phát mới đã lây lan ra 48/77 tỉnh, thành ở nước này. Chon Buri là địa phương có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong ngày, với 108 ca. Như vậy, tính đến trưa 30/12, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 6.690 ca COVID-19, trong đó có 61 ca tử vong.
Trước việc số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng, Nội các Thái Lan ngày 29/12 đã thông qua khoản ngân sách trị giá 11,3 tỷ baht (khoảng 376 triệu USD) để đối phó với đợt dịch mới. Số tiền này được chi cho 10 dự án trong 3 lĩnh vực gồm phòng ngừa, điều trị và hỗ trợ.
* Ngày 30/12, nhà chức trách Australia đã siết chặt hạn chế đi lại và tụ tập đông người ở Sydney - thành phố lớn nhất nước này, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một vụ "siêu lây nhiễm" trong đêm Giao thừa.
Thủ hiến bang New South Wales (NSW) - bà Gladys Berejiklian, cho biết các quy định mới có hiệu lực từ ngày 30/12 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Theo đó, các cuộc tụ họp gia đình bị giới hạn tối đa 5 người tham gia và các sự kiện công cộng giới hạn dưới 30 người. Ngoài ra, các cơ sở chăm sóc y tế nội trú không được phép có khách đến thăm.
Cùng ngày, bang NSW ghi nhận 18 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất trong một tuần, trong đó có 9 ca liên quan đến ổ dịch mới bùng phát ở thành phố Sydney mà đến nay đã làm hơn 100 người mắc bệnh. Do lo ngại ổ dịch này lây lan, nhà chức trách đã hủy màn bắn pháo hoa truyền thống lúc 21h tối Giao thừa ở Sydney và rút ngắn màn bắn pháo hoa đúng thời khắc Giao thừa xuống còn 7 phút.
Australia hiện có hơn 28.300 ca mắc COVID-19 và 909 ca tử vong, chủ yếu ở bang Victoria.
* Chính phủ Đức đang chuẩn bị cho kế hoạch gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, ngay sau khi lệnh phong tỏa toàn phần kết thúc vào ngày 10/1/2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu ngày 30/12, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết các hạn chế nghiêm ngặt phải được gia hạn một phần ít nhất là sau ngày 10/1. Sau thời hạn này, Chính phủ Đức sẽ có các biện pháp hạn chế tiếp theo.
Trong đợt phong tỏa toàn phần áp dụng từ ngày 16/12 đến 10/1/2021, Đức đóng cửa hầu hết các cửa hàng, trường học, nhà trẻ, nhà hàng, nhà hát, bảo tàng và các cơ sở giải trí khác. Dự kiến, ngày 5/1/2021, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang sẽ họp trực tuyến để thảo luận cách thức tiến hành sau đó.
Ca Covid-19 tăng kỷ lục, Thủ tướng Thái yêu cầu dân ở nhà Thủ tướng Thái Lan kêu gọi người dân ở nhà để ngăn đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất khi giới chức xác nhận kỷ lục 745 ca nhiễm mới. Chính phủ Thái Lan hôm nay tuyên bố 28 tỉnh, gồm thủ đô Bangkok, là khu vực nguy cơ cao và yêu cầu người dân làm việc tại nhà, tránh tụ tập hoặc đi...