Thái Lan: “thiên đường” rửa tiền?
Thái Lan vừa bị đưa vào danh sách 15 nước có “nguy cơ cao” trong chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ngay vào thời điểm vừa xảy ra các vụ đánh bom ở Bangkok.
Cảnh sát đứng gác tại khu phố Khao San đông du khách ở Bangkok. Chính sách du lịch cởi mở của Thái Lan khiến nước này dễ trở thành nơi rửa tiền và trung chuyển cho các hoạt động tài trợ khủng bố – Ảnh: Reuters
Sau hội nghị diễn ra từ ngày 13 đến 17-2 tại Paris (Pháp), Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) vừa đưa thêm vào “danh sách đen” năm nước không có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố: Pakistan, Indonesia, Ghana, Tanzania và Thái Lan.
Thông tin này đến với Thái Lan vào thời điểm nhạy cảm khi đang phải đau đầu điều tra vụ đánh bom ở Bangkok hôm 14-2, được cho là có liên quan đến làn sóng tấn công của Iran trên thế giới nhằm vào Israel.
Cần sửa đổi luật
Theo báo cáo của FATF, 15 nước trong danh sách đã từng có những biện pháp chống rửa tiền và tài trợ hoạt động khủng bố, nhưng chưa có sửa đổi phù hợp để khắc phục những thiếu sót về luật pháp. Về trường hợp Thái Lan, FATF chỉ rõ xung đột chính trị ở Thái Lan từ năm 2009 đến 2011 đã ảnh hưởng nhiều đến tiến trình hoàn thiện pháp luật cho vấn đề này.
Theo Bangkok Post, Tổ chức Chống rửa tiền quốc tế cũng kêu gọi Chính phủ Thái Lan tiến tới sửa đổi luật về tội phạm hóa hoạt động tài trợ khủng bố và thực hiện các biện pháp phù hợp để xác định và phong tỏa tài sản liên quan đến khủng bố.
“Trong những năm qua, chúng ta đã được FATF yêu cầu thực hiện việc sửa đổi luật. Có thể chúng ta đã làm không xong việc này và đó là nguyên nhân khiến chúng ta bị đánh tụt hạng” – Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng tài chính Thái Lan Kittiratt Naranong thừa nhận. Ông cho biết sẽ sớm làm việc với Cơ quan chống rửa tiền Thái Lan (AMLO) và yêu cầu giải thích.
Một phó thủ tướng khác của Thái, ông Yutthasak Sasiprapa, lại bác bỏ việc Thái Lan là trung tâm rửa tiền và tài trợ khủng bố toàn cầu. Theo ông, Thái Lan có thể là trạm trung chuyển cho những hoạt động đó bởi sự cởi mở và thông thoáng của nước mình. “Một mặt chúng ta mời du khách đến với đất nước. Nhưng mặt khác, chúng ta phải điều tra kỹ lưỡng các hoạt động khả nghi” – ông Yutthasak nói.
Tác động đến kinh tế
Chủ tịch thị trường chứng khoán Thái Lan Charamporn Jotikasthira nói việc hạ bậc từ “danh sách xám” xuống “danh sách đen” của FATF có thể tác động tiêu cực đến các giao dịch tài chính quốc tế của Thái Lan. Theo báo The Nation, các giao dịch ra nước ngoài sẽ mất nhiều thời gian hơn vì phải thông qua các biện pháp kiểm tra nguồn tiền hay nguồn đầu tư. Một số ý kiến lo ngại thông tin của FATF có thể khiến Thái Lan phải gánh chịu phí giao dịch tài chính quốc tế cao hơn. Đầu tư ra nước ngoài của tư nhân Thái cũng sẽ bị ảnh hưởng, mặc dù một số lãnh đạo ngành tài chính tin rằng điều này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và không gây tác động lớn.
Ngoài Thái Lan, các nước nằm trong “danh sách đen” của FATF bao gồm: Bolivia, Cuba, Ethiopia, Ghana, Indonesia, Kenya, Myanmar, Nigeria, Pakistan, Sao Tome and Principe, Sri Lanka, Syria, Tanzania và Thổ Nhĩ Kỳ. FATF ước tính nạn rửa tiền và các hoạt động tội phạm liên quan đến tài chính chiếm từ 2-5% GDP toàn cầu. Trong bản báo cáo mới công bố, FATF kêu gọi các chính phủ nên coi hành vi trốn thuế cũng là tội rửa tiền.
Theo Tuổi Trẻ