Thái Lan: Thêm nhiều Bộ bị người biểu tình phong tỏa
Bất chấp việc chính phủ đã ban hành luật an ninh đặc biệt tại thủ đô, người biểu tình Thái Lan hôm nay 26/11 vẫn tiếp tục xuống đường và phong tỏa thêm trụ sở nhiều Bộ ngành, trong đó có Bộ nội vụ.
Theo hãng tin AFP, những người biểu tình đã bao vây trụ sở của các Bộ nội vụ, nông nghiệp, giao thông và thể thao và du lịch. Họ yêu cầu các nhân viên chính phủ phải rời đi. Sự việc này diễn ra chỉ một ngày sau khi người biểu tình chiếm đóng Bộ tài chính và Bộ ngoại giao Thái Lan.
Người biểu tình tụ tập trước trụ sở cảnh sát hoàng gia Thái Lan
“Chúng tôi phải rời đi bởi họ (người biểu tình) sẽ cắt các tiện ích”, Bộ trưởng thể thao và du lịch Thái Lan Somsak Pureesrisak khẳng định với hãng tin AFP.
Tại Bộ nội vụ, người biểu tình đã đưa ra cho các quan chức một tối hậu thư phải di dời trong vòng 1 tiếng.
Những ngày qua, hàng chục nghìn người biểu tình đã tuần hành chống lại thủ tướng Yingluck và anh trai của bà là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, trong vụ biểu tình lớn nhất từ năm 2010.
Bà Yingluck đã tái cam kết rằng các lực lượng chức năng sẽ “hoàn toàn không sử dụng vũ lực” sau khi bà tới trụ sở quốc hội sáng sớm nay.
“Tất cả mọi người phải tuân thủ luật pháp và không dùng luật của những kẻ côn đồ để phế truất pháp quyền”, bà Yingluck tuyên bố.
Cảnh sát đã được tăng cường tại thủ đô Băng Cốc
Video đang HOT
Số lượng cảnh sát tại Băng Cốc đã được tăng cường sau khi luật an ninh nội địa được mở rộng trong tối muộn ngày thứ Hai, theo đó cho phép các lực lượng chức năng có thêm quyền phong tỏa các tuyến đường, áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập và thực hiện khám xét.
Các nghị sỹ Thái Lan hiện đang tranh luận xem có tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm trong hôm nay hay không. Đề xuất này đã được đảng Dân chủ đối lập đưa ra hồi tuần trước, nhằm gây khó dễ cho chính phủ vốn đã chịu nhiều áp lực của bà Yingluck.
Nhưng với việc đảng Puea Thai cầm quyền chiếm đa số tại quốc hội, họ có thể chiến thắng nếu có một cuộc bỏ phiếu được tiến hành.
“Hành động phi pháp”
Trong thông báo mới nhất được phát đi, Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Surapong Tohvichakchaikul khẳng định trong bức thư gửi tới các cơ quan Liên hợp quốc và chính phủ nước ngoài rằng, cuộc biểu tình hiện tại của phe đối lập là phi pháp.
Người biểu tình chiếm đóng trụ sở Bộ tài chính trong tối 25/11
“Tôi đang ở Bahrain dự Đối thoại hợp tác ASEAN thì tình hình chính trị trở nên hỗn loạn. Nhiều quốc gia đã hỏi tôi về vụ việc. Tôi đã thông báo với họ rằng người biểu tình đang đi ngược lại luật pháp và gây ảnh hưởng xấu tới an ninh quốc gia của chúng ta”, ông Surapong phát biểu trước quốc hội Thái Lan.
Theo trang the Nation, đến nay đã có 22 nước đưa ra cảnh báo đi lại tới Thái Lan, đề nghị công dân nước mình tránh các khu vực có biểu tình.
Cùng lúc đó, có thông tin khẳng định người biểu tình đã rút ra khỏi tòa nhà Bộ ngoại giao sau một cuộc họp giữa lãnh đạo phe đối lập với các quan chức cấp cao của Bộ này.
Một số quan chức cấp cao của chính phủ cùng với lãnh đạo người biểu tình Nithithorn Lamleua đã tham dự cuộc họp.
Các phóng viên của the Nation đã nhìn thấy người biểu tình thu dọn đồ đạc nhưng không rõ địa điểm tiếp theo là tới đâu. Trước đó trong đêm qua, khoảng 300 người đã chiếm đóng khu nhà của Bộ ngoại giao và yêu cầu Bộ này ngừng hoạt động.
Theo Dantri
Thái Lan: Người biểu tình chiếm trụ sở các bộ
Người biểu tình thuộc phe đối lập Thái Lan hôm nay 25/11 đã xông vào 2 bộ quan trọng của chính phủ ở thủ đô Bangkok, trong động thái nhằm gây áp lực lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Người biểu tình bên trong tòa nhà của Bộ Tài chính tại Bangkok ngày 25/11.
Các cuộc biểu tình rộng khắp chống lại bà Yingluck và anh trai của bà, Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, vào ngày hôm nay được cho là lớn nhất kể từ năm 2010, khi Thái Lan bị rung chuyển bởi cuộc biểu tình chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, khiến 90 dân thường thiệt mạng khi đó.
Những cuộc biểu tình hiện nay làm dấy lên lo sợ về một làn sóng bạo lực mới trên đường phố ở đất nước vốn đã đối mặt với một loạt bất ổn chính trị kể từ khi các tướng lĩnh quân đội lật đổ ông Thaksin vào năm 2006.
Hàng chục ngàn người biểu tình phản đối chính phủ của bà Yingluck đã tuần hành tới hơn một chục cơ quan nhà nước ở khắp Bangkok, trong đó có các căn cứ quân sự, đồn cảnh sát cũng như đài truyền hình.
Hàng trăm người biểu tình đã xông vào các tòa nhà của Bộ Tài chính rồi sau đó tiến vào khu nhà của Bộ Ngoại giao. Hai tòa nhà có vẻ như không được các lực lượng lượng an ninh chính phủ canh gác.
Theo một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, người biểu tình đã phá cổng vào Bộ Ngoại giao và sau khi chiếm một khu vực của Bộ này, họ đã yêu cầu các nhân viên dân sự rời đi, không trở lại làm việc vào ngày hôm sau.
"Đó là một cuộc chiếm giữ hòa bình", lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết trong một cuộc họp báo từ Bộ Tài chính và kêu gọi chiếm "mọi cơ quan chính phủ" vào ngày mai.
"Hệ thống Thaksin không còn làm việc nữa", ông nói và tuyên bố sẽ bất chấp cảnh báo của cảnh sát phải rời Bộ tài chính.
Suthep, một chính trị gia kỳ cựu của phe đối lập, cho biết "cải cách chính trị" tương lai sẽ do những người biểu tình quyết định.
Trước đó, một số người biểu tình kêu gọi quân đội can thiệp. Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính kể từ khi nước này bắt đầu chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932.
Các cuộc biểu tình hiện nay là thách thức lớn nhất đối với bà Yingluck, người lên nắm quyền trong cuộc bầu cử vào năm 2011, nhờ sự ủng hộ của phe "áo đỏ". Những cuộc biểu tình của "áo đỏ" năm 2010 cũng đã bị chính phủ do đảng Dân chủ dẫn dắt khi đó đàn áp.
Bà Yingluck hôm nay cho biết bà sẽ không từ chức và cũng không giải tán quốc hội, bất chấp áp lực tăng cao.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng bà đang mất dần quyền lực. "Bà Yingluck sẽ rất khó có thể ở lại, chứ chưa nói là còn làm được gì", Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho hay.
Các cuộc biểu tình được phe đối lập ủng hộ đã diễn ra khắp thủ đô trong nhiều tuần qua. Nguyên nhân là do một dự luật ân xá có thể cho phép ông Thaksin, đang sống lưu vong, trở lại.
Dự luật ân xá, đã bị thượng viện bác bỏ, cũng làm những người ủng hộ ông Thaksin nổi giận bởi nó đề xuất tha bổng cho những người chịu trách nhiệm đối với vụ đàn áp người biểu tình "áo đỏ" năm 2010.
Cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, giờ là lãnh đạo phe đối lập, và người phó của ông Suthep đang đối mặt với các cáo buộc giết người vì đã giám sát hoạt động đàn áp người biểu tình của quân đội.
Trong một đòn giáng khác đối với chính phủ của bà Yingluck, Tòa án hiến pháp tuần trước đã ngăn kế hoạch bỏ phiếu bầu toàn bộ thượng viện của đảng cầm quyền. Đảng Dân chủ đối lập hiện đang gia tăng áp lực đối với bà Yingluck bằng một cuộc tranh luận bất tín nhiệm vào ngày mai, mặc dù đảng của bà hiện đang thống trị hạ viện.
Ông Thaksin, một ông trùm, tỷ phú truyền thông chuyển sang làm chính trị, được lòng những người ở tầng lớp lao động và ở vùng nông thôn. Nhưng giới nhà giàu và trung lưu lại cáo buộc ông tham nhũng, là mối đe dọa với nền quân chủ.
Theo Dantri
Quốc hội Thái Lan thảo luận kiến nghị bất tín nhiệm thủ tướng Yingluck Một ngày sau cuộc biểu tình quy mô chống chính phủ, hôm qua 25/11 đến lượt các đại biểu Quốc hội Thái Lan thảo luận về khả năng bỏ phiếu bất tin nhiệm nữ Thủ tướng Yingluck. Hàng chục người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại Bangkok. Ngày 25/11 tại Quốc hội, phe đối...