Thái Lan sắp đối mặt với “cuộc chiến” chính trị gay cấn
Các nhà phân tích dự đoán, cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/7 tới ở Thái Lan sẽ chứng kiến một cuộc chiến đấu quyết liệt và căng thẳng giữa Đảng Dân chủ cầm quyền và Đảng Pheu Thai đối lập. Tuy nhiên, cả hai đảng này được cho là sẽ không giành đủ số ghế để thiết lập một chính phủ của riêng mình.
Chính trường Thái Lan luôn là sự đối đầu giữa phe áo đỏ và phe áo vàng.
Cuộc tổng tuyển cử lần này diễn ra sau cuộc khủng hoảng chính trị hỗn loạn và đẫm máu ở đất nước Thái Lan trong hai năm liên tiếp 2009 và 2010. Trong hai cuộc khủng hoảng này, phe áo đỏ chống chính phủ được hậu thuẫn bởi cựu Thủ tướng bị truất quyền Thaksin Shinawatra và Đảng Pheu Thai, đã tiến hành các cuộc biểu tình rầm rộ nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng phải giải tán Hạ viện và tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
Cuộc biểu tình kéo dài ở thủ đô Bangkok từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2010 đã kết thúc bằng một cuộc đàn áp đẫm máu với 91 người thiệt mạng và gần 1.900 người bị thương.
Không có chiến thắng tuyệt đối
Tất cả các cuộc thăm dò dư luận gần đây được tiến hành bởi các tổ chức khác nhau đều cho thấy Đảng Pheu Thai sẽ giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 3/7 tới. Tuy nhiên, việc đảng này sẽ giành đủ 270 phiếu mà họ muốn để có thể tự mình thành lập chính phủ mà không cần liên kết với các đảng phái khác có vẻ là điều không tưởng.
Video đang HOT
Kịch bản khả quan nhất là Đảng Pheu Thai sẽ giành được 235 phiếu. Như vậy, đảng này vẫn chưa giành đủ con số 251 phiếu để có thể đứng ra thành lập một chính phủ liên minh với vai trò là đảng chính.
Ông Pitch Pongsawat, một giảng viên chuyên nghành khoa học chính trị tại trường Đại học Chulalongkorn, nhấn mạnh, Đảng Pheu Thai phải giành hơn 250 phiếu thì mới được quyền thành lập chính phủ. Nếu không, chiến thắng của họ sẽ không đảm bảo cho họ trở thành đảng cầm quyền ở đất nước của những nụ cười.
Với việc Đảng Dân chủ và Đảng Pheu Thái không thể giành được một chiến thắng tuyệt đối thì nhân tố chính trong “cuộc chơi” thành lập chính phủ sẽ là những đảng phái nhỏ như Đảng Chartthaipattana, ông Pitch nhận định. Hai đảng lớn trên sẽ phải tìm cách “ve vãn” các đảng phái nhỏ đứng về phía mình thì họ mới giành được quyền thành lập chính phủ.
Một số nhà phân tích dự đoán, Đảng Dân chủ có thể sẽ giành được khoảng 200 ghế – đủ để họ thuyết phục các đảng phái nhỏ hơn gia nhập vào chính phủ liên minh của đảng này. Nếu cộng thêm từ 50-60 ghế từ Đảng Bhumjaithai – đối tác liên minh chính của Đảng Dân chủ thì điều đó có nghĩa là chính phủ do Đảng Dân chủ dẫn đầu đã có trong tay 250 ghế.
Để giành được đa số phiếu quyết định trong Hạ viện, Đảng Dân chủ cần phải có được sự ủng hộ từ đảng thứ 3.
Sẽ có khủng hoảng chính trị sau bầu cử?
Nếu Đảng Pheu Thai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 7 và có cơ hội thành lập một chính phủ thì ưu tiên đầu tiên của họ sẽ là đưa ra một luật ân xá nhằm tha tội cho những người bị ảnh hưởng trong cuộc đảo chính quân sự hồit háng 9 năm 2006 đồng thời mở đường cho sự trở về của nhà lãnh đạo thực sự của họ – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Ông Thaksin đã bị kết tội tham nhũng năm 2008 và phải đi sống lưu vong ở nước ngoài nhằm trốn tránh án tù hai năm.
“Nếu Đảng Pheu Thai lên cầm quyền, sự trở về của ông Thaksin chắc chắn sẽ trở thành một vấn đề nằm trong chương trình nghị sự chính của đảng. Và sự tranh cãi giữa những người ủng hộ và chống đối ông Thaksin về việc này sẽ che phủ tất cả các vấn đề chính trị khác của đất nước Thái Lan,” nhà phân tích Pitch cho biết.
Trong khi đó, nếu Đảng Dân chủ trở lại cầm quyền thì phong trào áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin sẽ tiếp tục đổ ra đường tiến hành các cuộc biểu tình.
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành gần đây, có đến 46,04% người dân ở thủ đô Bangkok và các khu vực lân cận tỏ ra lo lắng về viễn cảnh sẽ có một cuộc bạo loạn chính trị nổ ra sau bầu cử.
Rõ ràng, đất nước Thái Lan từ lâu đã bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là phe áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin và bên kia là phe áo vàng chống lại ông này. Hai lực lượng này luôn ở thế đối kháng nhau. Suốt 5 năm qua, chính trường Thái Lan luôn dậy sóng bởi các cuộc đối đầu giữa hai phe này. Nếu một phe lên cầm quyền thì phe kia sẽ đổ ra đường biểu tình và ngược lại. Tình trạng này tái diễn liên tục và tạo ra một vòng luẩn quẩn không có lối thoát.
Một giảng viên chính trị thuộc trường Đại học Thammasat nhận định, trong tương lai trước mắt, sẽ khó có một sự hoà giải dân tộc ở Thái Lan dù đảng nào lên cầm quyền. Trong khi Đảng Pheu Thai không thể nhượng bộ trong nỗ lực thành lập một chính phủ vì tương lai của ông Thaksin đang gặp nguy thì Đảng Dân chủ cũng dồn mọi nỗ lực để bảo vệ quyền lực nhằm tránh sự trả thù của phe đối lập.
Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, luôn có ánh sáng cuối đường hầm. “Thậm chí sẽ phải liên tục tiến hành bầu cử nhưng nền dân chủ Thái Lan sẽ dần khởi sắc bởi đến một lúc nào đó, mọi người sẽ phải học cách sống chung với nhau bởi họ nhận ra rằng cái giá của một cuộc xung đột là quá cao,” ông Pitch khẳng định.
Theo VNMedia
Em gái Thaksin hứa nâng cao thu nhập cho dân Thái
Ngày 20/5, bà Yingluck Shinawatra - ứng viên hàng đầu của đảng Puea Thai (Vì nước Thái) đối lập vào chiếc ghế Thủ tướng Thái Lan - nhấn mạnh rằng một trong những chính sách ưu tiên của đảng này là giải quyết vấn đề giá cả leo thang và nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Bà Yingluck Shinawatra - ứng viên hàng đầu của đảng Puea Thai. (Nguồn: Reuters)
Khi đến thăm một khu chợ ở quận Bangkapi thuộc Bangkok để mở màn cho chiến dịch tranh cử của đảng Puea Thai, bà Yingluck - em gái út của Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra - cho biết nếu Puea Thai giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, đảng này sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống của người dân trước tiên.
Bà Yingluck cũng cho biết Puea Thai sẽ duy trì các chính sách tốt của đảng Dân chủ.
Puea Thai và 29 chính đảng khác đã chính thức đăng ký ứng cử viên trong diện được bầu chọn theo danh sách của đảng, với số lượng đăng ký mỗi đảng không quá 125 người.
Trong số 125 ứng cử viên của Puea Thai đăng ký, có ít nhất 25 người là các thủ lĩnh hay là nhân vật thân cận phe "áo đỏ" vốn đã tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ chống chính phủ năm 2010.
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) Apichart Sukkhaganond cho biết EC quy định mức tiền mỗi ứng cử viên chi cho chiến dịch tranh cử không được quá 1,5 triệu baht (gần 50.000 USD). Ngoài ra, EC cũng yêu cầu các đảng phải báo cáo các khoản chi tiêu trong chiến dịch tranh cử theo quy định.
Trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 3/7 sắp tới, cử tri Thái Lan sẽ bỏ phiếu bầu chọn 500 dân biểu của Hạ viện khóa mới, tăng 20 đại biểu so với khóa trước.
Trong số các hạ nghị sĩ đó, có 375 người được bầu trực tiếp theo đơn vị bầu cử, 125 người được bầu theo danh sách các đảng. Giới phân tích nhận định đây sẽ là cuộc ganh đua quyết liệt giữa hai đảng lớn nhất Thái Lan hiện nay là đảng Dân chủ và Puea Thai./.
Theo TTXVN
Áo đỏ Thái Lan biểu tình 4 giờ 30 chiều 19-5, hơn 10.000 người ủng hộ Mặt trận dân chủ thống nhất chống độc tài (phe áo đỏ) đã kéo về giao lộ Rajprasong ở thủ đô Bangkok để tổ chức biểu tình kỷ niệm một năm ngày quân đội chính phủ trấn áp biểu tình (ảnh: THX). Những người biểu tình áo đỏ đã chiếm giữ một số...