Thái Lan phối hợp với các nước láng giềng giải quyết ô nhiễm bụi mịn
Ngày 23/1, Phó Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho rằng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là vấn đề lớn và phải được giải quyết ở cấp độ quốc tế, theo đó Thái Lan phải phối hợp với các nước láng giềng để giải quyết, trong khi tất cả các bên liên quan trong nước cũng phải chung tay giải quyết vấn đề này.
Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc trên bầu trời Bangkok, Thái Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Phumtham, người cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, cho biết đã tham dự một cuộc họp tại Việt Nam cách đây vài tuần và tìm hiểu thêm về cách Việt Nam ứng phó với tình trạng ô nhiễm khói mù ngày càng trầm trọng. Ông Phumtham cũng cho biết một số “điểm nóng khói mù” đã được phát hiện ở các nước láng giềng và Bộ Ngoại giao Thái Lan cần phải phối hợp các nỗ lực với các nước láng giềng để chống lại ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Với tư cách người đứng đầu Bộ Quốc phòng, ông Phumtham đã chỉ thị cho lực lượng vũ trang chuẩn bị các thiết bị, như máy bay không người lái, để hỗ trợ các nỗ lực dập tắt các đám cháy do hoạt động đốt nương làm rẫy. Ông cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân bổ ngân sách hơn 400 triệu baht (11,8 triệu USD) cho các cơ quan địa phương để giải quyết các vụ cháy rừng do con người gây ra.
Theo Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt, vấn đề ô nhiễm PM2.5 ở thủ đô chủ yếu là do khí thải, kết hợp với khói từ việc đốt rác thải ở các tỉnh lân cận và lưu thông không khí kém ở thủ đô.
Trong nỗ lực kiểm soát ô nhiễm bụi mịn, chính quyền đô thị Bangkok đang nỗ lực hạn chế khí thải xe cộ, bao gồm việc cấm xe tải 6 bánh không đăng ký hoặc xe lớn hơn đi vào các khu vực phát thải thấp ở 9 quận của thủ đô có hiệu lực từ ngày 23/1. Tổng cộng 259 camera an ninh được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được sử dụng để theo dõi các xe tải vi phạm lệnh cấm.
Video đang HOT
Theo dữ liệu mới nhất từ IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ, Bangkok bị xếp hạng là thành phố có chất lượng không khí tệ thứ 4 trên thế giới, vì khói mù độc hại tiếp tục ảnh hưởng đến thủ đô và các tỉnh khác trong cả nước. Chỉ số chất lượng không khí tại Bangkok ở mức 188 tính đến 9h40 ngày 24/1.
Chính quyền đô thị Bangkok đã tuyên bố 48/50 quận thủ đô là “vùng đỏ” (nguy hiểm cho sức khỏe), với mức độ bụi mịn PM2.5 trung bình là 88,4 g/m. Chính quyền cũng nhắc lại khuyến cáo tất cả người dân hãy làm việc tại nhà nếu có thể và tránh các hoạt động ngoài trời vào thời điểm này vì chúng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Bangkok kêu gọi người dân ở nhà để tránh ảnh hưởng từ bụi mịn PM2.5
Ngày 17/1, Chính quyền đô thị Bangkok (BMA) thông báo dự kiến tình trạng ô nhiễm bụi mịn nguy hại đến sức khỏe sẽ trở nên trầm trọng hơn vào tuần tới.
Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc trên bầu trời Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN
BMA đang khuyến khích người dân thủ đô làm việc tại nhà trong 3 ngày đầu tiên của tuần tới trong bối cảnh lo ngại tình trạng ô nhiễm không khí sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Nếu mức độ khói bụi được đánh giá là gây ra tình trạng nguy hiểm hơn, BMA có thể cân nhắc áp dụng trong toàn bộ các ngày tuần tới.
Theo nội dung đăng tải ngày 17/1 trên mạng xã hội Facebook, Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt được cho là đang tìm kiếm sự phối hợp từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đồng ý cho phép nhân viên của mình có thể làm việc tại nhà từ ngày 20 - 22/1.
Người phát ngôn của BMA Aekvarunyoo Amrapala cho biết quyết định này được đưa ra dựa trên thông tin dự báo thời tiết cho thấy ít nhất 35 trong số 50 quận ở thủ đô Bangkok có thể bị bao phủ bởi loại bụi mịn PM2.5 ở mức độ nguy hiểm, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ở mức cam (mức liền kề của mức nguy hiểm nhất - mức đỏ). Ông cho biết thêm rằng hơn 80 "điểm nóng" về tình trạng ô nhiễm không khí bởi bụi mịn được phát hiện tại thủ đô từ từ cuối tuần trước đến ngày 13/1 trong tuần này.
Một khu vực được chỉ định là màu cam khi nồng độ PM2.5 được đo ở mức từ 37,6 đến 75,0 microgam trên m3. Người dân ở các vùng màu cam được khuyến khích đeo khẩu trang và hạn chế các hoạt động ngoài trời. BMA cũng trao cho người đứng đầu các trường học tại thủ đô do cơ quan này quản lý được toàn quyền quyết định về việc có hay không đóng cửa trong thời gian 3 ngày đầu tuần tới. Ngoài ra, BMA cho biết rằng các nhân viên của Tòa thị chính có thể tự quyết định có nên đi làm việc tại văn phòng hay làm việc tại nhà.
Trước đó, BMA cũng đưa ra nhiều chính sách nhằm kéo giảm mức độ ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 ở mức báo động hiện nay.
Thống đốc Bangkok Chadchart công bố các điều chỉnh đối với chính sách làm việc tại nhà (WFH) để giải quyết hiệu quả hơn mức độ bụi PM2.5 đang gia tăng. Trước đây, WFH được triển khai khi nồng độ bụi mịn PM2.5 đạt mức đỏ (trên 75,1 g/m) tại 5 quận thủ đô. Tuy nhiên, chính quyền Bangkok nhận định để chủ động hơn trong việc thực hiện nên đã hạ ngưỡng quy định này xuống để việc thông báo WFH cho người lao động được dễ dàng và linh hoạt hơn.
Theo tiêu chí đã sửa đổi, chính quyền thủ đô sẽ công bố lịch trình và thông tin về WFH cho người dân nếu nồng độ PM2.5 ở mức cam (37,6-75,0 g/m) tại ít nhất 35 quận (chiến khoảng 70% diện tích Bangkok), độ thông gió giảm xuống dưới 2.000 m2/giây và có hơn 80 "điểm nóng" về tình trạng này trong 3 ngày liên tiếp.
Ngoài ra, xác định khí thải giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu ô nhiễm không khí, BMA đã ra lệnh kiểm tra tại tất cả các bến xe. Các phương tiện thải ra khói đen vượt quá tiêu chuẩn sẽ không được phép hoạt động.
Đối với xe tải, việc kiểm tra sẽ mở rộng đến các khu vực công trường xây dựng. Nếu phát hiện xe tải thải ra quá nhiều khói đen, hoạt động xây dựng tại công trường có thể bị yêu cầu tạm dừng. BMA nhấn mạnh trách nhiệm của nhà thầu và các bên liên quan, đồng thời kêu gọi họ không sử dụng các phương tiện xe tải không tuân thủ quy định về khí thải. Ngoài ra, BMA cũng khuyến khích người dân thông báo thông tin về các xe tải thải khói đen vượt chuẩn để có cơ sở tiến hành điều tra, xử phạt.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học Thái Lan hiện đang đánh giá những phương pháp mới nhằm tiếp tục tìm cách kéo giảm nồng độ PM2.5 trong không khí. Một trong những ý tưởng đang được xem xét là phun sương dọc theo các tuyến tàu điện, đường cao tốc và đường trên cao - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Tuy nhiên, biện pháp này cần tiếp tục đánh giá mức độ hiệu quả thực sự trước khi triển khai rộng khắp.
Ở cấp quốc gia, Chính phủ Thái Lan đang tăng cường nỗ lực chống lại việc đốt các phế phẩm sinh học bất hợp pháp thông qua. Theo đó, các chế tài xử phạt áp dụng một cách nghiêm khắc hơn sẽ có thể nâng cao ý thức người dân.
Thống đốc Chadchart nhấn mạnh rằng việc giải quyết vấn đề PM2.5 đòi hỏi sự hợp tác của nhiều ngành, lĩnh vực. Điều này bao gồm các sáng kiến của chính phủ, các giải pháp công nghệ như mưa nhân tạo và sự phối hợp tích cực của BMA với các bên liên quan để xác định và thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất.
Bên cạnh các giải pháp trên, để giải quyết tình trạng trước mắt, BMA khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang, đặc biệt là trong thời gian nồng độ PM2.5 ở mức cao. Việc đeo khẩu trang trước khi ra khỏi nhà là một cách hiệu quả để giảm những ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nồng độ bụi mịn PM2.5 cao và giải pháp hữu hiệu của thủ đô Bangkok, Thái Lan Ngày 14/1/2025, Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt đã công bố một loạt các biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết tình trạng nồng độ bụi mịn PM2.5 ở mức cao trong không khí tại thủ đô. Khói mù ô nhiễm bao phủ dày đặc trên bầu trời Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN Mặc dù thừa nhận rằng mức độ bụi hiện nay...