Thái Lan nối lại ‘Hổ mang vàng’ giữa lúc quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc
Các nhà phân tích đánh giá việc nối lại cuộc tập trận “ Hổ mang vàng” mặc dù giảm quy mô vì dịch COVID-19 vẫn được coi là công cụ ngoại giao hữu ích cho Mỹ ở thời điểm quan hệ Thái Lan- Trung Quốc có biến đổi.
Binh sĩ Mỹ tham gia tập trận “Hổ mang vàng” tại tỉnh Chonburi (Thái Lan) năm 2018. Ảnh: AP
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết cuộc tập trận chung “Hổ mang vàng” giữa Thái Lan và Mỹ dự kiến tổ chức từ 20/2 đến 5/3 nhưng giảm quy mô so với các năm trước do sự lây lan của biến thể Omicron. Cuộc tập trận “Hổ mang vàng” được tổ chức ở thời điểm quan hệ Thái Lan-Mỹ nồng ấm. Nhưng Thái Lan cũng ngày càng gần gũi hơn với Trung Quốc.
Có khoảng 3.460 binh sĩ, bằng 1/3 so với thời kỳ trước đại dịch, tham gia vào cuộc tập trận “Hổ mang vàng” năm nay. Trong đó có 1.953 quân nhân Thái Lan và 1.296 binh sĩ Mỹ.
20 quốc gia khác, trong đó có Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng gửi binh sĩ tham gia “Hổ mang vàng” năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Australia dự kiến tham gia vào các dự án nhân đạo và dân sự như xây dựng trường học tại nông thôn Thái Lan.
Do hạn chế phòng dịch COVID-19 nên cuộc tập trận năm nay cũng loại bỏ nội dung sơ tán người dân, đổ bộ. Tất cả những thành viên tham gia cuộc tập trận đều phải tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 và tuân thủ quy trình nhập cảnh của Thái Lan. Theo đó, họ phải cách ly sau khi đến và trước khi rời đi đồng thời xét nghiệm PCR 2 lần và làm xét nghiệm nhanh 5 ngày/lần.
Là biểu tượng của mối quan hệ Thái Lan-Mỹ, “Hổ mang vàng” cho thấy vai trò an ninh thay đổi của Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh Bangkok tăng cường quan hệ với Bắc Kinh.
Video đang HOT
Giáo sư Zachary Abuza tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington nhận định: “Việc thiếu cam kết của Mỹ sẽ khiến lãnh đạo Thái Lan củng cố lập trường ủng hộ Trung Quốc. Điều không may là liên minh Mỹ-Thái Lan tiếp tục suy yếu khi hai phía có lập trường khác biệt về mối đe dọa”.
Thái Lan không chỉ tổ chức tập trận chung với Mỹ mà còn tham gia tập trận cùng Trung Quốc. Ông Paul Chambers tại Đại học Naresuan (Thái Lan) đánh giá: “Ở thời điểm này, Bangkok cố gắng không phụ thuộc quá nhiều hoặc nghiêng về một phía giữa Bắc Kinh hoặc Washington. Đó là một lý do khiến Bangkok lựa chọn tiếp tục tập trận với cả Mỹ và Trung Quốc”.
Trong khi đó, ông Abuza nhận định: “Thái Lan ngày càng dựa vào Trung Quốc trong các hợp đồng vũ khí mua tàu ngầm, xe tăng, chiến hạm và xe bọc thép chở quân”. Ông Abuza cũng bổ sung rằng Mỹ hiện chỉ chiếm khoản khiêm tốn trong lượng nhập khẩu vũ khí của Không quân Thái Lan.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cuộc tập trận “Hổ mang vàng” cũng được tổ chức ở thời điểm các thỏa thuận vũ khí giữa Thái Lan và Mỹ có dấu hiệu khởi sắc. Vào đầu năm nay, Không quân Thái Lan đã tuyên bố kế hoạch mua 4 tiêm kích F-35 của Lockheed Martin (Mỹ) trị giá 426 triệu USD.
Thỏa thuận này đã được thông qua, khác số phận với 2 chiếc tàu ngầm Trung Quốc Hải quân Thái Lan đề nghị mua nhưng bị trì hoãn trong 2 năm.
Thái Lan không nhận tài trợ của Trung Quốc bất chấp trì hoãn thi công đường sắt cao tốc
Thái Lan đã lựa chọn không nhận tiền tài trợ của Trung Quốc cho tuyến đường sắt cao tốc 5,4 tỷ USD mặc dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến kinh tế nước này kéo theo trì hoãn trong thi công công trình.
Đoàn tàu hoạt động trên tuyến đường sắt cao tốc nối giữa thành phố Côn Minh của Trung Quốc với Vientiane tại Lào. Ảnh: Reuters
Hằng ngày, tàu cao tốc di chuyển giữa thủ đô Vientiane của Lào đến thành phố Boten ở biên giới với Trung Quốc vẫn đều đặn vận chuyển người và hàng hóa qua quãng đường 414 km. Tuyến đường sắt cao tốc này đi vào hoạt động từ tháng 12/2021 và hoàn thành sau 5 năm thi công. Tại Đông Bắc Thái Lan, một tuyến đường sắt cao tốc tương tự cũng được thi công để nối với phần trên lãnh thổ Lào.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá tuyến đường sắt cao tốc này nằm trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh hướng tới kết nối thương mại và du lịch Trung Quốc với Đông Nam Á. Nhưng sẽ cần tối thiểu một thập niên để Vientiane và Bangkok, cách nhau 600 km, có thể kết nối nhờ tuyến đường sắt cao tốc.
Tuyến đường sắt cao tốc xây dựng tại lãnh thổ Thái Lan dự kiến bao gồm 3 phần là Bangkok-Nakhon Ratchasima dài 253 km, Nakhon Ratchasima-Nong Khai dài 356 km và Nong Khai đến Vientiane (Lào) dài 16 km.
Năm 2016, chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha kết luận rằng Thái Lan sẽ chi tiền cho đoạn đường sắt trên lãnh thổ của họ, trong đó Trung Quốc chỉ hỗ trợ kỹ thuật và thiết kế. Bangkok đã ký kết thỏa thuận năm 2017 với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong đó bao gồm một hợp đồng chi tiết về thiết kế kỹ thuật và thuê cố vấn Trung Quốc.
Thỏa thuận được ký kết sau nhiều năm đàm phán giữa Thái Lan và Trung Quốc. Như vậy, không giống như tuyến đường sắt cao tốc 414 km tại Lào với 70% chi phí thi công xuất phát từ Trung Quốc và các khoản vay thì giai đoạn đầu tuyến đường sắt cao tốc tại Thái Lan dự kiến tốn 5,4 tỷ USD sẽ lấy nguồn vốn từ trong nước.
Chính phủ Thái Lan ước tính tuyến đường sắt cao tốc Bangkok-Nakhon Ratchasima sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026. Tuy nhiên, những thách thức tài chính của Thái Lan cùng đại dịch COVID-19 có thể tác động đến lịch trình xây dựng. Tuyến đường sắt cao tốc Bangkok-Nakhon Ratchasima được kỳ vọng đi vào hoạt động từ năm 2026 nay bị đổi thành 2029.
Nền kinh tế Thái Lan đã chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến ngành du lịch. Các kế hoạch kích thích và cứu trợ đã giúp đổ tiền vào nền kinh tế nhưng kèm theo cái giá phải trả là nợ công tăng và người dân đối mặt với chi phí sinh hoạt cao hơn
Giáo sư Pavida Pananond tại Trường Kinh doanh Thammasat ở Bangkok nhận định việc trì hoãn trong xây dựng đường sắt cao tốc có thể đội chi phí thi công và ảnh hưởng đến tình hình phát triển của các ngành khác có thể hưởng lợi từ công trình này.
Ông Termsak Chalermpalanupap tại Viện ISEAS - Yusof Ishak ở Singapore đánh giá: "Không may là trong 2 năm qua, chính phủ Thái Lan đã chi nhiều tiền để giải quyết các vấn đề khẩn cấp khác nhau xuất phát từ dịch COVID-19. Do vậy, Thái Lan không còn nhiều kinh phí dành cho dự án đường sắt cao tốc".
Theo ông Termsak, dự án ưu tiên hiện nay của Thái Lan lại là tuyến đường sắt nối giữa 3 sân bay Don Muang, Suvannabhumi và U-tapao. Đây được coi là dự án tiêu điểm trong dự án cơ sở hạ tầng Hành lang Kinh tế phía Đông của chính phủ Thái Lan.
Giảng viên Panitda Saiyarod tại Đại học Chiang Mai cho rằng thỏa thuận đường sắt cao tốc giữa Trung Quốc với Lào và Thái Lan có khác biệt. Theo bà Panitda Saiyarod, quãng thời gian đàm phán dài và việc Thái Lan quyết định tự lực kinh phí xây dựng cho thấy quá trình đàm phán giữa Bắc Kinh cùng Bangkok phức tạp hơn giữa Bắc Kinh và Vientiane.
Ông Termsak Chalermpalanupap bổ sung: "Trung Quốc không còn ở vị trí cung cấp mọi nguồn chi phí cho các dự án Vành đai Con đường như từ đầu".
Vấn đề thâm hụt thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc có thể là một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc cấp vốn cho tuyến đường sắt cao tốc. Ông James Guild tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam trụ sở ở Singapore nhận định sẽ tốt hơn nếu Thái Lan "giảm tốc độ và quan sát tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào hoạt động như thế nào trong vài năm tới".
Theo ông James Guild, Thái Lan không muốn chi hàng tỷ USD cho một tuyến đường sắt cao tốc ở thời điểm tài chính công eo hẹp và sau đó kết quả là trong vài năm tới nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên.
Mỹ sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC năm 2023 Ngày 10/2, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2023. Thông báo nêu rõ: "Chúng tôi tự hào rằng Mỹ sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC năm 2023, nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong...