Thái Lan: Lựa chọn khó khăn về dự thảo Hiến pháp mới
Ngày 19/5, Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và Nội các Thái Lan sẽ tiến hành cuộc họp quan trọng để thảo luận về dự thảo Hiến pháp mới của nước này.
Các nhà lãnh đạo Chính quyền Thái Lan sẽ phải cân nhắc thận trọng khi đưa ra những quyết định về việc liệu có tiến hành trưng cầu ý dân và những vấn đề cần sửa đổi trong dự thảo Hiến pháp mới.
Đây thực sự là những lựa chọn khó khăn, trong lúc đa số dư luận chính giới và xã hội phản đối khá mạnh mẽ nhiều điều khoản của dự thảo Hiến pháp mới cũng như yêu cầu Chính quyền của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phải tổ chức trưng cầu ý dân đối với bản dự thảo Hiến pháp này.
Trong những ngày gần đây, đại diện 74 chính đảng và nhiều tầng lớp xã hội của Thái Lan, thậm chí cả đại diện Ủy ban soạn thảo Hiến pháp cũng đã đề xuất cần thiết phải tiến hành trưng cầu ý dân, vì Hiến pháp mới có hiệu lực rộng khắp, trực tiếp tới quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân; đồng thời là cơ sở pháp lý cho các cơ chế và hoạt động của hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp, các cơ quan độc lập theo Hiến pháp và chính quyền các địa phương.
Video đang HOT
Luồng dư luận này chấp nhận lui lại thời điểm tổng tuyển cử để Thái Lan có được một bản Hiến pháp mới đảm bảo nguyên tắc “của dân, do dân và vì dân” trong chế độ dân chủ; đồng thời tạo thuận lợi cho Thái Lan phát triển lành mạnh, bền vững trên mọi lĩnh vực trong tương lai.
Nếu chấp nhận tổ chức trưng cầu ý dân, Chính quyền Thái Lan sẽ có lợi thế vì có thể kéo dài thời gian cầm quyền để giải quyết thấu đáo hơn tiến trình cải cách và khắc phục những khó khăn bức xúc về kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc trưng cầu ý dân cũng có thể làm phát sinh những mâu thuẫn, phức tạp mới, khó kiểm soát trong đời sống chính trị – xã hội.
Bên cạnh đó, chính quyền Thái Lan cũng phải xem xét, quyết định về số lượng và mức độ những vấn đề cần sửa đổi trong dự thảo Hiến pháp để có thể đảm bảo được các mục tiêu cải cách, đồng thời được sự chấp nhận của đa số dư luận chính giới và xã hội.
Các nguồn tin trong giới báo chí Thái Lan cho biết, một số thành viên ban lãnh đạo Chính quyền nước này có quan điểm không “mặn mà” với việc tổ chức trưng cầu ý dân, vì lo ngại dự thảo Hiến pháp có thể không được đa số nhân dân chấp nhận.
Các ý kiến nêu trên nghiêng về phương án chỉ cần Hội đồng cải cách quốc gia thông qua dự thảo Hiến pháp mới (sau khi đã sửa đổi), theo đúng lộ trình mà Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã đề ra.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích chính trị Thái Lan nhận định, dù có lựa chọn phương án trưng cầu ý dân hay không, thì Chính quyền Thái Lan cũng khó có thể cho ra đời một bản Hiến pháp hoàn hảo, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí dân chủ, pháp quyền; vì các cơ chế và nhân sự tham gia soạn thảo Hiến pháp mới không thực sự là đại diện của đa số nhân dân Thái Lan./.
Tống Sơn
Theo_VOV
Thái Lan thúc đẩy soạn thảo Hiến pháp chính thức
Bản hiến pháp chính thức tới đây sẽ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử Thái Lan.
Trong một phát biểu vào ngày hôm nay 16/3, Phó Thủ tướng phụ trách luật pháp Wisanu Krue-ngam cho rằng, vấn đề người dân Thái Lan quan tâm nhất hiện nay trong việc soạn thảo hiến pháp là những quy định về phẩm chất và nguồn gốc của Thủ tướng và Hạ nghị sỹ. Đây là vấn đề phức tạp cũng như gây tranh cãi trước khi hình thành một bản hiến pháp chính thức tại Thái Lan. Bản hiến pháp chính thức tới đây sẽ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử Thái Lan.
Quốc hội Thái Lan, nơi làm việc của các cơ quan lập pháp Thái Lan. (Ảnh: Xuân Sơn). Trong khi đó, tại cuộc hội thảo về soạn thảo hiến pháp do Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan (CDC) tổ chức ngày hôm qua 15/3, lãnh đạo Ủy ban này cho biết, dự thảo lần một hiến pháp Thái Lan sẽ được công bố vào ngày 17/4 và nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, Thái Lan sẽ có một bản Hiến pháp chính thức, tuy nhiên việc soạn thảo các bộ luật dưới hiến pháp sẽ được thực hiện trong năm 2016.
Trong một diễn biến liên quan, hôm nay Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết, bản dự thảo hiến pháp mà nước này đang soạn thảo, nếu đưa ra trưng cầu ý dân trên toàn quốc sẽ có mức chi phí 3 tỷ Baht, tương đương 100 triệu USD, tương đương ngân sách để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử. Ủy viên Ủy ban bầu cử Thái Lan Somchai Srisutthiyakorn hôm nay 16/3 cho biết, sau khi dự thảo hiến pháp được Hội đồng cải cách quốc gia thông qua và chính phủ lâm thời quyết định tiến hành trưng cầu ý dân, thời gian chuẩn bị tối thiểu cho cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc là 90 ngày.
Tuy nhiên mốc thời gian này được áp dụng trong trường hợp dự thảo hiến pháp được thông qua theo đúng quy trình và không bị bác bỏ. Theo bản hiến pháp tạm thời năm 2014 đang có hiệu lực hiện nay tại Thái Lan, Ủy ban soạn thảo hiến pháp sẽ soạn thảo và được phép tiếp tục sửa đổi 2 lần, nhưng sau đó vẫn bị Hội đồng cải cách quốc gia bác bỏ, tiến trình soạn thảo hiến pháp sẽ lại bắt đầu từ đầu.
Cho đến thời điểm hiện nay, không rõ chính phủ lâm thời Thái Lan có chấp nhận thực hiện cuộc trưng cầu ý dân dự thảo hiến pháp hay không bởi bản hiến pháp thứ 19 của nước này đang có hiệu lực hiện nay không quy định bắt buộc phải có một cuộc trưng cầu ý dân trước khi công bố áp dụng./.
Xuân Sơn
Theo_VOV
Thái Lan đẩy mạnh quyền công dân trong dự thảo hiến pháp mới Chủ tịch Hội đồng soạn thảo hiến pháp (CDC) Thái Lan Borwornsak Uwanno vừa đưa Hội đồng cải cách quốc gia (NRC) những điều khoản chính trong dự thảo hiến pháp mới, theo Bangkok Post ngày 11.3. Quân đội Thái Lan giữ an ninh, trật tự tại thủ đô Bangkok - Ảnh: Minh Quang "Ở hiến pháp mới, vai trò của người dân...