Thái Lan: Đổi mới phương thức sản xuất nhằm tăng năng suất cây sầu riêng
Được mệnh danh là “Vua của các loại trái cây nhiệt đới”, sầu riêng hiện là loại cây ăn trái quan trọng nhất ở Thái Lan, do tạo ra thu nhập cao cho nước này mỗi năm từ hoạt động xuất khẩu.
Túi bọc sầu riêng giúp làm giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, tăng trọng lượng trái, cải thiện chất lượng vỏ sầu riêng. Ảnh: Huy Tiến/PV TTXVN tại Thái Lan
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, mặc dù là quốc gia có sản lượng sầu riêng hàng đầu thế giới, nhưng người nông dân Thái Lan đang phải đối mặt với vấn đề sâu bệnh làm giảm năng suất cây trồng.
Để phòng trừ sâu bệnh, nhiều nông dân đã sử dụng thuốc hóa học để phun trên cây sầu riêng. Tuy nhiên, điều này không những khiến chi phí sản xuất tăng cao mà còn nguy hại đến sức khỏe của cả người trồng lẫn người tiêu dùng. Trong khi một số khác đã sử dụng túi lưới nông nghiệp để bọc sầu riêng. Túi lưới giúp ngăn được sâu ăn trái sầu riêng, nhưng lại không thể ngăn được rệp sáp và mốc đen. Mặt khác, cách làm như vậy khiến vỏ sầu riêng không hấp dẫn và thậm chí còn bị hỏng.
Trước thực trạng trên, Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTDA) Thái Lan đã tiến hành nghiên cứu và phát triển, cũng như áp dụng thử nghiệm công nghệ mới để nâng cao giá trị của trái sầu riêng. Các nhà khoa học thuộc Nhóm Nghiên cứu công nghệ Polyme tiên tiến, Trung tâm Công nghệ vật liệu và kim loại quốc gia (MTEC) phối hợp với Học viện Công nghệ Mongkut Ladkrabang đã phát triển một hỗn hợp gồm hợp chất polyme và công nghệ tạo hình không sử dụng phương pháp dệt may thông thường để cho phép nước và không khí đi qua chất liệu này một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, chất liệu này cũng sẽ có thể giúp điều tiết một lượng ánh sách thích hợp chiếu trên bề mặt quả sầu riêng.
Video đang HOT
Với sự phát triển này, một nguyên mẫu đã ra đời dưới dạng túi gói sầu riêng, với tên thương mại “Magik Growth”. Sầu riêng được bọc trong túi “Magik Growth” cho thấy có khả năng tạo ra các chất quan trọng trong trái cây, chẳng hạn như tinh bột, đường và các chất chống oxy hóa khác nhau.
Người nông dân ở huyện Klaeng, tỉnh Rayong chia sẻ kết quả đạt được trong việc sử dụng túi bọc sầu riêng “Magik Growth”. Ảnh: Huy Tiến/PV TTXVN tại Thái Lan
Các thí nghiệm đã được thực hành trong cả phòng thí nghiệm và tại các đồn điền sầu riêng ở huyện Klaeng (tỉnh Rayong) từ năm 2019 đến nay. Các dữ liệu nghiên cứu cũng đã được thu thập một cách có hệ thống và kết quả cho thấy túi “Magik Growth” giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất. Phương pháp thân thiện với môi trường này cũng giúp làm giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, tăng trọng lượng trái, cải thiện chất lượng vỏ sầu riêng, qua đó giúp người nông dân sản xuất sầu riêng loại hảo hạng. Ngoài ra, túi có thể tái sử dụng trong ít nhất 2 vụ sản xuất hoặc trong thời gian khoảng 3 năm.
Sự đổi mới này được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào sản xuất và xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan. Điều này cũng phù hợp với chiến lược xây dựng Mô hình Kinh tế Sinh học – Tuần Hoàn – Xanh (BCG), trong đó kết hợp giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và an ninh con người.
Thái Lan kỳ vọng công nghệ mới sẽ góp phần giúp sản lượng sầu riêng trung bình hằng năm của nước này trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt mức 2,02 triệu tấn, qua đó vươn lên thành quốc gia có sản lượng sầu riêng lớn nhất thế giới. Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Thái Lan khi chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng hơn 3 tỷ USD của nước này trong năm 2021.
Lạng Sơn: Hỗ trợ tốt nhất cho xuất khẩu hoa quả tươi
Đầu tháng 6/2022, các mặt hàng nông sản trái cây như xoài, mít, nhãn, thanh long... nhất là vải tươi đang đến mùa thu hoạch ở một số địa phương trên cả nước được các doanh nghiệp, thương nhân đưa tới cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng tăng.
Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) tra soát chủng loại mặt hàng trái cây trước khi xuất khẩu. Ảnh: Quang Duy/TTXVN
Để tạo điều kiện tốt nhất cho xuất khẩu thuận lợi, lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai biện pháp nghiệp vụ, qua đó hỗ trợ nông sản thông quan nhanh chóng.
Theo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Tân Thanh, khu vực cửa khẩu và bến bãi được chủ động phân luồng phương tiện xuất khẩu và nhập khẩu riêng biệt. Bãi xe Bảo Nguyên- nơi tập trung phần lớn phương tiện xuất nhập khẩu đã bố trí các vị trí ưu tiên cho xe chở hoa quả tươi xuất khẩu. Những xe chở hoa quả tươi xuất khẩu được tạo điều kiện thông quan trước vào buổi sáng để bảo đảm chất lượng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh Phùng Văn Ba cho biết, các đội nghiệp vụ hải quan của đơn vị luôn thực hiện giải quyết các thủ tục thông quan nhanh chóng và đúng quy trình với mặt hàng hoa quả tươi. Ngoài ra, với những tờ khai còn có sai sót, các đội nghiệp vụ đã chủ động thông tin tới doanh nghiệp để kịp thời chỉnh sửa, trên quan điểm luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu các loại nông sản qua cửa khẩu.
Chị Vũ Quỳnh Trang, đại diện Công ty XNK Vũ Hồng Hải, thành phố Lạng Sơn đang thực hiện khai báo xuất khẩu quả vải tươi qua cửa khẩu Tân Thanh cho biết, được các đơn vị chức năng cửa khẩu hướng dẫn nên thủ tục giấy tờ khai báo lô vải tươi của doanh nghiệp sớm được hoàn chỉnh. Các công đoạn hoàn thiện thủ tục cũng chỉ trong một thời gian ngắn nên xe hàng của doanh nghiệp cũng được thông quan nhanh chóng mà không có vướng mắc gì phát sinh.
Nhằm đảm bảo giữ vững môi trường an toàn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra ổn định, đồn Biên phòng Tân Thanh đã triển khai các kế hoạch tăng cường quân số, phân công ca trực làm việc 24/24 và điều tiết các phương tiện ra vào khu vực cửa khẩu. Lực lượng Biên phòng cũng đã chủ động phân luồng từ xa, hướng dẫn lái xe vào bến bãi trung chuyển hàng hóa gần cửa khẩu. Qua đó, giảm thiểu được khả năng ách tắc, tránh ùn ứ hàng hóa khi phương tiện tăng cao.
Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng, Đồn Biên phòng Tân Thanh Đồng Đình Yên cho hay, đơn vị đã có phối hợp chặt chẽ với lực lượng khác ở cửa khẩu, các doanh nghiệp bến bãi tổ chức quản lý về an ninh trật tự trong khu vực, kịp thời có những hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh xuất nhập khẩu. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp tuyên truyền tới các chủ hàng, lái xe về tình hình xuất nhập khẩu để có biện pháp điều tiết hàng hóa hợp lý lên cửa khẩu.
Để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu mặt hàng hoa quả tươi nói riêng và các mặt hàng khác nói chung, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tổ chức các cuộc trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm thống nhất các phương án xuất nhập khẩu, thúc đẩy giao thương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thông quan đôi bên. Đồng thời, các đơn vị chức năng xây dựng các kế hoạch, phương án đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa...
Theo thống kê từ các lực lượng chức năng cửa khẩu Tân Thanh, tính từ ngày 15 - 31/5 đã có trên 1.500 phương tiện chở hoa quả tươi được thông quan xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh với các mặt hàng chủ yếu là chuối, mít, xoài, vải, thanh long.
Để hoạt động xuất khẩu các mặt hàng hoa quả tươi được thuận lợi, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo các doanh nghiệp, thương nhân ngoài việc tăng cường nắm bắt, cập nhật tình hình hoạt động cửa khẩu cần chủ động thực hiện chuyển đổi loại hình xuất khẩu nông sản theo hướng chính ngạch, qua đó hạn chế rủi ro. Đồng thời, quan tâm hơn đến chất lượng, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nông sản...
Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân xuất siêu hơn 4 tỷ USD năm 2021 Lý giải về nguyên nhân của kết quả xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD trong khi số đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ước nhập siêu khoảng 2 tỷ USD, Bộ Công Thương mới đây đã có công văn số 2875/BCT-KH trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Báo cáo đánh giá bổ sung...