Thái Lan điều tra chống bán phá giá đối với nhôm Trung Quốc
Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với nhôm đùn từ Trung Quốc sau khi các nhà sản xuất Thái Lan phàn nàn về thiệt hại do hàng nhập khẩu gây ra.
Mối lo ngại về hàng hóa nước ngoài giá rẻ tràn ngập Thái Lan và cạnh tranh không lành mạnh đã thúc đẩy quyền Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Phumtham Wechayachai đưa ra hành động.
Bộ Thương mại đã triển khai các biện pháp bao gồm áp thuế chống bán phá giá và hạn chế đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Các loại thuế này chủ yếu nhắm vào các sản phẩm thép từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc.
Ủy ban Chống bán phá giá và Trợ cấp hiện đã mở cuộc điều tra kéo dài 9 tháng đối với nhôm đùn của Trung Quốc theo yêu cầu của các nhà sản xuất nội địa. Thuế bổ sung sẽ được áp dụng trong 5 năm nếu xác nhận có tình trạng bán phá giá. Nếu thiệt hại vẫn tiếp diễn, biện pháp này có thể được gia hạn thêm 5 năm.
Hiện nay, có 20 mặt hàng nhập khẩu phải chịu biện pháp chống bán phá giá được triển khai trong năm 2023, trong đó có thép cán nóng, thép không gỉ cán nguội (bao gồm cuộn, tấm và dải), thép cán nguội, thép cán nguội phủ sơn mạ kẽm nhúng nóng và thép cán nguội phủ hoặc sơn hợp kim nhôm và kẽm nhúng nóng.
Video đang HOT
Huy Tiến (P/v TTXVN tại Bangkok)
Hợp tác vì người dân, hướng đến một tiểu vùng Mekong an toàn và bền vững
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 16/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 9 đã diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan, với sự tham dự của các nước thành viên, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 9. Ảnh: Huy Tiến/Pv TTXVN tại Thái Lan
Tại hội nghị, các nước đánh giá hợp tác Mekong - Lan Thương thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng khu vực Mekong hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Các nước hoan nghênh Thái Lan và Trung Quốc, với vai trò đồng Chủ tịch cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương, đã thúc đẩy tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 9 nhằm đánh giá việc triển khai những định hướng, được các nhà lãnh đạo 6 nước thông qua, tại Hội nghị cấp cao Mekong - Lan Thương tháng 12/2023, đồng thời thúc đẩy triển khai Kế hoạch hành động Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023-2027.
Các nước hoan nghênh kết quả ấn tượng của hợp tác Mekong - Lan Thương, với gần 100 dự án do Quỹ Đặc biệt Mekong - Lan Thương tài trợ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, địa phương và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như thương mại, nông nghiệp, du lịch, quản lý nguồn nước, môi trường, phát triển xanh, y tế, xóa đói giảm nghèo, trao quyền cho phụ nữ.
Với chủ đề "Hướng tới tương lai an toàn và bền vững hơn cho khu vực Mekong - Lan Thương", các nước thành viên đề xuất nhiều ý tưởng mới nhằm nắm bắt các cơ hội mở ra từ những xu hướng phát triển mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các tiến bộ khoa học - công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ phát triển. Các nước nhất trí đẩy mạnh kết nối thông qua phát triển hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, hàng không, bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định, thúc đẩy nông nghiệp thông minh và bền vững, tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiên tai, giảm ô nhiễm không khí và phòng chống tội phạm xuyên biên giới. Đặc biệt, quản lý bền vững nguồn nước tiếp tục là nội dung được ưu tiên hàng đầu tại hội nghị; các nước khẳng định nỗ lực triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động hợp tác tài nguyên nước Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023-2027 và ủng hộ Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương lần thứ 2 trong năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: Huy Tiến/Pv TTXVN tại Thái Lan
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng khẳng định sự coi trọng và đóng góp hiệu quả của Việt Nam đối với hợp tác Mekong - Lan Thương. T
hứ trưởng cũng nhấn mạnh 5 kết quả và đóng góp nổi bật của hợp tác Mekong - Lan Thương trong thời gian qua, đó là cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn, hợp tác hiệu quả và thực chất hơn, lĩnh vực hợp tác mở rộng hơn, sự tham gia sâu rộng hơn của các thành phần xã hội và mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân.
Bà Eksiri Pintaruchi, Thư ký thường trực phụ trách các vấn đề đối ngoại của Vương quốc Thái Lan chào mừng Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng (bìa trái) tham gia Hội nghị. Ảnh: Huy Tiến/Pv TTXVN tại Thái Lan
Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đã được các nhà lãnh đạo Mekong - Lan Thương thông qua, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng đã đưa ra một số đề xuất quan trọng:
Thứ nhất, một khu vực Mekong - Lan Thương hiện đại và phát triển phải dựa trên cơ sở bảo đảm thương mại, đầu tư và kết nối thông suốt giữa các nước thành viên. Việt Nam đề xuất Mekong - Lan Thương hợp tác mở rộng thị trường, củng cố chuỗi cung ứng bền vững, kết nối hạ tầng giao thông. Mekong - Lan Thương cần ưu tiên nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua triển khai hiệu quả Hành lang đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương.
Thứ hai, để xây dựng một khu vực Mekong - Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm, các nước Mekong - Lan Thương cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu. Việt Nam ủng hộ Sáng kiến về đẩy mạnh hơn nữa hợp tác Meklong - Lan Thương về nguồn nước và đề xuất các nước tăng cường hợp tác trong quản lý lũ lụt và hạn hán, chia sẻ dữ liệu thuỷ văn, tiến hành các nghiên cứu chung, đồng thời xem xét tổ chức Ngày nước Mekong -Lan Thương nhằm nâng cao nhận thức về quản lý, sử dụng và bảo vệ bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị. Ảnh: Huy Tiến/Pv TTXVN tại Thái Lan
Thứ ba, hợp tác Mekong - Lan Thương cần tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, sự gắn bó sâu sắc giữa nhân dân 6 nước, đồng thời tiếp tục thúc đẩy cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm. Đây cần là nền tảng cho sự phát triển của Mekong - Lan Thương giai đoạn tiếp theo. Theo đó, hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương vào năm 2025, Việt Nam đề xuất tăng cường và đa dạng hoá hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, giao lưu thanh niên, kết nối địa phương, doanh nghiệp, tìm kiếm những ý tưởng hợp tác mới từ thế hệ trẻ của sáu nước.
Các đề xuất và đóng góp của Việt Nam đã được các nước ghi nhận, đánh giá cao và đưa vào các văn kiện về định hướng hợp tác Mekong - Lan Thương trong thời gian tới.
Trưởng đoàn Thái Lan và Trung Quốc chủ trì họp báo chung sau Hội nghị. Ảnh: Huy Tiến/Pv TTXVN tại Thái Lan
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 9 đã thành công tốt đẹp. Hội nghị đã ra Thông cáo báo chí chung và thông qua 3 sáng kiến mới về tăng cường hợp tác quản lý tài nguyên nước, xây dựng môi trường không khí sạch và phòng chống tội phạm xuyên biên giới. Các nước nhất trí Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Lan Thương lần thứ 10 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc trong năm 2025 nhằm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác Mekong - Lan Thương, đóng góp cho hòa bình, ổn định và sự phát triển thịnh vượng và bền vững của khu vực.
Đỗ Sinh - Huy Tiến (TTXVN)
Thái Lan muốn thúc đẩy hơn nữa ngoại thương với láng giềng và khu vực Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã yêu cầu các cơ quan liên quan theo đuổi các chính sách đầu tư và thương mại quốc tế thân thiện nhằm thúc đẩy thương mại biên giới và xuyên biên giới giữa Thái Lan với các nước láng giềng. Gạo được bày bán tại siêu thị ở Bangkok, Thái...