Thái Lan choáng váng sau vụ phát hiện 32 thi thể người di cư bất hợp pháp
Choáng váng sau khi phát hiện 32 thi thể của những người di cư bị buôn bán ở miền nam Thái Lan, chính quyền Thái Lan đã lên tiếng tìm kiếm sự hợp tác của Malaysia và Myanmar để giúp chống lại nạn buôn bán người đang gia tăng trong khu vực.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, trong bài phát biểu trên truyền hình tối 8-5-2015, đã thừa nhận có sự dính líu của các quan chức chính phủ trong các tổ chức buôn bán người, khi một thị trưởng và phó thị trưởng đã bị bắt giữ và khoảng 50 sĩ quan cảnh sát đã bị điều chuyển khỏi khu vực miền Nam Thái Lan.
Thủ tướng Prayuth nói: “Tôi đã ra lệnh cho Bộ Ngoại giao liên hệ với Malaysia và Myanmar để tổ chức một cuộc họp nhằm giải quyết điều này. Chúng tôi nghĩ rằng cuộc họp này có thể được tổ chức vào cuối tháng này”.
Cảnh sát biên giới Thái Lan bắt giữ 13 người di cư Rohingya tại huyện Rattapum tỉnh Songkhla ngày 7-5
Tuần trước, Thái Lan đã phát hiện 32 thi thể được cho là những người Rohingya theo đạo Hồi từ bang Rakhine của Myanmar và Bangladesh tại hai địa điểm ở tỉnh Songkhla, hơn 30 ngôi mộ được cho là của người di cư đã được tìm thấy nhưng chính quyền vẫn chưa cho khai quật thi thể ở khu vực này.
Miền Nam Thái Lan nổi tiếng là một điểm trung chuyển của tội phạm buôn người Hồi giáo Rohingya, một nhóm dân tộc thiểu số không quốc tịch ở Myanmar, vào Malaysia. Chính quyền địa phương đã tìm thấy ít nhất 55 người – bao gồm người Rohingya và người Bangladesh – lang thang trong các khu rừng dọc biên giới trong vài ngày qua, Đại tá cảnh sát Putichat Ekkachan cho biết.
Quan chức Thái Lan kiểm tra các thi thể tại tỉnh Songkhla ngày 6-5
The Bangkok Post đưa tin rằng Thủ tướng Prayuth nhấn mạnh rằng, Thái Lan “phải tăng cường các biện pháp để chống lại nạn buôn người, vì nó sẽ trầm trọng thêm khi cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành”.
Một nguồn tin chính phủ cho biết Thái Lan hy vọng rằng một cuộc họp đa phương sẽ giúp phát triển một kế hoạch hành động của khu vực. Ngoài Myanmar và Malaysia, chính quyền Thái Lan cũng đang xem xét việc mời Bangladesh tham gia hội nghị, cũng như Mỹ, Indonesia, New Zealand, Australia và các quan chức đại diện cho Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn và Tổ chức Di cư Quốc tế.
Video đang HOT
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết rằng, người Rohingya và Bangladesh bị bắt giữ trong vài ngày qua sẽ bị buộc tội nhập cảnh bất hợp pháp và bị giam giữ. “Chúng tôi cũng sẽ cung cấp cho họ thực phẩm theo tín ngưỡng tôn giáo của họ. Đây là gánh nặng của Thái Lan”, ông nói thêm.
Người dân di cư tại một cơ sở ở Songkhla
Kể từ khi phát hiện ra các ngôi mộ, 53 cảnh sát tại các tỉnh phía Nam gồm Songkhla, Ranong và Satun – nơi buôn lậu người Rohingya đang lan rộng – đã bị thuyên chuyển công tác.
Theo The Nation, 15 nhân viên cảnh sát khác đã phải đối mặt với lệnh trừng phạt tương tự vì nghi ngờ hưởng lợi từ buôn người hoặc do “thiếu năng lực”. Đầu tuần qua, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc”, đồng thời kêu gọi “một nỗ lực khu vực để chấm dứt nạn buôn người”.
Việc khám phá những xác chết đã khiến Thái Lan bị sốc. Thái Lan hiện đang bị áp lực của Liên minh châu Âu và Mỹ về nạn buôn bán người. Năm 2014, Thái Lan đã bị xếp hạng thấp nhất trong một báo cáo nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong khi hồi đầu tháng này, EU đã ra hạn cho Thái Lan 6 tháng để cải thiện các nỗ lực trong cuộc chiến chống đánh bắt cá bất hợp pháp của các tàu thuyền đánh cá sử dụng người di cư trong “điều kiện như nô lệ”.
Hầu hết người Rohingya bị tập trung trong các trại đến từ bang Rakhine ở miền Tây Myanmar. Sau cuộc đụng độ bạo lực trong mùa hè năm 2012, những người Rohingya bắt đầu bỏ chạy hàng loạt để tìm sự an toàn, cũng như tìm kiếm việc làm tại Malaysia và xa hơn nữa.
Người Bangladesh cũng sử dụng những kẻ buôn lậu người để đi đến những nơi họ xem như là hứa hẹn kinh tế ở Malaysia. Nhưng một số trong số họ – cùng với người Rohingya – bị bắt cóc và buộc phải lên thuyền. Khi đến gần bờ biển Thái Lan, họ được đưa bằng xe tải đến các trại trú ẩn trong rừng và bị giam giữ cho đến khi gia đình trả tiền chuộc. Số còn lại sau đó cố gắng vượt biên giới sang Malaysia.
VietBao.vn (Theo_An ninh thủ đô>>>)
Về nơi hàng trăm phụ nữ lấy chồng Trung Quốc
Khoảng 10 năm trở về trước, vì cái nghèo, những phụ nữ ven biển Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa đã nghe theo lời dụ dỗ, kéo nhau sang Trung Quốc làm thuê rồi bị ép lấy chồng xa xứ. Hàng trăm người đi nhưng rất ít người trở về.
Những năm gần đây, "cơn sốt" lấy chồng Trung Quốc của phụ nữ ven biển không còn nở rộ nhưng cũng chưa chấm dứt hẳn.
Người dân các xã ven biển của hai huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc (Thanh Hóa) từ xưa đến nay có cuộc sống vô cùng khó khăn. Do đất canh tác nông nghiệp không có, nghề chủ yếu của họ là đi biển, lúc được lúc không. Ngoài nghề đi biển để mưu sinh, người dân ven biển thường chọn cho mình con đường lao động "chui" bên Trung Quốc.
Khoảng 10 năm trở về trước, nơi này, người người kéo nhau sang Trung Quốc làm thuê. Nhiều phụ nữ cũng vì trào lưu này mà bị dụ dỗ rồi bị bán hoặc bị ép lấy chồng Trung Quốc. Nhiều làng, hàng chục cô gái bỗng dưng mất tích. Sau này người nhà mới biết là họ theo nhau sang Trung Quốc làm thuê rồi lấy chồng ở luôn bên đó.
Chúng tôi tìm về gia đình chị Phạm Thị L. (SN 1977, thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa). Chị L. là một trong những phụ nữ bỏ xứ đi Trung Quốc rồi lấy chồng bên đó từ năm 1997. Theo lời kể của chị Lê Thị Lan, chị dâu của chị L., ngày đó nhiều con gái trong xã bỗng dưng mất tích, người nhà chỉ nghi ngờ họ rủ nhau sang Trung Quốc làm thuê chứ không biết đích xác họ đi đâu.
Chị Lan ngậm ngùi kể về cuộc sống của người em chồng đang sống bên Trung Quốc
"Phải cả chục năm sau cũng không có tin tức gì của cô, gia đình không biết cô còn sống hay đã chết, chỉ nghi ngờ cô theo bạn bè sang Trung Quốc thôi. Bỗng dưng mấy năm trước cô bất ngờ trở về. Cô kể ngày đó không biết gì, thấy người ta rủ đi làm thuê kiếm tiền thì đi cũng không ngờ mình bị đưa sang Trung Quốc rồi bị ép lấy chồng bên đó, sinh được 3 người con. Cuộc sống lao động khổ cực trăm bề, nhiều lúc cô muốn bỏ về quê nhưng vì thương con nên đành chấp nhận ở lại nơi xứ người. Cô về ít hôm rồi lại đi, vì chẳng thể bỏ con ở bên đó. Vài năm nay thì gia đình làm mất số điện thoại nên cũng không còn liên lạc được với cô nữa" - chị Lan ngậm ngùi kể về cô em chồng của mình.
Cũng sang Trung Quốc cùng ngày với chị L., chị Lê Thị B. (SN 1975, thôn Liên Minh) cũng lấy chồng Trung Quốc và sinh được 2 người con. Ra đi từ năm 1997 nhưng chị mất tung tích cho đến 10 năm sau mới quay trở về Việt Nam.
Dù cuộc sống khó khăn cực khổ nhưng người phụ nữ này cũng không thể bỏ con để về hẳn quê hương. Bởi vậy chị chỉ trở về ít hôm thăm gia đình rồi lại quay lại Trung Quốc.
Chị Lê Thị Ninh (chị gái chị B.) cho biết: "Dì ấy trở về khiến ai cũng bất ngờ, 10 năm không có thông tin gì, ai cũng tưởng dì đã chết rồi. Mọi người giữ dì ở lại nhưng dì nói không thể bỏ được con nên lại đi. Dì bảo ngày đó người ta nói ra Ninh Bình đi làm công ty nhưng sau đó thì đưa lên cửa khẩu, lúc biết mình bị lừa thì đã muộn, không thể quay lại được. Cuộc sống bên đó khó khăn nên về Việt Nam, lúc đi dì mang theo từ gói bột canh...".
Chị B. và chị L. chỉ là trong số ít những cô gái may mắn được trở về Việt Nam thăm lại gia đình, còn hầu hết những người lấy chồng Trung Quốc đều không trở lại.
Theo thống kê của Đồn biên phòng Đa Lộc (Hậu Lộc) trong 8 xã ven biển như: Hòa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, Nga Tân, Nga Sơn từ những năm 90 cho đến thời điểm hiện tại có 343 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Kết quả của những cuộc hôn nhân ấy là 20 người con lai đang sinh sống trên địa bàn.
Còn tại 5 xã ven biển của huyện Hoằng Hóa như Hoằng Phụ, Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Trường, Hoằng Hải, theo thống kê của Đồn biên phòng Hoằng Trường thì có tổng 85 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc.
Nghề đi biển vất vả, không có đồng ruộng nên phụ nữ nơi này muốn sang Trung Quốc mong đổi đời
Trung úy Lê Đăng Khoa, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm- Đồn biên phòng Hoằng Trường cho biết: "Những năm gần đây, việc lấy chồng Trung Quốc đã giảm xuống nhiều do ý thức của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, số phụ nữ lấy chồng Trung Quốc của những năm trước thì hầu hết không trở về. Những người quay trở về hoặc liên lạc với gia đình thì rất ít".
Cũng theo Trung úy Khoa thì có thể nhiều phụ nữ là nạn nhân của đường dây buôn bán người sang Trung Quốc nhưng do họ không trở về nên không thể biết được. Mới đây nhất, vào năm 2010, đã khởi tố một vụ án buôn bán người mà ngay cả đối tượng khi bị bắt cũng bất ngờ vì hành vi phạm tội của mình đã diễn ra hơn chục năm.
"Năm 2010, Đồn biên phòng Hoằng Trường đã nhận được đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1958, xã Hoằng Tiến) tố bị đối tượng Nguyễn Thị Tùng (SN 1967, xã Hoằng Thanh) lừa bán sang Trung Quốc làm vợ cho một người đàn ông ở huyện Giấm Phình, tỉnh Quảng Đông với số tiền 1300 nhân dân tệ vào năm 1997. Nạn nhân Xuân có với chồng 1 cô con gái cho đến ngày 21/5/2010 mới được một người Việt Nam gặp và đưa về nên mới có cơ hội tố cáo kẻ đã bán mình. Đối tượng Tùng bị bắt ngay sau đó và bị khởi tố, kết án tội buôn người..." - Trung úy Khoa kể lại.
Ngoài Hoằng Hóa thì huyện Hậu Lộc vào trước những năm 2000, cũng đã khởi tố 4 vụ án buôn bán người sang Trung Quốc. Tất cả các vụ án này đều từ đơn của bị hại khi trốn thoát trở về.
Trào lưu lấy chồng Trung Quốc mặc dù đã xảy ra từ nhiều năm trước tuy nhiên cho đến bây giờ hệ lụy của nó cũng không nhỏ.
Theo Trung tá Lê Duy Hùng, Chính trị viên Đồn biên phòng Đa Lộc thì việc quản lý số lao động "chui" hay phụ nữ ở lại lấy chồng bên Trung Quốc rất khó vì khi họ đi không báo cáo chính quyền địa phương. Lúc họ đi hay khi trở về cũng vậy, hay một số phụ nữ lấy chồng Trung Quốc trở về nhưng một thời gian lại qua bên đó. Hiện trong 8 xã ven biển mà Đồn quản lý có 20 con lai đang sinh sống trên địa bàn.
"Việc quản lý con lai, một số địa phương còn đang rất vướng trong việc nhập hộ tịch, hộ khẩu vì cuộc hôn nhân của bố mẹ chúng không được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, một số nơi, chính quyền vẫn phải tạo điều kiện nhập khẩu để các cháu có thể đến trường đi học" - Trung tá Hùng cho hay.
Theo tìm hiểu của PV thì một thực tế đáng buồn là việc lấy chồng Trung Quốc của phụ nữ ven biển hầu hết đều có cuộc sống khó khăn, khổ cực, nhiều người ra đi nhưng không trở về; nhưng những năm gần đây, trào lưu này tuy có giảm chứ không dứt hẳn. Phụ nữ nơi vùng quê nghèo khó này vẫn mưu sinh bằng cách đi lao động "chui" Trung Quốc rồi lấy chồng, sinh con đẻ cái bên đó. Phần lớn đều là những cuộc hôn nhân không được pháp luật công nhận.
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Úc Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Tony Abbott và tham dự một loạt các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Úc từ 16-19/3. Các đại diện cộng đồng người Việt tại Úc chờ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi máy bay chở phái đoàn Việt Nam...