Thái Lan chật vật phục hồi du lịch giữa làn sóng dịch
Vừa quay cuồng đối phó dịch, Thái Lan vừa nỗ lực mở lại du lịch trong bối cảnh nhiều người trong ngành công nghiệp này mất sinh kế, các khách sạn lớn nhỏ đứng trước nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn.
Một người phụ nữ bán trái cây ven đường ở đảo Phuket chờ khách trong không gian vắng vẻ. Ảnh: DW
Tín hiệu từ những “Hộp cát”
Khi Sunisa biết rằng chính phủ Thái Lan có kế hoạch mở cửa trở lại Phuket, hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất của đất nước, theo kế hoạch thí điểm để hồi sinh du lịch có tên “Phuket Sandbox” (Hộp cát Phuket), bà đã vui mừng khôn xiết.
Giống như nhiều người khác, đại dịch đã tước đi toàn bộ sinh kế của Sunisa. Trước dịch, người phụ nữ tuổi 50 này thường bận rộn điều hành một công ty tour du lịch tư nhân cho các gia đình và nhóm nhỏ, cung cấp dịch vụ một cửa từ nơi ăn ở đến phương tiện đi lại và các chuyến du ngoạn.
“Tôi nghĩ chương trình Phuket Sandbox sẽ giúp thu hút du khách trở lại và đúng như tôi mong đợi. Một số khách hàng đã quay trở lại và thu nhập của tôi bắt đầu cải thiện”, Sunisa nói với DW.
Mặc dù con số thu về không là gì so với trước đây, nhưng bà Sunisa đặt nhiều hy vọng vào mùa cao điểm sắp tới, từ tháng 12 đến tháng 3/2022 khi các đơn đặt phòng mới bắt đầu đổ tới.
Kể từ ngày 1/7, du khách nước ngoài đã có thể đến thăm hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket mà không cần phải thực hiện cách ly, với điều kiện họ đã tiêm phòng đầy đủ và sẵn sàng tuân thủ một danh sách các quy định nhằm hồi sinh an toàn ngành công nghiệp đang rất cần được giải cứu.
Sau khi ở lại Phuket trong 14 ngày, họ được phép đi tiếp đến các vùng khác của Thái Lan, nơi du khách vẫn bị cản trở bởi các quy định phòng dịch và thủ tục giấy tờ phức tạp.
Một lượng nhỏ du khách đã quay trở lại Thái Lan trong kế hoạch thí điểm, nhưng liệu nó có đủ để giải cứu ngành công nghiệp. Trong ảnh là bãi biển Patong, Phuket. Ảnh: DW
Trong hai tháng đầu của chương trình “Sandbox”, chỉ có hơn 26.000 du khách đến Phuket, thấp hơn nhiều so với con số kỳ vọng là 100.000 du khách vào cuối tháng 9.
Mặc dù con số giảm so với dự báo, các quan chức Thái Lan vẫn hy vọng lượng du khách nhỏ giọt sẽ sớm có thể trở thành một dòng chảy.
Ngành du lịch bị tàn phá
Giống như các quốc gia phụ thuộc vào du lịch khác, ngành du lịch của Thái Lan, chiếm 20% Tổng thu nhập quốc dân, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Trong khi phần lớn thế giới phải vật lộn để kiềm chế những làn sóng đầu tiên của đại dịch, Thái Lan vượt qua năm ngoái tương đối bình yên, chỉ bằng cách đóng cửa biên giới, cùng với đó là ngành du lịch.
Video đang HOT
Nhưng biến thể Delta đã đẩy Thái Lan vào một giai đoạn khó khăn, với số ca nhiễm, nhập viện và tử vong tăng mạnh kể từ tháng 4 năm nay, trì hoãn mọi kế hoạch mở cửa trở lại hoàn toàn.
Vào đầu tháng 9, giới chức Thái Lan đã nới lỏng lệnh đóng cửa ở các địa phương, bao gồm cả thủ đô Bangkok, để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, bất chấp tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao. Động thái này báo hiệu một sự thay đổi chiến thuật từ các nhà chức trách, vốn đang hy vọng kiềm chế lây nhiễm ở mức có thể kiểm soát được và hướng cuộc sống trở lại bình thường.
Đường Khaosan, từng là một điểm nóng nhộn nhịp cho khách du lịch ba lô ở Bangkok, trở nên yên tĩnh kỳ lạ từ khi bắt đầu đại dịch. Ảnh: DW
Vì vậy, bất chấp sự gia tăng đáng báo động các ca lây nhiễm mới, Thái Lan đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng sáng kiến “Sandbox” đến nhiều tỉnh hơn, bao gồm thủ đô Bangkok, thành phố Chiang Mai ở phía bắc và các địa điểm du lịch biển nổi tiếng như Pattaya, Cha-An và Hua Hin.
Vật lộn để tồn tại
Các khách sạn quy mô lớn nhỏ trên toàn quốc là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, khi chứng kiến hoạt động kinh doanh đóng băng.
Một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Thái Lan và Hiệp hội Khách sạn Thái Lan (THA) cho thấy 52% nhà điều hành khách sạn đang cân nhắc đóng cửa tạm thời và 9% muốn đóng cửa vĩnh viễn.
Những người chơi nhỏ như Sawita Vibhatasilpin thì cảm thấy sức ép quá căng thẳng. Thông thường, Sawita và đối tác kinh doanh của cô đón 20-30 khách du lịch ba lô ra vào nhà nghỉ nhỏ nhưng sôi động của họ ở trung tâm Bangkok mỗi ngày. Nhưng kể từ khi các nhà chức trách đóng cửa biên giới vào năm ngoái, hầu hết phòng trong nhà nghỉ để không, vì số lượng khách đã giảm đáng kể xuống còn 1-2 người mỗi tháng.
Các nhà nghỉ giá rẻ dành cho “Tây ba lô” như của Sawita khó có thể sống sót sau dịch. Hai nhà nghỉ khác cùng khu phố đã ngừng hoạt động và Sawita lo lắng số phận tương tự xảy đến với mình.
“Tôi sợ rằng cuối cùng chúng tôi sẽ bị buộc phải đóng cửa. Mặc dù chủ nhà có thông cảm, chúng tôi hầu như không kiếm được tiền và không trả được bất kỳ khoản tiền thuê nào trong 6 tháng qua”, cô chủ nhà nghỉ 30 tuổi nói.
Chặng đường dài phía trước
Mặc dù tình hình đã được cải thiện một chút đối với một số người, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho đến khi lượng khách du lịch đến Thái Lan phục hồi hoàn toàn.
Nattakit Malaichaisong, một hướng dẫn viên du lịch ở Chiang Mai, nói với DW: “Tôi không có khách nào đặt phòng, và đến 4-5 tháng qua mới có vài người khách nội địa bắt đầu quay trở lại. Tôi thực sự khó tin có thể mở cửa lại hoàn toàn vào tháng 10. Mới không đầy 20% người dân được tiêm phòng đầy đủ và ca nhiễm hàng ngày vẫn cao”.
Năm 2019, hơn 14 triệu khách du lịch, bao gồm 10 triệu du khách nước ngoài, đã đến Phuket. Trong ảnh là vịnh Strand Maya ở Phuket. Ảnh: DW
Tháng trước, Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho biết, nếu đợt dịch do biến thể Delta còn tiếp diễn tới sau tháng 9, nước này có thể hy vọng đạt 500.000-700.000 du khách nước ngoài trong năm nay. Cục Du lịch Thái Lan thì lạc quan hơn, dự đoán sẽ đón 1,2 triệu du khách quốc tế trong năm 2021.
Nhưng đó đều là những dự báo quá ảm đạm nếu so với con số 40 triệu du khách quốc tế đến Thái Lan vào năm 2019.
“Tôi nghĩ chúng tôi phải chờ thêm 1-2 năm nữa du lịch mới thực sự bật tăng trở lại. Chìa khoá là phải khôi phục niềm tin và bảo đảm an toàn cho du khách”, Nattakit nói.
COVID-19 tại ASEAN hết 17/9: Lào số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt; Campuchia lên kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 68.661 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên gần 250.000 người.
Du khách dạo chơi trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 14/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Có thể nói Indonesia đã qua đỉnh dịch này và tình hình đang hạ nhiệt nhanh chóng.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao và ca mắc mới cao thứ ba khu vực và tăng mạnh trở lại. Trong 24h qua, Philippines chính là quốc gia có số ca mắc và tử vong mới cao nhất khu vực.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua. Nhà chức trách y tế Malaysia không công bố số liệu người tử vong trong 1 ngày qua, số ca mắc mới là trên 17.000 trường hợp.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. "Xứ sở chùa Phật Ngọc" trong ngày 17/9 ghi nhận thêm trên 14.500 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 171 người, tăng nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.
Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 698 bệnh nhân mới và 11 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Taungoo, Bago, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 249.639 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 924 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11,3 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10 triệu trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 7/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 17/9
Cảnh vắng vẻ trên một đường phố ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 12/9/2021 sau khi chính phủ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN
Lào ghi nhận số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng vọt
Bộ Y tế Lào ngày 17/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 288 ca mắc mới COVID-19; trong đó ngoài 69 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có tới 219 ca cộng đồng. Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào trong 1 ngày đã tăng vọt. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 18.347 ca, trong đó có 16 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế Lào, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng ở nước này hiện có xu hướng phức tạp khi xuất hiện ở nhiều tỉnh thành và lan rộng ra nhiều địa phương. Đặc biệt, những ngày qua, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng cao tại một số tỉnh như Champasak, Savannakhet, Khammuan...
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào vừa cảnh báo nhiều tỉnh ở nước này đang ở trong tình trạng lây nhiễm dịch gần cấp độ 3, cấp độ phức tạp nhất trong mức đo về tình trạng bùng phát dịch trong cộng đồng, đồng thời yêu cầu các địa phương cần áp dụng nghiêm ngặt hơn các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Lo ngại dịch bệnh lan rộng, chính quyền tỉnh Luang Prabang đã có thông báo cấm toàn bộ hoạt động thể dục thể thao tại một quảng trường, nơi trước đó đã ghi nhận một số ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong một diễn biến liên quan khác, Hàng không Quốc gia Lào (Lao Airlines) thông báo tạm ngừng khai thác chặng bay nội địa từ Viêng Chăn đi các tỉnh Champasak, Savannakhet và chiều ngược lại.
Tình nguyện viên hướng dẫn kiểm tra y tế tại trường Trung học Toul Tumpoung, Phnom Penh. Ảnh: Vũ Hùng - PV TTXVN tại Campuchia
Campuchia lên kế hoạch đón du khách quốc tế
Ngày 17/9, để nhanh chóng hồi phục ngành du lịch, tạo công việc làm cho hàng chục nghìn lao động, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu Bộ Du lịch nước này cân nhắc mở cửa trở lại cho du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh vào Campuchia với thời gian cách ly 7 ngày.
Theo người đứng đầu Chính phủ Campuchia, việc khôi phục trở lại ngành công nghiệp du lịch nên thực hiện theo 2 bước. Đầu tiên là hướng tới du lịch nội địa. Bước tiếp theo, sẽ cho phép những du khách nước ngoài đã tiêm đủ liều vaccine được vào Campuchia với thời gian cách ly 7 ngày. Trong thời gian cách ly, du khách thuộc diện này sẽ không bị hạn chế lưu trú trong khách sạn, mà có thể đi lại trong khu vực nơi họ đến theo sự sắp xếp của Bộ chủ quản hoặc chính quyền địa phương.
Thủ tướng Hun Sen gợi ý rằng trong kịch bản này, nếu du khách tới trung tâm du lịch Siem Reap, trong phạm vi hành chính của tỉnh, họ có thể đi thăm các đền đài nổi tiếng tại đây. Theo kế hoạch, Thủ tướng Hun Sen đã giao Hội đồng Bộ trưởng Campuchia và Bộ Du lịch cân nhắc về kế hoạch mở cửa ngành du lịch. Ngành du lịch Campuchia trước đại dịch COVID-19 từng đóng góp tới 11,5% vào giá trị GDP cả nước, nhưng hiện đang bị cuộc khủng hoảng đại dịch tàn phá nặng nề.
Du khách trên bãi biển ở Phuket, Thái Lan, ngày 14/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Thái Lan nỗ lực thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tiêm chủng
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã bày tỏ tin tưởng rằng nước này sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 50 triệu người, tức khoảng 70% dân số, vào cuối năm nay, đồng thời cho biết tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Thái Lan hiện đang ở mức cao, với 700.000 liều /ngày.
Tính đến ngày 16/9, Thái Lan đã tiêm được 41.858.386 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 các loại, đạt 41,86% kế hoạch tiêm tổng cộng 100 triệu liều vaccine cho tới cuối năm. Hiện có khoảng 20,81% dân số Thái Lan đã được tiêm chủng đầy đủ.
Ông Anutin cho biết 30% còn lại trong số 1 triệu tình nguyện viên y tế công cộng sẽ tiêm mũi vaccone ngừa COVID-19 thứ hai vào giữa tháng 10 tới, đồng thời đảm bảo rằng những tình nguyện viên y tế công cộng đã được tiêm hai mũi vaccine của hãng Sinovac sẽ được tiêm liều thứ ba tăng cường vào tháng tới. Ông Anutin nói rằng Chính phủ Thái Lan sẽ tiêm mũi nhắc lại cho những người đã được tiêm loại vaccine ngừa COVID-19 ngoài chương trình tiêm chủng của nhà nước.
Tham vọng sau 'Hộp cát Phuket' Hơn hai tháng kể từ khi thí điểm mở cửa cho du khách nước ngoài theo chương trình "Hộp cát Phuket", Chính phủ Thái Lan đã công bố một kế hoạch tham vọng hơn, thực hiện giai đoạn hai mở cửa đất nước tại 5 tỉnh nữa, gồm cả thủ đô Bangkok vào đầu tháng sau và 21 tỉnh khác vào giữa tháng...