Thái Lan cảnh báo truy tố các quan chức không bắt được bà Yingluck
Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon cho biết các quan chức nước này sẽ bị truy tố nếu họ không nỗ lực truy tìm cựu Thủ tướng bị truy nã Yingluck Shinawatra.
Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon và hai bức ảnh được cho là chụp bà Yingluck ở London, Anh (Ảnh: Bangkok Post)
Phó Thủ tướng Thái Lan, Tướng Prawit Wongsuwon, ngày 11/1 cho biết các công tố viên, c ảnh sát và Bộ Ngoại giao Thái Lan phải phối hợp cùng nhau để truy tìm tung tích của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, họ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị khởi tố theo Điều 157 của Bộ luật Hình sự, trong đó quy định về các hành vi lạm quyền hoặc lơ là nhiệm vụ của các cán bộ nhà nước tại Thái Lan.
Tuyên bố của Phó Thủ tướng Prawit được đưa ra sau khi Văn phòng Tổng công tố (OAG) ngày 9/1 tiết lộ rằng cơ quan này vẫn chưa đưa ra đề nghị dẫn độ cựu Thủ tướng Yingluck do chưa có đủ thông tin về nơi lẩn trốn của bà. Trước đó, hai bức ảnh được cho là chụp bà Yingluck đi mua sắm ở Anh đã xuất hiện rộng rãi trên mạng xã hội, buộc giới chức Thái Lan phải vào cuộc xác nhận.
Khi được hỏi việc những bức ảnh bị rò rỉ có được coi là nỗi xấu hổ của quan chức Thái Lan khi họ không thể bắt được cựu Thủ tướng hay không, Tướng Prawit cho biết trường hợp này chưa hẳn đã chính xác.
“Hiện chưa rõ bà Yingluck có đang sử dụng hộ chiếu do một nước khác cấp hay không”, ông Prawit nói. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã thu hồi các hộ chiếu của cựu Thủ tướng bỏ trốn.
Một số thông tin cho rằng bà Yingluck đã nộp đơn xin tị nạn ở Anh. Trước đó, nguồn tin từ tháng 12 năm ngoái từng tiết lộ về việc Anh đã cấp hộ chiếu cho bà Yingluck. Tuy nhiên, Đại sứ Anh tại Thái Lan Brian Davidson đã bác bỏ thông tin này.
Theo cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva, hiện vẫn còn sớm để kết luận bà Yingluck đã xin tị nạn chính trị ở Anh vì bà có thể đang nắm hộ chiếu của một nước khác. Ông Abhisit nhận định bà Yingluck có thể đề nghị nhập cảnh vào các nước với tư cách là nhà đầu tư doanh nghiệp.
Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai hôm 9/1 cũng xác nhận bà Yingluck đã đến và lưu lại thủ đô London, Anh từ tháng 9 năm ngoái. Ông Don cho biết giới chức Thái Lan đã liên hệ với những người đồng cấp Anh để tìm cách xác định nơi ở chính xác của bà Yingluck.
Video đang HOT
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thái Lan từ chối bình luận về việc liệu nước này có tìm cách dẫn độ bà Yingluck về nước hay không. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thừa nhận quá trình dẫn “không dễ dàng” mặc dù Thái Lan và Anh đã ký hiệp ước dẫn độ.
Liên quan tới nơi ở của bà Yingluck hiện nay, một nguồn thạo tin trong đảng Pheu Thai của Thái Lan cho biết, cựu Thủ tướng đã được cấp thị thực doanh nhân loại 1 để ở lại Anh. Thị thực này cho phép bà Yingluck được lưu lại Anh trong thời gian tối đa 3 năm 4 tháng.
Bà Yingluck, 50 tuổi, là nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Bà bị phế truất sau một cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014 và bị cáo buộc sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỷ USD cho chính phủ Thái Lan trong thời gian đương chức.
Bà Yingluck đã chạy ra nước ngoài vài ngày trước phiên tòa luận tội hôm 25/8. Giới chức Thái Lan đã nhờ đến sự hỗ trợ của Interpol để truy nã bà Yingluck.
Thành Đạt
Theo Dantri
Thủ tướng Thái Lan xác nhận khó dẫn độ bà Yingluck
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha thừa nhận quá trình dẫn độ cựu Thủ tướng bị truy nã Yingluck Shinawatra "không dễ dàng" dù biết bà đang sống ở Anh.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và anh trai Thaksin (Ảnh: Chiangraitimes)
"Liệu chúng ta có thể đưa một cựu thủ tướng khác về không? Họ có thể đưa ông ấy về nước không?", trang tin Nation dẫn lời Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết ngày 9/1, đề cập tới cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - người đã bỏ trốn ra nước ngoài từ năm 2008. Ông Thaksin cũng là anh trai của bà Yingluck Shinawatra - cựu Thủ tướng đang bị cảnh sát Thái Lan truy nã.
"Đừng xem đây chỉ là vấn đề trong nước. Tất cả mọi người, kể cả tôi, cũng hy vọng (bà Yingluck) sẽ về nước, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào các nước có liên quan và chúng tôi không thể kiểm soát được điều đó. Cảnh sát sẽ vào cuộc xử lý ngay sau khi nhận được tất cả các bằng chứng và thông tin xác thực. Chúng tôi sẽ phải tiến hành từng bước một. Chúng tôi không thể bất cẩn với bất kỳ ai", Thủ tướng Prayut cho biết thêm.
Mặc dù Thái Lan đã ký hiệp ước dẫn độ năm 1912 với Anh, song giới chức Thái Lan vẫn chưa chính thức đề nghị Anh dẫn độ cựu Thủ tướng Yingluck do chưa thể xác định chính xác nơi ở của bà kể từ khi bà dừng chân lần đầu tiên ở Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Cảnh sát cho biết bà Yingluck đã rời khỏi Dubai - nơi bà tạm lưu lại sau khi bỏ trốn khỏi Thái Lan thông qua Campuchia hồi tháng 8 và trước khi tới Anh hồi tháng 9. Tuy nhiên, cảnh sát Thái chưa cập nhật các thông tin chính thức cho tới ngày hôm qua 9/1.
Các bên cùng vào cuộc
Bức ảnh bị rò rỉ trên mạng chụp bà Yingluck đứng cạnh một phụ nữ ở London (Ảnh: Nation)
Sau khi Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai hôm qua tiết lộ rằng bà Yingluck đang trốn ở Anh, Thủ tướng Prayut mới miễn cưỡng xác nhận việc chính phủ của ông từng nắm được thông tin này. Ngoại trưởng Don cho biết chính Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã thông báo với ông hồi tháng 9 rằng bà Yingluck đang ở London.
Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut khẳng định ông sẽ không đưa ra bất kỳ chỉ thị nào cho các cơ quan liên quan để bắt bà Yingluck về nước.
"Tôi sẽ không đưa ra mệnh lệnh cụ thể nào trong trường hợp này. Mọi chuyện đều phải có trình tự. Chúng tôi không thể làm mọi thứ theo ý mình. Các bạn cũng không thể hy vọng chúng tôi dùng luật pháp để bắt bà Yingluck về nước trong khi luật pháp đó không được áp dụng tại nước ngoài", ông Prayut nhấn mạnh.
Về phần mình, Ngoại trưởng Don cho biết giới chức Thái Lan đã liên hệ với những người đồng cấp Anh để tìm cách xác định nơi ở chính xác của bà Yingluck. Cựu Thủ tướng Thaksin được cho là đang điều hành một doanh nghiệp và sở hữu một căn hộ tại Anh.
Các công tố viên Thái Lan hiện vẫn chưa đề nghị bất kỳ nước nào dẫn độ bà Yingluck. Amnart Chotchai, giám đốc Vụ Các vấn đề quốc tế thuộc Văn phòng Tổng công tố Thái Lan, cho biết cơ quan của ông cần thu thập thêm thông tin chính xác và đầy đủ trước khi đưa ra đề nghị dẫn độ.
"Chúng tôi phải đảm bảo các thông tin rõ ràng và hợp pháp, nếu không, nước được đề nghị dẫn độ có thể từ chối chúng tôi vì chúng tôi không đáp ứng đủ điều kiện", ông Amnart nói.
Theo ông Amnart, các công tố viên đã đưa ra đề nghị dẫn độ cựu Thủ tướng Thaksin ở 10 nước châu Âu và châu Á từ khi ông này bỏ trốn năm 2008. Tuy nhiên, cho đến nay ông Thaksin vẫn chưa bị bắt vì ông này thường nhanh chóng tẩu thoát trước khi đề nghị dẫn độ được đưa ra.
"Thaksin có máy bay riêng vì thế ông ta di chuyển rất nhanh", ông Amnart cho biết thêm.
Đối với trường hợp của bà Yingluck, Thái Lan cũng yêu cầu cảnh sát quốc tế Interpol trợ giúp. Tuy nhiên, Interpol yêu cầu chính phủ Thái phải cấp thêm các bằng chứng trước khi cơ quan này ban hành "thông báo đỏ" để bắt giữ bà Yingluck. Ngoài ra, người phát ngôn của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cũng tiết lộ rằng cảnh sát Thái đang nhờ cảnh sát Anh giúp đỡ để "định vị" bà Yingluck.
Bà Yingluck, 50 tuổi, là nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Bà bị phế truất sau một cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014 và bị cáo buộc sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỷ USD cho chính phủ Thái Lan trong thời gian đương chức.
Bà Yingluck đã chạy ra nước ngoài vài ngày trước phiên tòa luận tội hôm 25/8. Truyền thông Thái Lan dẫn nguồn thạo tin nói rằng, bà Yingluck đang cân nhắc nộp đơn xin tị nạn chính trị ở 3 quốc gia châu Âu gồm Anh, Đức và Pháp.
Thành Đạt
Theo Dantri
Bà Yingluck xin tị nạn chính trị tại Anh Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra được cho là đang ở London, xin tị nạn chính trị tại Anh. Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ảnh: AP. CNN dẫn một nguồn tin trong đảng Pheu Thai của bà Yingluck hôm 28/9 cho biết bà đang xin tị nạn tại Anh. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha hôm qua cho rằng bà Yingluck đang...