Thái Lan cảnh báo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 khi các gia đình đoàn tụ để đón Tết Nguyên đán sắp tới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Giám đốc bộ phận kiểm soát dịch bệnh khẩn cấp và nguy cơ đối với sức khỏe thuộc Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan Chawetsan Namwat đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong các cuộc họp mặt gia đình.
Theo ông, các gia đình nên ăn mừng một cách an toàn bằng cách sử dụng các cuộc gọi video để giảm gặp mặt trực tiếp, đặc biệt là với những người cao tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ. Mọi người nên đeo khẩu trang khi nói chuyện, hoặc sử dụng các ứng dụng trò chuyện có tính năng gọi video để giảm tiếp xúc trực tiếp.
Theo ông Chawetsan, người dân sẽ vẫn phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cho đến khi có được khả năng miễn dịch cộng đồng. Việc xét nghiệm chủ động sẽ tiếp tục mặc dù số lượng các ca mắc COVID-19 đã bắt đầu giảm.
Thái Lan ngày 7/2 ghi nhận thêm 237 ca mắc COVID-19, nâng tổng số các ca bệnh ở nước này kể từ đại dịch bùng phát đến nay lên 23.371 ca, trong đó có 79 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận có 112 ca được phát hiện theo chiến dịch chủ động xét nghiệm, 113 ca được phát hiện trong các bệnh viện và 12 ca nhập cảnh. Cho tới nay, có 14/77 tỉnh, thành ở Thái Lan đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong thời gian 7 ngày từ ngày 31/1.
Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA) được công bố ngày 7/2 cho thấy phần lớn người dân Thái Lan hài lòng với cách xử lý của Chính phủ đối với làn sóng COVID-19 thứ hai, nhưng gần 1/4 dân số không muốn tiêm chủng.
Video đang HOT
Cuộc thăm dò được thực hiện bằng phỏng vấn qua điện thoại đối với 1.315 người từ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau trong cả nước từ ngày 1-3/2. Khi được hỏi họ sẽ làm gì liên quan đến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, 63,12% cho biết sẽ chấp nhận tiêm vaccine miễn phí do Chính phủ cung cấp, nhưng gần 1/4 (23,57%) nói rằng họ không muốn tiêm vaccine. Ngoài ra, 7,98% muốn tiêm vaccine ở bệnh viện tư được phép của Chính phủ bằng chi phí của riêng họ, trong khi 5,33% không có bình luận hoặc không quan tâm.
Về mức độ hài lòng đối với cách xử lý của Chính phủ trong làn sóng COVID-19 thứ hai, 27,6% rất hài lòng và 42,13% hài lòng ở mức độ vừa phải, nói rằng các biện pháp đã được thực hiện nhanh chóng để ngăn chặn dịch và các khu vực được phân loại rõ ràng để chỉ ra mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát
* Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong thông báo chiều 7/2, Bộ Thống nhất Malaysia cho biết Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đã quyết định cho phép tổ chức các bữa tiệc đoàn viên trong dịp Tết Nguyên đán. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của NSC do Bộ trưởng Cao cấp phụ trách vấn đề An ninh kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob chủ trì.
Cụ thể, các bữa tiệc đoàn viên này chỉ được tổ chức vào ngày 11/2 với tối đa 15 người, trong đó các thành viên phải đảm bảo điều kiện sống cách nhau trong phạm vi 10 km và không được đi lại liên quận hoặc liên bang.
Cùng với đó, các hoạt động tôn giáo tại các ngôi chùa và địa điểm thờ cúng cũng được phép tổ chức vào ngày các 11, 12 và 19/2 với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt quy định hoạt động tiêu chuẩn (SOP).
Trước đó, ngày 4/2, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ông Ismail Sabri Yaakob tuyên bố các bữa tiệc đoàn viên trong dịp Tết Nguyên đán chỉ được phép tổ chức giữa các thành viên trong cùng một nhà trong khi chỉ 5 thành viên trong ban quản trị các ngôi chùa được phép hoạt động, tổ chức các hoạt động tế tự, nghi thức tôn giáo trong thời gian này. Nhà chức trách Malaysia cũng cấm các hoạt động đến nhà nhau thăm hỏi ngày Tết cũng như các hoạt động đón mừng Năm mới tại địa phương.
Tình hình dịch COVID-19 tại Malaysia vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 7/2, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 3.731 ca mắc mới cùng 15 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 242.452 người trong đó có 872 ca tử vong. Đáng chú ý, hiện số ca dương tính hiện ở mức cao với 51.241 người, gây sức ép lớn lên hệ thống y tế Malaysia.
Thái Lan: Vi phạm quy định cấm tụ tập có thể bị phạt tới 1.300 USD
Chính phủ Thái Lan đã cấm tất cả các cuộc tụ tập có nguy cơ làm lây lan dịch COVID-19, ngoại trừ phạm vi gia đình và các hoạt động của chính phủ. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức tại các khu vực có dịch.
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 22/12/2020. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trong thông báo ngày 30/12, người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan - ông Taweesilp Visanuyothin, cho biết tại các khu vực "kiểm soát" và "kiểm soát tối đa", mọi hoạt động tập trung đông người đều bị cấm, trừ các cuộc tụ họp quy mô gia đình và các hoạt động của chính phủ.
Trong khi đó, tại các khu vực "giám sát" và "giám sát chặt chẽ", các cuộc tụ tập có thể diễn ra nếu được sự chấp thuận trước của các tỉnh trưởng. Các cuộc tụ họp gia đình và các hoạt động của chính phủ vẫn được phép. Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với án phạt có thể lên tới 2 năm tù giam và/hoặc phạt tiền lên đến 40.000 baht (khoảng 1.300 USD). Các tỉnh trưởng có trách nhiệm tuyên bố khu vực nào được chỉ định là vùng kiểm soát đối đa, vùng kiểm soát, vùng giám sát chặt chẽ và vùng giám sát, đồng thời áp dụng các quy định riêng về cách ly đối với những người đến địa phương.
Quyết định trên được đưa ra sau khi đợt bùng phát dịch COVID-19 mới đã lây lan ra phần lớn các tỉnh của Thái Lan. Ngày 30/12, Thái Lan ghi nhận thêm 250 ca mắc COVID-19, trong đó có 241 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 8 ca trong khu cách ly và 1 trường hợp là người Myanmar nhập cảnh bất hợp pháp. Đến nay, đợt bùng phát mới đã lây lan ra 48/77 tỉnh, thành ở nước này. Chon Buri là địa phương có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong ngày, với 108 ca. Như vậy, tính đến trưa 30/12, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 6.690 ca COVID-19, trong đó có 61 ca tử vong.
Trước việc số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục gia tăng, Nội các Thái Lan ngày 29/12 đã thông qua khoản ngân sách trị giá 11,3 tỷ baht (khoảng 376 triệu USD) để đối phó với đợt dịch mới. Số tiền này được chi cho 10 dự án trong 3 lĩnh vực gồm phòng ngừa, điều trị và hỗ trợ.
* Ngày 30/12, nhà chức trách Australia đã siết chặt hạn chế đi lại và tụ tập đông người ở Sydney - thành phố lớn nhất nước này, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một vụ "siêu lây nhiễm" trong đêm Giao thừa.
Thủ hiến bang New South Wales (NSW) - bà Gladys Berejiklian, cho biết các quy định mới có hiệu lực từ ngày 30/12 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Theo đó, các cuộc tụ họp gia đình bị giới hạn tối đa 5 người tham gia và các sự kiện công cộng giới hạn dưới 30 người. Ngoài ra, các cơ sở chăm sóc y tế nội trú không được phép có khách đến thăm.
Cùng ngày, bang NSW ghi nhận 18 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất trong một tuần, trong đó có 9 ca liên quan đến ổ dịch mới bùng phát ở thành phố Sydney mà đến nay đã làm hơn 100 người mắc bệnh. Do lo ngại ổ dịch này lây lan, nhà chức trách đã hủy màn bắn pháo hoa truyền thống lúc 21h tối Giao thừa ở Sydney và rút ngắn màn bắn pháo hoa đúng thời khắc Giao thừa xuống còn 7 phút.
Australia hiện có hơn 28.300 ca mắc COVID-19 và 909 ca tử vong, chủ yếu ở bang Victoria.
* Chính phủ Đức đang chuẩn bị cho kế hoạch gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, ngay sau khi lệnh phong tỏa toàn phần kết thúc vào ngày 10/1/2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu ngày 30/12, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết các hạn chế nghiêm ngặt phải được gia hạn một phần ít nhất là sau ngày 10/1. Sau thời hạn này, Chính phủ Đức sẽ có các biện pháp hạn chế tiếp theo.
Trong đợt phong tỏa toàn phần áp dụng từ ngày 16/12 đến 10/1/2021, Đức đóng cửa hầu hết các cửa hàng, trường học, nhà trẻ, nhà hàng, nhà hát, bảo tàng và các cơ sở giải trí khác. Dự kiến, ngày 5/1/2021, Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang sẽ họp trực tuyến để thảo luận cách thức tiến hành sau đó.
Dịch Covid-19 bùng phát, Bangkok (Thái Lan) huỷ các hoạt động đón Năm mới Theo thông báo của chính quyền thủ đô Bangkok, Thái Lan, do dịch Covid-19 mới quay trở lại, thành phố này và các tỉnh lân cận quyết định huỷ tất cả các sự kiện đếm ngược mừng Năm mới. Chính quyền thành phố Bangkok vừa nhóm họp khẩn cấp để đánh giá tình hình dịch bệnh tại thành phố hơn 15 triệu dân...