Thái Lan, Campuchia đồng ý rút binh sĩ khỏi vùng tranh chấp biên giới
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và tân Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đồng ý rút các binh sĩ ra khỏi vùng tranh chấp biên giới gần đền Preah Vihear, nhân chuyến thăm của bà Yingluck mà được cho là mở đầu cho quan hệ mới thân thiện với Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đón tân Thủ tướng Thái Lan Yingluck.
Thỏa thuận này được đưa ra ngày hôm qua, trong chuyến công du một ngày tới thủ đô Phnom Penh của của bà Yingluck.
Chi tiết của thỏa thuận hiện chưa được tiết lộ, nhưng tin tức từ hai bên cho biết cả hai chính phủ đều lên tiếng bày tỏ mong muốn khôi phục hòa bình sau các vụ đụng độ biên giới trong năm nay làm 28 người thiệt mạng và khiến hàng ngàn dân làng phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Bà Yingluck đã được ông Hun Sen đón tiếp ở Phnom Penh ngày hôm qua. Sau buổi lễ đón tiếp, hai vị lãnh đạo đã tới Cung điện Khemarin để hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni.
Video đang HOT
Dư luận cho rằng nhân dịp này, hai bên ký kết nhiều hiệp định, trong đó phần lớn Thái Lan sẽ nối lại nhiều chương trình viện trợ cho Campuchia mà đã bị đình hoãn khi ông Abhisit lên nắm quyền Thủ Tướng.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Campuchia đã lên tiếng phủ nhận việc sẽ phóng thích hai nhân vật cầm đầu phe “áo vàng” đang bị giam giữ sau khi nhiều tờ báo tại Thái Lan đưa tin rằng họ sẽ được trả tự do nhân chuyến đi Phnom Penh của bà Yingluck.
Theo Bộ Ngoại giao Campuchia, hai người tù Thái Lan phải ở hết 2/3 mức án hiên thời mới nhận được lịnh ân xá của Hoàng Gia Campuchia.
Chương mới trong quan hệ Thái Lan-Campuchia
Chuyến đi của bà Yingluck được nhiều báo chí trong vùng bình luận là mở đầu cho một mối quan hệ mới thân thiện, hòa bình với Campuchia. Ngay sau khi bà Yingluck rời Phnom Penh, anh trai bà – cựu Thủ tướng Thaksin hôm nay sẽ bắt đầu chuyến thăm Campuchia một tuần.
Quan hệ song phương đã được cải thiện đáng kể sau khi bà Yingluck lên nắm quyền thay thế cựu chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Thủ tướng Yingluck và Thủ Tướng Hun Sen đã bắt đầu tiến trình lập lại quân bình trong mối quan hệ giữa hai lân quốc, sau nhiều năm bị suy sụp.
Chính phủ Phnom Penh đã bày tỏ vui mừng hồi tháng Bảy khi đảng của bà Yingluck thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan. Thủ Tướng Yingluck lãnh đạo đảng chính trị của người anh bà, ông Thaksin Shinawatra, một cựu Thủ Tướng Thái Lan và cũng là đồng minh của ông Hun Sen.
Trong giai đoạn của chính phủ trước ở Bangkok, quan hệ giữa hai nước được cho là đã “lạnh” nhất trong nhiều năm qua, đặc biệt là những vụ khẩu chiến ngày càng leo thang và một loạt các vụ đụng độ ở vùng biên giới xung quanh ngôi đền cổ tranh chấp Preah Vihear.
Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharit nói rằng lãnh đạo hai bên đã thảo luận về vấn đề này tại Phnom Penh. Ông Khieu Kanharit nói rằng Campuchia và Thái Lan cũng đã đồng ý hợp tác với nhau để diệt trừ tội phạm ngang qua biên giới.
Thái Lan cho biết họ sẽ gửi một nhóm doanh nhân tới Campuchia trong năm nay để tìm cách thúc đẩy thương mại và đầu tư vốn đã ngưng trệ trong một hoặc hai năm qua.
“Cuộc hội đàm này mang lại hiệu quả”, ông Kanharith nói.
Theo Dân Trí
Yêu cầu Thái Lan-Campuchia rút khỏi Preah Vihear
Ngày 18/7, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) - tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, đã ra lệnh yêu cầu Thái Lan và Campuchia phải rút hết binh sĩ của hai nước hiện đang đóng tại khu vực tranh chấp ở xung quanh ngôi đền cổ nằm trên biên giới giữa hai nước.
Khu vực đền cổ Preah Vihear. (Nguồn: Reuters)
Lệnh của Tòa án, do Chánh án, Thẩm phán Hisashi Owada đọc sau phiên họp sáng 18/7 tại The Hague, nêu rõ rằng cả Thái Lan và Campuchia đều phải rút hết binh lính của hai nước hiện đang đóng tại khu vưc xung quanh ngôi đền Preah Vihear, tạm thời biến khu vực này khu vực phi quân sự.
Lệnh của tòa án cũng yêu cầu Thái Lan và Campuchia cho phép các quan sát viên của ASEAN để quan sát việc thực thi ngừng bắn.
Trước đó, cuối tháng 4 vừa qua, Campuchia đã gửi kiến nghị lên ICJ, yêu cầu làm rõ phán quyết năm 1962 của tòa án này liên quan đến ngôi đền Preah Vihear 900 năm tuổi, đồng thời yêu cầu tòa áp dụng các biện pháp tạm thời trước khi ra phán quyết, bao gồm việc Thái Lan lập tức rút quân khỏi khu vực tranh chấp xung quanh đền và cấm mọi hoạt động quân sự tại đây.
Năm 1962, ICJ phán quyết đền Preah Vihear thuộc Campuchia, song cả Phnom Penh và Bangkok đều nhận chủ quyền đối với khu vực rộng 4,6 km2 xung quanh ngôi đền./.
Theo TTXVN
Thăm ngôi đền Preah Vihear sau chiến sự Các mảng kiến trúc bên trong ngôi đền cổ nghìn năm tuổi Preah Vihear bị đạn pháo Thái Lan phá vỡ, trong khi quân đội Campuchia triển khai dày đặc tại di sản thế giới này và đang hối hả xẻ núi để mở đường lớn lên đền. Con đường thuận tiện nhất để đi Preah Vihear bên phía Campuchia là xuất phát...