Thái Lan áp dụng tình trạng khẩn cấp thế nào?
Tình trạng khẩn cấp mới được ban bố ở thủ đô Bangkok và khu vực lân cận không nguy hiểm và cấp bách như người ta vẫn tưởng.
Cuối ngày 21/1, chính phủ Thái Lan thông báo họ đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận trong thời hạn 2 tháng nhằm đối phó với tình trạng biểu tình bạo lực khiến 9 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong thời gian vừa qua.
Hàng chục ngàn người biểu tình đã đổ ra đường phố thủ đô từ tháng 11 năm ngoái, bao vây trụ sở cơ quan chính phủ, phong tỏa Bangkok và buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải chuyển văn phòng làm việc tới nơi khác trước đe dọa bắt giữ của người biểu tình.
Thủ tướng Yingluck đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô
Phát biểu hôm qua, Phó Thủ tướng Surapong Tovichaikul tuyên bố: “Nội các Thái Lan quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình hình và thực thi pháp luật.”
Lệnh tình trạng khẩn cấp có hiệu từ từ ngày hôm nay được coi là một nỗ lực của chính phủ nhằm khôi phục trật tự và luật pháp ở thủ đô, nơi các giao lộ lớn đang bị người biểu tình chiếm giữ và phong tỏa suốt tuần qua, khiến tình trạng giao thông ở Bangkok hoàn toàn tê liệt.
Theo luật tình trạng khẩn cấp, các lực lượng an ninh Thái Lan được phép bắt giữ các nghi phạm mà không cần truy tố, ban hành lệnh giới nghiêm, kiểm duyệt báo chí, đóng cửa một phần thủ đô và giải tán các cuộc hội họp chính trị từ 5 người trở lên.
Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ luật tình trạng khẩn cấp có được cảnh sát áp dụng để phá dỡ các khu trại biểu tình hay không, khi Bộ trưởng Chalerm Yubamrung cho biết họ không có chủ trương giải tán người biểu tình và cảnh sát cũng sẽ không sử dụng vũ lực để chống lại biểu tình.
Trong khi đó, một lãnh đạo biểu tình tên là Issara Somchai tuyên bố các cuộc biểu tình sẽ vẫn được tiếp tục bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp vì “biểu tình là quyền hiến định” của người dân Thái Lan.
Video đang HOT
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban thì tỏ ra thách thức điều luật mới này: “Họ có quyền sử dụng luật này để ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với chúng ta không? Có giỏi thì đến đây mà bắt chúng tôi.”
Cho đến nay, cảnh sát Thái Lan vẫn không công khai xuất hiện tại các địa điểm biểu tình nhằm tránh đụng độ với đám đông, những người đang tự cho mình quyền điều hành thủ đô thông qua các hoạt động như điều tiết giao thông và tuần tra quanh các khu biểu tình.
Việc thiếu vắng lực lượng cảnh sát đã tạo ra bầu không khí ngày càng căng thẳng ở thủ đô khi chiến dịch “đóng cửa Bangkok” của người biểu tình đã bước sang ngày thứ 8, khiến tình hình bạo lực nổ ra ở một vài nơi, trong đó có những vụ tấn công bằng lựu đạn khiến 1 người chết và 70 người bị thương, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc đảo chính quân sự.
Tuy nhiên, lệnh tình trạng khẩn cấp ở Bangkok thực tế không “khẩn cấp” hay nguy hiểm như người ta vẫn tưởng. Sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố, số lượng nhân viên an ninh tham gia vào các chiến dịch chống biểu tình vẫn không hề thay đổi với khoảng 50 đơn vị cảnh sát và 40 đại đội binh sĩ.
Điều khác biệt duy nhất là cảnh sát hiện sẽ có thêm quyền lực để đàm phán với lãnh đạo biểu tình nhằm tháo dỡ các chướng ngại vật mà người biểu tình dựng lên tại các giao lộ để phong tỏa giao thông. Hiện có khoảng 20 tuyến phố lớn ở Bangkok đang bị người biểu tình đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần.
Cảnh sát cũng sẽ sử dụng quyền lực của mình để gây sức ép với phe biểu tình nhằm trấn áp bạo lực và ổn định lại tình hình, đưa thủ đô Bangkok trở lại trạng thái hoạt động bình thường.
Đối với du khách nước ngoài, việc áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ không làm xáo trộn quá nhiều cuộc sống ở thủ đô, đồng thời việc giải tán các đám biểu tình sẽ giúp du khách đi lại thuận lợi hơn khi đến Thái Lan.
Theo Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Thawatchai Arunyik, Thái Lan vẫn là điểm đến an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là ở những địa điểm nổi tiếng như Chiang Mai, Pattaya hay Phuket.
Người biểu tình ở thủ đô Bangkok
Người biểu tình dưới sự lãnh đạo của ông Suthep muốn chấm dứt cái mà họ gọi là “chế độ Thaksin”, người anh trai đang phải sống lưu vong của bà Yingluck để tránh các cáo buộc tham nhũng ở trong nước.
Tuy nhiên, bà Yingluck đã kiên quyết bác bỏ khả năng từ chức và đã quyết định kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2/2 tới đây với tuyên bố bất cứ người dân nào không hài lòng với chính phủ có thể thể hiện sự tức giận thông qua lá phiếu chứ không phải biểu tình.
Mặc dù vậy, phe đối lập Thái Lan vẫn kiên quyết tẩy chay cuộc bầu cử này, bởi đảng của bà Yingluck gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng nhờ sự ủng hộ đông đảo của người dân nghèo ở vùng nông thôn phía đông bắc. Họ muốn lập một “Hội đồng Nhân dân” không qua bầu cử để “làm sạch” chính phủ và điều hành đất nước trong một khoảng thời gian 2 năm, điều mà bà Yingluck cho là “vi hiến” và trái luật.
Các nhà phân tích cảnh báo tình trạng bế tắc chính trị hiện nay có thể chỉ được giải quyết bằng một cuộc đảo chính của quân đội hoặc tòa án. Hiện các tướng lĩnh Thái Lan vẫn khẳng định sẽ giữ vững lập trường trung lập và không can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Theo Guardian
Thái Lan: Quân đội khẳng định không đảo chính
Quân đội Thái Lan muốn giữ lập trường trung lập và không can thiệp lật đổ chính phủ trong bối cảnh biểu tình dần hạ nhiệt.
Ngày 18/1, người đứng đầu quân đội Thái Lan thúc giục hai bên liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở nước này nhanh chóng hòa giải những bất đồng hiện nay, trong khi đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy phong trào biểu tình chống chính phủ đang dần hạ nhiệt.
Làn sóng biểu tình tại Thái Lan đã xuất hiện nhiều diễn biến mới gần đây, mặc dù căng thẳng giữa hai bên liên quan vẫn chưa được tháo gỡ. Đã có nhiều dự đoán về việc quân đội Thái Lan sẽ can thiệp vào tình hình chính trị tại đất nước có nền kinh tế đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á này. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, các lãnh đạo chóp bu trong quân đội vẫn khẳng định sẽ đứng trung lập trong cuộc khủng hoảng chính trị.
Quân đội Thái Lan khẳng định không can thiệp vào khủng hoảng chính trị hiện nay
Hôm qua, phát biểu trước báo giới sau cuộc diễu hành kỷ niệm ngày thành lập Các lực lượng Vũ trang Thái Lan, Tư lệnh quân đội Thanasak Patimaprakorn cho rằng: "Hiện nay, tất cả chúng ta cần hỗ trợ lẫn nhau để phát triển đất nước".
Phát biểu này được đưa ra chỉ một ngày sau khi xảy ra một vụ nổ lựu đạn tại thủ đô Bangkok hôm thứ Sáu, làm chết một người và bị thương 35 người biểu tình chống chính phủ. Đây là một diễn biến bạo lực bât ngờ trong hơn hai tháng xảy ra làn sóng biểu tình của phe áo vàng chống lại chính quyền của Thủ tướng Yingluck và nâng số người chết lên con số 9 kể từ tháng 11 năm ngoái.
"Chính phủ và quân đội vẫn duy trì quan hệ bình thường ... Chúng ta cần tôn trọng luật pháp và trật tự. Bản thân tôi cũng luôn tôn trọng luật pháp cũng như các bên liên quan và kêu gọi các bên hãy ngồi lại để tìm một giải pháp", tướng Thanasak Patimaprakorn nói thêm.
Trong khi đó, tờ Bưu điện Bangkok trích dẫn lời của tướng Thanasak cho biết bản thân ông không quan tâm tới việc trở thành thủ tướng, đồng thời mong muốn đóng vai trò trung gian hòa giải nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài 8 năm qua giữa tầng lớp trung lưu và hoàng gia với những người thuộc tầng lớp nghèo ở nông thôn ủng hộ bà Yingluck và anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Hiện vẫn chưa biết ai là kẻ đứng sau vụ tấn công nhằm vào người biểu tình hôm thứ Sáu vừa qua. Lãnh đạo phe đối lập Suthep Thaugsuban đổ lỗi cho chính phủ và cho rằng vụ việc trên sẽ không ảnh hưởng gì tới tinh thần của những người biểu tình, những người đang phong tỏa các tuyến phố chính và chiếm giữ các cơ quan của chính phủ hiện nay.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban
Theo cảnh sát, diễn biến mới đây nhất là một vụ nổ súng vào người biểu tình vào đêm thứ Bảy vừa qua tại tỉnh Lat Phrao, phía bắc thủ đô Bangkok. Cảnh sát tỉnh Lat Phrao cho hãng tin Reuters biết: "Một người đàn ông 54 tuổi đã trúng đạn và được đưa tới bệnh viện ngay sau đó. Hiện, tình trạng sức khỏe của ông này đã tạm ổn". Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ai là người nổ súng.
Chiều muộn hôm thứ Bảy, lãnh đạo phe đối lập Suthep đã phát biểu trước đám đông biểu tình: "Hỡi những người anh em, hãy đứng dậy và thực hiện trách nhiệm của mình. Đó là chấm dứt hoạt động của chính phủ xảo quyệt hiện nay". Ông này cũng thúc giục người biểu tình đóng cửa các cơ quan chính phủ và không cho phép các nhân viên làm việc trên phạm vi cả nước. Tuy vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy phong trào biểu tình sẽ lan tỏa ra khỏi thủ đô và vùng nông thôn, nơi bà Yingluck có sự ủng hộ lớn của người dân.
Tuy nhiên, số lượng người biểu tình có xu hướng đang dần giảm đi. Tại một điểm biểu tình lớn ở thủ đô vào đêm thứ Bảy, chỉ có khoảng vài chục người tham gia. Trên một con phố bị người biểu tình phong tỏa, chỉ thấy những người bán đồ ăn và hàng rong.
Theo Reuters
Thủ tướng Thái Lan bị điều tra Cơ quan chống tham nhũng Thái Lan đang điều tra Thủ tướng Yingluck liên quan đến chương trình trợ giá gạo của chính phủ. Ngày 16/1, Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia Thái Lan đã mở cuộc điều tra chống lại Thủ tướng Yingluck Shinawatra khiến chính phủ của bà càng gặp khó khăn hơn sau quãng thời gian đầy chông gai...