‘Thái đẩu võ hiệp’ Kim Dung – đỉnh cao quyền lực và bi kịch cuộc đời
Kim Dung qua đời ở tuổi 94 sau thời gian bạo bệnh. Cuộc đời ông là những năm tháng huy hoàng về sự nghiệp nhưng đầy bi kịch trong cuộc sống gia đình.
Chiều 30/10, Kim Dung qua đời ở tuổi 94, cái tuổi gọi là xưa nay hiếm. Thế nhưng với hàng triệu người hâm mộ tiểu thuyết võ hiệp, họ vẫn chẳng thể tin đó là sự thật. “Một tượng đài đã lặng lẽ rời bỏ chúng ta”, QQ viết.
Tân Hoa Xã gọi Kim Dung là “nhất đại tiểu thuyết võ hiệp”, “ Thái đẩu võ hiệp”. “Thái đẩu võ hiệp” Kim Dung cũng bỏ chúng ta mà đi. Vừa sinh đã lỗi lạc, bây giờ qua đời vẫn là lỗi lạc”, Tân Hoa Xã viết.
Kim Dung qua đời trong sự tiếc thương.
Kim Dung là thanh xuân của nhiều thế hệ và cũng là ký ức của một giấc mộng võ hiệp không có thật của Trung Hoa. Cuộc sống của ông có nhiều ngã rẽ và bi kịch như trong tiểu thuyết.
“Đứa trẻ ngốc” xuất thân gia thế
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc). Ông sinh trưởng trong gia đình thuộc hàng gia thế, không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có học thức hơn người. Gia tộc Kim Dung có những cái tên nổi tiếng như nhà thơ Từ Chí Ma, nhà khoa học Tiền Học Sâm.
Gia đình kể từ nhỏ cậu bé Tra Lương Dung đã khác các bạn bè cùng trang lứa. Tra Lương Dung không thích nghịch, dành phần lớn thời gian trong phòng sách đọc đến mất ăn mất ngủ. Cha ông ngày đó luôn gọi con là “đứa trẻ ngốc”. Bạn bẻ cũng gọi ông là “kẻ ngốc”.
Kim Dung thời trẻ.
Nhiều người cho rằng đây là lý do những năm sau này, các nhân vật chính trong tiểu thuyết Kim Dung đều có chút ngốc.
Ngày nhỏ, ai cũng nghĩ ông trở thành luật sư, bác sĩ hay nhà ngoại giao khi trưởng thành. Nào ngờ, thời cuộc hỗn loạn, ông lại chọn nghề với cây bút.
Kim Dung từng theo học tại Đại học Trùng Khánh, cũng có ý theo đuổi nghiệp ngoại giao. Nhưng với cá tính thẳng thắn, ông nhiều lần bị trường nhắc nhở và bị đuổi ngang.
“Mặc dù không trở thành nhà ngoại giao nhưng tôi chưa bao giờ hối hận. Tính cách tôi tự do, thích gì làm đó, thích thẳng thắn. Ngoại giao lại là nghề đòi hỏi tính kỷ luật”, ông chia sẻ. Kim Dung chuyển nghề viết báo.
Ông từng làm việc tại Đại công báo, Tân Vãn báo trước khi thành lập Minh Báo.
Từ chủ biên lớn đến võ lâm minh chủ
Thập niên 1950, Kim Dung tới sống ở Hong Kong và chứng kiến thời kỳ phức tạp về chính trị. Lúc này, ông quyết định tự lập tờ báo của chính mình, muốn mang tiếng nói đến với công chúng. Đó là lý do ông tìm đến một người bạn tên Thẩm Bảo Tân, thành lập Minh báo.
Ngày đó, Kim Dung thiếu tiền để xây dựng tờ báo. Ông phải kiêm đủ vai trò từ biên tập, phóng viên đến chủ biên. Ông còn cố viết tiểu thuyết để trang trải. Năm 1959, Minh báo ra đời. Cũng năm 1959, Thần điêu hiệp lữ được viết dài kỳ và đăng dần.
“Một bên viết tiểu thuyết, một lúc viết xã luận. Mỗi ngày mở mắt đều có ít nhất 2.000 chữ bản thảo chờ sẵn. Cơm cũng không muốn ăn vì bản thảo chưa xong”, một người bạn cùng thời Kim Dung kể trên QQ.
Kim Dung bên người vợ thứ hai, Chu Mai.
Video đang HOT
Cầm trong tay cây bút, Kim Dung đã viết lên thời đại võ hiệp đầy mộng tưởng. Người trong giới sớm gọi ông là đại hiệp Kim Dung. Từ năm 1955 khi mới nâng bút đến khi gác bút vào năm 1972, ông hoàn thành 15 tác phẩm nổi tiếng thuộc hàng kinh điển.
“Am hiểu văn hóa Trung Quốc, Kim Dung tạo ra Tiêu Phong phóng khoáng hiên ngang, Quách Tĩnh hiệp nghĩa ngay thẳng, Lệnh Hồ Xung thẳng thắn ung dung tự tại và một gã Vi Tiểu Bảo cổ linh tinh quái. Đó đều là những nhân vật kinh điển trong các tác phẩm kinh điển”, Tân Hoa Xã bình luận.
On cho biết tại showbiz Hoa ngữ và ngay cả giới kinh tế, Kim Dung nói một không ai cãi hai. Ông có tầm ảnh hưởng lớn với các nhà chính trị, doanh nhân hàng đầu. Nhưng cuộc sống riêng của ông lại đong đầy nước mắt.
Tiếng phụ bạc và bi kịch con cái
Kim Dung có ba lần kết hôn. Người vợ đầu tiên tên Đỗ Trị Phân. Hai người gặp nhau năm 1947 tại Hàng Châu. Năm đó, Đỗ Trị Phân mới 17 tuổi, là con gái một gia đình giàu có.
Vì Kim Dung, bà không nghe lời khuyên của gia đình. Năm 1948, Kim Dung bỏ Hong Kong chạy về Hàng Châu cầu hôn bạn gái. Họ cũng chuyển tới Hong Kong sống và kết hôn.
Đáng tiếc hôn nhân chẳng lâu dài khi Kim Dung miệt mài viết lách. Người vợ đầu sống cảnh đơn độc, đành quyết định ly hôn và trở lại Hàng Châu. Hôn nhân đầu đổ vỡ, Kim Dung sớm tìm được niềm vui mới bên Chu Mai.
Hai người kết hôn năm 1953 và chia tay vào năm 1976. Lúc mới cưới, cuộc sống của Kim Dung là bàn tay trắng. Năm 1959, ông sáng lập tờ Minh báo. Chu Mai có học vị cao, tốt nghiệp đại học ở Hong Kong, biết ngoại ngữ, vẻ ngoài cũng xinh đẹp.
Những nhân vật kinh điển từ tác phẩm Kim Dung.
Kim Dung là tổng biên tập còn Chu Mai là nữ phóng viên duy nhất của tờ báo. Doanh số Minh báo phát hành rất thấp, lúc nào cũng đứng trước nguy cơ giải thể. Khi Chu Mai sinh thêm con, gia đình càng rơi cảnh khó khăn.
Để giúp đỡ chồng, bà một tay chăm sóc các con, một tay vun vén công việc với vai trò phụ tá của Kim Dung. “Năm đó, một ly cà phê, hai người cùng uống. Cuộc sống tuy gian khổ nhưng lại là quãng thời gian hạnh phúc nhất. Tôi nghĩ đời này đã tìm được người yêu chân tình”, Kim Dung nhớ lại.
Năm 1970, Kim Dung hoàn thành 14 tiểu thuyết dài và vừa. Đây cũng là giai đoạn Minh báo trở thành tờ báo bán chạy nhất Hong Kong. Sự nghiệp thăng tiến cũng là thời điểm hôn nhân rạn nứt.
Ngày ly hôn, Chu Mai đưa ra hai yêu cầu: một là nhận khoản tiền sinh hoạt, hai là yêu cầu người vợ mới thắt ống dẫn trứng để không thể sinh thêm con. Kim Dung sẵn lòng đồng ý để có thể song bên người vợ thứ ba, kém ông gần 30 tuổi.
Kim Dung nói việc chia tay Chu Mai là nỗi ân hận lớn trong cuộc đời. Ông luôn tự trách bản thân và muốn xin lỗi bà cho đến khi chết.
“Cuộc đời tôi có hai nỗi đau, đó là Chu Mai và hai con”, ông nói trên Minh báo. Kim Dung có 4 người con và 3 lần kết hôn. 4 người con gồm 2 trai, 2 gái đều là kết quả của cuộc hôn nhân thứ hai.
Con trai đầu là Tra Truyền Hiệp từng là niềm tự hào của Kim Dung. 4 tuổi Truyền Hiệp đã thuộc Tam Tự Kinh, 6 tuổi có thể ngân nga Tăng Quảng Hiền Văn. Tra Truyền Hiệp được khen là “thần đồng văn học”.
11 tuổi, Tra Truyền Hiệp đã bộc lộc tài văn chương. Anh có tác phẩm đầu tay mang tên Cuộc đời ta là vì cái gì. Dưới ngòi bút Truyền Hiệp, cuộc sống có nỗi u uất, sống là bể khổ, tư tưởng của anh trưởng thành hơn tuổi đời.
Kim Dung bên người con gái.
Lúc đó nhiều người đã cho rằng Tra Truyền Hiệp đang bị áp lực trong cuộc sống. Nhưng Kim Dung lại cảm thấy đó là chuyện bình thường, đánh giá cao tác phẩm con trai. Ông còn nhận định con trai sớm trưởng thành, tư tưởng thông tuệ.
Chẳng ai ngờ, tháng 10/1976, Tra Truyền Hiệp thắt cổ tự sát tại Mỹ ở tuổi 19. Anh quyên sinh sau một tranh cãi với bạn gái ngoại quốc. Nỗi đau mất con khi đó đã là vết thương không bao giờ lành trong lòng Kim Dung.
Nỗi đau không dừng với Kim Dung. Thập niên 1970, Kim Dung đưa gia đình sang Singapore. Nào ngờ, trên đường đi, cô con gái lớn tên Tra Truyền Thơ sốt cao, dẫn đến bị điếc.
Cũng sau cái chết của con, Kim Dung ngày càng tin vào đạo lý luân hồi trong Phật pháp. Các tác phẩm của ông đều mang màu sắc của đạo Phật. Năm 1991, Kim Dung bán tờ Minh báo cho Vu Phẩm Hải cũng vì “thấy người này có nét giống con trai tôi, hai người lại cùng tuổi”.
“Cuộc sống này quá nhiều thăng trầm và nỗi buồn. Có người từng hỏi tôi sống như thế nào. Tôi chỉ cười và nói hãy đại náo một trận rồi lặng yên rời đi. Sống cả đời, ra đi tựa sương mai. Đời người cũng như tiểu thuyết võ hiệp”, Kim Dung nói.
Hiểu Nguyệt
Theo Zing
Đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung giàu có, quyền lực cỡ nào?
Dù trong giới văn sĩ hay trong giới doanh nhân, một nhân vật như Kim Dung có thể nói là "vô tiền khoáng hậu".
Từ năm 1955 đến năm 1970, tiểu thuyết gia Kim Dung đã sáng tác 14 bộ tiểu thuyết. Số lượng phát hành trên toàn thế giới lên tới hàng trăm triệu bản, tổng số phim điện ảnh và truyền hình được chuyển thể từ tác phẩm của ông vượt qua con số 100.
Những câu chuyện, những nhân vật của ông đã đi vào lòng bao thế hế khán giả toàn thế giới. Ông cũng là nhà văn tỷ phú đầu tiên của Trung Quốc. Và ngày hôm nay (30/10), Kim Dung đã qua đời trước sự thương tiếc của hàng triệu người hâm mộ.
Ông trùm làng báo Hong Kong
Năm 2010, các tiểu thuyết của Kim Dung đồng loạt được tái bản tại Trung Quốc đại lục mang lại cho ông khoản tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng lợi nhuận bản quyền, chưa tính tới phần trăm lãi trên đầu sách bán ra, Kim Dung đã thu về 3,5 triệu NDT (khoảng 12 tỷ đồng).
Tiểu thuyết gia tuổi 86 bỗng chễm chệ ở vị trí thứ 12 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc năm 2010, dù đã gác bút nhiều thập kỷ.
Kim Dung được người ta biết đến nhiều nhất với tư cách Đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp. Nhưng không chỉ có vậy, Kim Dung còn là người sáng lập tờ Minh báo nổi tiếng Hong Kong, là ông trùm báo chí được ví như Rupert Murdoch của xứ Hương Cảng về sức mạnh quyền lực.
Vào thời điểm Kim Dung lập ra Minh báo, tất cả vốn liếng của tờ báo này chỉ vỏn vẹn có 100.000 HKD. Đến năm 1991 khi Minh báo lên sàn cổ phiếu, "đứa con tinh thần" của Kim Dung được định giá 870 triệu HKD, trong đó Kim Dung sở hữu 60%.
Năm 1992, lợi nhuận năm của Minh báo đạt 100 triệu HKD. Khối tài sản mà Kim Dung sở hữu lúc bấy giờ ước tính vào khoảng 120 triệu HKD, xếp thứ 64 trong danh sách các đại gia giàu nhất Hong Kong.
Thập niên 90, Kim Dung được giới báo chí xưng tụng là "võ lâm bang chủ" của làng báo chí truyền thông Hong Kong.
Kim Dung và một ấn bản Minh báo.
Thiếu gia giàu có, thiên tài văn học
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung. Ông sinh năm 1924 trong một gia đình danh gia vọng tộc tại Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang. Đích thân vua Khang Hy từng ban tặng cho tông miếu nhà họ Tra đôi câu đối "Đường Tống dĩ lai cự tộc, Giang Nam hữu số nhân gia" nhằm ca ngợi tài năng kiệt xuất của gia tộc này.
Nhà họ Tra đất đai trải hàng nghìn mẫu, sách quý chất đầy nha. Gia đình Kim Dung cũng có rất nhiều văn nhân nổi tiếng. Thi nhân Từ Trí Ma nổi danh một thời chính là anh họ của ông.
Cha ruột Kim Dung là một đại địa chủ từng nhận được sự giáo dục theo kiểu phương Tây. Tương truyền rằng cuốn tiểu thuyết đầu tiên Kim Dung đọc là A Christmas Carol của đại văn hào nước Anh Charles Dickens, do cha ông tặng.
Tuy nhiên các tác phẩm sau này của Kim Dung lại đậm đà phong vị Trung Hoa, không hề bị ảnh hưởng bởi văn phong Tây phương.
Kim Dung được lớn lên trong sự xa hoa của đời sống quý tộc. Nhận được điều kiện giáo dục tuyệt vời, từ nhỏ Kim Dung đã là một thiên tài học sâu hiểu rộng.
Kim Dung thời trẻ.
Tài năng thiên phú của ông bộc lộ từ thời trung học. Khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã cùng hai người bạn học tập hợp một số kinh nghiệm học tập và thi cử để viết thành cuốn sách tham khảo dành riêng cho học sinh thi lên bậc sơ trung học.
Cuốn sách này sau đó trở thành best-seller tại nhiều tỉnh khắp Trung Quốc. Đây có thể coi là khởi đầu cho nghiệp viết lách của ông.
Năm Kim Dung 31 tuổi, ông làm biên tập viên cho tờ New Evening Post của Hong Kong. Khi đó tờ báo đang có một loạt truyện kiếm hiệp dài kỳ bị một đồng nghiệp bỏ ngang không viết, tổng biên tập đã yêu cầu ông tiếp quản.
Con đường sáng tác tiểu thuyết võ hiệp của ông bắt đầu từ đây. Tác phẩm đầu tiên của ông có tên Thư Kiếm Ân Cừu Lục.
Các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp tiếp đó của Kim Dung trở thành hiện tượng. Năm 1958 công ty điện ảnh Nga My đã chuyển thể lại tác phẩm Anh hùng xạ điêu thành phim dài 2 tập, đánh dấu bản chuyển thể đầu tiên từ tiểu thuyết của ông.
Nhờ thành công và lợi nhuận kiếm được từ Anh hùng xạ điêu, Kim Dung mới thực hiện được ước mơ của mình là thành lập một tờ báo riêng vào năm 1959.
Khi mới ra mắt, doanh số của Minh báo vô cùng thảm hại. Tờ báo phải dựa vào loạt truyện dài kỳ Thần điêu đại hiệp của ông để hút độc giả.
Bên cạnh việc viết truyện, ông còn dùng bút danh Tra Lương Dung để viết các bài bình luận vấn đề xã hội. Ngòi bút sắc sảo của ông đã đưa Minh báo thành tờ báo uy tín được giới tri thức Hong Kong xem trọng.
Kim Dung vốn là sinh viên tốt nghiệp ngành Luật quốc tế nên ông cực kỳ am hiểu hệ thống và cục diện chính trị thế giới, từ đó đưa ra được nhiều kiến giải độc đáo. Thập niên 60 của thế kỷ 20, tình hình chính trường quốc tế rất phức tạp. Kim Dung đã phát huy hết thế mạnh của mình để mang lại danh tiếng cho tờ Minh báo.
Ban ngày ông là cây viết bình luận chính trị quốc tế, đến đêm ông lại thành tiểu thuyết gia mải mê với những ân oán tình thù chốn giang hồ. Mỗi bài báo ông viết cả 2000 chữ, tiểu thuyết thì tới 5000, suốt 20 năm liền không buông bút.
Thời đó rất nhiều độc giả của Minh báo không hề biết nhà văn Kim Dung và nhà báo Tra Lương Dung chính là một người.
Sau bao nỗ lực của Kim Dung, thập niên 80, Minh báo đã phát triển thành một đế chế truyền thông báo chí, số lượng phát hành lên tới 200.000 bản.
Kim Dung vốn là một công tử giàu có, nhưng cũng là một văn nhân. 15 tuổi ông đã tự dùng kiến thức của mình để kiếm tiền trả học phí, tự dùng tài năng của mình kiếm việc mà không dựa vào gia sản của gia đình.
Cả đời Kim Dung dùng con chữ để mưu sinh, trở thành một nhà văn, một tổng biên tập được bao người nể phục. Dù trong giới văn sĩ hay trong giới doanh nhân, một nhân vật như Kim Dung có thể nói là "vô tiền khoáng hậu".
Ngày 30/10/2018, Kim Dung tạ thế ở tuổi 94 tuổi.
Theo Thế giới trẻ
'Thái đẩu' Kim Dung cuối đời không nhận ra bạn bè và khó nói chuyện Kim Dung qua đời sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật và tuổi già. Bạn bè chia sẻ nhà văn nổi tiếng bị chứng đãng trí vào những năm sau cùng."Thái đẩu võ hiệp" Kim Dung qua đời ngày 30/10, hưởng thọ 94 tuổi. Theo QQ, khi tin tức được chia sẻ trên mạng xã hội Weibo, cư dân mạng đã...