Thái Bình: Mùa rươi, cả làng ra đồng vớt như trẩy hội, thu 20 tỷ
Cứ đến độ tháng 9, tháng 10 (âm lịch), nông dân xã Thụy Việt (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) lại tạm gác mọi công việc để về khu vực bãi triều ven sông Hóa thu hoạch rươi – một thứ sản phẩm được ví như “lộc trời” cho mà không phải ở địa phương nào cũng có được.
Chúng tôi về xã Thụy Việt đúng thời điểm nhân dân địa phương đang thu hoạch rươi. Đây là lần thứ 3 trong năm, nhân dân địa phương được thu hoạch rươi.
Trên quãng đường đê dài chưa đầy 1km với tổng diện tích trong đồng chỉ khoảng 60ha mà có tới hàng trăm người với các loại dụng cụ có thể dùng được để thu vớt rươi như: xô, chậu, vợt…
Hàng trăm người dân xã Thụy Việt với các loại dụng cụ thu vớt rươi.
Để có thể thu vớt rươi được dễ dàng, các hộ đã phá một đoạn bờ cho nước chảy ra, để sẵn một cái lưới ở đó để hứng rươi theo dòng nước chảy vào, đồng thời sử dụng máy bơm mini để bơm nước từ trong đồng ra các kênh mương bao quanh nhằm rút cạn nước trong đồng mỗi khi thủy triều lên.
Theo kinh nghiệm của những người dân nơi đây, để rươi có thể sinh sống và phát triển được, ngoài việc chú trọng tạo môi trường tốt nhất (không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bón cho cây lúa, chỉ sử dụng máy cày khi ruộng còn khô nhằm tránh dầu mỡ từ máy cày lẫn vào đất) còn phải rắc từ 5 – 7kg cám gạo/sào ruộng sau mỗi lần con nước rút.
Xác định đây là loại con đặc sản của địa phương cho thu nhập cao trong khi đó nông dân trong xã lại chủ yếu là thuần nông nên khi thực hiện dồn điền đổi thửa, Thụy Việt thực hiện chia ruộng sao cho đa số các hộ dân trong xã đều có ruộng khu vực bãi triều, trong đó hộ ít nhất là 1 thước và hộ nhiều nhất là 1ha, từ đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương.
Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, Thụy Việt còn quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ rươi. Chính vì thế, sản lượng rươi khai thác tại xã ngày càng tăng lên, trung bình hàng năm đạt hơn 50 tấn với giá trị đạt gần 20 tỷ đồng, chiếm hơn 40% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Quang Phê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thụy Việt:
Để rươi có thể thu hoạch đem lại sản lượng cao nhất, thời gian qua, địa phương đã quy hoạch và vận động người dân đào đắp hệ thông kênh mương bảo đảm cho nguồn nước lợ ra vào vùng đất bãi triều được thuận lợi. Đồng thời, tổ chức, hướng dẫn người dân thực hiện sản xuất nông nghiệp tại vùng rươi bảo đảm vệ sinh môi trường tốt nhất, đặc biệt không sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật để rươi sinh trưởng và phát triển…
Bà Nguyễn Thị Tuyến, thôn An Cúc Đông, xã Thụy Việt:
Gia đình tôi có 1,2 sào ruộng, đã thu hoạch được hai đợt rươi vào các ngày 20/9 và 5/10 (âm lịch) được gần 10kg bán được hơn 3 triệu đồng. Đây là đợt thứ ba trong năm, gia đình tôi đi thu rươi và nếu thời tiết thuận lợi thì có thể thu được nhiều hơn những đợt vừa qua. Năng suất rươi năm nay khá cao, rươi thu hoạch đến đâu được thương lái mua hết đến đó với giá bán ở ngay ruộng từ 300.000 – 350.000 đồng/kg. Với năng suất rươi đầu vụ như này thì mỗi sào rươi năm nay có thể thu được hơn 40kg.
Bà Tống Thị Tơ, thương lái thôn An Cúc Tây, xã Thụy Việt:
Với kinh nghiệm thu mua rươi hơn 10 năm nên cứ đến độ 20 tháng 9 và mùng 5 tháng 10 âm lịch hàng năm, tôi lại cùng 10 người khác về cánh đồng bãi triều ven sông Hóa của xã Thụy Việt để thu mua rươi của bà con địa phương. Giá thu mua rươi năm nay cao hơn năm ngoái khoảng vài chục nghìn đồng/kg, dao động từ 300.000 – 350.000 đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu mua được hơn 1 tấn rươi của người dân xã Thụy Việt và với năng suất cao như hiện nay thì vụ này dự kiến tôi thu mua được hơn 5 tấn rươi để xuất bán đi Trung Quốc và các tỉnh lân cận.
- Rươi có thể chế biến thành nhiều món ăn như: rươi kho nồi đất, chả rươi, mắm rươi, rươi xào củ niễng hay củ cải, rươi nấu canh, ruốc rươi, nem rươi, rươi cuốn lá lốt…;
- Rươi thuộc bộ giun đốt, nhiều lông tơ, sống tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ; có giá trị dinh dưỡng cao và chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm… Nếu không chế biến rươi đúng cách sẽ dễ dẫn đến ngộ độc, chướng bụng, tiêu chảy cấp, đau đầu, choáng váng;
- Khi chế biến các món từ rươi phải có kèm vỏ quýt bởi vỏ quýt có tác dụng phòng và chữa các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, phải loại bỏ hết các con rươi chết, người đã từng bị dị ứng khi ăn hải sản thì không nên ăn rươi;
- Sau khi ăn rươi, nếu thấy bị nổi ban, đau đầu, nôn ói, tiêu chảy… thì không nên tự chữa theo kinh nghiệm tại nhà mà cần phải đến bệnh viện ngay.
Theo Minh Hương-Trần Tuấn (Báo Thái Bình)
"Rồng đất" xuất hiện nhiều, nông dân Hải Phòng thu nhập khủng
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở các huyện ven cửa sông như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, TP.Hải Phòng có nguồn thu nhập "siêu khủng" từ loài đặc sản có tên là "rồng đất" (con rươi). Nếu gặp thời tiết thuận lợi, nhiều hộ dân vùng ngoại thành Hải Phòng được đón "lộc trời" với nguồn thu nhập tiền tỷ và trở thành nông dân tỷ phú.
Phấn khởi thu "lộc trời"
Hải Phòng vốn là một trong số những địa phương có loại đặc sản đặc biệt, được người dân mệnh danh là "rồng đất" chính là con rươi. Rươi có nhiều dinh dưỡng, thơm, ngậy và rất ngon khi được chế biến đúng và đủ vị nên được nhiều người ưa chuộng.
Tuy nhiên, loài đặc sản này không phải được thu hoạch thường xuyên mà thường vào dịp cuối năm, tháng 9 và tháng 10 âm lịch "rồng đất" mới xuất hiện và đem lại nguồn thu khủng cho bà con thuộc các huyện ven cửa sông như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy.
Theo kinh nghiệm và thói quen, từ đầu tháng 9 âm lịch hàng năm, thời điểm có nước rươi là bà con nông dân thu hoạch rươi lại nhộn nhịp chuẩn bị chờ từng con nước thủy triều về để thu hoạch rươi. Các đầm được nông dân cải tạo đất tơi xốp, chờ con nước tháng 9 lên, tháo ra để rươi nổi lên mà vớt.
Người dân huyện Tiên Lãng thu hoạch rươi. Ảnh: Trần Phượng
Riêng địa bàn huyện Tiên Lãng, hầu hết các xã trên địa bàn đều có nguồn nước lợ ven các sông Thái Bình, sông Văn Úc và đều có rươi. Các hộ dân thăm dò vùng rươi bằng cách đào sâu đất xuống khoảng 40 - 50 cm. Nếu xác định khu vực đó có rươi bà con sẽ cải tạo khu vực đó thành đầm với các điều kiện thuận lợi để rươi xuất hiện.
Ông Vũ Văn Lượng trú tại thôn Đốc Hậu, ở xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng cho biết: Gia đình ông tham gia đấu thầu và trúng thầu đúng lúc ngành thủy sản Hải Phòng quy hoạch lại khu vực nuôi trồng thủy sản với diện tích 5ha.
Do diện tích ruộng trũng nên cấy lúa tỷ lệ thất thu rất lớn nên gia đình ông xoay sang hướng cải tạo đồng đất phù hợp với mô hình lúa - cáy - rươi. Từ hướng đi này, mấy năm nay, gia đình ông có được nguồn thu nhập khủng từ con rươi với con số tiền tỷ mỗi năm.
Tạo và giữ môi trường sạch cho thu nhập bền vững
Vừa thu hoạch đợt nước rươi vào ngày 21/10 âm lịch vừa qua, ông Lượng phấn khởi cho biết thêm: Ước tính 2 đợt vừa qua, gia đình ông thu hoạch khoảng 3,5 tấn rươi thương phẩm. Với giá bán rươi đổ buôn trung bình từ 350- 400 nghìn đồng/1kg, tùy từng thời điểm, gia đình ông thu về số tiền không nhỏ.
Điều khá đặc biệt là người dân vùng rươi thường chỉ thu hoạch được vào tháng 9 và tháng 10 âm lịch nhưng riêng hai anh em nhà ông Vũ Văn Lượng và Vũ Văn Lưỡng, do giữ gìn và tạo được môi trường sạch nên đầm rươi nhà các ông được thu hoạch tới tận tháng 11 âm lịch. Qua 3 đợt thu hoạch với sản lượng khoảng hơn 10 tấn rươi, 2 hộ kiếm được tiền tỷ.
Rươi sau khi tu hoạch được treo lên để ráo bớt nước. Ảnh: Trần Phượng
Ông Lượng chia sẻ: Con rươi là vật phù du, lộc trời cho không ai có thể nuôi được. Nhưng qua nghiên cứu quy luật phát triển của loài đặc sản này thì được biết, nó rất ưa môi trường sạch, ăn dinh dưỡng hữu cơ từ lòng đất. Khi đến con nước, nó ngoi lên sinh trưởng. Chính vì vậy, tôi chú trọng cải tạo đất để rươi có môi trường phát triển tốt nhất.
Ngoài thu hoạch rươi, gia đình ông Lượng còn triển khai hiệu quả mô hình "lúa - cáy - rươi" để phát huy tiềm năng của đất. Vụ chiêm, gia đình ông chọn cấy giống lúa nếp, bởi theo ông Lượng rạ của lúa nếp rất thơm, nó là nguồn để giúp đất tơi xốp và tạo hương thơm cho rươi. Và rươi tại đồng đất nơi ông thu hoạch có mùi vị đặc trưng so với rươi các hộ khác.
Mặc dù cấy lúa trên diện tích lớn, nhưng gia đình ông Lượng không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu. Thậm chí, ông bắt bướm và bọ dày hại lúa cũng bằng cách thủ công. Tất cả những phương pháp áp dụng vào sản xuất của ông Lượng đều nhằm mục đích gìn giữ môi trường trong sạch để duy trì sự phát triển bền vững.
Ông Đinh Dương Ngọc, Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng cho biết: Hiện tại, địa phương chưa có số liệu thống kê cụ thể về sản lượng rươi. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thu hoạch chung tại địa phương cho thấy, nông dân vùng rươi năm nay được mùa và giá cũng vẫn rất ổn định.
Ông Ngọc cũng khẳng định: Rươi không chỉ mang lại một nguồn lợi kinh tế lớn cho chính các hộ dân sản xuất mà còn góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái đồng ruộng ven các sông trên địa bàn. Ở vùng đất nào có rươi xuất hiện, thì ở đó môi trường không bị ô nhiễm.
Theo Danviet
Cầu nối giữa Quốc hội và nhân dân Hoạt động của Quốc hội ngày càng sát với thực tiễn hơn; những kiến nghị của cử tri được chuyển đến Quốc hội và được theo sát trong quá trình xử lý; những cuộc tiếp xúc cử tri ngày càng cởi mở, dân chủ hơn... Điều đó có được một phần nhờ Mặt trận đã thực hiện tốt vai trò "cầu nối" giữa...