Thách thức với pin xe điện: Pin phải nhỏ, giá phải rẻ, sạc phải nhanh
Người dùng tìm kiếm chiếc xe điện đi xa nhất, nhưng điều này sẽ không xảy ra trong tương lai. Trong cuộc đua làm xe điện, các nhà sản xuất đang dồn nhiều lực vào việc cải thiện quãng đường di chuyển mỗi lần sạc để trấn an khách hàng khi cơ sở hạ tầng trạm sạc phát triển chưa đủ “chín”.
Mặc các hãng xe làm pin to lên, các nhà sản xuất pin lại đang tìm cách để pin xe điện nhỏ hơn, bền hơn và rẻ hơn trong tương lai, đồng thời cũng sạc nhanh hơn.
“GIẢI MÔ CÔNG NGHỆ PIN XE ĐIỆN CỦA TƯƠNG LAI
Dễ thấy rằng nhiều hãng xe trên thế giới đang cố gắng đuổi theo Tesla – hãng xe đứng đầu thị trường, tìm cách để làm ra những chiếc xe có thể đi được tới gần 500km hoặc hơn chỉ với một lần sạc.
Nhưng trong con mắt của các đơn vị khởi nghiệp về công nghệ pin, họ thấy rằng cự ly di chuyển sẽ bớt được quan tâm đi theo thời gian khi trạm sạc công cộng trở nên sẵn hơn. Trong công cuộc thu nhỏ và giảm thời gian sạc khối pin của xe điện, họ – các công ty công nghệ pin – đang thử nghiệm các vật liệu như silicon-carbon, vonfram hay niobium (một loại đất hiếm).
Ở một số nơi, Tesla đã mở khóa trạm sạc của mình cho các xe không phải Tesla cùng sạc.
Bộ pin thường được coi là bộ phận có giá trị cao nhất trên xe điện, chỉ khi trạm sạc phổ biến hơn, sạc nhanh hơn thì các nhà sản xuất mới có thể cho ra các mẫu xe sử dụng pin nhỏ, giá thành dễ tiếp cận hơn, từ đó tăng lợi nhuận bằng cách bán được nhiều xe hơn. Cũng cần nhắc thêm rằng việc trạm sạc chưa phủ đủ rộng còn được coi là nguyên nhân cản trở quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện.
Giám đốc Điều hành tại Nyobolt (công ty khởi nghiệp sử dụng Oxit Niobium làm pin xe điện có thể sạc trong vài phút), ông Sai Shivareddy,cho biết: “Những người tiên phong đang dùng xe điện tại phân khúc cao hơn, đòi hỏi bộ pin lớn và đi được xa vì họ đủ năng lực kinh tế cho điều đó. [...] Đối với các phân khúc phổ thông mà nhạy cảm hơn với giá cả, bạn cần những bộ pin nhỏ… nhưng lại phải mang tới trải nghiệm tương tự như bây giờ (với các mẫu xe xăng), tức là có thể nạp đầy chỉ trong 5 phút”.
CEO Echion cầm mẫu pin thử nghiệm ứng dụng Niobium làm cực điện từ, có thể sạc trong vài phút. Nguồn ảnh: Nick Carey / Reuters
Lâu nay, Trung Quốc vẫn thống lĩnh việc sản xuất pin cho xe điện toàn cầu, các công ty như Contemporary Amperex Technology Co (thường được gọi là CATL) thì lại đang phát triển những bộ pin có thể đi xa hơn trong một lần sạc.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất xe tại Trung Quốc cũng đã cho ra mắt những chiếc xe điện tí hon, rẻ bèo như Wuling Hongguang Mini, chiếc xe mới được tăng giá pin mà vẫn được bán với mức giá 6.500 USD. Mẫu xe này thực ra là kết quả của cái bắt tay giữa SAIC Motor, Wuling Motors của Trung Quốc và General Motors của Mỹ.
Wuling Hongguang Mini EV luôn được truyền thông với những hình ảnh gắn liền với cuộc sống của người trẻ năng động.
Ở bên kia bán cầu của chiếc xe điện tí hon Hongguang Mini, các công ty công nghệ pin khởi nghiệp như Nyobolt, Echion Technologies, Woodinville, hay Group14 lại đang tìm cách để đưa các loại pin sạc siêu nhanh nhờ ứng dụng các vật liệu mới tới thị trường.
Theo thông tin từ PitchBook, đầu tư cho lĩnh vực công nghệ pin xe điện đã tăng vọt lên 6 lần, từ 1,5 tỷ USD năm 2020 lên 9,4 tỷ USD trong năm 2021.
Ông Lincoln Merrihew, Phó Chủ tịch tại công ty chuyên phân tích số liệu Pulse Labs phản ánh: “Việc phát triển pin của chúng ta đang trong giai đoạn thai nghén”.
Video đang HOT
“MỘT MŨI TÊN TRÚNG HAI ĐÍCH”
Nhu cầu xe điện tăng cao nhưng nguồn cung nguyên liệu pin lại hạn hẹp đã tạo nên một nút thắt cổ chai, thì làm pin nhỏ thực ra cũng giúp giảm bớt tắc nghẽn tại điểm thắt này. Cần nêu rằng thị trường cô-ban và niken (2 nguyên liệu quan trọng trong cấu thành của một bộ pin xe điện) đang được Trung Quốc nắm giữ, cả khâu tinh chế lẫn xử lý.
Bên cạnh đó, khối pin nhỏ cũng đồng nghĩa rằng nhà sản xuất được phép tự hào hô rằng họ sử dụng ít hơn các nguyên liệu gây hại tới môi trường, giảm được lượng CO 2 thải ra trong quá trình sản xuất sản phẩm, đồng thời giúp sản phẩm dễ tiếp cận hơn.
Phải vậy mà CEO của Ford, ông Jim Farley, trong một cuộc hội thảo hồi tháng 6 đã phát biểu rằng: “Khi giá pin quá đắt, tinh chỉnh chiếc xe để thu nhỏ bộ pin sẽ là một bước ngoặt”. Thương hiệu xe Mỹ này cũng mong muốn “pin nhỏ nhất nhưng cự ly di chuyển cạnh tranh nhất” với các mẫu xe điện thế hệ sau, kể từ năm 2026.
Trong khi đó, một số hãng thì đang cố gắng khai thác tối đa từ các loại pin hiện tại, tiêu biểu như Mercedes vừa công bố mẫu xe ý tưởng Mercedes Vision EQXX đã tự phá kỷ lục, đi được 1200km chỉ với một lần sạc.
Mercedes Vision EQXX đã tự phá kỷ lục của mình, thực hiện thành công chuyến đi 1.200km với một lần sạc.
Khả năng tiếp nhận dòng điện thực ra đang hạn chế khả năng sạc nhanh. Lý do nằm ở việc sạc nhanh có thể kéo ngắn tuổi thọ pin, hoặc làm pin quá nhiệt, do vậy mà hầu hết các mẫu xe điện sẽ kiểm soát dòng điện để bảo vệ pin.
Trong khi đó, Niobium với đặc tính trơ, các công ty khởi nghiệp công nghệ pin như Nyobolt hay Echion cho rằng Niobium khi sử dụng làm điện cực có thể chịu dòng điện sạc siêu siêu nhanh mà vẫn đảm bảo độ bền dài hơn vài năm so với công nghệ pin thời nay. NyoBolt hiện đang dành nhiều công sức cho các mẫu xe đua hiệu suất cao chạy điện; CEO Nyobolt, ông Sai Shivareddy, nói rằng sẽ mất vài năm để thử nghiệm trước khi các nhà sản xuất có thể ứng dụng vào bộ pin cho các mẫu xe sản xuất đại trà.
“Hàng xóm” của Nyobolt và Echion thì đã có những mẫu pin thử nghiệm với cực dương có chứa Niobium, hiện đang cung cấp cho các mẫu xe điện chuyên dụng, như phương tiện hầm mỏ, hoạt động thường xuyên và cần sạc nhanh. CEO của Echion, ông Jean de La Verpilliere, đặt ra mục tiêu cung cấp cho xe con từ năm 2025. Ông nói: “Pin nhỏ hơn thì giá sẽ rẻ đi, sẽ có nhiều người hơn mua được xe điện”.
Niobium giúp pin trở nên bền, an toàn và sạc nhanh hơn. Trong ảnh là quặng coltan, chứa cả Tantalum và Niobium. Ảnh: World Atlas
CBMM là một công ty tại Brazil, đứng vị trí hàng đầu trong việc sản xuất Niobium, hiện đã đầu tư cho Echion và cũng đang thử nghiệm Niobium với các đơn vị khác như công ty vật liệu pin như Nano One, Caminhoes e Onibus (đơn vị có Toshiba và Volkswagen đứng sau), Traton (trực thuộc Volkswagen).
Người đứng đầu bộ phận phát triển pin, ông Rogerio Marques Ribas, nói rằng dù pin sử dụng Niobium có mật độ năng lượng thấp hơn 20% so với công nghệ pin hiện tại, nhưng “chúng tôi có thể đem tới [bộ pin với] độ bền đâu đó cao hơn 3, 4 lần, và an toàn hơn với thời gian sạc tính bằng phút”.
Ông cũng nhận định rằng: “Vật liệu thô sẽ là nút thắt cổ chai với pin. [...] Trong tương lai gần, người ta sẽ hỏi tại sao phải chọn pin lớn?”
ĐI XA CHƯA CHẮC ĐÃ CẦN THIẾT
VinFast từng dẫn dắt StoreDot có thêm 80 triệu USD vốn đầu tư.
Trên thực tế, Niobium không phải là nguyên liệu duy nhất mà các công ty khởi nghiệp này đang khai phá công năng. Ngoài thứ đất hiếm đó, Group14 Technologies hiện đang sử dụng điện cực làm từ silicon-carbon mà họ cho rằng sẽ giúp pin xe điện lưu trữ thêm 50% năng lượng. Thử nghiệm loại vật liệu này của Group14, StoreDot – công ty công nghệ pin khởi nghiệp mà VinFast đứng sau – đã sạc 80% dung lượng pin chỉ trong 10 phút. CEO của Group14, ông Rick Luebbe, cho rằng vật liệu làm cực anot của công ty có thể giúp một chiếc xe điện sạc chỉ trong vòng 5 phút.
Ông Rick Luebbe chia sẻ: “Khi tôi có thể sạc lại bộ pin chỉ trong 5 hoặc 10 phút… thì việc đi được bao xa cũng chẳng quan trọng lắm, dù cự ly di chuyển có là 300km hay 500km”.
Group14 đã từng có thêm 400 triệu USD vốn đầu tư nhờ công của Porsche.
Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Our Next Energy (ONE) tại bang Michigan, Mỹ thì đang phát triển loại “pin kép” mà họ đặt tên là Gemini, trong đó sử dụng song song cả pin LFP và loại pin tiên tiến hơn, giúp tạo ra các lựa chọn pin với cự ly di chuyển ngắn, trung bình hoặc dài.
CEO Mujeeb Ijaz của Our Next Energy nêu quan điểm: “Sau cùng, thị trường sẽ tự quyết định xem cự ly di chuyển là bao nhiêu”.
Phân tích số liệu, có thể thấy rằng người Mỹ lái trung bình 50km mỗi ngày, người dân châu Âu thì đi chưa bằng một nửa của người Mỹ.
Giám đốc Chiến lược của Britishvolt (công ty pin tại Anh quốc), bà Isobel Sheldon cho rằng khi người sử dụng xe điện nhận ra họ đang trả tiền cho những gì họ không dùng đến thì nhu cầu thị trường về cự ly di chuyển sẽ giảm: “Khi thị trường đạt tới độ chín, mọi người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi rằng tại sao tôi lại phải trả cả vài nghìn USD cho một bộ pin mà tôi chẳng tận dụng được hết. [...] Hầu hết mọi người sử dụng xe để đi siêu thị, gặp bạn bè hoặc đưa con đến trường, không phải lái [từ Anh] đến Monaco”.
Loạt ô tô điện siêu rẻ, bằng một nửa Vinfast VF e34
Nhiều mẫu ô tô điện ở các nước có giá quy đổi sang VNĐ chỉ trên dưới 300 triệu đồng, rẻ ngang một chiếc xe tay ga cao cấp hoặc chỉ bằng một nửa chiếc xe điện đang hot ở Việt Nam là Vinfast VF e34.
Nhiều mẫu xe điện mới ra mắt tại Việt Nam như Hyundai IONIQ 5, KIA EV6, VinFast VF8, VF9... đều có giá trên 1 tỷ đồng. Mẫu VinFast VF e34 giá dễ chịu nhất cũng ở mức trên 500 triệu đồng. Trong khi đó, tại các nước, các hãng xe tung ra các mẫu cỡ nhỏ có giá rất phải chăng.
Nhưng mẫu xe này nếu được đưa về Việt Nam chắc hẳn sẽ có "đất sống".
Wuling Hongguang Mini EV
Wuling Hongguang Mini EV có giá khởi điểm hơn 4.100 USD (khoảng 96 triệu đồng) tại thị trường quê nhà Trung Trung Quốc.
Mẫu xe này hiện đã được đưa về Việt Nam như theo diện để nghiên cứu và chưa được bán rộng rãi ra thị trường.
Mini EV là một chiếc microcar chạy điện ba cửa có kích thước nhỏ gọn với kích thước dài x rộng x cao của xe lần lượt là 2.921 x 1.499 x 1.626 mm, chiều dài cơ sở đạt 1.941 mm. Xe có khối lượng 665 kg. Dù vậy xe vẫn đủ sức chứa khoảng bốn người lớn.
Ở Trung Quốc, khách hàng mua xe có thể lựa chọn gói pin 9,3kWh hoặc 13,8kWh. Mini EV có tốc độ tối đa là 100 km/h và trên đường cao tốc.
Nhiều dự đoán cho rằng, nếu được nhập khẩu bán rộng rãi ở Việt Nam Wuling Hongguang Mini EV nhiều khả năng sẽ có giá từ 200 triệu đồng.
Citron Ami
Ra mắt lần đầu tiên vào tháng 2/2020, Citroen Ami được sản xuất tại châu Âu với yêu cầu không cần bằng lái mà chỉ cần đủ từ 16 tuổi và 14 tuổi tại Pháp
Đây là mẫu xe điện đô thị với thiết kế nhỏ gọn, 2 chỗ ngồi.
Cuối năm 2021, một đại lý tư nhân ở Sài Gòn từng rao bán mẫu xe này với giá từ 300 triệu đồng.
Xe có chiều dài 2,41m, rộng 1,39m và cao 1,52m, trọng lượng chỉ 485 kg, đã tính gói pin 5,5 kWh, mẫu xe hai chỗ thực tế được xếp vào phân khúc xe bốn bánh hạng nhẹ.
Citron Ami được bị động cơ điện 6 kW (8 mã lực), Citroen Ami có tốc độ tối đa ở mức 45 km/h. Bộ pin lithium-ion 5,5 kWh giúp chiếc xe đi được quãng đường tối đa 75 km cho một lần sạc đầy. Pin có thể sạc đầy trong 3 giờ với nguồn điện 220V.
Xe điện Baojun KiWi E300
Baojun KiWi có kích thước tổng thể 2.894 x 1.655 x 1.595mm tương với chiều dài, rộng, cao và trục cơ sở 2.020mm với cấu hình 4 chỗ ngồi được xây dựng trên mẫu xe Baojun E300 Plus.
Với mức giá rẻ nên hiệu năng của xe chỉ ở mức vừa đủ khi có công suất 54 mã lực, 150Nm lực kéo và có thể đạt vận tốc tối đa 100km/h bù lại xe có thể vận hành tới 305km trong 1 lần sạc ở điều kiện tiêu chuẩn. Ngoài ra xe chỉ còn có tính năng sạc nhanh khi chỉ mất 1 tiếng để sạc đầy pin.
Hiện tại ở thị trường nội địa Trung Quốc, Baojun KiWi EV có 2 phiên bản với mức giá quy đổi khoảng 246 triệu đồng cho bản Designer và 277 triệu đồng cho bản Artist.
Dacia Spring
Ô tô điện giá rẻ Dacia Spring là mẫu xe city car 5 chỗ, có trọng lượng 970 kg, được phát triển dựa trên mẫu Renault Kwid dành riêng cho thị trường Ấn Độ, và mẫu Renault City K-Ze ở Trung Quốc. Xe có giá khởi điểm mới chỉ còn 12.403 Euro (340 triệu đồng) tại Pháp.
Mức giá rẻ đồng nghĩa với trang bị vừa đủ cho chiếc xe điện với mô tơ điện cầu trước có khả năng sinh ra công suất 44 mã lực kèm mô-men xoắn cực đại 125 Nm.
Xe có thể tăng tốc từ 0 km/h đến 100 km/h trong 19,1 giây trước khi đạt tốc độ tối đa là 125 km/h. Bộ pin điện lithium-ion 27.4kWh cung cấp tầm vận hành lên đến 230km sau khi sạc đầy.
Theo công bố từ hãng, thời gian sạc đầy pin cho chiếc xe dưới 14h đồng hồ với loại sạc AC 2,3 kW (ổ cắm gia đình), dưới 8 giờ 30 phút với bộ sạc AC 3,7 kW (hộp treo tường) và dưới 5 giờ với bộ sạc AC 7,4 kW (hộp treo tường). Với trạm sạc nhanh DC 30 kW, pin xe có thể đầy tới 80% trong khoảng thời gian dưới 1 giờ đồng hồ.
Xe điện Sakura, eK cross EV
Tháng 5/2022, liên doanh của Nissan và Mitsubishi đã cho ra mắt 2 mẫu ô tô điện mini với giá dưới 15.000 USD.
Nissan, hãng sản xuất xe điện Leaf và xe điện Ariya, sẽ cung cấp mẫu xe điện hạng nhẹ đầu tiên mang tên Sakura, với giá khởi điểm khoảng 1,78 triệu yên (13.891 USD) sau khi nhận trợ cấp của chính phủ và với phạm vi hoạt động 180 km.
Nissan và Mitsubishi đã cho ra mắt 2 mẫu ô tô điện mini với giá dưới 15.000 USD.
Mitsubishi Motors, nhà sản xuất ô tô điện i-MiEV, sẽ phát hành "eK cross EV" với giá khởi điểm khoảng 1,85 triệu yên, bao gồm cả trợ giá, cũng với phạm vi hoạt động 180 km.
Cả hai nhà sản xuất ô tô cho biết họ sẽ bắt đầu bán dòng xe "kei" chạy điện mới vào nửa cuối năm nay.
Y Nhuỵ (Tổng hợp)
'Săn' pin xe điện khó như 'đãi vàng', VinFast nhanh tay ôm trọn nguồn cung pin thể rắn của ProLogium bằng thoả thuận hàng chục triệu USD Theo thoả thuận mới ký, phần lớn sản lượng từ nhà máy pin 3 GWh của ProLogium sẽ được cung cấp cho VinFast từ năm 2024. VinFast mới đây đã công bố đầu tư vào ProLogium - công ty hàng đầu thế giới hiện nay về pin thể rắn. Tổng giá trị của khoản đầu tư không được tiết lộ nhưng ước tính...