Thách thức bủa vây tứ bề, Ukraine mắc kẹt trong vòng xoáy xung đột
Ukraine đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khi Nga tăng cường tấn công trên các mặt trận sau gần 3 năm xung đột.
Ukraine đang đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến với Nga (Ảnh: Getty).
Cuộc chiến ở Ukraine đang tiến gần đến cuối năm thứ ba, với việc Nga theo đuổi các cuộc tấn công không ngừng nghỉ bất chấp tổn thất nặng nề và các nhà lãnh đạo phương Tây đang loay hoay tìm kiếm một chiến lược để chấm dứt xung đột.
Trong bối cảnh nguồn cung vũ khí của phương Tây bị hạn chế và chậm chạp, Ukraine đang phải đối mặt với một mùa đông ảm đạm. Quân đội Ukraine, vốn bị áp đảo về quân số và vũ khí, đang dần mất đi vị thế trên mặt trận chính phía đông. Mặc dù vậy, Kiev vẫn tìm cách gây tổn thất nặng nề cho Nga trong khi giảm thiểu tổn thất của chính mình.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đang áp đảo hệ thống phòng không của nước này, gây ra tình trạng mất điện luân phiên trên khắp cả nước và có thể trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông.
Quân đội Ukraine đang bám trụ các vị trí chiến lược quan trọng ở mặt trận phía đông, chẳng hạn thành phố Chasiv Yar, mặc dù phải đối mặt với làn sóng bộ binh Nga và bom lượn ồ ạt tấn công các tòa nhà. Trong những tuần gần đây, Nga đã kiểm soát thành phố Vuhledar, tiến về phía trung tâm hậu cần Pokrovsk và tiến công ở các thành phố khác.
Theo các quan chức và binh lính Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác nhiều lần nói rằng họ muốn Ukraine chiến thắng, nhưng không cung cấp đủ sự hỗ trợ để ngăn chặn Nga và đảo ngược tình thế.
Điều đáng lo ngại hơn đối với Kiev là cựu Tổng thống Donald Trump đã nói rằng nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, ông sẽ tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nói rõ rằng ông muốn Ukraine đầu hàng.
Trong khi đó, Nga đang có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự vào năm tới, báo hiệu cam kết lâu dài của Moscow trong cuộc đối đầu với Ukraine.
Trong các chuyến thăm tới các nước châu Âu và Mỹ trong những tuần gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí và đảm bảo an ninh như một phần của “kế hoạch chiến thắng” nhằm chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có lợi cho Ukraine.
Chính quyền Biden dường như không mấy mặn mà với kế hoạch này của nhà lãnh đạo Ukraine. Mỹ cũng dè chừng trong việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev vì lo ngại phản ứng của Nga.
Các quan chức Mỹ cho biết kế hoạch của Tổng thống Zelensky vẫn chỉ gói gọn lại một số yêu cầu từng được đưa ra trước đó, đồng thời lưu ý rằng các thành viên của khối NATO do Mỹ dẫn đầu đang chia rẽ về việc có nên chính thức mời Ukraine gia nhập hay không.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, cho biết kế hoạch này là một chiến lược chi tiết bao gồm các bước đi về quân sự, kinh tế, chính trị và ngoại giao cần thiết để buộc Nga chấm dứt chiến tranh. Trong số đó có yêu cầu về việc phương Tây viện trợ nhiều tên lửa tầm xa hơn, bao gồm tên lửa ATACMS và Storm Shadow, cũng như được phương Tây cho phép sử dụng các vũ khí đó để tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ Nga. Ông Podolyak cho biết điều đó có thể thay đổi tính toán của Moscow bằng cách gia tăng áp lực trong nước, cũng như làm suy yếu lực lượng tiền tuyến của Nga.
Ông Podolyak thừa nhận nếu không có thêm sự hỗ trợ cho Ukraine, cuộc chiến có thể kéo dài nhiều năm và cuối cùng làm xói mòn vị thế toàn cầu của các quốc gia phương Tây. Quan chức Ukraine nhận định việc buộc Kiev phải đàm phán từ vị thế yếu hơn sẽ không chấm dứt xung đột, mà thậm chí còn khuyến khích Nga tiếp tục theo đuổi mục tiêu chính là kiểm soát hoàn toàn Ukraine.
Các đơn vị tiền tuyến của Ukraine đang phải vật lộn với tình trạng thiếu trang thiết bị cơ bản, bao gồm xe bọc thép và pháo, cũng như tình trạng thiếu hụt binh lính.
Ông Podolyak cho biết tình hình đang được cải thiện và Ukraine đang xoay xở để thực hiện một số đợt luân chuyển quân và tăng quy mô lực lượng dự bị. Tuần trước, chính phủ Pháp thông báo đang huấn luyện và trang bị cho một lữ đoàn Ukraine, với khoảng 2.300 binh sĩ tập trận tại Pháp kể từ đầu tháng 9.
Ở trong nước, người dân Ukraine ngày càng kiệt sức vì chiến tranh. Các cuộc thăm dò cho thấy số lượng người ủng hộ đàm phán ngày càng tăng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẵn sàng nhượng bộ. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 8 của Democratic Initiatives Foundation, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Kiev, chưa đến một trong số 10 người Ukraine sẵn sàng từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào cho Nga để chấm dứt chiến tranh.
Cuộc chiến đã tác động đến hầu hết các gia đình ở Ukraine. “Họ chưa sẵn sàng lật sang trang mới”, Kostyantyn Batozsky, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Kiev, cho biết.
Binh sĩ Ukraine giảm niềm tin vào chiến dịch tấn công vùng Kursk
Hai tháng sau khi Ukraine phát động chiến dịch tấn công vào tỉnh Kursk (Nga), nhiều binh sĩ Kyiv bắt đầu ngày càng hoang mang và nghi ngờ chiến lược dài hạn của nước này.
Ukraine tiến hành chiến dịch Kursk vào ngày 6.8 nhằm khiến Nga bất ngờ và nâng cao nhuệ khí đã bị bào mòn sau hơn hai năm xung đột. Giới chức Kyiv cho biết cuộc tấn công trên cũng nhằm phân tán lực lượng Nga khỏi cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
Quân nhân Ukraine lái xe tăng ở vùng Donetsk (miền đông Ukraine) vào ngày 5.10.2024. ẢNH: AFP
"Có lẽ đối phương đã lấy quân từ những hướng khác, có thể là từ lực lượng dự bị, nhưng chúng tôi không cảm thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào ở đây", ông Oleksandr, một người lính hoạt động gần Toretsk thuộc tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine) cho biết.
Quân nhân Ukraine Bogdan cho rằng nếu chiến dịch Kursk là kế hoạch ngắn hạn thì có thể giúp tăng sĩ khí của quân đội. Tuy nhiên, nếu chiến dịch này diễn ra trong thời gian dài thì có nguy cơ sẽ vắt kiệt các nguồn lực chính của quốc gia trong bối cảnh Nga hiện tăng nhịp độ cuộc xung đột.
Kiểm soát thị trấn Vuhledar mang lại ý nghĩa gì cho Nga?
Nhân sự kiện đánh dấu hai tháng chiến dịch Kursk bắt đầu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 6.10 đã chúc mừng quân đội vì đã đẩy khói lửa xung đột vào đất Nga. Ông Zelensky khẳng định cuộc tấn công Kursk đã làm chậm bước tiến của Nga ở miền đông Ukraine.
Cùng quan điểm, binh sĩ từng chiến đấu ở Kursk Sergiy mô tả chiến dịch này đã tạo ra "một bức tranh tuyên truyền đẹp đẽ rằng Ukraine có thể chinh phục và tiến hành các hoạt động tấn công", buộc người Nga phải cảm nhận không khí xung đột ngay tại quê hương mình.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (áo đen) và quân đội nước này ở vùng Sunny (Ukraine) vào ngày 4.10.2024. ẢNH: REUTERS
Tuy nhiên, theo Hãng AFP phân tích dữ liệu từ Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), Moscow đã đạt bước tiến hàng tháng lớn nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ hồi tháng 10.2022. Theo đó, Nga đã tiến 477 km 2 vào lãnh thổ Ukraine hồi tháng 8. Tuần trước, quân đội Nga đã kiểm soát thị trấn Vuhledar.
Ông Yohann Michel, nghiên cứu viên tại trung tâm nghiên cứu chiến lược IESD Lyon (Pháp) đánh giá cuộc tấn công của quân đội Nga đang tăng tốc và Ukraine phải chịu tổn thất nặng nề. Theo ông, hiện rất khó để đánh giá cuộc tấn công Kursk đã đạt được bao nhiêu mục tiêu.
Theo AFP, chiến dịch này Kursk cũng nhằm thúc đẩy tốc độ viện trợ của Mỹ và các nước phương Tây, đồng thời có thể tạo tiền đề cho một cuộc đàm phán có lợi cho phía Ukraine. Tuy nhiên, đến nay triển vọng về hòa đàm vẫn còn xa vời.
"Liệu chiến dịch này có thành công không? Về mặt quân sự thì không hẳn. Sự cải thiện về mặt tinh thần chỉ là tạm thời và đang dần mất đi", ông Olivier Kempf tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FSR-Pháp) đánh giá. "Nga có thể biến thất bại ban đầu này thành một tài sản chiến lược thực sự", theo ông Kempf.
Ở mặt trận phía đông Ukraine, nhiều binh sĩ tỏ ra lo ngại rằng Ukraine có thể bị sa lầy ở Kursk. "Điều quan trọng là làm gì tiếp theo. Chúng ta sẽ lấy đâu ra nhân sự, sức mạnh và phương tiện để tiếp tục chiến dịch đó hoặc bằng cách nào kết thúc nó? Chúa mới biết câu chuyện này sẽ kết thúc thế nào", theo một binh sĩ chia sẻ với AFP.
Mỹ loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp với Nga về Ukraine Đại sứ quán Mỹ tại Moskva nói với tờ Izvestia (Nga) ngày 10/10 rằng Mỹ không có ý định đàm phán song phương với Nga về Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky nhân một sự kiện ở Washington DC. Ảnh: Reuters/TTXVN Theo Izvestia, quan điểm này khác với cách tiếp cận của Nga,...