Thạch Kim Tuấn nhận thưởng hơn 700 triệu đồng
Chiều ngày 27-9, VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn được chào đón nồng nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) sau khi xuất sắc giành HCB hạng cân 56kg nam tại Asiad 2014 (Hàn Quốc).
Thầy trò Thạch Kim Tuấn được chào đón tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: T.P
Đại diện Sở VH, TT & Du lịch TPHCM, ban chủ nhiệm Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ,.. và các thành viên đội tuyển cử tạ TPHCM đã ra tận sân bay Tân Sơn Nhất đón lực sĩ Thạch Kim Tuấn và HLV Huỳnh Hữu Chí trở về.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thạch Kim Tuấn nói: “Tôi hơi tiếc khi để vuột chiếc HCV vì thành tích thi đấu chưa thể hiện hết khả năng của tôi. Giải đấu này để lại cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm, nhất là nhược điểm về tâm lý, thường mất tập trung trong những thời khắc quan trọng. Tuy nhiên, tôi rất vui khi nhận được sự quan tâm nhiều từ xã hội”.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trịnh Viết Hà – chủ nhiệm Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ – đã thưởng “ nóng” cho Thạch Kim Tuấn 7 triệu đồng. Thạch Kim Tuấn cho biết: “Tổng tiền thưởng “nóng” tôi nhận được từ Tổng cục TDTT, các nhà tài trợ, mạnh thưởng quân,.. đã hơn 90 triệu đồng”.
Video đang HOT
Thành tích thi đấu tại Asiad 2014 sẽ mang về cho Thạch Kim Tuấn ít nhất 700 triệu đồng. Ngoài tiền thưởng nóng, Thạch Kim Tuấn sẽ được nhận hơn 100 triệu cho chiếc HCB, phá kỷ lục Asiad ,.. từ Tổng cục TDTT và Sở VH, TT & Du lịch TPHCM. Đồng thời, Thạch Kim Tuấn sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ tài năng hàng tháng (10 triệu đồng/tháng) trong vòng bốn năm, đến kỳ Asiad 2018.
Thạch Kim Tuấn nói: “Tôi sẽ dành dụm tiền thưởng để lo cho tương lai. Trước mắt, tôi phải lập tức bắt tay tập luyện trở lại để chuẩn bị cho Giải cử tạ vô địch thế giới 2014 diễn ra tại Kazakhstan vào tháng 11 và xa hơn là Olympic 2016. Tôi sẽ tập trung khắc phục được những nhược điểm của mình để hướng đến thành tích cao nhất”.
Theo VNE
Lực sĩ Thạch Kim Tuấn và giấc mơ đổi đời với tạ
Đô cử người Bình Thuận vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp để tỏa sáng ở Asiad Incheon.
Thạch Kim Tuấn không thể mang về tấm HC vàng môn cử tạ ở hạng cân 56kg tại Asiad Incheon. Nhưng đây vẫn là thành tích đáng khen ngợi của chàng trai đến từ vùng đất Bình Thuận. Với ngôi nhà mới xây, bộ sưu tâp huy chương khá đồ sộ của Kim Tuấn đã có nơi khang trang hơn để lưu giữ, trưng bày.
Thạch Kim Tuấn với tấm HC bạc quý giá ở Asiad Incheon. Ảnh: AP.
Bén duyên cử tạ từ năm 2006 với người thầy anh xem như người bố thứ hai là HLV Huỳnh Hữu Chí, Kim Tuấn trải qua thời gian sự nghiệp không chỉ có nụ cười mà cả nước mắt. Bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp năm 2009, chàng trai sinh năm 1994 luôn là cái tên nổi bật ở các giải trẻ châu Á, thế giới (gần đây vào tháng 6, anh giành HC vàng giải trẻ thế giới, phá kỷ lục của giải).
Giữ vững phong độ, đến Asiad này, anh mang về cho đoàn Việt Nam tấm HC bạc với mức tổng cử 294 kg (cử giật 134 kg - phá kỷ lục Asiad, cử đẩy 160 kg), kém người đoạt HC vàng là VĐV người CHDCND Triều Tiên Om Yunchol với tổng cử 298 kg - cũng kỷ lục mới của Asiad. Riêng nội dung cử đẩy, Om Yunchol chinh phục thành công mức tạ 170 kg để lập kỷ lục thế giới mới.
Trước đối thủ quá mạnh, Kim Tuấn cho biết "có tiếc nuối nhưng cũng hạnh phúc với nỗ lực của bản thân". Về tuổi tác, Kim Tuấn sinh năm 1994 còn Om Yunchol sinh năm 1991. Vì vậy, nếu duy trì và cải thiện được thành tích như thời gian qua, Kim Tuấn hoàn toàn có thể "lật đổ" đối thủ này.
Đô cử Việt Nam phá kỷ lục Asiad ở nội dung cử giật. Ảnh: Reuters.
Sự nghiệp của đô cử này không chỉ toàn hoa hồng. Khoảng tối nhất trong sự nghiệp là năm 2012 khi anh không thể giành vé dự Olympic và thất bại liên tiếp nhiều giải đấu. Bấy giờ, có vài ý kiến còn cho rằng nên để Kim Tuấn thi đấu hạng cân 62 kg thay vì 56 kg như hiện tại.
HLV Huỳnh Hữu Chí bác bỏ xem đó là ý tưởng "điên rồ" sẽ giết chết tài năng của Kim Tuấn. Ông bảo vệ, động viên, thậm chí nói anh qua ở chung phòng để lắng nghe, động viên suốt thời gian dài giúp học trò vượt qua khó khăn, lấy lại thăng bằng. Cuối cùng, ông đã thành công. Thành tích của Kim Tuấn hiện nay chính là câu trả lời chính xác nhất.
Sinh ra trong gia đình nghèo, mẹ lại mất sớm vì tai nạn giao thông, Kim Tuấn cùng các anh chị vào Sài Gòn bươn trải từ rất sớm với đủ thứ nghề. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, anh buộc nghỉ học khi đang học lớp 6. Nhiều lần tâm sự, anh cho biết điều may mắn nhất của mình là gặp HLV Huỳnh Hữu Chí. Từ đây, anh tìm thấy cho mình con đường để giúp bản thân thoát khó khăn, phụ giúp thêm cho gia đình trong hoàn cảnh học hành dang dở, nghề nghiệp không có.
Thầy Huỳnh Hữu Chí luôn ở bên học trò những lúc khó khăn nhất. Ảnh: VTV.
Nhờ có cử tạ, Thạch Kim Tuấn đã biến ước mơ của 4 chị em sau nhiều năm bươn trải ở đất Sài Gòn với đủ thứ nghề bán vé số, bán đậu nành... thành hiện thực. Vừa qua, anh và các chị em đã chuyển từ phòng trọ chỉ hơn 10 m2 tới căn nhà của mình tại quận Gò Vấp. Tổ ấm 30m2 là thành quả bao năm thi đấu của Kim Tuấn. Tạm có nơi an cư, anh thêm động lực để vươn đến những mục tiêu cao hơn.
Theo VNE
Thạch Kim Tuấn thoát cảnh thuê trọ Sau gần 20 năm kể từ khi xa quê lên Sài Gòn, nhà vô địch trẻ thế giới môn cử tạ Thạch Kim Tuấn cũng đã có được mái nhà của riêng mình. Lực sỹ Thạch Kim Tuấn báo tin vui anh mới mua nhà sau nhiều năm đi ở trọ. Ảnh: TT. Tuấn sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện...