‘Thách cưới vài chục triệu chẳng khác nào bán con đi!’
Nếu như đặt mình vào hoàn cảnh của gia đình chồng bạn, chắc tôi không lấy được vợ mất. Thách cưới mấy chục triệu như thế chẳng khác nào bán con đi.
Nếu như đặt tôi vào hoàn cảnh của gia đình chồng bạn, chắc tôi không lấy được vợ mất. Ảnh minh họa.
Chào tác giả của bài viết “Cuộc dàn xếp ổn thỏa ngay trước lễ ăn hỏi của 2 bên thông gia”, sau khi đọc được những chia sẻ của bạn, tôi thấy sợ phong tục ở quê bạn quá.
Thách cưới tận mấy chục triệu như vậy, nếu là tôi trong hoàn cảnh chồng bạn, có lẽ tôi cũng sẽ hủy hôn như mẹ chồng bạn từng tuyên bố. Bởi đâu có phải nhà ai cũng có điều kiện mà chuẩn bị hẳn mấy chục triệu làm đám cưới, rồi lại còn thêm mấy chục triệu ăn hỏi nữa, chắc họ phải bán nhà đi để lấy vợ cho con trai mất.
Ngày trước, tôi và vợ tôi bây giờ đến với nhau khi cả hai chỉ có 20 triệu đồng. 20 triệu đó là khoản tích góp của cả hai đứa sau hơn 3 năm đi làm thuê ở miền Nam. Chúng tôi đều là công nhân giày da. Thu nhập mỗi tháng khi đó chưa đến 3 triệu, trừ các chi phí sinh hoạt, tiền gửi về quê hàng tháng cho cha mẹ, chỉ còn dăm trăm nghìn để tiết kiệm.
Gia đình tôi và nhà cô ấy đều nghèo khó nên việc để dành ra mấy chục triệu để làm đám cưới đã là niềm vui, niềm hãnh diện của bố mẹ khi ấy rồi.
Ảnh cưới, chúng tôi về quê chụp đúng 2 tấm treo trong nhà, hết 500 nghìn. Nhẫn cưới mua một cặp vàng tây, cũng ở quê, hết 2 triệu 2. Đám hỏi, mẹ tôi cũng bỏ phong bì tiền nạp tài theo đúng phong tục nhưng nhà tôi chỉ để 2 triệu rưỡi. Vốn dĩ như vậy vì cả hai gia đình chúng tôi đều thống nhất cưới gọn nhẹ và tiết kiệm vì chi phí tổ chức đám cưới đều do hai đứa tự lo hết.
Còn tiền mâm cỗ, rạp cưới, loa đài chỉ hết đúng 14 triệu cả hai gia đình. Cưới xong, tiền phong bì mừng cưới dĩ nhiên là chúng tôi tự thu lại. Bố mẹ hai bên chỉ trao cho chúng tôi 2 chỉ vàng ta làm của hồi môn. Còn tất thảy hai đứa đều tự lực hết.
Chính vì biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, chúng tôi cũng xác định đến với nhau là phải tự lực cánh sinh vươn lên, nên chẳng bao giờ hai đứa có suy nghĩ chờ bố mẹ giúp đỡ.
Video đang HOT
Cưới nhau vào năm 2003 thì đến 2005 vợ tôi sinh con đầu lòng. Cuộc sống khá chật vật, mẹ tôi ở quê buộc phải vào trông cháu để vợ tôi có thể đi làm từ khi bé mới 3 tháng. Nhưng càng khó khăn, vợ chồng tôi lại càng quyết tâm.
Vợ tôi nhận làm tăng ca, còn tôi ngoài đi làm ở công ty còn nhận làm bảo vệ ban đêm ở một cây xăng dầu. Sau đó, tôi được ông chủ tin tưởng nên giao cho quản lý cả cây xăng đó luôn. Tôi xin nghỉ làm ở công ty giày da để tập trung làm việc bên này.
Thu nhập cả hai vợ chồng ngày càng khấm khá. Đến năm 2010, chúng tôi mua được một mảnh đất nhỏ ở Bình Dương và xây tạm một căn nhà cấp 4. Vợ chồng vẫn tiếp tục cố gắng làm để kiếm tiền nuôi hai con ăn học.
Cuộc sống của chúng tôi thực sự đã trải qua rất nhiều khó khăn nhưng đều vượt qua được hết. Đến với nhau khi cả hai gia đình chẳng có gì giúp đỡ, chuẩn bị đám cưới trong 20 triệu bằng tiền tự kiếm được, vậy mà chúng tôi vẫn sống hạnh phúc chứ chẳng cần thách cưới hay phong bao phong bì đầy tiền gì.
Vậy nên, khi đọc được những chia sẻ của mọi người về chủ đề thách cưới, đặc biệt là tâm sự của tác giả bài viết “Cuộc dàn xếp ổn thỏa ngay trước lễ ăn hỏi của 2 bên thông gia”, tôi thực sự choáng váng.
Nếu như đặt tôi vào hoàn cảnh của gia đình chồng bạn, chắc tôi không lấy được vợ mất. Thách cưới mấy chục triệu như thế chẳng khác nào bán con đi.
Cứ cho là bố mẹ sẽ để lại hết cho con cái, thế nhưng, nếu như gia đình nhà người ta không có tiền thì làm sao? Đã vay tiền chuẩn bị đám cưới rồi, giờ lại bắt người ta vay thêm hàng chục triệu để “xin vợ” cho con? Không vay được tiền thì chỉ còn nước bán nhà bán đất đi để cưới vợ cho con thôi.
Chính vì thế, theo tôi, vấn đề thách cưới hay khoản tiền nạp tài mọi người bảo ấy, nên làm hình thức thôi, hoặc tốt nhất là bỏ đi. Giữ gìn nét đẹp phong tục truyền thống của dân tộc dĩ nhiên tốt nhưng những thứ rườm rà tốt nhất cắt bớt đi.
Theo Người Đưa Tin
'Cười ra nước mắt' chuyện nhà gái thách cưới
Sau hai năm cưới xin, giờ cô đã có con nhưng nhà chồng vẫn suốt ngày mỉa mai "cô dâu 25 triệu".
Không ít nàng dâu bị nhà chồng dằn vặt khổ sở vì khi xưa được "bán" với giá cao (ảnh minh họa)
"Con gái nuôi hai mấy năm trời, của đâu mà cho không"
Lê Thúy (25 tuổi, Vĩnh Phúc) là "tiểu thư" trong một gia đình khá giả. Năm thứ 3 đại học, cô yêu một chàng trai Thanh Hóa cùng tuổi, học vấn cao nhưng gia đình lại khó khăn do đông con, bố mẹ thường xuyên đau ốm. Một năm sau khi ra trường, có công việc ổn định, cả hai tính đến chuyện cưới xin.
Tục thách cưới vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng quê Việt (ảnh minh họa)
Vốn không mấy ưa "chàng rể tương lai" vì hoàn cảnh nghèo khó nhưng vì thấy con gái khóc lên khóc xuống, sống chết đòi cưới nên bố mẹ Thúy đành chấp nhận. Tuy nhiên, họ ra điều kiện, thủ tục, lễ lạt phải hoàn toàn theo ý nhà gái.
Ra thành phố học từ khi lên cấp 3, không biết quê mình vẫn duy trì tục thách cưới nên cô không bàn bạc trước với người yêu về khoản này. Ngày hai bên bàn bạc chuyện cưới xin, cô và gia đình nhà trai mới ngã ngửa khi nhà gái "hét giá", phải bỏ vào phong bì 20 triệu, ngoài ra thêm 5 lễ: trầu cau, bánh trái, đầu lợn... mỗi lễ trị giá 1 triệu đồng.
Thấy vẻ sững sờ của người yêu và bố mẹ chồng tương lai, Thúy nơm nớp lo sợ. Trong khi người yêu cô lộ rõ vẻ bức xúc ra mặt thì bố mẹ chồng cô chỉ khum tay ôn tồn: "Quê chúng tôi không có tục lệ này nên chưa kịp lo liệu. Để thưa thưa ít bữa rồi chúng tôi chuẩn bị đủ". Và thế là, chưa định được ngày cưới, nhà trai đã ra về.
Quay vào nhà, Thúy cuống quýt thắc mắc ở đâu ra cái "giá bán con" trên trời, bố mẹ cô thản nhiên đáp: "Nuôi con gái mấy chục năm trời, của đâu mà cho không". Thúy còn được giải thích thêm, đây là "giá chung" của dân làng, tăng lên theo từng năm: "Chị gái mày 6 năm trước đã được 7 triệu rồi. Con gái trong làng đứa nào đi lấy chồng chả được đủ lễ, chẳng lẽ nhà mình thiếu. Họ không lo được thì khỏi cưới xin".
Biết không cãi nổi bố mẹ, cô âm thầm bàn với người yêu đi vay tiền lo lễ lạt rồi sau này về cùng nhau trả nợ. Cô nhủ thầm, nếu bố mẹ biết con gái họ phải mang nợ vì tục thách cưới có lẽ đã không "hét giá" như thế.
"Nơm nớp" lo nhà trai không đồng ý giá "mua dâu"
Bố mẹ Chu Ngân (24 tuổi, Vĩnh Phúc) thì khác, họ hoàn toàn ưng ý chàng rể tương lai và không quan trọng chuyện "môn đăng hậu đối". Nhưng riêng khoản tiền 20 triệu "thách cưới" dù không muốn họ vẫn phải đề xuất bởi "phép vua thua lệ làng", gả con mà không được 20 triệu thì dân làng chê cười.
Biết đây là khoản tiền khá... vô lý, đặc biệt chàng rể lại khác quê, không hiểu rõ phong tục tập quán ở đây nên bố mẹ Ngân dặn dò cô nói chuyện trước với người yêu. Nghe con gái nói chàng rể tương lai khá "sốc", mẹ cô thêm lo lắng vì sợ nhà trai nghĩ mình tham tiền.
"Không có 20 triệu đó thì bố mẹ mình vẫn lo cưới xin cho con gái được đàng hoàng nhưng mẹ mình bảo, gả con gái mà không được lễ lạt tử tế thì dân làng cười cho, lại nói rể nhà này kém cỏi. Ở quê mình cũng có trường hợp bị đồn thổi là sợ ế nên mới phải "cho không" con gái, không dám nhận lễ của nhà trai. "Đất có lề, quê có thói", ở quê đã có tục lệ này thì khó mà làm trái được", Ngân nói.
Cũng không ít gia đình bất đắc dĩ chấp nhận lời thách cưới của nhà gái vì hạnh phúc của con trai nhưng lại coi đó là cái cớ để mỉa mai và dằn vặt con dâu.
"Được mua" với giá ngót nghét 25 triệu cả tiền lẫn lễ vật, Ngọc Hà (23 tuổi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) được nhà chồng gọi là "cô dâu vàng". Không một lời phản đối khi hai bên bàn chuyện cưới hỏi nhưng ngay khi bước ra khỏi cổng nhà gái, bố mẹ chồng cô đã lộ rõ vẻ bực tức.
Ngày đầu tiên về nhà chồng, Hà đã phải nghe bà nội chồng mỉa mai: "Làng này con gái cho không đầy ra mà nó chả lấy lại đi tìm mãi đâu", rồi người khác đáp lại: "Bà yên tâm, cô dâu 25 triệu thì tất nó phải khác, bà chẳng thiệt đâu mà sợ". Cô chỉ biết cúi đầu nghe rồi tối đến to nhỏ kể lại với chồng.
"Mỗi lần có người đến nhà mời đám cưới, mẹ chồng tôi còn cố tình hỏi to rằng, nhà họ có phải... mua dâu không. Họ mà trả lời không thì y như rằng bà tường thuật lại chuyện nhà mình bị thách cưới. Hai năm rồi, giờ tôi cũng có con, cũng làm ra cho nhà họ bao nhiêu tiền của rồi mà cái tiếng "cô dâu 25 triệu" vẫn chưa hết", Hà ngậm ngùi.
Theo VNE
Thách cưới - cái tiếng 'bố mẹ ham tiền' sẽ làm khổ các cô dâu Cái tiếng "bố mẹ nó ham tiền" có thể còn đeo bám mãi cuộc sống của những cô dâu trước đây bố mẹ thách cưới. Thiệt thòi suy cho cùng tôi tin chỉ thuộc về các con gái chúng ta bạn ạ. Cái tiếng "bố mẹ nó ham tiền" có thể còn đeo bám mãi cuộc sống của những cô dâu trước đây...