Thạc sỹ thôi việc nhà nước về trồng bơ, ép ra quả trái vụ, lời 4 tỷ/năm
Có bằng thạc sĩ nông học, cùng 7 năm làm việc tại Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông, anh Đỗ Chiếm Quang, ngụ ấp Liên Hiệp, xã Xà Bang, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) quyết định nghỉ việc, tự gây dựng trang trại cây ăn trái và vườn ươm bán cây giống. Hiện nay, mỗi năm sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Quang lãi khoảng hơn 4 tỷ đồng từ trồng bơ
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi từ nhiều cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây bơ.
Nhờ trồng loại cây ăn quả này mà nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định, nhất là thời gian gần đây bà con đã cấy ghép, lai tạo được cây bơ cho ra hoa trái vụ, nhờ đó thu nhập càng cao và ổn định hơn.
Bơ trái vụ chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Cảnh Thái Dương, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị – TTXVN.
Để trồng cây bơ một số nông dân đã chọn được giống bơ tốt, cho năng suất và chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Vài ba năm trở lại đây tại huyện Châu Đức đã nổi tiếng với các thương hiệu bơ Thái Dương, bơ QM01, trở thành sản phẩm được yêu thích và đem lại lợi nhuận cao cho người trồng, ghi tên vào danh sách nông sản độc đáo và có thương hiệu của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sau hơn 12 năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm, anh Quang đã cho ra giống bơ có năng suất cao, chất lượng tốt, được gọi là bơ sáp QM01, giống bơ này sinh trưởng nhanh, nhiều trái, tỷ lệ thịt bơ trên 90%, màu vàng tươi, dẻo, không có chỉ, lại không trùng với vụ bơ ở Đắk Lắk.
Giống bơ này cho năng suất cao, chất lượng quả ngon, lại kháng bệnh khá tốt. Đặc biệt, loại bơ này có thể ra hoa đậu trái vào mùa mưa, để anh có thể bán bơ vào những dịp giáp Tết Nguyên đán, sau Tết Nguyên đán (trái vụ) cho thu nhập cao.
Hiện, vườn bơ của gia đình anh Quang có diện tích hơn 10,5ha với 3.000 cây; trong đó, có hơn 5ha bơ 7 năm tuổi cho trái, 5ha bơ còn lại gần 2 năm tuổi chưa cho thu hoạch. Mỗi năm, vườn cho thu hoạch khoảng từ 100 đến 150 tấn bơ; trong đó, bơ cho ra trái vụ khoảng hơn 70 tấn.
Anh Quang cho biết, vụ bơ chính vụ thường rơi vào các tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, còn bơ trái vụ thường rơi vào các tháng 11 đến tháng 2 năm sau.
Nếu bình thường bơ chính vụ giá bán chỉ vào khoảng 20.000-25.000 đồng/kg, thì bơ trái vụ thường có giá từ 65.000-75.000 đồng/kg. Hiện nay, mỗi năm sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Quang lãi khoảng hơn 4 tỷ đồng từ trồng bơ; trong đó, thu nhập cao chủ yếu vẫn là từ bán bơ trái vụ.
Hiện nay, bơ sáp QM01 đã có mặt tại một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Tây Ninh…
Video đang HOT
Bơ trái vụ chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình ông Đỗ Chiếm Quang, ấp Liên Hiệp, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị – TTXVN.
Cũng không kém cạnh bơ sáp QM01, bơ sáp Thái Dương được cấy ghép thành công bởi một kỹ sư ngành xây dựng cũng đã nức tiếng cả nước. Bơ sáp Thái Dương có đặc điểm trái thon dài, hạt nhỏ, cơm vàng, mịn, béo ngậy…
Ông Nguyễn Cảnh Dương, chủ nhân của bơ Thái Dương cho biết, trong một lần ra vườn, nhìn những cây bơ còn sót lại xơ xác, chết dần, ông đã tìm hiểu và quyết định hồi sinh vườn bơ. Ông bắt đầu mày mò, nghiên cứu để ghép và chọn giống bơ phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.
Qua thời gian, ông Dương nhận thấy giống bơ sáp mình cấy ghép phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng quả dẻo, thơm, ít có vùng đất nào sánh được. Bơ sáp Thái Dương được trồng hoàn toàn theo quy trình VietGAP. Việc bón phân được kiểm soát nghiêm ngặt. Từng công đoạn chăm sóc đều được theo dõi, ghi chép cẩn thận.
Để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, xác định xây dựng thương hiệu ngay từ đầu, tháng 3/2017, Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Dương (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) được thành lập. Bơ sáp Thái Dương hiện đã có mặt ở các tỉnh như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Đồng Nai…
Nếu bình thường chính vụ bơ sáp Thái Dương được bán với giá 50.000 đồng/kg, thì đến trái vụ giá bán cao khoảng 60-65.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 80-90.000 đồng/kg. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình anh Dương thu về khoảng 800 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí từ trồng loại bơ này.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, so với các loại cây ăn quả khác, bơ là loại cây dễ trồng, khả năng thích nghi tốt, có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, đem lại thu nhập ổn định nên được nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Đức chọn làm cây trồng phát triển kinh tế.
Hiện nay, với các giống bơ sáp mới có thể cho ra trái quanh năm, đã giúp nhiều hộ trồng có nguồn thu nhập cao từ bơ trái vụ, giúp họ có cuộc sống ổn định, làm giàu chính đáng từ cây bơ.
Đến nay, địa phương đã nhân rộng mô hình trồng bơ ra các xã trên địa bàn huyện như: Xà Bang, Kim Long, Láng Lớn. Từ vài chục hecta, đến nay huyện Châu Đức đã có hơn 300ha trồng bơ với năng suất bình quân từ 30-40 tấn/ha/năm.
“Nhằm giúp bà con mở rộng diện tích, xây dựng vườn ươm, nhân giống, lai tạo các loại bơ chất lượng cao, có hiệu quả kinh tế, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ thông tin về thị trường, quy trình sản xuất theo quy trình VietGAP, phát triển thương hiệu bơ Châu Đức”, ông Lê Thanh Liêm nói
Theo Hoàng Nhị (TTXVN)
Dân Mộc Châu giàu lên nhờ loài cây ra quả ăn béo ngậy, thơm nức
Chị Nguyễn Thị Trang, tiểu khu Pa Khen 1 (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trồng 300 cây bơ trên 2 ha, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng, cuộc sống ngày càng khá giả.
Hàng năm cứ vào tháng 7 đến tháng 9 dương lịch, cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) lại vào vụ thu hoạch bơ. Từ nhiều năm nay, cây bơ bén rễ trên mảnh đất cao nguyên, cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng, từng bước khẳng định được thương hiệu, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân nơi đây.
Trái bơ Mộc Châu có sáp to, ruột vàng, béo ngậy được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Trang, tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu, đúng lúc gia đình đang thu hái bơ. Chị mời phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN thưởng thức trái bơ sáp to, ruột vàng, béo ngậy.
Chị Trang cho hay: "Năm 2010, gia đình tôi mua 100 cây bơ chiết ghép về trồng, khoảng 3 năm sau bơ cho quả bói. Nhận thấy cây bơ thích hợp với khí hậu nơi đây, lại cho thu nhập cao, tôi tiếp tục chuyển 1 ha đất vườn sang trồng cây bơ. Hiện tại, gia đình tôi có gần 2 ha trồng gần 300 cây bơ đã cho thụ hoạch. Trồng bơ nhàn hơn trồng các loại cây ăn quả khác, tôi không tốn nhiều công sức cắt tỉa và bón phân nhiều...".
Đối với cây bơ gieo hạt, từ khi trồng cho đến lúc ra quả khoảng 4-5 năm, cây bơ chiết ghép chỉ trồng 2-3 năm là đã cho quả. Mộc Châu hiện có nhiều giống bơ, như: Bơ nếp thon dài, thơm, dẻo; bơ sáp béo ngậy; bơ kép quả tròn dạng bóng đèn dây tóc sai quả; bơ đốm trắng vỏ tím, ruột vàng... Đặc điểm chung của các giống bơ trồng trên cao nguyên Mộc Châu là vỏ mỏng, da căng, thịt béo ngậy, ít xơ, không sượng, chính đặc điểm này mà quả bơ ở đây được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Chị Trang phấn khởi khi năm nay vườn bơ của gia đình cây nào cũng sai trĩu quả.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Trần Xuân Thành, Trường phòng Nông nghiệp huyện Mộc Châu, cho biết: Cây bơ trồng trên đất Mộc Châu từ những năm 1990, khi đó có một số cán bộ nông trường Mộc Châu đi công tác miền Nam, được thưởng thức quả bơ, thấy ăn ngon, lạ, mọi người đều đem hạt về ươm trồng thử.
Thế rồi cây bơ hợp đất, hợp khí hậu và bắt đầu phát triển ở Mộc Châu. Những năm gần đây, cây bơ được nhiều hộ dân đầu tư trồng, mở rộng diện tích, tập trung ở thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu và các xã Đông Sang, Mường Sang, Nà Mường, Hua Păng, Phiêng Luông, Tân Lập, Chiềng Hắc, Tà Lại...
Hiện tại chị Trang bán 45.000 đồng - 50.000/kg bơ sáp hái tại vườn. Bơ hái ra đến đâu đều được thương lái lấy hết đến đó, chưa bao giờ bơ Mộc Châu dội chợ, ế ẩm...
Chị Nguyễn Thị Trang, tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Để vườn bơ phát triển tươi tốt và cho quả xum xuê, tôi khoan giếng lắp đặt ống dẫn nước tưới tiêu khắp vườn. Phân bón cho cây trồng, tôi thường dùng phân chuồng ủ hoai mục và kaly nên vườn cây luôn cho sai quả và ít dịch bệnh. Vụ bơ năm 2018 gia đình tôi thu hoạch được gần 5 tấn quả, lãi 200 triệu đồng....".
Vụ bơ năm nay, gia đình chị Trang ước thu khoảng 6 tấn quả với thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Ngoài trồng cây bơ, gia đình chị còn trồng hơn 5 ha mận hậu để phát triển kinh tế. Sau khi trừ chi phí, tổng bình quân 1 năm gia đình chị thu lời hơn 500 triệu đồng từ bơ và mận hậu. Hiện cuộc sống của gia đình chị đã khá giả và có của ăn của để.
Chị Trang đang chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cây bơ.
"Năm 2018, toàn huyện có 386 ha bơ (khoảng 100 ha đã và đang cho thu hoạch), năng suất bình quân đạt 28 tấn quả/ha, sản lượng gần 2.800 tấn quả. Năm 2019, diện tích cây bơ tăng lên 405 ha, tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa đá, nắng nóng trong thời điểm bơ kết trái đã làm nhiều quả bị rụng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của bơ Mộc Châu...", thông tin thêm với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mộc Châu cho hay.
Theo ông Thành, bơ Mộc Châu có trọng lượng trung bình từ 300-500g/quả, nếu chăm sóc tốt quả bơ có thể nặng hơn 1,2kg/quả. Bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 50 kg đến 2 tạ quả tùy theo độ tuổi của cây, cây càng lâu năm càng nhiều quả".
Hiện nay trên địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có diện tích bơ đạt 405 ha.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Hà Trung Chiến, Bí thư huyện ủy Mộc Châu khẳng định: "Chúng tôi tích cực xây dựng thương hiệu cho quả bơ Mộc Châu. Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành chuyên môn, tập trung đầu tư nghiên cứu và công bố bộ nhận diện sản phẩm quả bơ Mộc Châu. Hiện bơ Mộc Châu ngoài bán quả tươi cho khách du lịch, tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, thì bơ Mộc Châu còn được bày bán nhiều hệ thống siêu thị lớn tại thành phố Hà Nội như: Vinmart, Big C, Lotte Mart... Huyện đang tìm một số đơn vị để xuất khẩu quả bơ Mộc Châu sang thị trường một số nước trên thế giới...".
"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường vận động người trồng bơ liên kết, thành lập các nhóm, HTX trồng bơ theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và kết nối với thị trường thông qua các doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài nước; tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho quả bơ Mộc Châu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm...", ông Hà Trung Chiến.
Theo Danviet
Bà Rịa-Vũng Tàu: Nông nghiệp công nghệ cao lên ngôi, dân có tiền tỉ Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang giúp các "nhà nông" ở Bà Rịa -Vũng Tàu (BRVT) chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất/năm; chất lượng sản phẩm đạt điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP...; giá trị sản xuất tính trên diện tích được nâng lên nhiều lần so với sản xuất thông thường. Những mô...