Thác Pác Ban – Huyền thoại giữa rừng Nà Hang (Tuyên Quang)
Huyện vùng cao Nà Hang cách thị xã Tuyên Quang hơn 100km về phía Bắc. Mảnh đất của cảnh đẹp thần tiên, của những huyền thoại về “Nàng tiên chú khách”, về chín mươi chín ngọn núi.
Ngay bên thị trấn nhỏ xinh đẹp này có thác nước Pác Ban kỳ ảo, thơ mộng. Thác nước ấy đã được Bộ Văn hoá -Thông tin xếp hạng là thắng cảnh quốc gia từ hồi tháng 01/2006.
Pác Ban còn có tên gọi khác là thác Tát Tốc (tiếng Tày có nghĩa là thác Rơi). Trước đây, nếu muốn vào thác, bạn phải đi vòng phía tả ngọn sông Gâm chừng 4 cây số, sau đó, đi thuyền trên hồ nước trong xanh, ngắm cảnh non nước hữu tình và rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú xung quanh.
Chúng ta cũng có thể men theo con đường nhỏ quanh co dưới chân núi qua những cây cầu tre xinh xắn để đến thăm thác… Còn bây giờ, khi đập thuỷ điện Tuyên Quang đã được xây dựng xong, nước tích thành hồ rộng mênh mông và con đường vào thác thuận lợi nhất là đi thuyền thẳng từ đập thuỷ điện vào tới tầng thác thứ hai.
Thác Pác Ban có chín tầng (5 tầng thác lớn, 4 tầng thác nhỏ), bắt nguồn từ Bó Nặm (mỏ nước), dồn từ nhiều khe nhỏ chảy ngầm qua 3 hang Nậm Pan, Nậm Chang rồi đến Bản Chủ và bất ngờ lộ ra thành dòng nước lớn. Vào mùa mưa, nước từ đỉnh thác chảy xối xả thành dòng trắng xoá. Mùa khô, thác trở nên hiền dịu với nhiều tầng nước chảy mềm mại trên những phiến đá xanh rêu phủ mượt như những tấm thảm. Khi có những tia nắng xuyên qua tán lá rừng chiếu rọi xuống, dòng nước trở nên lung linh huyền ảo.
Video đang HOT
Tầng thác thứ nhất, thứ hai có độ cao khoảng từ 10 đến 15m, chiều rộng khoảng 20m. Đây là hai tầng thác có dòng chảy lớn, tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ. Tầng thác thứ ba, thứ tư có độ cao khoảng từ 10 đến 12m, chiều rộng khoảng 15m. Hai bên thác, trên các phiến đá là những khóm cỏ xanh, những cây phay, cây ôzô cổ thụ ngả bóng tạo nên một màu êm dịu khiến du khách có thể cảm nhận, hoà mình vào khung cảnh thiên nhiên mơ mộng ấy.
Đến tầng thác thứ năm, địa hình đột ngột phân cấp, dòng thác chia thành hai nhánh chảy xuống một trũng nước sâu khoảng 3m, rộng 20m có chiều dài từ 10 đến 15m. Bên trong trũng nước là một hang động có nhiều nhũ đá tuyệt đẹp. Hang rộng khoảng 4m, sâu 6m tạo cho khung cảnh thiên nhiên thêm phần sinh động thu hút sự chú ý của du khách.
Tầng thác thứ sáu, thứ bảy thấp và hẹp hơn các tần khác một chút. Tầng thác này được chia thành hai dòng chảy, một dòng chảy nối tiếp với các tầng thác phía dưới và một dòng chảy qua cánh rừng nguyên sinh còn ít người biết đến.
Đến với thác Pác Ban, du khách có thể đắm trong dòng thác bạc lắng nghe thác đổ và tiếng hót của chim rừng, mơ màng nghe kể về huyền thoại Thuồng Luồng, với những tình tiết ly kỳ Phai Hin (đập đá), Thôm Phạ (ao trời)…
Thác Pác Ban – điểm du lịch sinh thái với thảm thực vật phong phú nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung (Nà Hang) không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn bởi những nét văn hoá riêng với những điệu hát Then, hát Lượn, hát Sli và kho tàng truyện cổ tích truyền miệng phong phú.
Du khách đến với Nà Hang sẽ được thưởng thức và không quên các món ăn đặc sản của mảnh đất này như cơm lam chấm muối vừng và canh rau đắng. Đặc biệt, rượu ngô Nà Hang được cất bằng men lá rừng và đặc sản cá lăng, chiên, dầm xanh, anh vũ… chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách.
Với những ưu thế về vẻ đẹp tự nhiên và những bí ẩn còn chưa được khám phá, hàng năm, Pác Ban thu hút khoảng từ 1.000 đến 15.000 lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu. Mai đây, khi công trình thuỷ điện Tuyên Quang hoàn thành, ngoài việc mỗi năm cung cấp hàng tỷ KW giờ điện, đây còn là nơi thắng cảnh tuyệt mỹ, điểm du lịch hấp dẫn trong tuyến du lịch sinh thái hồ thuỷ điện Tuyên Quang – Ba Bể (Bắc Cạn).
Huyền thoại về thác Tình yêu ở Lào Cai
Thác Tình yêu nằm ở xã San Sả Hồ, cách thị trấn Sa Pa khoảng 4 km về hướng Tây Nam và cách đèo Ô Quí Hồ ước chừng 3km theo đường chim bay.
Nơi đây có trái núi xẻ đôi, đồng thời cũng là điểm bắt đầu của hành trình tour Du lịch leo núi chinh phục đỉnh Phan - Xi - Păng.
Thác Tình yêu bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên, nơi còn giữ được thảm thực vật khá nguyên vẹn, có nhiều loại cây quí hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam. Thác chảy qua nền địa hình cao, dốc, nên tốc độ dòng chảy mạnh và xiết. Lớp đá của dòng nước dưới chân thác ánh lên một màu vàng kỳ lạ, nhất là dưới ánh mặt trời làm cả dòng suối long lanh sắc vàng.
Con đường mòn đất đỏ đưa du khách đi qua khu rừng bạt ngàn một màu xanh của trúc, tiếng lá cây xào xạc lẫn trong từng cơn gió, rồi chợt bừng lên muôn vàn sắc màu của các loài hoa Đỗ Quyên. Du khách lội qua một con suối nữa là tới thác nước, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến tham quan.
Thác nước từ trên cao gần một trăm mét đổ xuống dữ dội mang theo hơi lạnh đến run người, những giọt nước trắng xoá tung ra từ đỉnh thác tạo thành màn sương mỏng che khuất rừng cây hai bên thác. Dữ dằn là vậy nhưng ta vẫn cảm nhận thấy "cái hồn" của con thác được dệt lên từ "nhịp đập" của tình yêu và tên gọi thác Tình yêu đi vào lòng người dân từ lúc nào.
Thác đổ xuống tạo thành một bồn tắm thiên nhiên tuyệt đẹp, các nàng tiên trong câu chuyện kể của người xưa đã chọn nơi đây làm bến tắm và mải mê chơi đùa cho đến khi mặt trời đã xuống núi mới bay về trời.
Đến thăm thác Tình yêu du khách còn được nghe kể về chuyện tình của chàng tiều phu và nàng Tiên thứ bảy bên dòng thác trắng: "Các nàng Tiên say mê trước cảnh đẹp của cỏ cây hoa lá, cảnh đẹp của dòng thác, như tuôn chảy từ trời xanh mây thắm nên đã xuống nơi đây để tắm. Trước khi về trời các nàng Tiên thường phơi xiêm y trên những khóm hoa sặc sỡ, trên thảm cỏ mướt xanh. Một lần kia, nàng Tiên thứ bảy phát hiện bên dòng suối có một chàng tiều phu đang nấu cơm, vừa nấu cơm chàng vừa lấy cây sáo trúc ra thổi. Tiếng sáo của chàng nghe vời vợi, khi như tiếng suối reo, khi líu lo như tiếng chim rừng... Một lần do mải nghe tiếng sáo của chàng, nàng quên mất đường về, đêm xuống những cơn gió núi như thổi từ các hốc đá lạnh run người, nàng đến bên đống lửa của chàng. Nàng biết được, chàng tên là Ô Qui Hồ, con trai cả của Thần núi ngự trị trên dãy núi Ai Lao, vì mê loài trúc nơi đây (đã làm nên những cây sáo kỳ diệu) mà quên phận sự của con trai cả là phải tu luyện để nối nghiệp cha. Có lẽ vì giận chàng nên Thần núi cha chàng đã hoá phép biến chàng thành người thường thả xuống đỉnh núi này để trồng trúc, chăn mây và thổi sáo. Đêm ấy, bên ánh lửa bập bùng, bên thác Tình yêu, người con trai của Thần núi đã thổi sáo cho nàng Tiên thứ bẩy nghe những bản tình khúc mê hồn, tiếng sáo của chàng hay đến nỗi hươu nai, hổ báo, chim rừng và cả cá dưới suối cũng rạch lên bờ nhảy múa theo giai điệu của tiếng sáo du dương và tiếng thác chảy tuôn trào. Hai người cùng nhau trò chuyện cho đến khi ánh mặt trời chói chang rọi xuống mặt đất nàng mới vội vã bay về trời. Ngày nào cũng thế, cho đến một hôm nàng bị cha mẹ phát hiện và không cho nàng theo các chị xuống thác Tình yêu tắm nữa. Nàng nhớ chàng tiều phu nên chiều nào cũng ra cổng trời nhìn xuống thác Tình yêu và nghe tiếng sáo nhưng không thấy chàng đâu. Nàng buồn phiền biến thành một loài chim màu vàng bay quanh đỉnh núi và tiếng kêu Ô Qui Hồ, Ô Qui Hồ da diết không nguôi.
Đến nay, tiếng chim gọi bạn vẫn da diết vào mỗi buổi chiều buông, làm cảnh vật thiên nhiên tuy đẹp nhưng nhuốm màu buồn chia ly.
Thác Tình yêu chứa đựng sức hút du lịch rất lớn, tuy nhiên hiện nay, địa điểm này còn mới mẻ với du khách. Nếu biết khai thác sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Sa Pa.
Hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) Nằm trên vòng cung sông Gâm, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang)110km về hướng Bắc, thị trấn Na Hang đã và đang trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Na Hang (hay còn gọi là Nà Hang), trong ngôn ngữ của người Tày ở Tuyên Quang có nghĩa là "ruộng cuối". Thị trấn Na Hang có...