Thắc mắc quanh việc ca sĩ tiền bối liên tục mang hit đàn em đi hát, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả nói gì?
Đại diện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả đã có những chia sẻ rõ hơn về việc ca sĩ mang sáng tác của đồng nghiệp lên sân khấu gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
Mới đây, nữ ca sĩ Vy Oanh đã đăng tải dòng trạng thái bày tỏ sự bức xúc về việc những người “đàn anh đàn chị” thản nhiên cover bài hát đó khác nào “cướp nồi cơm” của “đàn em”, trong khi tạo được một bài hit là cả một quá trình vất vả. Thực tế, câu chuyện nghệ sĩ tiền bối cover những bản hit của đàn em vốn không xa lạ trong Vpop, thậm chí một số người còn mang lên sân khấu lớn biểu diễn. Nếu chỉ một ít lần cho những sự kiện không mang tính chất thương mại và được sự đồng ý từ chính chủ thì sẽ không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, sự việc mới trở nên phức tạp hơn khi việc này trở thành “thói quen”, và bản thân người trong cuộc của không hề hay biết.
Nhìn lại thời gian gần đây, khán giả cũng đặt ra nhiều băn khoăn khi Thu Phương không chỉ thể hiện một lần mà còn liên tục đem bản hit “Hongkong1″ của Nguyễn Trọng Tài lên các sân khấu ca nhạc lớn. Cụ thể, một số ý kiến cho rằng nếu tiền bối cover hit đàn em cho vui, phát trên mạng xã hội động viên hậu bối là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc nghệ sĩ “đàn anh, đàn chị” tận dụng bài hát đó, đem biểu diễn thường xuyên trong các đêm nhạc với mục đích kinh doanh, biểu diễn thương mại và xem như bài hát của mình thì lại là một câu chuyện khác.
Thu Phương cover “Hongkong1″
Bằng Kiều – Thu Phương cover “Hongkong1″
Một khán giả để lại bình luận dưới clip cover “Hongkong1″ của Thu Phương: “Nghe chị Thu Phương hát lần đầu thì thấy thú vị, thậm chí vui cho Tài vì được đàn chị ưu ái cho ca khúc của mình. Nhưng sân khấu nào cũng thấy chị hát “Hongkong1″ thì mình thấy có phần hơi khó chịu vì dù sao đó cũng là hit của đàn em thì tiền bối không nên tận dụng như vậy”.
“Mình nghĩ tác giả bài hát nên siết chặt hơn bản quyền bài hát của mình. Cover cho vui, ngẫu hứng trên MXH thì nên chứ cứ đem đi biểu diễn khắp nơi thì khác gì ngang nhiên cướp hit của đàn em?”, ý kiến khác nhận định.
Trong khi đó, phía tác giả trẻ của ca khúc này chưa nhận được lời thông báo nào từ phía ca sĩ đàn chị. Trước đó, ekip của Nguyễn Trọng Tài cũng được nhiều nghệ sĩ khác liên hệ để hỏi về việc mang ca khúc lên các sân khấu khác biểu diễn, tuy nhiên họ đưa ra lời từ chối.
Đại diện phía tác giả HongKong1 cho biết, họ chưa nhận được lời xin phép nào từ phía Thu Phương.
Trước những xôn xao nói trên, chúng tôi đã liên hệ với đại diện Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả đã hiểu rõ về quy trình xin phép các bên thế nào là hợp lý để được cấp phép biểu diễn ca khúc của người khác.
Đại diện Trung tâm cho biết: “Một ca sĩ/ chương trình muốn sử dụng bài hát của một nghệ sĩ khác đi diễn trên sân khấu (có bán vé) cần xin phép tác giả hoặc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả (nếu tác giả đó là thành viên của Trung tâm). Tuy nhiên, những tác phẩm đó không rơi vào trường hợp đặc biệt, điển hình như tác giả cho một ca sĩ độc quyển biểu diễn.
Một ca sĩ/ chương trình sử dụng bài hát của nghệ sĩ khác đi diễn mà không có chấp nhận của một trong hai bên (tác giả hoặc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả) thì sẽ bị xử lý theo luật tùy thuộc vào quy mô, tính chất chương trình”.
Như vậy, một nghệ sĩ tiền bối muốn biểu diễn cover bản hit của đàn em thì cần có động thái xin phép tác giả hoặc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả. Hoặc nghệ sĩ đó có thể mua tác quyền từ tác giả bài hát nếu muốn trình diễn thường xuyên trên sân khấu thay vì ngẫu hứng cover là không đúng.
“Tuy nhiên, để hạn chế việc đồng nghiệp hay những sự kiện sử dụng ca khúc của mình, tác giả hoàn toàn có thể quyết định hạn chế hay độc quyền biểu diễn tác phẩm của mình nếu muốn với đơn vị mà tác giả đó đăng kí bản quyền cho tác phẩm”, người này nói thêm.
Theo Tổ Quốc
Nhiều nhạc sĩ khẳng định Vy Oanh sai trong vụ cãi vã với Minh Tuyết
Nhiều nhạc sĩ cho rằng khi hết hạn độc quyền thì việc một bài hát được ca sĩ khác thể hiện là hợp lý. Như vậy, ca khúc sẽ có sự lan tỏa và sức sống lâu dài.
Liên quan đến vụ việc Vy Oanh bức xúc về ca sĩ lão làng hát lại hit của đàn em, khán giả đưa ra ý kiến trái chiều. Phần đông không đứng về phía nữ ca sĩ Đồng xanh với lý do bài hát đã hết hạn bản quyền thì việc được nghệ sĩ khác thể hiện là hoàn toàn hợp lý.
Khi Zing.vn liên hệ với một số nhạc sĩ và ca sĩ trẻ, họ cho rằng một ca khúc nên được trình bày bởi nhiều ca sĩ, trước hết vì thu nhập tác quyền và quan trọng hơn là độ lan tỏa của ca khúc.
Đứng từ góc độ nhạc sĩ, họ cảm thấy cần có sự thể hiện đa dạng giữa những thế hệ ca sĩ khác nhau để đáp ứng nhu cầu và gu âm nhạc của từng đối tượng khán giả.
"Vy Oanh đúng, nếu còn hạn độc quyền"
Nhạc sĩ Tú Dưa cho rằng Vy Oanh cũng có ý đúng nhưng chỉ trong trường hợp bài hát còn hạn bản quyền.
"Khi bài hát mới ra mắt, vừa nổi tiếng được khoảng 5, 6 tháng hoặc 1 năm thì ca sĩ lão làng không nên cover. Nhiều ca sĩ trẻ không có điều kiện, họ mất rất nhiều công sức để sản xuất một sản phẩm mới, bởi thế ca sĩ nổi tiếng hát lại của đàn em là hành động không hợp tình, 'cướp miếng cơm mạnh áo'. Còn trong tình huống bài hát hết hạn bản quyền thì phải chấp nhận việc ca sĩ khác thể hiện, bởi góc độ nhạc sĩ, họ muốn 'đứa con tinh thần' của mình được lan tỏa và sống mãi theo thời gian", nhạc sĩ Tú Dưa nói.
Vy Oanh bức xúc tố một đàn chị dùng ca khúc do cô thể hiện. Dù bài hát hết hạn độc quyền nhưng cô đánh giá đây là hành động không thấu tình. Nhiều khán giả khẳng định đó là Minh Tuyết.
Một ca sĩ trẻ, cũng có những ca khúc nổi tiếng và được cover thời gian qua có chung quan điểm với nhạc sĩ Tú Dưa. Từ góc độ ca sĩ, anh cảm thấy tủi thân và tổn thương nếu bài hát của mình vừa ra mắt, còn hạn độc quyền đã xuất hiện tràn lan những bản cover. Đáng nói, nhiều trường hợp cover nhưng không hề nhắc đến ca sĩ thể hiện bản gốc.
"Tôi sẽ rất vui khi ca khúc của mình được nhiều khán giả cover, và vui hơn khi được đồng nghiệp cover, bởi đây là minh chứng cho hiệu ứng thành công của một bài hit. Tuy nhiên, tôi sẽ cảm thấy tổn thương nếu họ dùng ca khúc một cách thiếu ý thức, tự do, không xin phép, và để kiếm tiền trong các show diễn", anh nói.
"Thậm chí, nhiều người mượn việc 'hát vui' giao lưu khán giả và hát ca khúc ấy như là của mình. Có nhiều trường hợp quay cover nhưng không để tên ca sĩ hát bản gốc. Tôi đánh giá đây là sự thiếu văn minh, thiếu tự trọng làm nghề và vô cùng coi thường chủ nhân của ca khúc", anh nhấn mạnh.
Nói thêm tình huống còn bản quyền, nhạc sĩ Thái Thịnh chia sẻ rằng nếu một ca sĩ muốn cover thì phải có sự thỏa thuận với người thể hiện trước đó.
"Ca sĩ không còn quyền hạn nếu hết hạn độc quyền"
Một nhạc sĩ sau quá trình theo dõi vụ việc giữa Vy Oanh và Minh Tuyết khẳng định giọng ca Đồng xanh không còn quyền hạn với bài hát. Theo anh, chỉ trong thời gian ký độc quyền là khoảng 2 năm đầu, Vy Oanh cũng như những ca sĩ thể hiện ban đầu mới có quyền hát ca khúc và nếu ai khác muốn thể hiện trong thời gian đó thì phải xin phép. Khi bài hát hết hạn độc quyền, Vy Oanh vẫn được thể hiện nhưng nhạc sĩ có toàn quyền quyết định trong việc ký tác quyền với ca sĩ khác.
Vy Oanh gây tranh cãi khi đăng đàn tố đàn chị.
Trong trường hợp cụ thể của Vy Oanh, nhạc Thái Thịnh khẳng định cô đã sai hoàn toàn.
"Vy Oanh sai hoàn toàn, Minh Tuyết không sai. Trong vụ việc, tác giả đã bán tác quyền chứ không còn độc quyền. Những người đầu tiên như Vy Oanh mới ký độc quyền còn người thứ 2 trở đi sẽ ký tác quyền, tức ai muốn hát thì hát. Sau khi Vy Oanh hết hạn độc quyền, tác giả có thể ký với bất cứ ai chứ không riêng Minh Tuyết với mức giá thấp hơn", nhạc sĩ cho biết.
Tác giả Duyên phận nói thêm: "Trung tâm Thúy Nga đã mua bài đó từ Phúc Trường thì Minh Tuyết hát là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp". Nhạc sĩ Thái Thịnh nhấn mạnh Vy Oanh sai và sự việc không có gì đáng phải mang ra tranh cãi.
"Bài hát cần có sự lan tỏa"
Vy Oanh khi trả lời Zing.vn đã chia sẻ rằng vụ việc mà cô nêu không sai về luật pháp nhưng xét đến đạo đức nghề nghiệp và cái tình giữa các nghệ sĩ thì hành động đó không nên. Cô thậm chí ví đây là động thái "cướp nồi cơm", "chặn đường đi" của đàn em.
Tuy nhiên, một nhạc sĩ xin giấu tên không đồng tình. Anh cho rằng đây là vấn đề bản quyền chứ không liên quan đến vấn đề đạo đức.
Thậm chí, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cho rằng một ca khúc sau hết hạn bản quyền thì nên được thể hiện bởi ca sĩ khác, trước hết là vì lý do thu nhập và quan trọng hơn là sự lan tỏa của "đứa con tinh thần" mà họ bỏ nhiều công sức sáng tác.
Các nhạc sĩ khẳng định Minh Tuyết không sai cả về lý lẫn tình bởi bài hát đã hết hạn bản quyền.
"Tôi cảm thấy việc hát lại hết sức bình thường, bởi với tư cách một người sáng tạo, tôi hy vọng sản phẩm của mình có sự lan tỏa. Một ca khúc hay được mọi người yêu mến thì nên có góc nhìn đa chiều, được thể hiện bởi nhiều ca sĩ. Tôi cho rằng việc gói gọn một ca khúc cho một ca sĩ thể hiện là rất ích kỷ với khán giả", nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận bày tỏ.
"Không chỉ vấn đề tiền bạc bởi tác quyền không đáng kể, quan trọng là càng nhiều người hát thì bài hát càng được biết đến nhiều hơn. Ví dụ, bài Duyên phận được biết đến nhiều hơn sau khi hết hạn bản quyền. Một ca khúc khó có thể lan tỏa nếu chỉ có một ca sĩ thể hiện", ý kiến của nhạc sĩ Thái Thịnh.
Từ quan điểm của ca sĩ trẻ, một giọng ca cho biết anh cảm thấy hoàn toàn bình thường nếu ca khúc của anh được đồng nghiệp khác thể hiện sau khi anh hết hạn bản quyền.
Theo zing
Vy Oanh gây tranh cãi khi tố 'ca sĩ lão làng hát lại hit đàn em' Mới đây, giọng ca Để cho em khóc lên tiếng tố một ca sĩ hải ngoại có hành vi 'bất chấp đạo đức nghề nghiệp' vì thường xuyên hát lại những ca khúc hit của những ca sĩ trẻ, ít tên tuổi. Vy Oanh phủ nhận việc cố tình tạo dư luận để PR cho dự án mới vì cô vốn đã không...