Thả nổi người nghiện: Khó cai tại cộng đồng
Tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng thể hiện tính nhân văn, đồng thời giúp dễ dàng phát hiện người nghiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cai nghiện tại cộng đồng là khó khả thi.
Sau khi Luật Phòng chống ma túy sửa đổi có hiệu lực, năm 2010, Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Công an đã ban hành Thông tư 14 hướng dẫn thực hiện. Thông tin này quy định các địa phương phải quản lý và cai nghiện tại cộng đồng cho người nghiện trong thời gian 6 tháng, sau đó nếu họ tái phạm thì mới áp dụng biện pháp cưỡng chế đưa vào cơ sở chữa bệnh, thay vì trước đây cứ phát hiện là đưa ngay vào các trung tâm để cai.
Kế hoạch chi tiết
Trên cơ sở đó, cuối tháng 11/2012, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch “Cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai nghiện ma túy từ nay đến năm 2015″. UBND TP yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đề ra cách thức, giải pháp khả thi nhằm kiểm soát tình hình người nghiện trên địa bàn. Mục tiêu của kế hoạch gồm: 100% người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký với chính quyền địa phương được cai nghiện tại gia đình 100% người sau cai được tiếp nhận, giúp đỡ ổn định cuộc sống tại nơi cư trú 100% đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao được quản lý cai nghiện tại trung tâm khống chế tỉ lệ tái nghiện dưới mức 50%…
Để thực hiện, UBND TPHCM phân công Sở LĐ-TB-XH chủ trì, xây dựng mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng lực lượng công an lập hồ sơ xác định người nghiện, số tự nguyện và số bắt buộc áp dụng biện pháp cai nghiện tại nơi cư trú Sở Y tế tổ chức hướng dẫn chuyên môn, kiểm tra, tập huấn phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe người nghiện cho cán bộ y tế quận, huyện, phường, xã, thị trấn…
Các đối tượng sử dụng ma túy bị lực lượng Công an TP Đà Nẵng bắt giữ. Ảnh: Hoàng Dũng
Tại TP Hà Nội, tất cả 577 xã, phường đã có đội xã hội tự nguyện để “vào từng nhà – rà từng người, vào từng ngõ – gõ từng người” vận động, thuyết phục trước cai – trong cai – sau cai. Ngoài ra, còn có 74 câu lạc bộ quản lý, giáo dục, sinh hoạt, giúp đỡ những người sau cai nghiện ma túy ở các cộng đồng.
Thực hiện mơ hồ
Video đang HOT
Tuy nhiên, khó khăn, lo lắng đang chồng chất vì Luật Phòng chống ma túy sửa đổi dù đã có hiệu lực từ 2 năm nay nhưng những việc cần cho thi hành quy định mới vẫn chưa đâu vào đâu. Những khó khăn về điều kiện y tế, nhân sự, kinh phí, việc giám sát, quản lý người nghiện tại nơi cư trú vẫn đang là bài toán quá khó đối với các địa phương.
Theo ông Phan Văn Dũng, chuyên viên Phòng LĐ-TB-XH quận 12 – TPHCM, hiện trên địa bàn quận có gần 600 người nghiện. Trong đó, số có hộ khẩu thường trú chỉ 132 người, còn lại là đối tượng lang thang. Kế hoạch cai nghiện ma túy tại cộng đồng đã được chỉ đạo thực hiện nhưng triển khai như thế nào thì còn rất mơ hồ. Ngành LĐ-TB-XH trước giờ vẫn chủ trì công tác quản lý lĩnh vực này nhưng hiện họ không có cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, y tế cấp phường, xã cũng chưa có đội ngũ nhân sự có thể thực hiện cắt cơn, giải độc cho người nghiện. Mọi việc đang “rối tung rối mù” mà chưa có sở, ngành nào đứng ra làm đầu mối trong việc này và kinh phí cũng chưa thấy đâu.
Phòng LĐ-TB-XH quận 8 – TPHCM cho biết địa phương chỉ mới lập tổ công tác khảo sát thống kê số người nghiện để vận động đăng ký đối tượng tham gia. Trong khi đó, đội ngũ nhân sự phục vụ công việc này chưa hình thành và cơ sở vật chất thì chỉ duy nhất trung tâm y tế dự phòng của quận là có khả năng đáp ứng.
Nói về những bất cập của hình thức cai nghiện tại cộng đồng, ông Nguyễn Đình Hiền, Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, cho rằng có những rào cản rất khó vượt qua để mang lại hiệu quả bởi thiếu đủ thứ. “Các xã, phường hầu như không có lực lượng chuyên trách đủ trình độ chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy, hầu hết là kiêm nhiệm, không có thù lao. Cơ sở vật chất về y tế như giường bệnh, thuốc trị bệnh, đội ngũ y, bác sĩ lại quá thiếu… Bên cạnh đó, người nghiện vẫn được sinh sống tại chỗ, có thể gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè xấu, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và các tổ chức xã hội sẽ tác động rất xấu, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy” – ông Hiền băn khoăn.
Quản lý không được
Một vướng mắc khác khiến việc cai nghiện tại cộng đồng gặp khó là công tác quản lý sau cai đối với người nghiện ma túy từ trung tâm về cộng đồng lẫn người cai nghiện tại cộng đồng và gia đình. Chuyên dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai cũng là vấn đề đang làm đau đầu các cơ quan chức năng. Số liệu của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho thấy toàn TP hiện có đến gần 10.000 người nghiện ma túy (trong tổng số hơn 20.000 người nghiện) sinh sống ngoài cộng đồng. Năm 2011, trong số hơn 900 người nghiện được quản lý sau cai tại cộng đồng, chỉ có hơn 400 người được hỗ trợ việc làm, 30 người được vay vốn, 4 người được dạy nghề.
Còn tại TPHCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, nhìn nhận: “Hiện chúng ta nói quản lý người nghiện và người sau cai nhưng thật ra chỉ là hỗ trợ giúp đỡ. Tuy nhiên, đối tượng từ chối giúp đỡ và thay đổi địa chỉ cư trú không báo nên không quản lý được. Với Luật Cư trú mới thì ta cũng không có quyền quản lý nơi cư trú của họ. Vừa qua, các ngành chức năng có đưa ra con số tái nghiện ở TPHCM là 3%. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành công an thì tỉ lệ tái nghiện phải đến 26%-27% và số liệu này cũng chưa đầy đủ”.
“Mềm” hóa quy định
Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, cho biết để hạn chế tình trạng nghiện ma túy trong cộng đồng, Đà Nẵng đã làm “mềm” hóa quy định. Theo đó, nếu phát hiện người sử dụng chất ma túy lần đầu, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản, buộc họ ký cam kết không tái phạm và cho về gia đình giáo dục cai nghiện. Nếu sử dụng chất ma túy lần thứ 2, không kể thời gian 1 tuần hay 1 tháng, đối tượng phải vào trung tâm cai nghiện tập trung để quản lý. Nếu nghi ngờ người nào, cơ quan chức năng sẽ mời lên kiểm tra đột xuất chứ không cần phải phát hiện sử dụng ma túy.
Theo 24h
Dừng cai nghiện tập trung: Con nghiện tăng
Quản lý người sau cai nghiện tại địa phương qua thực tế cho thấy chưa hiệu quả, người nghiện ngày càng tăng, kéo theo đó là tội phạm liên quan đến ma túy cũng tăng theo
Sau thời điểm chấm dứt thí điểm mô hình cai nghiện tập trung và quản lý sau cai theo Nghị quyết 16 của Quốc hội (2003-2008), lượng người nghiện ma túy trên cả nước tăng cao, có địa phương tăng đến 60%. Điều đáng nói là qua 2 năm thực hiện việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo Luật Phòng chống ma túy sửa đổi, đến nay, hầu hết các địa phương còn lúng túng, chưa thể áp dụng khiến việc quản lý người nghiện dường như bị thả nổi.
Người nghiện tăng nhanh
Tại TPHCM, sau thời điểm chấm dứt thí điểm mô hình cai nghiện tập trung và quản lý sau cai theo Nghị quyết 16 của Quốc hội (2003-2008), lượng người nghiện ma túy đã tăng lên 20% - 30% mỗi năm, riêng 6 tháng đầu năm 2012 tăng gần 60% so với cùng kỳ. Điển hình tại quận 8, địa chỉ "đen" của tệ nạn ma túy, tỉ lệ người nghiện được phát hiện gần như tăng theo cấp số nhân trong vòng 3 năm qua (năm 2010: 422 người năm 2011: 936 người năm 2012: hơn 1.400 người).
Ông Huỳnh Quốc Thái, Phó Phòng LĐ-TB-XH quận 8, cho biết do phần lớn trong số đó không có hộ khẩu trên địa bàn nên quận đã lập hồ sơ đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc nhưng lượng người nghiện vẫn tăng lên vì địa bàn vốn rất phức tạp lại tồn tại nhiều con nghiện trong diện quản lý tại nơi cư trú. "Hạn chế của quy định mới là người nghiện vẫn có thể tiếp tục sử dụng ma túy sau khi bị phát hiện trong 6 tháng quản lý tại địa phương mà chúng ta không làm được gì. Nhiều trường hợp đã canh thời hạn này để bỏ trốn đi nơi khác nhằm tránh bị đưa vào trung tâm" - ông Thái nói.
Hai đối tượng nghiện ma túy đi cướp giật trên đường Bàu Cát, quận Tân Bình - TPHCM bị "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến bắt quả tang. Ảnh: Quý Lâm
TP Hà Nội có hơn 7 triệu dân, hiện cơ quan chức năng đã phát hiện 539/577 xã, phường có người nghiện ma túy. Theo thống kê mới nhất, toàn TP có 20.539 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó 9.200 người đang được điều trị cai nghiện và quản lý sau cai nghiện tại các trung tâm trên địa bàn, còn lại là sinh sống ở ngoài cộng đồng, trong các trại giam.
Người nghiện ma túy nhiều tuổi nhất là 70, ít nhất là 12 tuổi. Xã, phường có người nghiện nhiều nhất khoảng 300 người các quận nội thành có số người nghiện nhiều nhất, sau đó là thị xã Sơn Tây. Người nghiện ma túy phải tiêu tốn ít nhất 50.000 đồng/ngày, nhiều nhất khoảng 1,5 triệu đồng/ngày có người nghiện nặng phải dùng ma túy đến 5 lần/ngày.
TP Đà Nẵng cũng có 1.075 người nghiện ma túy, tăng 357 người so với năm 2011. Đặc biệt, theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, tình trạng thanh thiếu niên (có cả học sinh THCS) sử dụng ma túy tổng hợp tăng đáng báo động. Địa bàn nghiện các chất ma túy mở rộng đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, nhiều địa phương có số người nghiện tăng mạnh như Thái Bình 746 người, Bình Dương 285 người, Thái Nguyên 297 người, Bình Thuận 982 người... Theo Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2012, cả nước có 171.392 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 12.978 người so với cùng kỳ. Tình hình tội phạm ma túy đang diễn biến phức tạp và gia tăng hoạt động.
Tội phạm tăng theo
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết gần đây, các đối tượng hình sự có liên quan đến ma túy trên địa bàn TP tăng đến 46% (trước đây là 30%), 245 đối tượng đã từng có tiền án tiền sự, 41,13% số đối tượng gây án nhiều lần hoặc bị truy nã.
Riêng tội phạm liên quan đến ma túy tổng hợp, theo thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47), Công an TPHCM, (báo cáo tại hôi nghị chuyên đê "Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp kiên nghị phòng ngừa các tê nạn xã hôi và tôi phạm ma túy tại TPHCM từ năm 2007 đên 2011"), tính đến tháng 9-2012, tội phạm loại này chiếm tới 33% trên tổng số tội phạm ma túy trên địa bàn. Trong 3 năm trở lại đây (từ năm 2010 đên 2012), trung bình môi năm ở TPHCM, tội phạm liên quan đến ma túy tổng hợp đêu tăng 10%/năm.
Còn theo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Thuận, số người nghiện ma túy ở tỉnh tăng đã kéo theo tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn diễn biến phức tạp. Một số đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối ngang nhiên mua bán ma túy và chống trả quyết liệt khi bị lực lượng công an truy bắt.
Tương tự, tại TP Đà Nẵng, tình hình tội phạm cũng diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là hoạt động của các băng nhóm đòi nợ thuê dẫn đến hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... gia tăng với 32 vụ, 76 bị can, chủ yếu do các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy thực hiện đã ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Phạm tội do sử dụng ma túy
- Trưa 23/5, sau khi chơi ma túy, Đào Việt Phương (27 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) sử dụng xe SH không biển số giật dây chuyền của một phụ nữ đi xe máy trên đường Đông Tác rồi bỏ chạy. Bị bắt, Phương khai nhận đã gây ra nhiều vụ cướp giật để lấy tiền chơi ma túy và thường sử dụng ma túy để lấy hưng phấn trước khi gây án.
- Sau khi uống rượu và sử dụng một vỉ (10 viên) Recotus (loại thuốc có chất gây ảo giác), chiều 12/8, Nguyễn Văn Tiến (SN 1986, ngụ tỉnh Bình Thuận) đã cầm dao đi bộ từ nhà ra khu vực bãi biển, chém tới tấp vào người dân, kể cả người già và trẻ em.
- Chiều 4/11, 2 đối tượng sử dụng ma túy đá đã dùng hung khí vô cớ tấn công tổ công tác của Công an quận Đống Đa - Hà Nội đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Láng, chém trọng thương trung tá Ngô Quốc Ấn (57 tuổi).
- Băng cướp 4 tên chặt tay một phụ nữ để cướp xe SH vào đêm 24/11 tại đường Vành đai phía Đông, quận 2 - TPHCM đều là những con nghiện ma túy. Trong khoảng 4 tháng, nhóm này đã gây ra 15 vụ cướp tài sản khắp các quận, huyện. Trước khi đi "ăn hàng", chúng đã sử dụng ma túy đá, vì vậy, mức độ ra tay với các nạn nhân hết sức tàn độc.
Theo 24h