Thả nổi chất lượng xe đạp điện
Phát triển với tốc độ chóng mặt, xe đạp điện hiện được người dân sử dụng khá phổ biến, đặc biệt tại những đô thị lớn, trong đó, phần đông ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Tuy vậy, loại xe này đang phát triển không kiểm soát, từ quy chuẩn chất lượng đến người điều khiển.
Vẫn chưa có quy chuẩn để quản lý xe đạp điện. Ảnh: PHÚ KHÁNH
Phát triển tràn lan
Với ưu điểm không cần bằng lái, không phải dùng xăng, xe đạp điện là lựa chọn của nhiều học sinh, sinh viên và người có tuổi. Nếu như vài năm trước, xe đạp điện còn thống kê được trên sổ sách, giấy tờ thì nay đã phát triển vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.
Video đang HOT
Tốc độ phát triển của xe đạp điện khiến Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định là quá tràn lan: “Vừa qua, đi thực tế tại một số địa phương mới thấy, tỷ lệ người sử dụng xe đạp điện phát triển quá nhanh, trong đó, hầu hết không đội mũ bảo hiểm”. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, nguy cơ gây tai nạn giao thông của xe đạp điện không kém xe máy bởi tốc độ của loại xe này cũng cao, trong khi phần lớn người điều khiển lại là học sinh, kỹ năng chưa nhiều lại dễ vi phạm giao thông. Đặc biệt, dù luật đã quy định, người điều khiển xe đạp điện cũng phải đội mũ bảo hiểm, nhưng thực tế gần 100% không đội mũ. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp lo ngại, nếu các cơ quan quản lý không nhanh chóng đưa ra những biện pháp kiểm soát, quản lý đủ mạnh rất dễ dẫn đến loạn phương tiện, trở thành một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Chưa có quy chuẩn quản lý
Chiếm đến 80-90% xe đạp điện đang lưu thông trên thị trường hiện nay là xe nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau. Vì là loại phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm như xe máy, việc kê khai nhập khẩu xe đạp điện chủ yếu dựa vào kê khai, khai báo.
Thực trạng này được ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đến nay, vẫn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn gì để quản lý loại hình phương tiện này. Xe đạp điện nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT. Theo đó, Thông tư 63 về việc quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn được thực hiện theo nguyên tắc sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, hoặc đưa vào khai thác, sử dụng phải được chứng nhận công bố hoặc thử nghiệm, nghiệm thu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hoặc quy định về quản lý chất lượng tương ứng do Bộ GTVT ban hành.
Quy định là như vậy, nhưng hiện tại việc quản lý phương tiện này vẫn khá lúng túng. Cụ thể, theo kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong năm 2013, Bộ GTVT mới ban hành Thông tư về kiểm tra chất lượng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dùng làm căn cứ để quản lý và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện. Ông Trịnh Ngọc Giao cho hay, Cục Đăng Kiểm sẽ trình Bộ GTVT ban hành Thông tư và tháng 11 sẽ trình Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật của xe đạp điện. Khi đó mới có những phương án rõ ràng, đầy đủ, chi tiết.
Đã đến lúc, các Bộ như Công Thương, Khoa học công nghệ, GTVT phải ngồi lại với nhau, tính toán phương án cụ thể để quản lý loại xe này. Sắp tới, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận, tìm hướng quản lý.
Mặc dù theo tiêu chuẩn, xe đạp điện có vận tốc tối đa không quá 25km/h, nhưng thực tế hiện nay, không ít loại xe đạt vận tốc tới 40km/h, hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển và người tham gia giao thông. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, xe đạp điện chưa được quản lý, chưa có một tiêu chuẩn, quy chuẩn nào nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay.
Ngân Tuyền
Theo ANTD
Đưa cuộc sống vào... luật
Khi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, ngay lập tức dư luận xã hội, báo chí, các chuyên gia đón nhận với sự quan tâm đặc biệt, bởi nó ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ đời sống xã hội. Nếu văn bản đó sát với yêu cầu thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống thì nó không chỉ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển, mà còn mang lại uy tín, hình ảnh tốt đẹp cho cơ quan quản lý. Ngược lại, khi chính sách xa rời thực tế, thiếu khả thi thì không chỉ bị vô hiệu hóa ngay sau khi có hiệu lực, mà còn gây hoang mang, bức xúc, ảnh hưởng đến lòng tin.
Tiếc thay, thời gian gần đây, tình trạng văn bản pháp luật kém chất lượng xuất hiện khá nhiều. Một số chuyên gia luật đã tỉ mỉ liệt kê danh sách vài chục văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định "kỳ cục" được đề xuất và ban hành chỉ trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013. Từ chuyện dự thảo quy định số vòng hoa trong đám tang, số mâm cỗ trong tiệc cưới cho đến bán thuốc lá vỉa hè, quán trà, bán thịt tươi, "chó chính chủ", gần đây nhất lại rộ lên chuyện "ngực lép không được lái xe"... không ít văn bản, quy định chưa ráo mực đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ, song vấn đề đặt ra là xã hội không phải là môi trường để "thử nghiệm" các loại văn bản pháp quy. Khi một văn bản vừa ban hành đã bị dư luận và báo chí phản ứng, thậm chí người dân mang ra đàm tiếu, đâu chỉ việc thu hồi là xong chuyện. Vì sao "tuổi thọ" của những văn bản được "chuyên gia" của các cơ quan quản lý soạn thảo, chỉ tính bằng ngày, bằng tuần?
Theo ý kiến của một số luật gia và chuyên gia, điều cốt lõi là cơ quan quản lý phải "tiếp thị" chính sách trước khi ban hành với đối tượng là người dân và doanh nghiệp. Tức là phải hiểu biết, thực tế cuộc sống sâu sát như chính những đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp của chính sách, văn bản. Nói có vẻ ngược đời, không phải là đưa chính sách vào cuộc sống, mà chính là đưa cuộc sống vào chính sách, cân nhắc, tính toán, thăm dò ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới chuyên gia với tinh thần cầu thị. Nhiều chuyên gia đã "bắt mạch" thực trạng văn bản pháp luật kém chất lượng đã và đang gây ra những tác động bất lợi cho sự phát triển. Nguyên nhân gốc rễ của những yếu kém là thiếu cơ chế phối hợp có hiệu quả để quản lý chất lượng chính sách. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải qua ba khâu "sàng lọc": thẩm định của Bộ Tư pháp, thẩm tra của Văn phòng Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi quan niệm, tư duy về phương pháp xây dựng luật. Từ các bộ luật, nghị định cho đến các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành, cần phải đưa cuộc sống vào chính sách, thì khi ban hành chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, không còn tình trạng văn bản pháp quy "trật đường ray" như lâu nay.
Đan Thanh
Theo ANTD
"Tái xuất" giấy phép con Chỉ số Quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ đo lường chất lượng dịch vụ công lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, vừa công bố kết quả khảo...