Tết về rưng rưng nhớ ngoại
Đã bao mùa xuân đi qua chở theo nỗi buồn trong tôi vơi đầy cùng năm tháng. Như bát nước nguội dần, nỗi đau mất bà ngoại cũng phần nào nguôi ngoại nhưng nỗi nhớ và những ký ức về ngoại thì chẳng hề phai nhạt.
Mỗi dịp Tết đến, lòng tôi lại rưng rưng, bồi hồi thương nhớ. Bởi mùng một Tết chính là ngày giỗ của ngoại. Ngày gia đình sum vầy đoàn tụ thì lại là ngày rời xa cõi tạm để đến một miền cực lạc xa xôi. Từ đó, Tết trong tôi cứ thiếu vắng một điều gì đó chẳng thể gọi thành tên.
Ảnh: IT.
Dẫu biết rằng Tết đến là niềm vui, là quây quần đầm ấm, là được trở về sau bao ngày lo toan cơm áo để sắm sửa, trang hoàng, chào đón một năm mới với bao hy vọng và niềm tin vào những điều an lành ở phía trước. Nhưng Tết năm ấy, cách đây 9 năm, mãi mãi là một dấu ấn đau buồn trong tôi.
Tháng Chạp, đúng đợt rét đại hàn, ngoại trở bệnh nặng sau một lần ra sân rút quần áo, không may bị trượt chân ngã. Ngoại nằm liệt một chỗ vì cơ thể ốm yếu lâu ngày với những bệnh mãn tính được thể bùng phát. Đúng là “giậu đổ bìm leo”, lục phủ ngũ tạng của ngoại cùng lên tiếng: tiểu đường, viêm phổi, huyết áp cao… tất cả bệnh tật dồn ngoại đến cạn kiệt cả sức sống. Những ngày giáp Tết, con cháu thay phiên nhau túc trực, chăm sóc ngoại ở bệnh viện, hy vọng vào một phép màu kỳ diệu, mặc dù bác sĩ kết luận ngoại bị “bệnh già” và khuyên gia đình đưa ngoại về nhưng mẹ không nghe. Mẹ bảo “còn nước còn tát” nên các cậu các dì cứ răm rắp nghe theo. Mẹ lấy chồng cùng xóm nên chưa bao giờ xa ngoại. Vì thế chị em tôi cũng lần lượt được bàn tay ngoại bế ẵm, ru hời. Nhưng quy luật của tạo hóa chẳng chừa một ai.
Nhìn ngoại nằm đó, hai cánh tay tím bầm vì những mũi tiêm hàng ngày, lòng tôi thấp thỏm lo âu. Mẹ và các cậu các dì chẳng còn bụng dạ nào mà nghĩ đến chuyện sắm Tết. Ngoài chợ, ngoài phố, người người tấp nập bán mua. Những cành đào, cành quất rực rỡ sắc xuân đang tràn về khắp các nẻo đường. Hương vị của Tết đã quấn quyện trong những cơn gió lạnh của những ngày cuối năm nhưng phòng bệnh nhân chỉ có một màu trắng toát, lạnh lẽo đến se thắt cả ruột gan. Mùi thuốc kháng sinh, mùi ê-te sát trùng nồng nặc trở thành nỗi ám ảnh của tôi đến tận bây giờ. Những thìa cháo loãng mẹ phải ép mãi, dỗ mãi thì ngoại mới chịu hé miệng nhưng cũng trào ra ngoài đến hơn một nửa.
Chỉ còn ba ngày nữa là Tết đến, ngoại thì thào trong hơi thở yếu ớt, đứt quãng, tha thiết muốn về nhà: “Về… nhà… ăn Tết… đi!”. Đó là nguyện vọng cuối cùng của ngoại nên chẳng ai nỡ từ chối. Cả đời ngoại gắn bó với ngôi nhà thân yêu, có Tết nào mà ngoại xa nhà cơ chứ. Nhất định phải đưa ngoại trở về nhà ăn Tết, dù là cái Tết cuối cùng. Lòng mẹ rối bời nhưng mẹ vẫn tỏ ra cứng rắn để vào bếp làm mâm cơm tất niên có đầy đủ các món ăn truyền thống: bánh chưng, giò lụa, chả nem, canh miến mọc nhĩ, dưa hành… Cả một mâm ngồn ngộn thức ăn nhưng không ai nuốt được, cổ họng nghẹn lại khi nhìn ngoại nằm bất động trên giường chẳng khác nào cây đèn đang cạn dầu.
Video đang HOT
Ước gì ngoại có thể ngồi dậy để thưởng thức các món ăn cùng con cháu, rồi bàn chuyện năm mới sẽ làm những gì. Ngoại sẽ ra vườn hái gấc chín đỏ phân phát cho từng nhà nấu xôi sáng mùng một. Ngoại sẽ nhổ những cây mùi già để nấu nước thơm rửa mặt trong mấy ngày đầu năm mới. Ngoại sẽ xếp gọn những đồng tiền mới tinh để mừng tuổi các cháu. Ngoại vốn chu đáo như vậy, yêu thương mộc mạc như vậy, không cần thốt thành lời. Nhưng ngoại chẳng thể nữa rồi.
Ảnh: IT.
Đêm giao thừa, cả nhà quây quần bên giường ngoại, lắng nghe từng hơi thở phập phồng của bà mà lòng nặng trĩu ưu tư. Ngoài kia pháo hoa rực trời, những mầm xanh có lẽ cũng đang cựa mình vươn lên để tiếp thêm nhựa sống. Còn ngoại cứ lặng lẽ thiếp đi, chìm vào giấc ngủ dài bình yên và không bao giờ tỉnh lại nữa. Những tiếng khóc nghẹn ngào kìm lại trong cổ họng các con các cháu để ngoại ra đi được thanh thản. Bà về với tổ tiên, về với ông sau bao năm xa cách.
Dẫu biết rằng “sinh có hạn, tử bất kỳ” nhưng lòng tôi vẫn nhói lên câu hỏi: “ Sao ngoại lại ra đi vào thời khắc nhà nhà vui vầy? Sao ngoại không ở lại để hưởng cái Tết cuối cùng bên con cháu?”. Năm ấy, đại gia đình tôi mất Tết nhưng có lẽ đó là cái Tết ám ảnh nhất, thương nhớ nhất trong cuộc đời tôi.
Mùi vị của Tết năm đó với tôi là vị mặn chát của nước mắt, là mùi hương trầm đau xót tỏa khắp nhà ngoại, là âm thanh nỉ non của tiếng kèn đồng. Văng vẳng bên tai tôi những tiếng xì xào của người đưa đám: “Bà cụ một đời vất vả, ra đi lại mất giỗ, tội nghiệp”. Nước mắt tôi chảy dài, khóc chẳng thành tiếng, thương ngoại một đời tảo tần, lo toan vì ông mất sớm. Nhưng chẳng vì ngoại đi vào dịp Tết mà mất giỗ được bởi ngày đó là ngày đáng nhớ, con cháu sẽ luôn khắc sâu hình bóng của ngoại trong tâm khảm.
Một Tết nữa lại về. Nhớ ngoại, lòng tôi bỗng rưng rưng…
TRẦN THÚY LÀNH
Theo thegioitiepthi.vn
Tết vẫn đẹp thế thôi
Sáng nay ngủ dậy đã thấy Tết ngấp nghé nơi đầu ngõ. Trong cái se se lạnh của trời đất, không gian bao phủ một màu xám xịt, khí trời như một mảng sũng ướt... Tất cả khiến con người cũng bớt dần vội vã. Tết đã đến nơi rồi!
Vẫn còn nhớ đâu đó lời than vãn của mấy đứa bạn, nào là "Tiền thì không có mà Tết lại cận kề", nào là "Tết này vẫn giống Tết xưa, vẫn nhàm, vẫn chán, vẫn chưa lấy chồng".
Con người, ở mỗi thời điểm sẽ có cho riêng mình những bộn bề tâm sự, sẽ có những suy nghĩ bất đồng. Cảm nhận về Tết cũng theo đó mà dần đổi thay, mất đi nét sơ khai ban đầu. Lúc còn bé, Tết đơn giản chỉ là ngày được ăn ngon mặc đẹp, được nhận lì xì, được gặp người thân mà "lâu rồi mới thấy". Lớn thêm chút nữa, Tết lại là ngày tụ họp. Họp lớp cấp hai, họp lớp cấp ba rồi họp bạn đại học. Thêm chút nữa Tết lại là gánh nặng trên vai về nỗi lo tiền bạc. Tiền mua đồ Tết, tiền mua quà cho người thân, cho bạn bè, cho sếp... tiền mua cái này mua cái nọ, tiền mừng lì xì, tiền để lo đủ thứ trên đời. Rồi lại nỗi lo về hạnh phúc lứa đôi, vẫn câu hỏi đó bao năm không đổi "Bao giờ lấy vợ, lấy chồng?". Nhiều tuổi thêm chút nữa, Tết lại là ngóng trông. Cứ chăm chăm nhìn ra cửa, đợi chờ bóng dáng đứa con đứa cháu đi làm ăn xa quay về, mong lắm câu nói "con đã về rồi đây".
Ảnh: Hoàng Tuấn.
Vào Nam ra Bắc, tôi đã đi được vài nơi, gặp gỡ đôi ba người, và lạ thay, ai trong số họ cũng đều chẳng mấy mặn mà với Tết. Với họ, Tết có cũng được không có cũng chả sao. Vì sao thế? Phải chăng là theo dòng chảy của thời gian, vật đổi sao dời, chúng ta đổi khác, mải mê chạy theo những cái mới mẻ mà lãng quên đi cái hồn xưa cũ; hay bởi cái khổ của kiếp người bủa vây với những nỗi lo cơm áo gạo tiền làm ta thấy mệt nhoài.
Thế là ta bảo Tết nhạt. Kỳ thực, không phải Tết nhạt, mà bởi do ta đánh mất đi hương vị ngày Tết. Tết vẫn luôn là Tết, vẫn mang trong mình lớp màu cũ kỹ, vẫn là nét đẹp tinh khôi của truyền thống người Việt. Tết vẫn cứ thế thôi, những sắc màu rực rỡ ấy, những âm thanh rộn ràng náo nhiệt ấy và những mùi hương quẩn quanh nơi chóp mũi ấy, tất cả đều lắng đọng rồi chất chứa trong tim. Tết vẫn đẹp thế thôi, đẹp từ những điều bình dị.
Nói đến Tết, người ta có vô vàn câu chuyện để kể; nhắc đến mùi Tết, người ta có thể liệt kê cả một danh sách dài mà không hề trùng lặp. Mỗi một người trong chúng ta đều cất giữ cho riêng mình một mùi vị riêng của Tết, có những mùi có thể cảm nhận ngay được bằng khứu giác, nhưng cũng có "mùi" ta phải cảm nhận bằng tâm. Phải mất một quãng thời gian dài, khi những người thân quanh tôi cứ dần "rơi rụng" tôi mới giật mình nhận ra, mùi của Tết chỉ giản đơn là thứ "mùi" dịu nhẹ, trong veo mang tên gia đình.
Tết là để trở về, về với quê hương với cội nguồn. Hay giản đơn hơn, Tết là về nhà. Ngay giây phút này đây, trên khắp mọi miền đất Việt, những đứa con xa quê đang bắt đầu chuyến hành trình trở về của mình. Đời người có vô vàn chuyến đi, bước qua muôn nẻo đường, nhưng có lẽ, đẹp nhất vẫn là đường về nhà. Chỉ bởi nơi cuối con đường có người đang chờ ta. Trên những chuyến xe hồi hương ấy, qua mỗi vòng bánh xe lăn là lại đong đầy nỗi nhớ. Tết đã cận kề rồi, người cũng phải về thôi. Đi là để trở về!
Sẽ không nói quá khi bảo bức tranh gia đình sum vầy là hình ảnh đẹp nhất ngày Tết. Bỏ lại ngoài kia những lo toan nhọc nhằn về cuộc sống, ta ngồi lại cùng nhau bên nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa. Khói bếp cay xè lan tỏa hơi ấm, xoa đi cái giá lạnh đêm đông. Ta ngồi lại cùng nhau, xem Táo quân rồi đợi chờ khoảnh khắc giao thừa, đất trời chuyển mình, người cũng thêm tuổi mới. Ta ngồi lại cùng nhau, bên mâm cỗ bốc hơi nghi ngút với những món ăn thân thuộc. Đây bánh chưng xanh, kia đĩa giò lụa, này là thịt đông. Nhà nhà ngập tràn niềm vui, người người tràn đầy sức sống. Đó là hương vị của ngày Tết, hương vị của gia đình.
Năm cũ sắp qua đi và năm mới lại đến, có lẽ vẫn còn đó bao điều dang dở, nhưng hãy cứ tạm bỏ qua một bên để về nhà ăn Tết. Còn gì hơn khi được đón một cái Tết vẹn tròn bên gia đình. Chỉ thế thôi cũng khiến ta đủ đầy hạnh phúc.
Dù muốn hay không thì Tết cũng đến nơi rồi. Nên cứ vui lên đi, vì đời có mấy khi...
HOÀNG MỸ SON
Theo thegioitiepthi.vn
Tâm sự của mẹ đơn thân: Tôi thấy sợ những ngày Tết Vài lần, tôi chạnh lòng khi nghe con kể, bạn con năm nay được về quê nội. Rồi con hỏi tôi, quê nội ở đâu, con có được về không? Còn cả những câu nói vô tình của hàng xóm con cũng đã nghe thấy. Họ nói Tết nhất lại thấy thương con hơn, chỉ có hai mẹ con chắc tủi thân lắm....