Tết Trung thu: Gửi trong ước mong ngàn đời
Đèn ông sao, đèn cá chép, ông tiến sỹ… là những món đồ chơi truyền thống trong mỗi dịp Trung thu. Chúng không chỉ là những món đồ chơi thông thường, mà còn gửi gắm những ước vọng, niềm tin của thế hệ đi trước dành cho con cháu.
Các em nhỏ quây quần nghe chị Nguyễn Thị Tuyến giảng ý nghĩa các đồ chơi truyền thông
Muốn con “cá chép hóa rồng”
Đến với đình cổ Đồng Lạc (38 Hàng Đào) trong ngày khai hội “Tết Trung thu truyền thống”, chúng tôi thấy nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang cặm cụi hướng dẫn các em nhỏ làm những món đồ chơi như ông tiến sỹ, ông đánh gậy, đèn ông sao… Chị vừa đan lồng, phết hồ, dán giấy, vừa tận tình giải thích ý nghĩa từng món đồ. Chị kể, đêm trăng rằm của những gia đình như chị hồi xưa, trong nhà bao giờ cũng phải có đầy đủ 1 ông tiến sỹ giấy, 2 ông đánh gậy. Ông tiến sỹ giấy được trân trọng “ngồi” trên cao, phía dưới là một mâm ngũ quả, sau đó là các loại đèn. Các em thiếu nhi nô nức đi rước ông khắp phố phường làng xóm. Trở về khuya, mâm cỗ được hạ xuống để các em phá cỗ. Vì rằm tháng tám cũng trùng vào dịp đầu năm học mới, nên sau khi hạ cỗ, các bậc phụ huynh trân trọng mang ông tiến sỹ giấy đặt trước bàn học các con. Tục lệ này là sự chúc phúc, mong muốn con cháu sau này trưởng thành, đỗ đạt cao. Hai ông múa gậy có thể được treo trước gió, như một món đồ giải trí cho trẻ em những lúc căng thẳng, xua tan những khó khăn, lo lắng, muộn phiền. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng nó thể hiện đức tính hiếu học, tinh thần thượng võ, khuyến học, khuyến tài của nhân dân ta.
Nhắc đến đêm Trung thu là phải nói đến những chiếc đèn đủ hình thù, từ đèn ông sao cho đến đèn kéo quân, đèn cá chép, đèn hình con cóc, con thỏ… Mỗi chiếc đèn này gắn với một sự tích dân gian, thể hiện tình yêu thiên nhiên, thế giới quan sinh động của trẻ nhỏ. Chiếc đèn cá chép gắn với hình tượng “cá vượt vũ môn” – biểu tượng cho sự thành công, vì cá chép là loài vật đầu về đích và hóa rồng, mang mưa đến cho trần gian. Trong khi đó, chiếc đèn hình con cóc gợi nhắc câu ca dao quen thuộc “con cóc là cậu ông trời, hễ ai đánh cóc là trời đánh cho” thể hiện mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Làm mỗi chiếc tàu thủy sắt rèn luyện tính kiên nhẫn, sự cẩn thận
Video đang HOT
Rèn cho trẻ nhớ về nguồn cội
Anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng – một trong số những nghệ nhân làm tàu thủy sắt còn sót lại ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, người xưa đã quan niệm đồ chơi và trò chơi cũng là phương tiện hữu ích giáo dục con trẻ. Đối với anh Hùng, để làm ra được một chiếc tàu thủy nhỏ cũng mất rất nhiều công sức và nỗ lực, từ thu lượm vỏ hộp, ống bơ, cắt thành hình cho đến uốn, bẻ, hàn, sơn… Bởi vậy anh thường giải thích và để các con phụ giúp một số công đoạn nhỏ cho đến khi con tàu hình thành. Thông qua việc được tận tay làm những món đồ chơi, các em sẽ được rèn luyện tính cẩn thận, kiên nhẫn, chịu khó.
Không thể trách trẻ em thờ ơ với đồ chơi dân gian khi những món đồ du nhập, hiện đại đang xâm nhập vào thế giới trẻ thơ như một phần tất yếu sự phát triển của xã hội, và người lớn đôi khi cũng quên mất nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ bảo cho con. Theo chị Tuyến, cái “thiếu” lớn nhất chính là vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục, định hướng nhận thức cho các con. Nếu không có người lớn chỉ dạy, làm sao các em biết được ý nghĩa của Tết Trung thu, của chiếc đèn ông sao, đèn cá chép hay ông tiến sỹ giấy. Ngay cả việc bày biện mâm cỗ với bánh nướng, bánh dẻo, với các thứ hoa quả được sắp đặt ngay ngắn, gọn gàng chính là thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục cho các em một cách khéo léo, tinh tế. Và chính việc được tìm hiểu những món đồ chơi truyền thống giản dị nhưng mang nhiều ý nghĩa là cơ hội tốt nhất để các em được học hỏi, vui chơi, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng tới những ước vọng tương lai tươi sáng, hữu ích.
MAI ANH
Theo ANTD
Nghệ nhân cuối cùng làm đồ chơi Trung thu
Cách trung tâm Hà Nội chừng 15 km, người nghệ nhân cuối cùng ở làng Hậu Ái vẫn miệt mài, tỉ mỉ dán từng chiến đèn ông sao mỗi dịp trung thu.
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 15 km, cứ mỗi dịp trung thu hàng năm, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, Hoài Đức) lại rộn ràng chuẩn bị đồ chơi. Cả phòng khách, sân nhà chất đầy các món đồ chơi như đèn ông sao, tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng...
Từng là ngôi làng nổi tiếng về làm đồ chơi trung thu, song hiện Hậu Ái chỉ còn mỗi chị Tuyến là người duy nhất còn theo nghề. Đồ chơi Trung thu của chị được khách hàng ưa thích bởi chúng luôn được cải tiến về mẫu mã để sinh động và hấp dẫn hơn nhưng kết cấu vẫn phải giữ nguyên theo lối cổ. Ngoài những loại đèn cổ truyền chị còn sáng tạo thêm các loại đèn mới như đèn con hươu, con cá, con tôm...
Vừa làm luôn tay, chị vừa kể về sự tích của những loại đồ chơi: "Đèn con thỏ là dựa vào tích truyện Thỏ Ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8" "đèn ông sao vừa là biểu tượng cho ngôi sao vàng năm cánh trên quốc kỳ, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người Việt Nam". Theo chị Tuyến, để có một chiếc đèn ông sao làm đúng theo lối cổ phải qua nhiều công đoạn, từ chọn nứa cho đến cắt, dán. Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại nứa bánh tẻ, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn. Chọn nứa xong, phải chặt thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt...
Chị Tuyến đang vẽ mặt cho ông đánh gậy sau khi đã nung từ đất sét và nhuộm màu. Dụng cụ đơn sơ, công việc đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn của người thợ.
Mỗi động tác hay sự sắp xếp dù nhỏ đều thể hiện sự tinh tế của người nghệ nhân.
Ông đánh gậy trông trăng là món đồ chơi ít thấy. Khi kết hợp hai ông đánh gậy với một ông tiến sĩ sẽ thành một bộ hoàn chỉnh tượng trưng cho "quan" và "lính".
Dù chỉ là đồ chơi cho con trẻ nhưng tiến sĩ giấy cũng được phân thành "cấp bậc". Bộ to được gọi là "Ông nghè" còn bộ nhỏ chỉ được gọi là "Tiến sĩ" những "ông" mặc áo màu đỏ sẽ có tước vị cao hơn những ông mặc áo xanh. Món đồ chơi thể hiện ước vọng con em sẽ học giỏi, đỗ đạt cao.
Là người thứ theo nghề truyền thống nhiều đời của gia đình, thu nhập cũng không đáng kể, song nghệ nhân này cho biết, nhìn thấy niềm vui và sự háo hức tìm hiểu ý nghĩa từng món đồ chơi của bọn trẻ chị lại có thêm động lực để đeo đuổi nghề.
Đứa cháu ngoại thứ hai của chị Tuyến nằm chơi bên cạnh chồng đèn ông sao đã chuẩn bị cho dịp Tết thiếu nhi. Nhiều năm nay, chị được Bảo tàng Dân tộc học đặt hàng và mời hướng dẫn cho trẻ em làm các loại đồ chơi truyền thống. "Có lẽ do thiếu người hướng dẫn, bố mẹ cũng không kể về các sự tích, ý nghĩa gắn đồ chơi ấy nên trẻ con mới quay sang đồ chơi Trung Quốc, đồ chơi ngoại. Nhiều em được tôi chỉ cho cách tự làm đèn ông sao rất thích thú với món đồ mình làm ra", chị Tuyến tâm sự.
Theo VNE
Thổi hồn vào chiếc mặt nạ Trung thu Bà Hương Lan bảo gắn bó với nghề gia truyền làm mặt nạ giấy bồi vì muốn gìn giữ văn hóa truyền thống, nếu vì tiền đã chuyển sang làm việc khác. Mỗi chiếc mặt nạ thủ công chứa nhiều tâm huyết của vợ chồng bà giá 25.000-50.000 đồng. Nối nghiệp gia đình, trải qua bao thăng trầm, đến nay vợ chồng ông...