Tết thiếu nhi buồn của cậu bé bán vé số
“Vé số đê, vé số đê. Cô ơi chú ơi, còn 10 vé mua giúp cháu ạ”, tiếng rao của cậu bé bán vé số vang lên nơi cuối con đường. Ngày 1/6, em chẳng ước có quà, chỉ mong kiếm được tiền để gửi về cho cha mẹ.
Khu vui chơi thiếu nhi ở tầng trệt của nhà sách Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP HCM tối 31/5 đông hơn thường ngày. Vài đứa trẻ vui đùa, nhảy nhót, một số khác nũng nịu đòi cha mẹ mua quà cho ngày Tết thiếu nhi. Chỉ cách đó một tấm kính, phía ngoài đường, cậu bé Nguyễn Văn Lý cầm trên tay tập vé số, ánh mắt không giấu nỗi sự thèm thuồng.
Ngắm đám trẻ trong những bộ đồ mới tinh, đôi giày nhiều màu sắc, Lý cúi xuống nhìn đôi dép tổ ong của mình đã mòn vẹt, chằn thêm vài miếng dán, chiếc quần short nhăn như cái lò xo lên đến quá đầu gối.
“Mi mà cũng muốn vào đó chơi nữa à. Mơ đi cưng”, tiếng của cậu bạn ở chung phòng làm Lý giật mình. Em hất tay bạn khỏi vai rồi lủi thủi bước vội.
Ước mơ của Lý là có một bộ đồ mới. Hơn môt năm nay em chưa được mua thêm áo quần. Ảnh: Nguyễn Loan
“Vé số đê, vé số đê. Cô ơi chú ơi, còn 10 vé mua giúp cháu ạ”, tiếng rao của Lý vang lên rồi tắt ở cuối con đường, nơi còn một vài người đang say sưa nhậu. Đường khuya đã vắng người, quán cũng chỉ còn vài khách lai rai, chẳng ai đoái hoài tới lời rao của em.
“Mọi khi đến giờ này ế ẩm lắm cũng chỉ còn vài tờ. Hôm nay trời đổ mưa từ chiều, mà lúc tối em lại mãi quên đứng nhìn tụi nó chơi nên đến giờ vẫn còn chừng này”, cậu bé giơ tập vé số lên vừa trách mình.
Lý là một trong nhiều em nhỏ đã rời gia đình ở những vùng thôn quê để vào Sài Gòn kiếm sống. Lý và 8 đứa trẻ bán vé số trọ trong căn phòng chừng 12 m2 ở đường Thống Nhất (quận Gò Vấp). Đứa lớn nhất 15 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi. Trong đó, Lý là đứa có thâm niên nhất ở đây, 8 đứa còn lại chỉ mới vào Sài Gòn được một tháng nay. “Cũng không chật lắm đâu ạ. Bọn em đi cả ngày, khuya mới về, chỉ cần có đủ chỗ để ngủ là được rồi”, Phúc, cậu anh cả ở đây, nói.
Giữa nền nhà, 9 đứa trẻ rải manh chiếu mỏng rồi ôm nhau ngủ cho đỡ lạnh. Có những đêm, trong lúc mơ ngủ, bất thình lình một đứa bật dậy rao “vé số đê, vé số đê”, để rồi sáng mai khi thức dậy, nó trở thành tiêu điểm của những lời trêu đùa của cả nhóm.
Những đứa trẻ cho hay, chúng chẳng nhớ mỗi ngày đi được bao nhiêu cây số. Cứ 5h, khi chiếc đồng hồ réo gọi, Lý bật dậy rồi đi gọi từng đứa trong phòng để bắt đầu cho một ngày mới. Việc đầu tiên là phải đi bộ ra đại lý cách đó hơn một km để lấy vé số. 7h, với tập vé số trong tay chúng vừa đi vừa nhai ổ bánh mì không vừa bắt đầu rao mỗi khi gặp ai đó. 11h, nếu bán hết thì được về nhà nghỉ, nếu còn phải ra đại lý trả lại. 5h chiều, chúng lại đi nhận thêm 100 tờ bán cho tới 12h đêm mới nghỉ. Một tờ vé số, các em được 1.000 đồng. Hằng ngày, mỗi đứa nhận từ 150 đến 200 tờ nhưng ít khi bán được hết.
Video đang HOT
Một ngày của Lý bắt đầu từ lúc 5h sáng và kết thúc khi đồng hồ đã điểm qua ngày mới. Ảnh: Nguyễn Loan.
“Nhà nghèo quá, cha em lại đau bệnh liên miên. Học đến lớp 6, không có tiền nữa nên em đi kiếm tiền phụ mẹ”, Lý kể về mình. Quê ở tận huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hơn một năm trước, cậu theo mấy anh cùng làng vào TP HCM kiếm sống. Mấy tháng đầu mới vào, Lý đã làm đủ nghề, từ phụ việc ở quán cơm, theo anh trai đi phụ hồ, cực quá lại chuyển qua bán vé số. Không người thân thích, Lý được một ông chú nhận về cho ở và chịu sự quản lý của ông.
“Mấy ngày đầu mới đi bán, em không quen nên chân đau lắm, sưng vù lên. Có hôm sáng dậy không thể nhấc chân đi được, nhưng nghĩ tới cha mẹ ở ngoài quê em lại ráng”, Lý nói, giọng già dặn hơn tuổi 13 của em.
Mỗi tháng sau khi trừ tiền ăn, tiền phòng, Lý vẫn còn dư được khoảng hơn một triệu để gửi ra quê cho mẹ. Cậu bé bảo em sợ trời mưa ở Sài Gòn. “Em không sợ ướt, không sợ lạnh, chỉ sợ ướt vé số sẽ không ai mua dùm”, Lý nói.
Được xem là già nghề nhất trong phòng nhưng không ít lần Lý phải bật khóc giữa phố. Đó là lần mới vào thành phố bán vé số được vài tháng, tiền còn chưa có gửi về nhà, có khi còn phải nhịn đói đi làm, vậy mà sáng đó sau khi nhận 100 tờ vé số thì có một người đàn ông bảo mua, khi xem xong thì giật chạy mất. Sau lần đó, nỗi lo gặp cướp luôn ám ảnh em những khi đi bán khuya.
Lý là đứa trẻ khá ít nói, chỉ cười mỗi khi mấy đứa bạn trêu chọc, hỏi cái gì cũng chỉ nhận được câu trả lời “không”. Chỉ đến khi hỏi có nhớ nhà không thì đôi mắt cậu bé chùng xuống. Nhưng rồi Lý bảo, em đã quen rồi. Cuộc sống của em gắn liền với những tờ vé số, với quán nhậu, với những lời rao mời, với từng ngóc ngách của Sài Gòn mà em đã đi mòn đôi dép.
Khi được hỏi ước mơ của mình vào ngày Quốc tế thiếu nhi, Lý ngẩn ngơ suy nghĩ. “Nếu được, em chỉ ước bán được thật nhiều vé số để có thể có tiền gửi về cho mẹ và mua một bộ đồ mới. Từ khi vào Sài Gòn tới giờ em chưa được mua lần nào”, nụ cười hồn nhiên hiện lên trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió.
Theo VNE
Bé làm bác sĩ, công an trong Ngày hội thiếu nhi
Không chỉ được đóng vai làm lính cứu hỏa, cảnh sát, bác sĩ, nhà báo hay nhân viên chuyển phát nhanh, các em nhỏ còn thích thú khi được chơi đùa cùng những chú khủng long khổng lồ biết cử động tại Hà Nội.
Ngày Hội quốc tế thiếu nhi tổ chức tại sân Quần ngựa sáng 1/6 thu hút rất đông trẻ và phụ huynh tham dự. Chương trình giúp các em rèn luyện văn hóa ứng xử, hiểu biết và giữ gìn truyền thống, đoàn kết, yêu thương những người xung quanh, gia đình và xã hội. Ngày hội diễn ra từ mùng 1 đến mùng 2/6.
Bước vào thành phố hướng nghiệp Kizcity, các em nhỏ có cơ hội đóng vai người lớn và trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau. Bệnh viện, sở công an, ngân hàng hay toàn soạn báo được phân thành những gian hàng nhỏ. Em nhỏ nào muốn trải nghiệm công việc gì sẽ vào gian hàng đó. Sau khi hoàn thành, các bé sẽ nhận được giấy chứng nhận và 'lương" là phiếu đổi sữa, bánh kẹo.
Tốp bạn nhỏ đang tham gia khóa huấn luyện làm lính cứu hỏa.
Các bé được phát đồng phục, mũ bảo hộ, được truyền đạt những kiến thức cơ bản về cứu hỏa, cách sử dụng bình chữa cháy...
Các bạn từ 3 tuổi trở lên được đóng vai bác sĩ tại gian Bệnh viện nhi. Trẻ được hướng dẫn cách bế, tắm, thay đồ cho em bé..
Ở gian hàng sở công an, trước khi được khoác đồng phục đi 'làm nhiệm vụ', các chiến sĩ nhí sẽ phải qua lớp tập huấn.
Trên 'thao trường', các bé mặc sắc phục màu xanh học cách xưng hô, trườn, bò... khi cầm súng giả.
Kỳ huấn luyện kết thúc, trang phục và súng gỗ được trả lại cho tốp bạn đang đợi đến lượt.
Bạn nhỏ thích thú khi trải nghiệm công việc của nhân viên chuyển phát nhanh.
Áo blouse, mũ trắng, bác sĩ nhí trong gian hàng Bệnh viện Đa khoa đang được chỉ dẫn cách sơ cứu vết thương.
Cô bé thích thú với chiếc mặt nạ bằng giấy ngộ nghĩnh.
Một trong ba chú khủng long khổng lồ trong 'Công viên kỷ Jura' có thể cử động và phát ra âm thanh được trưng bày tại sảnh lớn của một trung tâm thương mại tại quận Cầu Giấy.
Theo VNE
Ảnh nhói lòng ngày Quốc tế thiếu nhi Một em nhỏ quần áo, thân thể lem luốc, đen thui, đối nghịch với hàng nghìn bạn quần áo tươm tất, sạch sẽ đang vui chơi trong khu du lịch Suối Tiên (TP HCM). Hình ảnh nhói lòng được phóng viên ghi lại trưa ngày 1/6 Vai vác, nách đeo là cảnh kiếm sống nặng nhọc hằng ngày của cậu bé đáng thương...