Tết rong ruổi của người nuôi ong mật
Lên Tây Nguyên đón hoa cà phê, trở lại miền Trung chờ hoa keo lá tràm rồi xuôi về đồng bằng săn hoa nhãn, hoa vải…, những người làm nghề nuôi ong mật rong ruổi khắp nơi. Họ hầu như chẳng bao giờ có Tết.
Những ngày giáp Tết, ven bãi sông Lam đoạn qua các xã Nam Tân, Nam Thượng, Nam Lộc của huyện Nam Đàn (Nghệ An) bạt ngàn hoa ngô. Dưới lán cây ven đường vào bãi là hàng nghìn tổ ong mật của những người nuôi ong du mục đang cắm chốt. Anh Nguyễn Đức Minh (30 tuổi) ở huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai vừa dõi theo đàn ong đi lấy hoa vừa say sưa kể chuyện về cuộc đời nuôi ong của mình.
Nghỉ học sớm, anh Minh đi làm công nhân cho công ty ong ở Tây Nguyên với nhiệm vụ là theo ôtô mang hàng nghìn tổ ong mật đi đến các cánh đồng hoa để chăm và lấy mật rồi nhập lại cho công ty. Một thời gian sau, anh Minh tự mua giống ong về làm riêng. Ban đầu anh mua được gần 100 tổ ong Iatlia, thuê xe đưa đến các vựa hoa để nuôi và lấy mật.
Dân nuôi ong du mục ví mình là những người đi tìm hoa, họ lúc nào cũng được sống trong không khí hoa cỏ mùa xuân. Ảnh: N.K.
Công việc của người nuôi ong như anh Minh thay đổi theo những mùa hoa, không khác gì dân du mục chạy theo đồng cỏ và hồ nước trên thảo nguyên. Khoảng tháng 3, khi cà phê nở trắng trời Tây Nguyên, họ đưa ong đến lập trại dưới rừng cà phê. Vài tháng sau, khi mùa hoa keo lá tràm ở các cánh rừng trên dãy Trường Sơn nở rộ, họ lại kéo nhau ra miền Trung. Hết hoa keo lá tràm, họ tiếp tục di chuyển ra vùng Hưng Yên, Bắc Giang để theo mùa hoa nhãn, hoa vải…
Là công nhân của Công ty mật ong Hưng Yên, khi công ty giải thể, tài sản không có gì nên những người như anh Mai Văn Nam được chia mấy tổ ong. Coi con ong là nghiệp, vợ chồng anh cần mẫn chăm sóc, thuê xe đưa ong đi rong ruổi khắp nơi. Sau khi chọn được vựa hoa ưng ý, những người nuôi ong sẽ dựng một chiếc lán, đặt mấy cái xoong bé xíu để nhóm cơm và bắt đầu những tháng ngày nếm mật, nằm gai cùng đàn ong.
“Gọi là lán cho oai chứ thực ra chỉ là chiếc bạt nhỏ xíu, che được một chiếc giường. Đời nuôi ong du mục chẳng khác nào người tiền sử, ngày đêm nằm một mình giữa rừng hoang, đêm không được bật đèn, ngày nấu ăn không được phả khói nhiều vì loài ong sợ ánh sáng, sợ khói. Cả năm hầu như chẳng biết đến chiếc tivi là gì”, anh Nam tâm sự.
Năm nay 18 tuổi nhưng chàng trai này đã có thâm niên 5 năm đi ong. Hiện cậu được bố mẹ giao cho tự quản lý đàn ong 100 tổ. Ảnh: N.K.
Nói về nghề nghiệp, người làm nghề nuôi ong tự ví mình là con ong thợ chăm chỉ. “Con ong có nhiệm vụ đi hút mật hoa, chúng tôi cũng như ong vậy, phải chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho nó. Ong có an toàn thì người mới sống được”, anh Nam chia sẻ.
Anh Nam kể, nghề nuôi ong lắm công phu. Đầu tiên, khi xác định được vựa hoa, họ phải thuê xe tải, gom toàn bộ thùng ong lên xe và chở đi. Quá trình chở phải nhanh chóng, không được gây ra chấn động lớn, phải cung cấp đủ thức ăn sẵn cho ong trong thùng. Nếu không may thùng ong vỡ coi như hỏng cả đàn.
Khi gặp được vùng hoa đẹp, nếu suôn sẻ, chỉ cần khoảng nửa tháng thợ nuôi ong sẽ có được thành quả là những bánh tổ chứa mật vàng ruộm. Rất nhanh chóng, họ phải huy động nhân công đến quay mật cả ngày lẫn đêm. Chiếc thùng sắt cao nửa người, lắp một lúc hàng chục bánh tổ được những người thợ quay cật lực để lấy mật. Việc quay mật cũng phải diễn ra mau lẹ, không thì đàn ong sợ bỏ đi mất.
Với đàn ong khoảng 200 tổ như của anh Nam, mỗi lần quay mật được khoảng 500 kg. Mật quay xong, người của các công ty ong sẽ đưa ôtô đến thu gom tận nơi với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg. Trung bình 2 tháng quay mật khoảng 3 lần. Nếu may mắn thì người nuôi ong có thu nhập cả mấy trăm triệu đồng một năm.
Video đang HOT
Lán trại tạm bợ của những người nuôi ong. Ảnh: N.K.
Tuy nhiên, không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ. Loài ong rất mẫn cảm với môi trường, nếu đen đủi gặp vựa hoa có thuốc trừ sâu, hoặc thuốc kích thích đậu quả, lập tức ong sẽ chết như ngả rạ. Lúc đó, nếu người thợ không kịp di chuyển thì coi như phải làm lại từ đầu. “Nhìn hoa, canh thời tiết” là nhiệm vụ quan trọng nhất của những người nuôi ong. Nếu gặp trời quá nóng, đàn ong sẽ bỏ đi, nếu quá lạnh ong sẽ tự ăn mật của mình rồi chết dần. Ngoài ra, thợ ong cũng phải canh chừng ấu trùng, loài ong lạ hoặc những con vật thích ăn ong thợ như cóc, thằn lằn, tắc kè, rắn mối…
“Nghề ong lúc lên voi, khi xuống chó là chuyện bình thường. Nếu trời thương, ong thương thì chỉ dăm năm là có tiền tỷ trong tay. Nhưng nếu vận không đến thì chỉ vài tháng cũng có thể trắng tay”, anh Nguyễn Đình Nam, một thợ ong đến từ tỉnh Hưng Yên tâm sự.
Nói về Tết, những người nuôi ong chỉ cười mỉm rồi thở dài. Quanh năm vắng nhà, đến Tết họ cũng không được về quê. Bởi theo anh Nam “nếu về thì phải đưa đàn ong theo, không có hoa, ong chết thì người cũng chết chứ nói gì đến chuyện Tết nhất”.
Ngày phải chăm nom đàn ong, đến gần tối mịt, thợ ong mới được nhóm lửa nấu nướng nhưng phải hạn chế khói đến mức tối đa. Ảnh: N.K.
20 năm sống chết với đàn ong mật, vợ chồng anh Nam – chị Bảy thi thoảng mới về nhà thăm con. Sau mỗi lần quay mật, hai vợ chồng ghé về nhà gửi ít tiền cho ông bà chăm sóc con rồi lại đi biền biệt. Vì thương và hiểu cho công việc của bố mẹ nên các con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi.
Anh Nam cho biết, nhiều gia đình đã phải bỏ nghề nuôi ong vì phải đi nhiều, không có điều kiện và thời gian chăm sóc con cái. Một số hộ phải cho con đi theo đàn ong và xác định cho con theo nghề vì không có thời gian đi học. Một số người biết tin bố mẹ, người thân ốm thập tử nhất sinh mà không thể về kịp để gặp mặt trước khi họ qua đời…
“Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng, còn nuôi ong thì cũng không thể đứng hay nằm mà suốt ngày rong ruổi theo dấu những vựa hoa. Dù không có Tết nhưng với những thợ ong như chúng tôi thì ngày nào cũng là mùa xuân bởi nghề của chúng tôi là đưa ong đi tìm hoa, nơi nào có hoa, nơi ấy có mùa xuân”, chị Đồng Thị Bảy nhoẻn miệng cười nói.
Tết Quý Tỵ này, vợ chồng chị Bảy cùng đàn ong sẽ theo ôtô vào vùng rừng núi Nam Trung Bộ để săn hoa keo lá tràm sắp nở.
Theo dantri
Ba cái Tết Việt của chàng 'xe ôm Tây'
Adrian (Adi) - chàng trai tốt nghiệp ngành Ngữ văn Việt - Thái Trường ĐH Tổng hợp Adam Mickiewicz (Ba Lan), anh "xe ôm Tây" đẹp trai từng làm sốt cộng đồng mạng gần một năm trước - chia sẻ những trải nghiệm thú vị về Tết Nguyên đán ở Việt Nam.
Với Đà Lạt thơ mộng
Đã gần một năm trôi qua kể từ khi Adi "nổi tiếng" với bức ảnh ngồi bên xe máy kèm dòng chữ "xe ôm Tây phục vụ". Nhắc lại chuyện cũ, Adi hóm hỉnh cho biết lúc đó muốn giải thích cho mọi người là mình không phải xe ôm xịn, nhưng vì tính chất công việc nên không giải thích được.
Adi trong một chuyến đi đến Bắc Hà (Lào Cai).
Sang Việt Nam từ cuối năm 2009 và trở về Ba Lan giữa năm 2010, chàng trai tốt nghiệp ngành Ngữ văn Việt - Thái Trường ĐH Tổng hợp Adam Mickiewicz, thành phố Poznan (Ba Lan) Adi quyết định quay lại Việt Nam cuối năm 2012.
"Tôi quay lại Việt Nam bởi nơi đây con người thân thiện, cuộc sống thoải mái, khí hậu dễ chịu...", Adi nói. Theo Adi, tuy sinh ra và lớn lên ở Ba Lan, nhưng Việt Nam mới thực sự là nơi để Adi gắn bó lâu dài và phát triển sự nghiệp.
Đã trải qua hai lần đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam, Adi cho hay cả hai lần đó đều lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ đối với anh. Năm đầu tiên đón tết (2010) là sự trùng hợp thú vị khi sinh nhật Adi đúng đêm giao thừa (Adi sinh vào 13-2 dương lịch, 30 tết năm 2010).
Thay vì ở lại Hà Nội đón tết, Adi và nhóm bạn ở ĐH Hà Nội rủ nhau đi du lịch. Điểm dừng cuối cùng là thành phố thơ mộng Đà Lạt và cũng là nơi cả nhóm đón giao thừa.
Adi nói, anh có một kỷ niệm vui và đẹp vào đêm giao thừa. "Xem bắn pháo hoa xong, mình và bạn bè đi dạo ngắm phố phường Đà Lạt. Mọi người đi qua ai cũng nhìn mình và nói: "À, Tây. Chúc mừng năm mới". Mình cũng chúc lại. Một số người reo lên: "A, biết tiếng Việt à, chúc mừng năm mới".
Dù là kỷ niệm của ba năm về trước nhưng anh chàng đến từ xứ sở bạch dương vẫn nhớ rất rõ có ít nhất có 13 gia đình đi qua, ai cũng bắt tay thân thiện và nói chúc mừng năm mới. "Con người Việt Nam thật thân thiện và mến khách, đó là kỷ niệm Adi nhớ nhất khi đón Tết ở Việt Nam", Adi nói.
Xông đất giao thừa
Tết năm ngoái, Adi ở lại Hà Nội vì có cô bạn mời. Theo Adi, Phước (tên cô bạn) quê ở miền Trung nhưng sống ở TPHCM và ra Hà Nội (2011) mở một quán cà phê rất lớn ở Hoàng Quốc Việt. Không về quê mà ở lại Hà Nội đón Tết nên Phước mời Adi và một số bạn nữa về nhà chơi.
Adi kể: "Đêm giao thừa chúng mình tụ tập tại nhà Phước, cùng nhau ăn thịt gà, bánh chưng. Sau đó, đi xem pháo hoa ở bờ Hồ rồi về nhà Phước ăn uống, nói chuyện".
Chợt mỉm cười, Adi "khoe" mình là người xông nhà cho Phước. "Phước hỏi Adi sinh năm bao nhiêu, Adi bảo sinh năm 1988. Sau đó Phước hỏi các bạn còn lại sinh năm bao nhiêu. Xong Phước bảo Adi hợp tuổi nên vào nhà đầu tiên, các bạn khác lần lượt vào sau", Adi nhớ lại.
Khi được hỏi Adi có biết phong tục xông đất đầu năm của người Việt. Nếu người xông đất hợp tuổi gia chủ thì gia đình đó sẽ được một năm nhiều may mắn, làm ăn phát đạt còn ngược lại không hợp tuổi sẽ gặp những điều không may, làm ăn thua lỗ. Adi cười bảo có biết điều đó và nói: "Cuối cùng, cô bạn đó cũng quay lại TPHCM. Đơn giản là cô ấy thích sống ở TPHCM".
"Sợ" một tuần trước tết
Theo chàng trai đến từ Ba Lan, Tết ở Việt Nam và Ba Lan có điểm chung là mọi người quây quần bên gia đình, cùng chúc nhau những điều tốt lành. Adi cho hay, anh sợ một tuần trước Tết ở Việt Nam khi xe cộ nhiều hơn người đi mua sắm tấp nập hơn.
"Vào siêu thị lớn, mọi người đi mua sắm cứ chen lấn, xô đẩy nhau để giành quyền đi trước, mua hàng ở siêu thị phải đợi đến cả tiếng đồng hồ mới đến lượt thanh toán", Adi nói.
Cũng theo Adi, nhiều người Việt Nam hiểu chưa đúng tết Tây và Giáng sinh. Tết Tây không mấy đặc biệt, đêm 31 - 12, rạng sáng 1-1, mọi người quây quần và cùng nhau nâng ly, nhảy nhót và ngắm pháo hoa. "Không khí Giáng sinh ở Ba Lan và châu Âu nói chung mới giống không khí Tết Nguyên đán ở Việt Nam", Adi cho hay.
Vào dịp Giáng sinh, tất cả con cái đều về đoàn tụ với bố mẹ. Người dân được nghỉ ba ngày 24, 25, 26. Một tuần trước Giáng sinh, cả gia đình cùng chuẩn bị cây thông Noel (cây thật).
Tối 24, cả gia đình quây quần bên nhau, có một loại bánh mỏng làm từ bột mỳ và nước được cho vào lò, mỗi thành viên trong gia đình lấy một miếng nhỏ để ăn rồi đưa cho những thành viên tiếp theo, kèm theo ba nụ hôn và những lời chúc tốt lành trong năm mới.
Adi cho biết, bữa ăn vào lễ Giáng sinh ở Ba Lan phải có đủ 12 món (chủ yếu là các món ăn chay, không có thịt). Trong khi bố mẹ chuẩn bị bữa tối thì trẻ con sẽ chăm chú quan sát trên bầu trời.
Tầm 18h, khi ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời, cả gia đình mới bắt đầu dùng bữa tối. Adi giải thích, khi đức Chúa sinh ra có một ngôi sao trên trời xuất hiện. Theo quan niệm của người Ba Lan, ngôi sao đầu tiên thể hiện một sinh linh mới được sinh ra, những điều may mắn mới sẽ đến.
Sau khi dùng xong bữa tối, khoảng 22h người dân Ba Lan sẽ đến nhà thờ và làm lễ trong vòng hai tiếng.
Khi được hỏi về những thứ thường có trong ngày tết của người Việt, Adi tỏ ra khá sành sỏi cho biết: bánh chưng, hoa đào (miền Bắc), hoa mai (miền Nam)...
Tết tại nhà "em yêu tương lai"
Tết Quý Tỵ năm nay, Adi đón Tết ở nhà "em yêu tương lai" để biết nhiều hơn phong tục đón tết truyền thống. "Em yêu tương lai" của Adi là một cô gái ở "Hà Nội 2" (Hà Tây cũ), theo cách nói hài hước của Adi.
Chàng Tây đẹp trai cho hay đã theo đuổi cô gái một năm và về thăm nhà cô gái một lần, được đón tiếp nồng hậu. "Ngay từ lần đầu gặp cô ấy, mình đã xác định cô ấy chính là một nửa còn lại của mình. Mình sẽ vẫn theo đuổi đến khi nào cô ấy đồng ý làm bạn gái mình", Adi chia sẻ.
Anh chàng dí dỏm này còn hào hứng cho biết năm nay sẽ được trải nghiệm phong tục lì xì cho trẻ em khi về đón Tết tại quê cô gái.
Băn khoăn không biết mua quà tết ra sao cho gia đình cô gái kia, Adi còn nhờ tôi (tác giả) tư vấn trong khoản này. Tôi vui vẻ "bật mí" cho Adi có thể mua một giỏ quà tết bao gồm bánh kẹo, mứt tết, rượu vang, chè... hoặc cây đào, cây quất là những thứ cần thiết trong ngày Tết của người Việt.
Adi là gương mặt quen thuộc trong các chương trình truyền hình thực tế: Một ngày làm người Việt (VTC10) S - Việt Nam, Hương vị hè phố (VTV3) Camera giấu kín (AVG & ANTV). Sắp tới, Adi sẽ vào TP HCM làm việc tại công ty Riva Production Việt Nam (chuyên sản xuất phim truyện, phim truyền hình cho các kênh VTV, VTC, HTV...).
Theo 24h
Tết nơi miền Tây miệt vườn Tết đến gõ cửa từng nhà, không khí vui xuân, đón Tết nơi miền quê sông nước miền Tây Nam Bộ thật rộn ràng, đầm ấm... Bắt đầu từ mùng 10 tháng chạp âm lịch trở đi là những ngày bà con ở miền Tây miệt vườn bận rộn. Mặc dù là chợ quê, vùng nông thôn sâu, đa số là nông dân...