Tết oải vì bị ‘hành xác’
Một nách hai con, đứa 3 tuổi, đứa mới 5 tháng, nhưng suốt 3 hôm Tết, chị Hậu (Phúc Thọ, Hà Nội) phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị hai mâm cỗ cúng rồi sau đó lại tất bất dọn dẹp rồi tiếp tục chuẩn bị bữa trưa.
“Từ lúc biết Tết này được nghỉ dài ngày mình đã thấy não lòng. Đến hôm nay thì thật sự oải lắm rồi, chỉ mong được đi làm ngay thôi”, cô giáo mầm non này chia sẻ.
Chị cho biết, chồng là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em, lại quê ở vùng còn mang nặng tư tưởng phong kiến nên Tết đối với nàng dâu như chị chỉ là nghĩa vụ mệt mỏi. Suốt 3 ngày Tết, sáng nào chị cũng phải dậy sớm một mình làm đủ hai mâm cỗ cúng, giao lại hai con gái cho bà nội sang ngủ cùng.
Ngày mùng 1 Tết, như luật bất thành văn, cả gia đình chị không ai rời khỏi nhà, tập trung ăn bữa sáng cùng nhau xong là sấp ngửa chuẩn bị bữa chiều để các chị gái, anh rể cùng các cháu tới chúc Tết, liên hoan. Ngày mùng 2, vợ chồng chị cùng cô con gái lớn đi xe máy hơn chục cây số tới nhà ngoại chúc Tết, rồi chị lại nhanh chóng về cho con bú, chuẩn bị bữa cơm chiều. “Nhưng đáng sợ nhất vẫn là mùng 3, vì bố chồng là con trưởng nên hôm đó các cô, chú ở xa tụ tập về đông đủ, và lại điệp khúc nấu, ăn, dọn…”, chị Hậu ngao ngán.
Nhiều người vật vờ chờ xe về quê dịp Tết. Ảnh: Bá Đô.
Cả hai con đều còn nhỏ, nhưng dù ở nhà, chị cũng chẳng có nhiều thời gian chăm sóc chúng, trong khi chồng chị chẳng giúp được việc gì vì “bận” chúc Tết, ăn nhậu hết nhà này tới nhà khác.
“Còn hôm mùng 7 lễ tạ nữa là “thoát xác”. Từ ngày đi lấy chồng, mình sợ Tết”, chị Hậu nói.
Không phải tất bật lo chuẩn bị cơm nước, phục vụ nhà chồng như chị Hậu nhưng chị Thuận (Hải Phòng) cũng thở phào khi vừa trở về Hà Nội sau chuyến “chạy sô” Tết hết quê chồng tới quê vợ.
Nhà chồng ở Hà Tĩnh, ngay từ 28 âm, khi vừa tan làm buổi cuối, vợ chồng chị và cô con gái vừa tròn một tuổi phải bắt xe vượt hơn 400km về quê. Vốn say xe, quãng đường xa cộng với tâm lý không mấy thoải mái khiến chị Thuận nôn dọc đường, người mệt phờ. Dù vậy, vừa đặt chân tới nhà, chỉ kịp ngồi nghỉ vài phút, chị lại phải làm mặt tươi tỉnh đáp lễ, mời nước, phát quà khi anh chị em chồng, hàng xóm tới chơi, thăm hỏi. Sau đó, chị cũng phải thực hiện vai trò dâu đảm: rửa lá, gói bánh, giã giò… cùng mẹ chồng.
“Thực ra mình cũng chỉ lăng xăng bên cạnh chứ chẳng phải làm gì nhiều, nhưng vẫn thấy mệt. Sợ nhất là về quê điều kiện sơ sài, trời rét như cắt mà nhà thì thông thốc gió, nước thì lạnh ngắt mà suốt ngày hết rửa rau tới rửa bát, giặt đồ…”, chị Thuận kể.
Sau 3 ngày ở tất bật đi thăm hỏi anh em họ hàng nhà chồng, gia đình nhỏ của chị lại đón xe về nhà vợ ở Hải Phòng. Điệp khúc ăn uống, đi chúc Tết họ hàng gần xa tiếp tục lặp lại.
Video đang HOT
“Chiều tối qua về tới nhà ở Hà Nội, dù mệt nhưng mình thấy nhẹ cả người. Nhưng khổn nỗi là con bé con sau khi bị “khuân” đi khắp nơi thì quay ra ốm rồi. Mình quyết sang năm phải làm cuộc “cách mạng” chứ cứ thế này thì chống sao nổi. Mỗi lần đi đi lại lại như vậy vừa ốm người, mà vừa tốn kém lắm, không những tiền tàu xe, còn quà cáp, tiết kiệm bao giờ cho lại”, chị Thuận bộc bạch.
Chị Hòa (Tây Hồ, Hà Nội) lại sợ Tết vì một lý do khác. Nhà chuyên mổ và bán thịt gia cầm ở chợ, ngày thường, chồng chị rất chăm chỉ phụ vợ, nhưng cứ dịp nghỉ Tết là anh theo bạn bè tụ tập đánh bạc, có năm còn phải cắm cả xe máy. Năm nay, tình trạng lại tái diễn.
“Đã biết trước như thế nhưng chẳng làm sao ngăn nổi. Vợ nói nhẹ có, dọa dẫm có, nhưng cứ bạn bè rủ là chồng lỏn đi lúc nào không biết. Hôm tiệc tất niên, mình phải nhờ chú em chồng gạ cho anh ấy uống say nằm nhà để khỏi đi đâu, nhưng cuối cùng vẫn mất tăm, cả người cả tiền”, chị Hòa kể.
Chị Hòa còn ngán Tết vì cứ dịp này chồng thì bỏ đi chơi, người giúp việc đã về quê, chị xoay như chong chóng với 3 đứa con nhỏ. Ngày thường, cháu lớn đi học, hai em nhỏ tới mẫu giáo, bố đảm trách việc đưa đón, mẹ chỉ cần tắm, cho ăn. Ngày Tết, 3 đứa được nghỉ lúc thì đùa nghịch, khi lại trêu, đánh nhau ầm ĩ, nếp ăn, nếp ngủ cũng lung tung.
“Mình chỉ mong nhanh đến ngày bọn trẻ đi học, nhịp buôn bán trở lại bình thường, sinh hoạt gia đình về nếp cũ, nếu không stress đến phát điên mất”, chị bộc bạch.
Theo VNExpress
Người dân đón chào năm Nhâm Thìn
0h ngày 23/1, hàng nghìn người dân TP HCM vây lấy màn hình đếm ngược thời gian trên đường hoa Nguyễn Huệ, hò reo "Happy new year". Tại Hà Nội, bất chấp mưa rét dòng người vẫn đổ về hồ Hoàn Kiếm chờ đón những màn pháo hoa rực rỡ.
Chương trình Chào xuân diễn ra tại Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hà Anh.
21h Hà Nội mưa phùn, thời tiết giá lạnh nhưng người dân vẫn đổ ra đường. Các tuyến phố rực rỡ ánh đèn, hồ Hoàn Kiếm lung linh trong màn sương mờ ảo.
Tối nay, đôi bạn trẻ Quang Huy - Hải Phương đã bắt xe buýt từ huyện ngoại thành đến hồ Hoàn Kiếm. Bữa ăn tất niên họ cũng chọn ngay trên phố cổ. "Chúng em yêu nhau đã 3 năm, giao thừa năm nay sẽ đầy ý nghĩa trước khi chúng em về ở chung một mái nhà...", Phương e ấp khoe.
Đứng ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (kề bên hồ Hoàn Kiếm) chị Hoàng Thị Phương cho biết, mặc dù thời tiết khá lạnh nhưng con trai hơn 3 tuổi đòi mẹ đến hồ Hoàn Kiếm xem pháo hoa. Trong chiếc áo mưa dày, cậu bé cười tươi rói, còn chị Phương hy vọng năm Rồng không chỉ gia đình chị làm ăn phát đạt, mà kinh tế đất nước cũng ổn định.
Nhiều bạn trẻ háo hức kéo về hồ Hoàn Kiếm để xem pháo hoa. Ảnh: Hà Anh.
Hòa chung không khí giao thừa, nhiều du khách ngoại quốc cũng đổ đến hồ Hoàn Kiếm. Marcel (35 tuổi) và Steven (34 tuổi) từ Hà Lan lần đầu đến Việt Nam. "Tôi không biết nhiều về Tết của người Việt nhưng nhìn gương mặt háo hức và vui vẻ của mọi người chúng tôi cũng thấy hạnh phúc...", Steven nói.
Bên lá cờ Việt Nam, vị khách ngoại quốc 34 cho biết thêm, đêm giao thừa anh sẽ chụp thật nhiều ảnh để khoe với bạn bè trong nước. Sau khi ở Hà Nội, anh và bạn sẽ tiếp tục đến TP HCM.
Để người dân có cơ hội trực tiếp ngắm những màn pháo hoa sống động, năm nay 29 quận, huyện và thị xã ở Hà Nội đều tổ chức bắn, trong đó có 4 điểm bắn ở tầm cao là hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất, vườn hoa Nguyễn Hoàng Tôn và hồ Văn Quán.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Phúc, Ban chỉ huy quân sự quận Hoàn Kiếm cho biết, riêng hai điểm bắn ở hồ Hoàn Kiếm có đến 1.000 quả, bắn trong 15 phút. "Tôi đã làm nhiệm vụ hơn chục năm rồi. Giao thừa nào cũng phải 2-3h sáng mới về đơn vị", thiếu tá Phúc nói.
24h những chùm pháo hoa lộng lẫy được bắn lên bầu trời, trong tiếng reo hò trầm trồ. Tiễn năm Tân Mão, người dân cùng cầu mong những điều tốt đẹp trong năm Nhâm Thìn.
Đêm giao thừa, người nước ngoài cũng háo hức với phong tục mua muối đầu năm của người Việt. Ảnh: Hà Anh.
Tại TP HCM, càng gần đến giây phút chuyển giao sang năm mới, dòng người đổ về trung tâm thành phố càng đông. Mặc dù di chuyển khó khăn nhưng gương mặt ai cũng rạng rỡ, tươi vui. Trên đường Lý Tự Trọng (quận 1), một cú va chạm xe máy khiến những người ngồi trên xe ngã nhào, nhưng họ vui vẻ, tươi cười bắt tay bỏ qua.
Trên cửa đường hầm sông Sài Gòn (quận 2), đôi vợ chồng mới cưới Lâm - Nhã tay trong tay dạo bước. Năm Nhâm Thìn vợ chồng anh chị hy vọng sẽ sinh được quý tử. "Người Việt Nam thường quan niệm sinh vào năm rồng, nhất là năm Nhâm Thìn sẽ vất vả nhưng thành đạt. Điều ước đầu tiên đêm giao thừa của vợ chồng tôi sẽ là sinh được một đứa con khỏe mạnh. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng mình sẽ cố dạy dỗ con", chị Nhã vui vẻ nói.
Thanh thủ ra ngắm phố trước giờ diễn, nghệ sĩ trẻ Quế Trân (32 tuổi, đại biểu HĐND TP HCM) mong muốn năm sau sẽ lắng nghe thật nhiều tâm tư nguyện vọng của người dân để phản ánh lên các cuộc họp của HĐND thành phố. Riêng về công việc, Quế Trân cũng mong muốn đưa cải lương đến với các trường đại học, các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu vùng xa...
Trong năm rồng, nghệ sĩ Quế Trân cũng mong muốn sẽ có bước tiến dài trong việc xây dựng gia đình. "Năm con rồng là một năm may mắn, ai cũng muốn được làm những điều lớn lao. Tôi mong sẽ có những tín hiệu tốt đẹp hơn trong tình yêu", "bà hội đồng" vui vẻ nói.
Càng gần đến giờ khắc thiêng liêng, Sài Gòn càng đẹp và lộng lẫy hơn bởi những ánh đèn lung linh huyền ảo tỏa ra từ những con phố, tòa nhà... "Mỗi năm Sài Gòn đều có những ý tưởng khác nhau để trang hoàng cho thành phố đón chào năm mới. Không chỉ là đầu tàu của cả nước về kinh tế, Sài Gòn còn đẹp vì ý thức của người dân, tôn trọng vả bảo quản những trang trí như thế này. Tôi yêu Sài Gòn lắm", bạn Phạm Dũng chia sẻ.
Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay quy tụ hàng ngàn loại hoa quý đủ màu sắc sặc sỡ và là nét đặc trưng của tết Sài Gòn. Với chủ đề "Việt Nam - quê hương tôi", đường hoa chuyển tải nét đẹp của vùng quê 3 miền Bắc - Trung - Nam và biển đảo Việt Nam.
Những em bé thích thú khi được bố mẹ đưa đi đón giao thừa. Ảnh: Tá Lâm.
24h, hàng ngàn người vây lấy màn hình lớn cùng nhau đếm ngược những giây cuối cùng của năm cũ. "Happy new year", tiếng pháo hoa nổ vang trời kết thành nhiều hình dạng và màu sắc lung linh, rực rỡ. Mọi người cùng nhau tay trong tay cười tươi.
Trong giờ phút giao thời, ông Đặng Văn Khoa (nguyên đại biểu HĐND TP HCM) mong ước, năm Nhâm Thìn, TP HCM sẽ có những bước tiến dài. Những người đứng đầu thành phố cần phải có những chủ trương quyết liệt để làm cho thành phố phát triển bền vững.
Tại vùng cực Nam Tổ quốc, từ chập tối, ông Trần Văn Liêm ngụ xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn (Cà Mau) đi xe máy chở vợ với cháu ngoại ra TP Cà Mau mua bánh mứt, xem bắn pháo hoa.
"Đã 63 tuổi nhưng vợ chồng tôi chưa từng được xem bắn pháo hoa. Năm nay nhà tôi trúng mùa tôm sú nên sửa nhà, tậu được xe máy. Nhờ vậy mà Tết này có điều kiện chở vợ với cháu nội ra TP Cà Mau chơi trong đêm giao thừa", ông Liêm thích thú.
Anh Đặng Lợi, chủ doanh nghiệp sản xuất bột cá ở Sông Đốc cho biết khi được chính quyền địa phương vận động góp tiền bắn pháo hoa, anh đồng ý góp 10 triệu đồng để cùng với hàng trăm doanh nghiệp trong huyện góp phần làm cho đêm giao thừa ở Trần Văn Thời được "hoành tráng" với 15 phút pháo hoa.
Tại cửa biển Khánh Hội (U Minh, Cà Mau) đêm giao thừa tàu thuyền về bến tấp nập để ngư dân sum họp gia đình, mừng năm mới. Ông Bảy Sơn ở cửa biển Khánh Hội cho biết năm qua giá cá biển tăng nhẹ, giá xăng dầu không dao động mạnh nên đa phần ngư dân "dễ thở". Ông mong rằng, năm Nhâm Thìn, cuộc sống của ngư dân sẽ tiếp tục được cải thiện.
Theo VNEXpress
Vụ cha đẻ đánh đập, bắt con ăn phân: Ác nhân chưa bị xử lý Người cha vô nhân tính mới bị bắt chưa đầy một tháng đã được thả về. Nhiều người lo lắng liệu người cha này có bị xử lý hay không và số phận của các cháu sẽ ra sao? Căn nhà nhỏ của bà ngoại - nơi hai chị em Như và Phạm đang tá túc. Ảnh: PT Công an xã không biết...