Tết ở làng du lịch tốt nhất thế giới
Hiếm có làng quê nào ở Việt Nam chịu nhiều ‘tổn thương’ lại đổi đời ngoạn mục như Tân Hóa.
Tân Hóa ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là 1 trong 260 ngôi làng được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là “ Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2023 nhờ vào việc giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống.
Du lịch giữa vùng rốn lũ
Làng nằm trong thung lũng, được bao bọc bởi núi đá. Mùa lũ hằng năm, nước dòng sông Rào Nan ào ào đổ về như thác dữ. Nước dâng cao, biến Tân Hóa thành một cái túi đựng nước. Người dân chỉ kịp mang theo vài vật dụng rồi tháo chạy lên những lèn đá trú ẩn. Khi trở về, nhà cửa ngập ngụa trong bùn đất, cơ ngơi của họ dường như mất trắng. Trận lũ lịch sử năm 2010, mực nước dâng cao tới 12 m đã nhấn chìm toàn bộ làng và cũng từ đó, Tân Hóa được mệnh danh là “vùng rốn lũ”.
Tour du lịch khám phá hang động Tú Làn.
Năm 2011, nghĩ cách sống chung với lũ, người dân đã kết khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng lại, cố định thông qua 4 cọc ở 4 góc thành nhà phao. Mùa lũ đến, nhà phao nổi lên theo nước, người dân vẫn sinh hoạt bình thường cùng mưa lũ.
Ngôi nhà phao của ông Trương Xuân Dương (60 tuổi, thôn 1 – Yên Thọ) và các hộ dân khác ở Tân Hóa hiện không chỉ là nhà chống lũ mà đã được cải hoán thành một phòng homestay cho khách du lịch thuê với đầy đủ tiện nghi, thích ứng với mọi hoàn cảnh thời tiết. Khách du lịch hòa mình vào cuộc sống của người dân trải nghiệm du lịch mùa mưa lũ. Từ đó, mỗi hộ dân có thêm từ 7-10 triệu đồng/tháng nhờ vào việc đón khách và cung ứng dịch vụ ăn nghỉ. Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, nói đến thời điểm này, toàn xã có gần 620 nhà phao, bảo đảm 100% các hộ dân có thể thích ứng, an toàn và sống chung với lũ. Người Tân Hóa tự hào có rừng, có hang động đẹp và nổi tiếng. Ở đây cũng có nét văn hóa bản địa của người Nguồn với những làn điệu dân ca hò thuốc cá: “Trông chi cho đến mùa bồi, có con ốc đực nó ngồi trên mâm”, “Trời mưa nước chảy quanh hồi/Anh không lấy vớ (vợ) ai đâm bồi anh ăn”.
Cảnh sắc tuyệt đẹp, ẩm thực độc đáo
Làng Tân Hóa có hơn 3.300 người, tập trung chủ yếu là người Nguồn với ngôn ngữ cùng các nét sinh hoạt văn hóa độc đáo.
Nhà phao ở Tân Hóa trở thành những homestay độc đáo.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Tân Hóa cảnh sắc có một không hai, gồm hệ thống hang động ẩn sâu trong cánh rừng. Nhiều hang động đẹp với khối thạch nhũ vô cùng tráng lệ như: Tú Làn, hang Tiên, hang Chuột, Hung Ton… đã xuất hiện trên các tạp chí du lịch thế giới Lonely Planet, CNN Travel. Khu rừng lim, cảnh làng mạc bình yên bên những con trâu cúi mình gặm cỏ, những cánh đồng ngô xanh thẳm hay dãy đá vôi trùng điệp đã trở thành địa điểm quay nhiều bộ phim, nổi bật là phim bom tấn Hollywood “Kong: Skull Island”.
Những ngày cận Tết, người dân Tân Hóa hối hả chuẩn bị các món ngon truyền thống của địa phương để phục vụ khách du lịch. Trong đó, cơm bồi và mắm thính là món ăn đặc sản không thể thiếu trong dịp Tết, các lễ hội và những khi đãi khách quý.
Video đang HOT
Cảnh làng quê Tân Hóa.
Nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi là hạt bắp, lúa và có thêm cả sắn trộn lẫn với nhau. Người dân sau khi ngâm hạt vào nước sôi khoảng 2-3 giờ rồi vớt ra bỏ vào cối giã thành bột. Sau đó, họ bỏ bột vào bếp lửa để nấu khoảng 1 giờ. Khi cơm bồi chín, đưa xuống bỏ vào khuôn đóng thành từng miếng để ăn. Món bồi này được bà con dùng ăn với món ốc đực bắt ở suối và cá rừng cùng canh khoai lang.
Mắm thính của người Tân Hóa lấy từ nguồn nguyên liệu là các loài cá khe, sông suối như: cá chép, cá trắm, cá rô… Bà Trần Thị Hoa (52 tuổi) có thâm niên làm mắm thính từ 30 năm nay tiết lộ bà đã chuẩn bị nguyên liệu để làm hàng trăm miếng cơm bồi cùng nhiều hũ mắm thính phục vụ du khách. “Qua bao đời đúc kết, với những “bí quyết” được trao truyền của ông cha để lại, chúng tôi đã làm ra món mắm thính từ cá nước ngọt thơm ngon, đậm đà mà ai đã từng một lần được thưởng thức thì nhớ mãi không quên. Tết này, tôi dự định sẽ làm 100 hũ mắm thính để phục vụ du khách. Họ có thể mua làm quà biếu tặng, để ăn với cơm vào những ngày trời lạnh” – bà Hoa cho biết.
Khám phá rừng lim ở Tân Hóa.
Trải qua bao thăng trầm, món cơm bồi và mắm thính của người Tân Hóa ngày nay vẫn vẹn nguyên hương vị truyền thống riêng có. Không chỉ những ngày mưa lũ, trong mâm cơm sum họp gia đình những ngày lễ, Tết, giỗ, chạp… của người Tân Hóa bao giờ cũng có món cơm bồi, mắm thính để tỏ lòng hiếu kính với ông bà, tổ tiên.
Công ty Chua Me Đất (Oxalis) là đơn vị đặt nền móng cho du lịch Tân Hóa vào năm 2010 và đang cùng tỉnh Quảng Bình xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hóa. Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis, các tour du lịch hấp dẫn này đã giúp Tân Hóa đón hơn 10.000 khách du lịch trong 10 tháng đầu năm 2023. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Tân Hóa sẽ lên kế hoạch phối hợp với Công ty Oxalis tổ chức các tour tham quan dịp Tết. Ngoài những địa điểm làng quê, hang động đẹp thì đẩy mạnh chế biến các món ẩm thực văn hóa địa phương phục vụ du khách khi về Tân Hóa “ăn” Tết. Ngoài 2 món chủ đạo như đã nêu trên, sẽ có nhiều món ăn khác mang hương vị núi rừng như: mật ong, cá khe, ốc khe, rau rừng, khoai mài… kỳ vọng sẽ hấp dẫn du khách dịp Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho hay sẽ từng bước xây dựng làng du lịch Tân Hóa thành mô hình du lịch thích ứng thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc tạo lập các sản phẩm du lịch thích ứng với các điều kiện thời tiết thì đây cũng là mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Doanh nghiệp hỗ trợ tiếp thị, kinh doanh trong khi cộng đồng tạo thêm giá trị bền vững để cùng nhau phát triển, từng bước hoàn thiện và đa dạng hóa các dịch vụ tại Tân Hóa nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Mãnh hổ giữ rừng lim.
Ông Trương Xuân Đô (72 tuổi) được ví như “mãnh hổ” giữ rừng lim. Dù chẳng ai trả bất cứ đồng lương nào để giữ rừng lim nhưng ông tình nguyện bảo vệ rừng lim bằng mọi giá. Nhờ vậy, cánh rừng lim phía sau nhà ông vẫn nguyên vẹn gỗ quý và trở thành một tour du lịch mang tên “Khám phá rừng lim – Ngôi nhà của Kong” bằng xe địa hình 4 bánh. Đây là tour du lịch hấp dẫn nhiều du khách đến với Tân Hóa.
Rong chơi ở làng du lịch tốt nhất thế giới
Xuân về, rong chơi ở Tân Hóa, chúng tôi không chỉ chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, con người thân thiện, niềm nở mà còn trải nghiệm các hoạt động lưu trú thích ứng thời tiết.
Xuân về ở làng du lịch Tân Hóa. Ảnh: Hoàng Trung.
Từ một làng quê quanh năm đối diện với nghèo khó, mưa lũ, chật vật mưu sinh dưới những lèn núi đá vôi, tháng 10/2023, làng Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là Làng du lịch tốt nhất thế giới.
Nghĩa tình với vùng "rốn lũ"
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong nhớ lại, 30 năm trước, ông đã đến vùng đất Tân Hóa xa xôi hẻo lánh, một thung lũng bao bọc giữa bốn bề núi đá trùng điệp. Nơi người dân gắn bó với thiên thiên, sống nhờ những bãi bồi ở hai bờ hạ nguồn Rào Nan và khai thác sản vật từ những cánh rừng.
Vùng đất vào mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn ào ạt đổ về gây ngập lụt. Bởi lối thoát nước duy nhất chính là những hang động ở cuối thung lũng không đủ lớn để nước lũ thoát đi nhanh chóng. Chính vì vậy cứ vào khoảng thời gian từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 hằng năm, khi có những trận mưa lớn thì đa số người dân Tân Hóa dìu dắt nhau lên vách núi sống qua ngày chờ lũ rút.
Ông Hồ An Phong chia sẻ, để giúp người dân Tân Hóa vơi bớt nỗi lo chạy lũ, từng có đề xuất dùng một lượng chất nổ đủ lớn phá vỡ hang Chuột để thoát nước cho làng quê này. Nhưng thật may phương án này không được các cấp lãnh đạo đồng ý. Ngay cả đề xuất di dời toàn bộ dân làng Tân Hóa ở vùng trũng đi nơi khác cũng không thể thực hiện được vì bà con đã sinh sống ở ngôi làng của mình hàng trăm năm nên không nỡ di dời đến nơi khác.
Trong cái khó ló cái khôn, ngay sau trận lũ lịch sử năm 2010, người dân Tân Hóa đã có sáng kiến làm nhà nổi (hay còn gọi là nhà phao) để sống chung với lũ. Những ngôi nhà nổi được làm từ 20 - 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại, có mái lợp, xung quanh có ván che khi nước lũ dâng cao, nhà nổi theo con nước...
Cuộc sống khó khăn nên buổi ban đầu số lượng nhà nổi được xây dựng nơi "rốn lũ" rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, Tân Hóa cũng là địa chỉ của những tấm lòng cảm thông, chia sẻ với trăn trở "làm thế nào để bà con Tân Hóa có cuộc sống tốt hơn"?
Từ năm 2015 - 2020, cuộc đua "Thử thách Tú Làn" đã được tổ chức để vừa quảng bá du lịch cho vùng đất này vừa kêu gọi hỗ trợ người dân xây dựng những căn nhà nổi sống chung với lũ. Trải qua 6 mùa tổ chức cuộc đua, chương trình đã hỗ trợ người dân địa phương được gần 200 căn nhà nổi.
Cùng chung tay giúp đỡ người dân Tân Hóa sống chung với lũ, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng 64 ngôi nhà phao cho các hộ nghèo và nhà sinh hoạt cộng đồng để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra ở địa phương.
Bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình chia sẻ, đến nay 620 hộ dân ở Tân Hóa đều đã có nhà nổi để có thể thích ứng an toàn và sống chung với lũ.
Cuộc sống của người dân Tân Hóa ngày nay đã thích ứng được mọi điều kiện thời tiết. Khi mùa mưa đến, người dân dự trữ thực phẩm, nước sạch trên nhà nổi đủ sinh hoạt trong 1 tuần. Vì vậy, dù trong mùa mưa lũ, người dân Tân Hóa vẫn sống chung với lũ một cách bình yên.
Du khách trải nghiệm, khám phá hang động ở Tân Hóa.
Làng du lịch... thích ứng với thời tiết
Giữa màu xanh của núi rừng, của những bãi ngô xanh biếc là những ngôi nhà mái ngói thâm nâu của người dân Tân Hóa nằm san sát giữa thung lũng, đây là địa chỉ thân thiện, mến khách, là làng du lịch tốt nhất thế giới.
Đến Tân Hóa, du khách không chỉ được ngắm cảnh đẹp hoang sơ của một làng quê yên bình mà còn được khám phá hệ thống hang động Tú Làn gồm 10 hang động khác nhau với hệ thống thạch nhũ đẹp lung linh, huyền ảo; được trải nghiệm leo núi, bơi trong lòng hang và chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của thạch nhũ trong các hang Ken, hang Chuột, hang Hung; các sản phẩm du lịch mới như "Tú Làn Lodge", "Trải nghiệm lái xe địa hình ATV khám phá rừng lim - Ngôi nhà của Kong".
Ông Nguyễn Châu Á - Tổng Giám đốc Công ty Oxalis chia sẻ, việc triển khai các khu lưu trú thích ứng thời tiết cùng các hoạt động du lịch tại địa phương Tân Hóa đã góp phần khắc phục được tính thời vụ do thời tiết ở địa phương này gây ra vào mỗi mùa lũ lụt; đồng thời phát huy tiềm năng và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch. Với các dịch vụ, trải nghiệm tại Tân Hóa, công ty luôn đồng hành cùng người dân địa phương, hợp tác cùng họ để làm du lịch và phát triển cộng đồng. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và thu nhập của người dân, đồng thời tạo thêm sự phát triển kinh tế địa phương.
Người dân địa phương tham gia các hoạt động phục vụ du lịch.
Tân Hóa được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, quầy hàng lưu niệm và các dịch vụ khác dành cho khách du lịch.
Nếu như trước đây, cuộc sống của người dân Tân Hóa phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên rừng thì nay cuộc sống đổi thay nhờ vào hoạt động du lịch. Người dân địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch và làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp.
Xã Tân Hóa hiện có hơn 3.300 nhân khẩu, trong đó có hơn 100 người đang tham gia các hoạt động du lịch tại địa phương. Đặc biệt, hoạt động du lịch đã giúp thay đổi suy nghĩ và hành động của người dân nơi đây, họ thêm yêu những cánh rừng, càng tôn trọng thiên nhiên. Với người dân Tân Hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ các giá trị truyền thống cũng chính là bảo vệ nguồn sinh kế của bản thân và gia đình.
Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, với địa phương vốn được mặc định là vùng "rốn lũ" như Tân Hóa, việc xây dựng các sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết là hướng đi hợp lý, sáng tạo, biến bất lợi thành lợi thế phát triển.
Tân Hóa đã và đang xây dựng cộng đồng làm du lịch văn minh, đoàn kết với nhiều sản phẩm, trải nghiệm cho du khách. Bên cạnh đó, Tân Hóa cũng đã giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng không gian sống xanh, lành mạnh để phát triển du lịch, tạo điều kiện để Tân Hóa kết nối với trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng và các vùng lân cận.
"
Vượt qua 260 hồ sơ tham dự, làng du lịch thích ứng thời tiết Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là Làng du lịch tốt nhất vào ngày 18/10/2023. Tân Hóa đang tự tin từng bước trở thành mô hình du lịch thích ứng thời tiết kiểu mẫu ở Việt Nam và là mô hình du lịch cộng đồng kiểu mẫu của khu vực Đông Nam Á.
Trải nghiệm du lịch Tân Hóa cuối mùa nước lũ Tháng 11 là lúc mưa, lũ trên vùng đất Quảng Bình đang trôi dần về cuối mùa. Khác với mọi năm, bây giờ "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa không còn phải đôn đáo chạy lụt mà trái lại, người dân đang biến cái bất lợi thành sinh kế vững bền trên con đường chinh phục thiên nhiên, gắn bó với thiên...