Tết này được đốt pháo?
Nếu đề xuất của bộ Công an được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, người dân sẽ được phép đốt pháo không tiếng nổ từ Tết Nguyên đán 2014.
10 loại pháo không tiếng nổ
Ngày 7/10, thiếu tướng Trần Văn Vệ, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7) – bộ Công an, cho rằng: “Cá nhân tôi ủng hộ việc cho phép đốt pháo không tiếng nổ. Đây là pháo hỏa thuật giải trí, chỉ phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh và không gây tiếng nổ, an toàn khi sử dụng. Bộ Công an đang chuẩn bị báo cáo Thủ tướng xem xét về việc cho phép sản xuất, đốt pháo không tiếng nổ”.
Các sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí khá an toàn cho người sử dụng
Theo thiếu tướng Trần Văn Vệ, bộ Công an đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét kiến nghị mới đây của bộ Quốc phòng gửi Thủ tướng Chính phủ chung quanh việc xem xét cho phép Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (bộ Quốc phòng) được sản xuất, bán rộng rãi ra thị trường các sản phẩm pháo không tiếng nổ. Theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, bộ Công an đang rà soát lại các quy định pháp luật cũng như đặc điểm, tính năng, độ an toàn cho người sử dụng đối với các sản phẩm pháo của Nhà máy Z121.
Từng có mặt tại Nhà máy Z121 với nhiều chuyên gia thuốc nổ, hóa chất để tham gia thử nghiệm các loại pháo không tiếng nổ, thiếu tướng Trần Văn Vệ cho rằng các sản phẩm này khá an toàn. Trong khi đó, đại tá Nguyễn Trí Dũng, phó giám đốc Nhà máy Z121, cho biết đơn vị này đang sản xuất trên 40 sản phẩm pháo hoa, pháo hỏa thuật giải trí theo mẫu mã được chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của nước ngoài, chủ yếu từ Nhật Bản và Mỹ. “Ở các nước họ gọi pháo hỏa thuật giải trí là pháo hoa đồ chơi hoặc pháo hoa thông dụng bởi an toàn cho người sử dụng và ít nguy cơ cháy nổ. Họ đã dùng từ rất lâu và chúng tôi chỉ làm theo mà thôi” – ông Dũng khẳng định.
Trong số 40 sản phẩm nói trên, nếu đề xuất của bộ Công an được Chính phủ chấp thuận, Nhà máy Z121 dự kiến sẽ bán rộng rãi ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2014 khoảng 10 loại pháo như: cây nến lửa, nến sinh nhật, ống phun nước bạc, cánh hoa xoay, pháo thăng thiên… “Khi châm lửa đốt, pháo bắn ra chùm lửa có hình đẹp mắt, có thể đưa cả bàn tay vào chùm lửa đang phát sáng mà không sợ bị rát hay bỏng tay” – đại tá Nguyễn Khắc Hội, giám đốc Nhà máy Z121 mô tả. Theo ông, 10 sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí này đang được nhà máy bán cho các đơn vị thường xuyên tổ chức các sự kiện chính trị – xã hội, văn hóa, giải trí trên cả nước.
Còn nhiều băn khoăn
Đại tá Nguyễn Trí Dũng cho rằng các điều khoản trong Nghị định 36/CP của Chính phủ về quản lý, sản xuất, sử dụng pháo không cấm Nhà máy Z121 sản xuất, phân phối pháo không tiếng nổ. Tuy nhiên, Thông tư 08/2010 về quản lý và sử dụng pháo của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định 36/CP chỉ cho phép sử dụng trong hoạt động văn hóa nghệ thuật nên hạn chế rất nhiều nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình.
Trước băn khoăn của nhiều người về việc pháo không tiếng nổ thì làm sao đủ sức hấp dẫn hoặc sẽ tạo ra kẽ hở để sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép, đại tá Nguyễn Trí Dũng cho rằng người dân có nhu cầu về pháo không tiếng nổ để giải trí trong các dịp tổ chức mừng nhà mới, sinh nhật, liên hoan, hội hè… hoàn toàn độc lập với việc dùng pháo nổ, pháo bánh sử dụng trong các dịp lễ, Tết như trước đây. “Chúng tôi khẳng định các sản phẩm này được làm ra không phải để thay thế pháo nổ mà chỉ phục vụ nhu cầu giải trí của người dân một cách hợp pháp” – ông Dũng nhấn mạnh.
Về mặt pháp lý, thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết do pháo hỏa thuật giải trí gắn với từ “pháo” nên khá nhạy cảm với một bộ phận dư luận. “Nếu Thủ tướng đồng ý cho phép đốt pháo hỏa thuật giải trí thì bộ Công an sẽ chỉnh sửa, bổ sung vào Thông tư 08″ – ông Vệ nói.
Hiện Tổng cục 7 được bộ Công an giao rà soát các quy định và soạn thảo văn bản để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Video đang HOT
Theo Người lao động
Có nên cho đốt pháo không tiếng nổ vào dịp Tết?
Đề xuất cho phép người dân đốt pháo không tiếng nổ vào dịp tết Nguyên Đán tới đây đang khiến dư luận quan tâm bởi tính pháp lý của nó.
Liên quan tới đề xuất cho phép người dân đốt pháo không tiếng nổ vào dịp Tết Nguyên Đán tới, phóng viên TS đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh, Hà Nội.
- Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đang nghiên cứu sửa đổi quy định để người dân được mua, đốt pháo không có tiếng nổ - Pháo hỏa thuật giải trí - vào dịp Tết Nguyên Đán 2014. Theo ông, có nên đưa loại pháo này vào thị trường hay không?
Cũng giống như nhiều người dân Việt Nam, tôi có nhiều hoài niệm về tiếng pháo nổ trong ngày Tết. Đó là nét phong tục ăn sâu qua thời gian dài trong văn hóa Việt Nam.
Như đã biết, nguyên nhân đốt pháo nổ được nêu rõ là nhằm ngăn chặn việc đốt pháo gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường và lãng phí...
Nhu cầu sử dụng pháo trong dân chúng, đặc biệt là trong dịp Tết là vẫn có (Ảnh: Internet)
Về quan điểm ngăn chặn mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và ô nhiễm môi trường do đốt pháo nổ thì tôi hết sức ủng hộ. Do đó, nếu pháo hỏa thuật đảm bảo an toàn, không gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng thì có thể xem xét cho vào lưu thông trên thị trường và người dân được sử dụng.
Nhu cầu sử dụng pháo trong dân chúng, đặc biệt là trong dịp Tết là vẫn có. Mục đích sử dụng của người đốt pháo có thể là khác nhau: chào mừng Tết, cưới hỏi, lễ hội... phù hợp với điều kiện của từng tổ chức, cá nhân là do tổ chức, cá nhân đó cân nhắc, không gây mất an toàn, an ninh trật tự là được.
Tuy nhiên, xin nhấn mạnh là sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí phải an toàn. Việc này cần phải được kiểm tra, kiểm định kỹ thuật chính xác về độ an toàn của sản phẩm trước khi cho lưu thông để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bởi lẽ, đối tượng sử dụng pháo hỏa thuật giải trí sẽ rất đa dạng, trong đó có trẻ em chiếm phần không nhỏ.
- Có ý kiến cho rằng, bây giờ dân trí đã khá hơn, việc kiểm soát đốt pháo cũng tốt hơn thì chuyện chấp thuận cho pháo trở lại với sinh hoạt cộng đồng mỗi dịp lễ, Tết là điều đáng xem xét. Ông có đồng tình với quan điểm trên không?
Điều quan trọng là sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí phải thực sự an toàn với người sử dụng. Việc chấp thuận cho pháo trở lại sẽ chỉ nên xem xét với những sản phẩm pháo an toàn, thân thiện với môi trường.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền
Về quan điểm cấm đốt pháo xuất phát từ việc mất trật tự, an toàn xã hội là đúng. Dân trí đã khá hơn là một tiêu chí, tuy nhiên đó chỉ là tiêu chí rất nhỏ, không quyết định việc cho phép đốt pháo hỏa thuật giải trí nếu sản phẩm đó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, an ninh xã hội.
Theo quan điểm của tôi, việc kiểm soát đốt pháo thời gian qua vẫn chưa tốt, biểu hiện bằng việc Thủ tướng đã phê bình và yêu cầu chủ tịch UBND 3 tỉnh Hải Dương, Lào Cai, Hà Giang kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ trái phép nhiều trong dịp Tết Nguyên Đán 2013.
Đó là chưa kể đến vẫn có hiện tượng đốt pháo nhỏ lẻ ở một số địa phương khác. Cứ mỗi dịp đầu năm là hầu như đều có công điện, chỉ đạo của Thủ tướng nhắc nhở về việc phải tăng cường quản lý việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ trái phép.
Điều quan trọng là sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí phải thực sự an toàn với người sử dụng. Việc chấp thuận cho pháo trở lại sẽ chỉ nên xem xét với những sản phẩm pháo an toàn, thân thiện với môi trường.
Tình trạng mua bán pháo lậu (pháo nổ), chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, ngày càng diễn biến phức tạp. Liệu điều này có tạo kẽ hở cho những kẻ mua bán pháo lậu có thêm đất để lộng hành?
Việc mua bán pháo lậu (pháo nổ), thậm chí là các loại pháo hỏa thuật có nguồn gốc từ Trung Quốc ngày càng diễn biến phức tạp vốn dĩ là do việc quản lý chống hàng hóa buôn lậu của ta chưa tốt.
Mức xử phạt đối với bắt giữ hàng hóa buôn lậu chưa đủ sức răn đe các đối tượng buôn lậu. Quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện đối với một trong những hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ là quá nhẹ, chưa đánh được vào tâm lý lợi ích của người sản xuất, buôn bán pháo nổ.
Việc phát sinh lợi nhuận do chênh lệch vùng miền dễ dẫn đến việc dịch chuyển hàng hóa, trong đó có hành vi buôn lậu hàng hóa, đây là điều xảy ra đối với bất kỳ sản phẩm nào.
Việc tạo ra các cơ chế quản lý để chống lại hiện tượng buôn lậu hàng hóa thiết nghĩ là việc tăng cường hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng đối với tất cả các sản phẩm tiêu dùng, không chỉ một mặt hàng nào.
Sản phẩm pháo hỏa thuật giải trí phải an toàn mới nên đưa vào thị trường (Ảnh: Internet)
Có thể ta nên nhìn một cách khác, trong trường hợp pháo hỏa thuật giải trí được đưa vào sử dụng, nhu cầu pháo nổ của người dân giảm đi thì việc buôn lậu pháo nổ sẽ giảm.
- Trong trường hợp việc đề xuất cho đốt pháo hỏa thuật giải trí vào dịp Tết được đồng ý, theo ông, làm thế nào để có thể quản lý tốt việc sản xuất, mua bán, đốt loại pháo này?
Về quản lý việc sản xuất, mua bán pháo hỏa thuật phải trên cơ sở an toàn trong sản xuất và trong sử dụng được đặt nên hàng đầu. Do đó, các cơ quan chức năng cần có cơ chế về điều kiện các cơ sở có thể được cấp phép sản xuất, điều kiện tiêu chuẩn sản phẩm cho loại pháo này hết sức chặt chẽ
Và đặt ra các mức phạt vi phạm cao đủ mức dăn đe, trong một số trường hợp vi phạm phải sử dụng biện pháp xử lý hình sự.
Việc đốt pháo nằm ở ý thức người dân, trong thời gian đầu nên có quy định hạn chế quyền trong sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải được hướng dẫn chi tiết và có khuyến cáo tốt cho người sử dụng.
- Có nên sử dụng từ khác thay từ "pháo" trong cụm từ Pháo hỏa thuật giải trí (nếu loại pháo này được đốt) để tránh nhạy cảm?
Dù không gây tiếng nổ, nhưng theo quy định pháp luật pháo hỏa thuật vẫn được quy vào diện pháo hoa và bản chất là pháo hoa. Do đó, việc thay từ pháo để tránh nhạy cảm chỉ mang tính đánh lừa cảm giác tạm thời, luật pháp quy định sẽ chưa đi được vào bản chất sự vật, sự việc và quy loại các sản phẩm, mặt hàng cần quản lý. Trừ phi các nhà sản xuất pháo hỏa thuật chứng minh được sự khác biệt.
- Ở góc độ pháp luật, theo ông, cần bổ sung những quy định nào để những kẻ mua bán pháo lậu không còn đất sống?
Khi không còn cầu thì cung không còn đất sống. Do đó, trước hết cần ban hành các quy định xử phạt nặng đối với các hành vi đốt pháo nổ, từ quy định xử phạt hành chính đến quy định về hình sự với hành vi đốt pháo nổ nghiệm trọng. Bên cạnh đó là các hoạt động tuyên truyền không sử dụng pháo nổ trong nhân dân.
Cho phép các mặt hàng có khả năng thay thế pháo nổ mà vẫn an toàn an ninh xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng là một biện pháp để giảm việc mua bán pháp nổ.
Đồng thời với đó là bổ sung các quy định tăng cường xử phạt nặng cùng các mức án hình sự đủ răn đe đối với hành vi buôn bán pháo lậu. Khi làm ăn mà thiệt, hại nhiều hơn lợi thì sự lựa chọn của người đi buôn sẽ giảm đối với mặt hàng này.
Tăng cường các văn bản và thực hiện quản lý thị trường chặt hơn nữa với mặt hàng này.
- Xin cảm ơn ông!
Theo vietbao
Tết này được dùng pháo hoa giải trí? Sau cuộc hội thảo mới đây về sản xuất, kinh doanh pháo phát sáng (pháo không gây tiếng nổ) tại Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) ở Phú Thọ, xuất hiện một số thông tin trên mạng cho rằng, Tết này người dân sẽ được đốt pháo. Xung quanh vấn đề này, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với...