Tết muộn
Đã qua mùng Mười, chị nói mẹ cứ nghỉ ngơi, nhà còn gì ăn nấy đừng cầu kỳ lại thêm việc. Nhưng mẹ chị quả quyết phải gói bánh chưng lần nữa để đón con cháu về. Giờ mới là cái Tết thực sự của mẹ.
Quê gốc tận ngoài Bắc nhưng vào Sài Gòn học đại học, chị lại gặp và yêu anh vốn dân miền Tây. Khi tình cảm chín muồi, chị dẫn anh về quê ra mắt mẹ. Thoáng chút ưu tư trên mắt, bà nói tư chất con người anh không có gì chê trách, chỉ ngặt nỗi quê anh xa quá. Con lấy chồng cách biệt đằng đẵng như vậy, một năm về với mẹ được mấy lần?
Lúc đó chị đang chìm đắm trong men tình, đâu để tâm lời mẹ nói. Với cả chị nghĩ thời đại phẳng, mạng xã hội kết nối người với người lại gần nhau dù có ở khoảng cách địa lý nghìn trùng cách biệt. Nếu không lấy được anh, cho dù gắn kết với người đàn ông ở gần nhưng lòng không xao động, lúc ấy sự gần gũi liệu có ý nghĩa gì?
Chị nói cho con đi theo tiếng gọi của tình yêu mẹ nhé. Nhà vốn neo người nhưng không đến nỗi quá cô quạnh. Cha cô mất sớm, nếu cô lấy chồng xa vẫn còn em trai sớm tối bên mẹ. Em học cao đẳng ở tỉnh nhà, tương lai mười mươi dù có lấy vợ thì cũng không đi quá bán kính 60 cây số vuông đây được.
Mẹ chị nén tiếng thở dài. Nhưng lòng người mẹ, nhìn thấy con mình hạnh phúc đâu nỡ cấm cản. Sau ngày cưới, chị về làm dâu quê chồng. Rồi lời mẹ dự đoán cũng thành sự thật. Ba năm từ ngày cưới, chị mải miết lo nghiệp nhà chồng, dù lòng có muốn thì Tết nhất cũng chẳng thu xếp về với mẹ già được.
Chồng chị vốn con cả. Chị lấy anh đương nhiên phải quán xuyến nhiều hơn công việc nhà chồng. Dịp lễ Tết, trách nhiệm dâu cả càng nặng nề hơn. Nhiều lúc chị dè dặt muốn xin má chồng cho chị về Bắc đón Tết với mẹ, nhưng đâu dám mở lời. Má chồng khó tính. Hồi mới về làm dâu, bà đã hỉ hả với hàng xóm láng giềng: “Cưới được vợ đảm cho thằng Hai, giờ tôi nhẹ cả người. Từ giờ việc nhà tôi ủy thác cho con dâu cả. Thời gian khỏe mạnh chẳng con bao nhiêu, tôi tranh thủ đi chùa chiền để thỏa tâm nguyện”.
Sau Tết, má chồng theo bạn đi lễ chùa lục tỉnh miền Tây. Trước chuyến du lịch tâm linh, thấy má hứng khởi chị mới dám dè dặt mở lời. Má đồng ý cho chị đi, nhưng không quên “đánh phủ đầu”: “Đi đâu thì đi nhưng nhớ lối về nha con. Phận gái lấy chồng theo nghiệp nhà chồng, đừng vấn vương gốc gác quá”.
Video đang HOT
Chị mừng húm đặt vé máy bay về Bắc, dắt theo đứa con trai hơn hai tuổi. Còn anh sau đợt nghỉ Tết phải quay về guồng công việc, không dứt ra được. Hơi chút chạnh lòng nhưng chị nghĩ, thu xếp được là phải đi ngay, cho dù vợ chồng con cái không về cùng để đặng đôi đường trọn vẹn.
Quê nhà vẫn vậy, dáng mẹ lầm lũi sớm tôi ra vào. Em trai chị vẫn chưa lấy vợ, giờ lại đang mải công việc trên thành phố. Thành thử nhà vốn neo người giờ càng hiu quạnh. Chị dắt con về mà mẹ chị mừng rỡ quýnh quáng, không biết nên bắt tay vào làm việc gì trước, chỉ hết đứng lại ngồi rồi ôm lấy thằng cháu mắt rơm rớm. Chị nói mẹ cứ nghỉ ngơi, nhà còn gì ăn nấy đừng cầu kỳ lại thêm việc. Không, mẹ chị quả quyết. Phải gói bánh chưng lần nữa để đón con cháu về. Giờ mới là cái Tết thực sự của mẹ.
Rồi bếp nhà đỏ lửa. Chị lại cùng mẹ ngồi xếp bằng làm khuôn, lau lá, nặn nhân đậu. Ngày còn thơ mỗi dịp Tết nhất, chị vẫn cùng mẹ làm chừng ấy công việc. Về nhà chồng, dịp lễ Tết việc làm bánh chưng, nấu nướng tất bật cũng một tay chị quán xuyến. Nhưng chị làm như một cái máy, lòng chỉ bồn chồn định liệu công việc sao cho đúng tiến độ, sao cho các em chồng về nhà mẹ đẻ ăn Tết cơm nước chu toàn đủ đầy ngày ba bữa.
Còn giờ đây, chị nhẩn nha bên hiên nhà, tay làm, miệng nói mắt cười rổn rang cùng mẹ. Mùa Xuân trên mắt mẹ sao mà ngập tràn hạnh phúc. Chị cảm nhận tiết Xuân phơi phới theo mùa rõ rệt. Tiếng chim lích chích bên cửa sổ mỗi sáng chị mở cửa chào đón ngày mới. Những lộc non nhu nhú trên cành khế như báo hiệu một mùa cây quả tươi tốt. Thằng bé con lũn tũn chạy ra chạy vào. Nó thấy người lớn vui nên trong lòng cũng vui lây, dù chẳng biết gọi tên nỗi niềm ấy thành lời. Chưa bao giờ nó thấy má vui nhường ấy. Không còn cái vẻ tất bật lo toan quán xuyến nhà cửa bên nội, giờ nó thấy má nhẩn nha thong dong đến lạ. Hóa ra trong lòng mỗi người, vẫn có một nơi trú ngụ an toàn và an bình đến lạ. Đó là nhà của mẹ, là quê hương.
Chị ở lại đón Tết muộn với mẹ đến hết tháng Giêng. Cũng thời điểm ấy má chồng mới đi chùa trở về. Chị không trách má chồng, chỉ buồn vì cái duyên đưa đẩy chị tới vùng đất xa quá. Để giờ đây mỗi lần vui buồn hay đổ bệnh, chị chỉ biết ráng ngồi dậy tự mình động viên mình vượt qua căn bệnh “ly hương”.
Thu Trà
Theo phunuonline.com.vn
Mong Tết qua nhanh vì không còn ba má bên cạnh sum vầy
Tôi chỉ có thể tự nhủ, cố gắng sống tốt cuộc đời phía trước, coi như cách thiết thực nhất làm ba má nơi xa yên lòng.
Khi tôi 17 tuổi thì má lâm bạo bệnh và qua đời. Gia đình vốn neo người, giờ càng hiu quạnh. Hai ba con gắng gượng vượt qua nỗi đau mất đi người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời. Một năm sau, tôi thi đỗ cao đẳng và lên thành phố, chính thức bước vào cuộc sống của người trưởng thành và tự lập. Vậy là gia cảnh giờ chỉ còn người cha già sớm tối hiu hắt ra vào.
Trong thâm tâm tôi không mong những ngày lễ Tết để được về cùng ba. Hai ba con vốn khắc khẩu. Thời má còn, bà luôn là người đứng giữa chế ngự mỗi khi cảm thấy xung đột giữa tôi và ba sắp bùng nổ. Vì thương má nên tôi và ba biết điểm dừng, kìm chế cái tôi cá nhân để bầu không khí gia đình không lâm vào tình thế quá căng thẳng. Sau khi má đi rồi, tính nói nhiều và gia trưởng của ba càng như được cơ hội phát tác vì không có người cầm cương.
Khi lên thành phố trọ học, tôi như người được "cởi dây trói" và thở phào nhẹ nhõm. Trong các đợt nghỉ lễ dài ngày, tôi lấy cớ ở lại ôn thi, đi làm thêm, thực chất nán lại phòng trọ vất vưởng vì ngại về quê đối đầu với ba. Bên cạnh đó, với tính hiếu thắng của tuổi trẻ, tôi nghĩ mình nhất định sẽ tìm cách khẳng định sự tồn tại của bản thân theo cách "hiển hách" nhất có thể, những mong ba nhìn nhận lại năng lực của đứa con trai duy nhất.
Sau khi tốt nghiệp, tôi lang bạt nhiều nơi, rồi chuyển sang học nghề khác. Thấm thoát tôi đã 25, vẫn chỉ là hạt cát nhỏ bé giữa cuộc đời. Mải mê tìm cách khẳng định bản thân khiến tôi quên mất lưng ba ngày càng còng thêm, tóc điểm nhiều sợi bạc vì mong ngóng con trai về thăm mỗi dịp lễ Tết. Tuy nhiên, tính ba không quen bộc lộ tình cảm, lại có đôi chút ngạo mạn nên không muốn con biết sự mềm yếu trong trái tim mình. Phần tôi, do thiếu thiện cảm với sự gia trưởng của ba từ lâu nên sống co cụm và giữ khoảng cách với ông. Trong hoàn cảnh má mất sớm, hai người đàn ông một già một trẻ cần dựa vào nhau để thêm động lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thì người trong cuộc lại không làm được. Ngược lại, vì cả hai cái tôi cá nhân quá lớn nên đẩy tình cảm ba con ngày càng xa cách.
Rồi tôi gặp Hương, người yêu của tôi bây giờ. Những lần về thăm tư gia người yêu khiến tôi cảm nhận được tình cảm gia đình sum vầy rốt cuộc vẫn là đích đến của mỗi thành viên. Sau một ngày vật lộn ngoài kia, cánh cửa gia đình vẫn chờ sẵn để mỗi người trở về. Nơi đó có ba má vẫn yêu thương ta vô điều kiện, nhẫn nại chờ cơm ta và hỏi đi hỏi lại câu hỏi thân thuộc nhưng thấm đẫm vị yêu thương: "Hôm nay con có gặp gì bất trắc ngoài kia không? Thôi đi tắm đi rồi nghỉ ngơi ăn uống cho khỏe".
Thấy cách mỗi thành viên gia đình Hương yêu thương quan tâm đến nhau, tôi thảng thốt giật mình. Hóa ra mình vẫn còn ba, còn nơi yêu thương để về. Vậy mà bấy lâu nay tôi để sự vô tâm và hiếu thắng tuổi trẻ lấn át. Trong tâm trạng cuống quýt vì tuổi già và sức khỏe của ba ngày một đi xuống, tôi năng về với ông hơn. Trước đây, những dịp nghỉ lễ dài ngày, tôi lấy lý do nọ kia để trốn lại thành phố. Giờ đây, tôi chỉ mong kéo dài ngày nghỉ để nấn ná ở lại với ông lâu hơn.
Nhưng tình cảm ba con vừa khăng khít trở lại thì những cơn ho của ông tìm đến thường xuyên và có nhiều biểu hiện sức khỏe đáng ngờ. Sau khi đi chụp chiếu, tôi suy sụp khi bác sĩ báo tin ông bị ung thư phổi. Bệnh tình của ông đã chuyển sang thể di căn.
Trước tết hơn một tháng, ba ra đi vào một ngày trời trở lạnh. Mặc dù đã được xác định tư tưởng nhưng tôi vẫn như quỵ ngã khi đối diện sự thật quá đỗi khắc nghiệt xảy đến với mình.
Tết này tôi chỉ có một mình. Vậy là khi sự nghiệp khởi sắc và chuẩn bị làm tròn chữ hiếu, xây dựng hạnh phúc gia đình để ba yên lòng thì cũng là lúc tôi chỉ còn lại một mình. Muốn có ba bên cạnh để xoa lưng bóp chân cho ông, niềm mong mỏi nhỏ bé đó cũng không còn cơ hội thực hiện. Tôi chỉ có thể tự nhủ, cố gắng sống tốt cuộc đời phía trước, coi như cách thiết thực nhất làm ba má nơi xa yên lòng.
Những ngày này, nhìn từng gia đình đoàn viên bên nhau, tôi cảm thấy nuối tiếc hơn bao giờ hết. Tôi mong Tết nhanh qua, bản thân có thể quay về nhịp sống đời thường cho khuây khỏa nỗi cô quạnh vì không còn những người thân yêu nhất bên cạnh. Cá nhân chỉ muốn nhắn nhủ điều tưởng như cũ kỹ nhưng chưa bao giờ muộn, rằng những ai đang còn ba má, hãy trân trọng niềm hạnh phúc vô biên ấy. Xin hãy tận hưởng từng giây phút quý giá ở bên những người thân yêu nhất của mình. Cuộc đời là bất định, đừng để khi mọi thứ vuột qua tay và ngồi tiếc nuối "giá như...".
Phan Dũng
Theo phunuonline.com.vn
Đã gọi nhau tiếng vợ chồng thì hãy trọn đời thủy chung Một đời làm vợ làm chồng là một đời gắn bó, là một đời chở che cho nhau, không vì những hào nhoáng và cám dỗ bên ngoài mà quên đi người từng chung chăn chung gối. Vợ chồng không chỉ là cái duyên mà còn là cái số. Đâu phải cứ yêu nhau là đến được với nhau? Quyết định đến với...