Tết là để về nhà, Tết là để đoàn viên
Dừng chân tại trạm xe, tôi đưa hai bàn tay ra mà cọ xát mong tìm lấy một chút hơi ấm thì bất chợt một giọng nói vang lên: “Lạnh quá em nhỉ. Sắp Tết rồi mà trời vẫn lạnh quá”.
Chữ Tết vang lên sao bỗng khiến lòng tôi chùng xuống. Cứ như con rô bô tôi gật đầu “Dạ” rồi thay đổi ý định, lững thững rời bỏ trạm xe mà đi bộ đến văn phòng.
Tết đến rồi mà lòng còn gì để nhớ chăng? Chỉ là một cô nhân viên mà tôi đã để bản thân mình bận rộn quá. Bận đến mức không còn thời gian để nhớ. Nhớ rằng Tết là để về nhà, Tết là để đoàn viên.
Tết là cái dịu ngọt thấm dần vào lòng người. Nắng vàng hoang hoải như chợt tắt ngày cuối năm đâu thể xua đi sự lạnh giá của những cơn gió mùa thổi mãi, chệch hướng không biết đường về kia. Nhưng lại đủ sức tô vẽ nên bức tranh vàng ấm đến lạ cho phiên chợ Tết quê tôi.
Mới đây thôi, má còn níu tay hai chị em nào mứt nào quả, chọn lựa qua bao hàng quán để được những miếng bí, miếng khoai, miếng dừa, hạt sen… thơm giòn bóng lộn qua mảnh giấy kiếng đến là bắt mắt. Cặp tắc vàng ươm sai trĩu quả được tôi và Hai khệ nệ vừa bưng vừa ca thán “Nặng, đau quá má ơi, hư hết móng tay Hai sơn cho con rồi. Hoa mặt trời đẹp thế này a”. “Giao thừa kêu Hai nó sơn lại cho, nhìn tôi tay xách nách mang bao nhiêu thứ không hả cô?”.
Tất cả vẫn còn thật lắm, thật đến độ còn nghe được lời ba vọng lại “Mua hết chợ hả ba má con” rồi lời Hai lém lỉnh “Chưa hết chợ nhưng hết tiền ba ơi.”
Gần đến vậy, nhưng sao đưa tay ra lại không thể bắt lấy dù chỉ là một chiếc bóng. Tết ơi sao vụn vỡ nơi ký ức rồi. Ấm áp nhất là khi cả nhà ta quây quần bên nhau cùng chuẩn bị cho mâm cơm giao thừa đón năm mới. Tay ba chắc khỏe lắm, buộc nạt bánh chưng vuông vức chắc nịch. Má lại khéo vô cùng với đòn bánh tét thon dài. Vật lộn nào đậu, nếp, thịt, dong cả buổi thì công đoạn gói bánh cũng hoàn tất. Nhà neo người cơ mà má gói nhiều bánh lắm. Má nói Tết bà con, biếu hàng xóm ăn lấy thơm, lấy thảo. Cho đi không chỉ là cái bánh mà còn là tình thương, lòng quý trọng của nhà mình con à.
Miệng má nói và tay má thoăn thắt thái đậu, xả hành, băm thịt để cho ra đời những cuộn chả giò, thon thon dài dài tạo bởi tay má, mập mập tròn xinh tạo bởi tay Hai. Riêng những “que” gầy nhom ốm nhách là thành phẩm của tôi. Từng cuộn, từng cuộn xếp chồng lên nhau đến khi vung đầy cả mâm.
Video đang HOT
Thoảng trong gió hương dong dịu nhẹ lan tỏa từng nhà. Ngon lửa đêm bập bùng âm ỉ cùng cái thơm ngát dịu ngọt vị Tết đầu xuân khiến ta nao lòng. Ba nhâm nhi tách trà nóng rồi râm ran lại chuyện cũ của cả năm dài. Vui có, buồn có, tiếng cười đâu thiếu nhưng nước mắt còn đong đầy vì những người đi mãi, chẳng kịp về nữa. Về để ăn cái Tết cùng ba, cùng má. Về để cúng mâm cơm giao thừa, để chúc ba chúc má một chữ phúc, để nhận bao lì xì đỏ rồi cười vang và chỉ để được ngồi bên cạnh nhau cho đúng nghĩa một chữ “nhà”. Tiếng má thảng thốt vang lên “Đi đâu Tết cũng về nhà nha con, đừng để hai thân già trông ngóng mà phải tội.”
Cái gì cay cay nơi hốc mắt sắp trực trào ra, Tết về là để yêu thương, là chỉ để nhìn ngắm khuôn mặt xa cách bao tháng ròng rã theo dòng đời buôn ba cơm áo gạo tiền.
Tết ơi gần đến thế mà nay lại xa cách không thôi. Vẫn là bánh chưng, dưa hành, chả giò vàng rộm nhưng giờ lại xa quá rồi. Vắng má, Tết nghe sao lạnh quá, sum vầy là điều không thể. Vắng má, Tết không về nữa.
Má đi nhưng mai vàng vẫn khoe sắc thắm, con như chợt thấy bóng ba bứt lá mai, lá rụng tả tơi sao mà nghe đơn côi quá. Tết rồi con muốn về mà thiết chặt bàn tay ba, mà ôm chặt lấy Hai.
Tết ơi sao vẫn hoài trông ngóng, mai vàng ơi xin hãy rực cháy mãi, cho ta nhìn được bóng hình những người yêu thương, dù chỉ qua tấm gương ký ức đã phủ màu.
Bạn thân mến, những ngày Tết Nguyên Đán đang đến gần, hẳn ai cũng mong nhanh thu xếp công việc để về nhà. Càng những ngày cuối năm, đi ngoài đường nhìn những đào những mai, hay lất phất mưa phùn lại càng nhớ mùi ngai ngái của bánh chưng vừa luộc, nhớ mùi trầm trầm của hương bà vẫn đốt ngày Tết, nhớ mùi nồng nồng của nồi nước mùi già tắm tẩy trần ngày Tết.
Tết mà, phải về nhà, phải đoàn viên mới đúng nghĩa ngày Tết.
Đồng Lệ Quyên
Theo blogradio.vn
Mùa xuân vuông
Khi những nụ đào chúm chím báo hiệu ngày Tết đang đến gần, lòng tôi lại nôn nao trào dâng hoài niệm về những mùa xuân vuông chưa xa...
Lúc tôi còn bé, năm nào gia đình cũng gói bánh chưng ăn Tết. Khoảng đầu tháng 12 âm lịch, mẹ tôi bắt đầu chuẩn bị gạo, đỗ và các nguyên phụ liệu để gói bánh. Mẹ thường dặn những người bán hàng quen để lại cho ít gạo, ít đỗ ngon và gom thành nhiều lần để có đủ số lượng làm bánh. Những lần đến nhà bà con thân quen để xin lá dong, mẹ cũng hay cho tôi đi theo để phụ giúp mẹ gom lá.
Hình ảnh mẹ già ngồi gói bánh chưng, bánh tét. Ảnh: IT.
Ngày ấy, cứ ba bốn nhà tập trung lại gói bánh và nấu chung một nồi bánh chưng. Thế nên, nồi luộc bánh thường là những chiếc thùng phuy "vĩ đại". Mỗi lần luộc, cũng phải được bốn năm chục cái bánh. Thế nên, khâu chuẩn bị khá vất vả, nhất là người rửa lá và đãi đỗ. Người thì góp công, góp sức, có người chỉ cần góp mặt giúp những người khác có thêm tinh thần và sự phấn chấn để làm việc. Mọi người, ai cũng phấn khởi và hồ hởi. Chưa nói đến việc có được những chiếc bánh ngon hơn, nhìn cảnh quây quần chia vui ấy, cũng thấy không khí Tết rộn ràng, ấm cúng biết nhường nào.
Sáng ngày gói bánh, mẹ dậy thật sớm đi chợ để chọn những miếng thịt tươi ngon nhất làm nhân bánh. Sau đó, đem về tẩm ướp gia vị và chế biến sơ qua để nhân bánh được thơm và không bị nát khi luộc. Gạo làm bánh phải là loại nếp cái thơm, hạt mẩy, được chuẩn bị khá kỹ từ đầu. Mẹ còn dùng ít lá giềng rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước để trộn vào gạo và đem ngâm với nước từ tối hôm trước. Tất cả các công đoạn giúp cho chiếc bánh chưng sau khi luộc có được màu xanh đặc biệt quyến rũ cùng mùi thơm hấp dẫn.
Tôi thích nhất lúc nhìn mẹ và mọi người làm bánh. Nhìn thấy cô bác rửa lá, đãi đỗ, tôi cũng xin được phụ giúp một tay. Tưởng là dễ dàng, nhưng hóa ra không đơn giản chút nào, bởi thời tiết lạnh giá còn nước thì tê buốt. Chúng tôi bèn chạy vào bếp sưởi ấm bên nồi đỗ ninh. Sau đó, tranh nhau quết đỗ để viên lại thành từng nắm nhỏ và "ăn trộm" những nắm đỗ nhỏ xíu thơm lựng.
Nhưng lúc luộc bánh mới đem lại cho bọn trẻ chúng tôi sự thú vị và hồi hộp nhất. Bởi vì khi gói bánh, thế nào người lớn cũng chừa lại một ít để gói cho chúng tôi mấy chiếc bánh con con. Những chiếc bánh màu xanh, vuông vắn được xếp chồng lên nhau, buộc lại bằng sợi dây đỏ hoặc lạt tre màu trắng. Dù chưa được ăn ngay nhưng nhìn đã thấy thích đến mê mẩn. Tôi và bọn trẻ chỉ mong bánh nhanh chín, để được thưởng thức ngay "chiếc bánh của mình". Khi ấy, bao mệt nhọc của cả năm dồn lại dường như được cái không khí rộn ràng tiếng cười, cái cảnh quây quần của các gia đình quanh nồi bánh chưng đang sôi sùng sục kia xua tan hết. Vậy mà, ký ức về những Mùa xuân hình vuông giờ đây đã lùi rất xa, tưởng chừng như không còn nữa...
Không chỉ là một nét đẹp văn hóa, tục gói bánh chưng ngày Tết còn là cầu nối để những người thân yêu trong mỗi gia đình và bà con lối xóm thêm gần gũi, sẻ chia và thương yêu nhau hơn. Nó còn giúp cho các thế hệ con cháu mai sau biết nâng niu, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, để bồi đắp cho mỗi tâm hồn Việt ngày càng thêm phong phú. Mỗi chiếc bánh chưng như gói cả trong mình hương vị của đất trời, hương vị của mùa xuân, của tình cảm gia đình và không khí vui tươi, ấm cúng của những ngày Tết.
Những năm gần đây, dường như việc gói bánh chưng trong ngày Tết đang dần mai một. Không chỉ ở thành thị mà ngay ở những vùng nông thôn. Hôm trước, tôi về thăm nhà anh chị mình ở quê. Nhân tiện, có hỏi thăm Tết này, anh chị có gói bánh chưng không. Anh chị tôi cho biết: "Nhà không có ai ăn nhiều nên mấy năm nay, anh chị chẳng gói nữa. Ra mấy quán làm bán sẵn, mua mấy cặp bánh về thờ ông bà trong mấy ngày Tết là xong. Với lại lâu rồi, mọi nhà xung quanh có ai gói bánh chưng nữa đâu, vừa bận bịu, vừa tốn kém...".
Các mẹ quây quần trông nồi bánh chưng. Ảnh: IT.
Nghe qua, một chút buồn man mác lướt nhẹ trong tôi. Cũng phải thôi, vì giờ đây, việc chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng không còn khó khăn như trước nữa. Ra chợ là có hết mọi thứ, nhất là có cả các cửa hàng bán bánh chưng gói sẵn cho nhiều gia đình trong những ngày tất bật này. Bây giờ, trẻ con cũng sẽ chẳng còn cái diễm phúc như chúng tôi thuở trước, được ngồi nắm từng nắm đỗ, nghe tiếng giẻ miết trên tàu lá, tiếng kéo cắt lá roèn roẹt, tiếng đổ gạo roàn roạt, tiếng lạt tre bị vặn lại, tiếng cười nói râm ran và tiếng lửa bung tí tách trong đêm ngồi trông nồi bánh chưng.
Mẹ tôi đã mất. Nếu còn sống, mẹ cũng khó mà được chứng kiến cảnh con cháu quây quần, rộn rã gói bánh chưng trong những ngày Tết, để có được niềm vui đến rưng rưng của tuổi già. Tôi tự nhủ và thầm hứa với lòng mình, là lần về quê ăn Tết này, tôi sẽ cùng anh chị mình nấu một nồi bánh chưng. Không chỉ vì muốn đem lại cho con trẻ cảm giác mà mình có được như thuở trước, cũng không chỉ vì sẽ được sống lại với kỷ niệm về những mùa xuân vuông đã qua, mà tôi còn muốn dâng lên tổ tiên và người mẹ kính yêu của mình một nén tâm hương...
LÊ HƯNG
(Hoàng Mai, Hà Nội)
Theo thegioitiepthi.vn
Nhớ cá đìa ngày giáp Tết Tôi ở với quê ngoại tận U Minh, một làng quê nghèo khó. Khi mai vàng lác đác nở ngoài sân, gió chướng bắt đầu thổi mạnh, bà con đã gặt lúa vô bồ, nhà cửa sơn quét sạch sẽ, thời gian này vào khoảng 28 - 29 âm lịch, cũng là lúc bà con ta chụp cá đìa và chia thịt heo...