Tết không giao thừa và bánh chưng trên cao nguyên
Tết của người Jrai ở Tây Nguyên được báo hiệu bằng những hạt mưa trong tháng 1. Ngày tết được chọn và tổ chức tùy theo gia đình, tùy theo khu vực mưa rơi, do đó không có đêm giao thừa chung như tết của người Kinh. Tết của người Jrai cũng không có những cặp bánh chưng hay bánh tét…
Tết không có đêm giao thừa
Núi rừng Tây Nguyên chỉ có hai mùa rõ rệt mùa mưa và mùa khô. Vậy nên nhiều dân tộc bản địa sinh sống trên mảnh đất đỏ bazan đã quen tạo cho mình một cách tính lịch riêng. Theo đó, lịch của người Jrai (cư trú tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk) theo nông lịch, 1 năm có 12 tháng như lịch chung của cả nước. Điều đặc biệt ở chỗ, cứ mỗi năm, khi mùa khô qua đi, những hạt mưa đầu tiên rơi xuống cũng là lúc báo hiệu một năm mới của dân tộc này.
Trai làng bôi bùn đất, đeo mặt nạ để đóng Pram đón Atâu (tổ tiên) về với Giàng. Ảnh: Trần Hiền
Tết của người Jrai được bắt đầu khi những cây mai vàng kết trái và cũng là lúc mùa khô kết thúc để nhường chỗ cho những giọt mưa rớt xuống trên những cành cây, nương rẫy khô hạn. Trong 12 tháng theo lịch của người Jrai thì 10 tháng đầu tiên được gọi tên bằng số từ 1 đến 10, còn hai tháng cuối thì có tên riêng, lần lượt là tháng Ning Nung và tháng Wor. Theo quan niệm xa xưa, Ning Nung là hình tượng con cá dưới nước, con thú trên rừng, tháng Ning Nung có thể xem là tháng săn bắt. Còn Wor hiểu theo nghĩa đen là “quên”. Bởi vậy, tháng Wor là tháng người dân quên đi bao mệt mỏi, phiền muộn trong cuộc sống thường ngày của năm qua để đón chào những niềm vui cho năm sắp tới.
Sau một tháng đón Tết Nguyên đán, người Jrai bước vào vụ mới. Trước khi lên nương, tha – pơ-lơi (già làng) là người tổ chức lễ cúng để cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhưng người Jrai vẫn giữ được phong tục tập quán, đặc biệt là lễ tết.
Không giống như những dân tộc khác, tết của người Jrai không thống nhất ngày, mà chỉ thống nhất là tháng 1 theo lịch của người Jrai (tức là theo tháng 4 dương lịch của người Kinh). Trong tháng này, tết không được ấn định một ngày cụ thể, bởi ở mỗi vùng đất theo khí hậu thời tiết, mưa rơi xuống theo từng ngày khác nhau. Chính vì thế, ngày tết được chọn và tổ chức tùy theo gia đình, tùy theo khu vực mưa rơi trước sau, nên không có đêm giao thừa.
Bước vào năm mới, người Jrai đón Tết Nguyên đán theo cách riêng. Các gia đình Jrai đón năm mới bằng cách tổ chức kèm theo một lễ nào đó như: Lih (lễ tạ ơn), lễ Pơ Thi (lễ bỏ mả). Thông thường các lễ khác do thầy cúng chủ trì, còn lễ tạ ơn giao cho bà mối chủ trì. Lễ này được thực hiện trong nhà, mời cha mẹ hai bên cùng vào nhà. Sau đó, họ ngồi giữa nhà, xung quanh rượu ghè, thịt gà và thịt lợn được chuẩn bị sẵn. Tiếp đó bà mối (chủ hôn) của đôi vợ chồng tuyên bố lý do cuộc gặp, sau đó nói về công lao của cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng các con vất vả như thế nào…
Bánh chưng thay bằng cơm lam
Theo phong tục, người Jrai rất kỹ lưỡng trong việc chọn và chăm sóc con vật được xác định dùng để cầu, cúng trong ngày tết, nhằm tỏ lòng thành kính với thần linh, tổ tiên. Ngay từ khi mới nuôi, gia chủ sẽ làm một lễ nhỏ cầu xin các thần phù hộ cho nó hay ăn chóng lớn. Khi nuôi, nếu không may con vật này chết đi, muốn nuôi con vật khác để dùng trong ngày tết thì lại phải cúng lần nữa.
Video đang HOT
Men rượu cần là thứ không thể thiếu trong ngày lễ, tết của người Jrai. Ảnh: Trần Hiền
Khác biệt với các dân tộc khác, bánh chưng và bánh tét luôn là món ăn đặc trưng không thể thiếu trong ngày tết, thì người Jrai lại dùng cơm lam thay cho bánh. Cơm lam được nấu trong những ống lồ ô, cùng với đó là những chú lợn sau một thời gian thả rông đã được chăm sóc, vỗ béo. Đặc biệt, tết của người Jrai không thể thiếu men rượu cần. Người ta cho rằng, rượu là do Giàng (trời) bày cho cách làm, vậy nên khi muốn cầu thần linh chứng giám một việc gì đó, bắt buộc phải có rượu cần, như thế lời cầu nguyện mới linh nghiệm.
Nghi lễ mời thầy về làm lễ trong ngày tết cũng rất được chú trọng. Trước khi ăn uống, người Jrai thường nhờ thầy cúng gọi các thần núi, thần sông, thần suối gần đó và gọi tổ tiên về ăn chung…
Trong ngày tết, khi một nhà tổ chức ăn uống, chỉ cần được thông báo hay nghe tin, không cần biết gia chủ có mời hay không, người ngoài vẫn mang thức ăn, gạo đến góp và ăn, uống bình thường. Gia chủ cũng chẳng quan tâm hay để ý việc ai góp nhiều hay ít, với họ có người đến là “ưng cái bụng” rồi. Cứ thế, họ uống rượu rồi quây quần bên đống lửa đỏ rực, nắm tay nhau tạo thành vòng tròn cùng múa điệu xoang trong tiếng ngân vang của cồng chiêng gần gũi.
Theo Danviet
Chạnh lòng thương hồ bôn ba ngày Tết
Quanh năm rong ruổi, dọc ngang sông nước mưu sinh, Tết đến giới thương hồ mong một cuộc đoàn viên cũng không trọn vẹn.
Sáng mùng 1 Tết, bến Bình Đông (Q.8, TP.HCM) - một chợ hoa quả Tết trên sông đặc trưng của thành phố vắng lặng. Một vài ghe bán hoa quả Tết cố nán lại đậu chơ vơ trên bến sông chờ khách.
Bến sông Bình Đông ngày 30 chen chúc ghe chở hàng Tết.
Ôm nợ vì "vỡ trận" chợ Tết...
Anh Ba Dũng (Nguyễn Sĩ Dũng) - một thương hồ quê Bến Tre, đứng bần thần nhìn chiếc ghe bầu còn đầy ắp những chậu tắc nặng trĩu quả. Chiếc ghe chở 500 gốc tắc này anh mang lên từ Chợ Lách (Bến Tre) từ ngày 25 Tết, nhưng tới chiều 30 Tết mới bán được 1/3 số lượng.
Cứ tưởng, việc anh cơi nới chiếc ghe bầu thành hai tầng để chở nhiều chậu tắc hơn sẽ mang lại mùa bội thu Tết thì với tình trạng bán buôn ế ẩm khiến chiếc ghe bầu trở thành thảm họa. Theo anh Dũng, chuyến hàng Tết này khiến anh lỗ gần 200 triệu đồng.
Chiếc ghe bầu đến chiều 30 vẫn còn đầy chậu tắc của anh Ba Dũng.
"Muốn có tắc bán Tết, tui phải mua ngay từ tháng 5 (âm lịch) khi cây mới vừa bung nụ. Chăm sóc, ấp ủ cây suốt 7 tháng, nhưng cuối cùng phải ôm nợ. Làm ăn phải có lúc thắng, thua, nhưng mất số tiền vài trăm triệu thật choáng váng với những thương hồ như chúng tui", anh bộc bạch.
Theo anh Ba Dũng, số tắc tồn này phải đem đi đổ bỏ trên đường trở về quê đón Tết.
Anh Nguyễn Sĩ Dũng (trái) đặt chậu tắc lên xe cho khách hàng.
Trong khi đó, tại một chợ trái cây Tết trên đường Hậu Giang (Q.6), một bãi dưa hấu hàng ngàn quả bị vứt ngổn ngang. Anh Lâm Văn Hy - một thương hồ ở Long An cho biết, Tết năm nay anh đưa 5 tấn dưa hấu Mỹ Lộc (Cần Giuộc, Long An) về thành phố phục vụ người dân ăn Tết. Tuy nhiên, tới tận chiều 30 Tết, số dưa hấu của anh vẫn còn 3 tấn không tiêu thụ được.
"Lát nữa tui phải trả lại mặt bằng cho chính quyền địa phương, số dưa này xem như đổ bỏ. Tết này tui lỗ mấy chục triệu đồng tiền dưa", anh Hy buồn thiu.
Các đoàn thể chính quyền đang thu dọn một bãi dưa hấu của anh Lâm Văn Hy trên đường Hậu Giang để trả lại mặt bằng cho người dân vui xuân.
Theo anh Hy, nhiều thương hồ để có được ghe hàng bán tết phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi. Những năm bán được không nói gì, có những mùa tết nhiều người phải về quê ăn tết cùng món nợ vì hàng không bán được như Tết năm nay.
Đón giao thừa trên sông
Chiều muộn, anh Ba Dũng thối chí cho lui ghe về quê đón Tết với tâm trạng rối bời bời. Tôi hỏi anh làm sao về kịp để sum họp gia đình đón Giao thừa? Ba Dũng cười buồn: "Tình cảnh như thế này tui quen rồi. Rất nhiều năm tui phải đón Giao thừa trên sông. Đời thương hồ là vậy".
Trong một góc chiếc ghe bầu, Ba Dũng đã đặt sẵn cái bàn thờ, cũng có chậu mai tết be bé đang nở rộ hoa, cặp bánh tét, quả dưa hấu "Tui cúng Giao thừa ngay trên sông", anh thổ lộ.
Không như Ba Dũng chỉ đưa nhân công theo phụ bán, anh Nguyễn Văn Minh (Tiền Giang) - một thương hồ có thâm niên gần 20 năm, đưa cả vợ con theo ghe. Thường ngày, anh chị chở hàng đi khắp các tỉnh miền Tây. Mỗi năm khi tết đến, anh cùng vợ con lại chở kiểng, hoa tết lên Sài Gòn bán.
Chị Thủy - vợ anh Minh tâm sự, năm nào cũng vậy, hai vợ chồng bán hết hàng rồi quày quả trở về nhà là đã trưa mùng 1 Tết. "Đêm giao thừa tui cũng mua một ít bánh trái, nhang đèn cúng trên ghe. Dù có nhà cửa hay không thì cũng phải có bàn thờ để thể hiện lòng hiếu kính, tưởng nhớ của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Có năm ghe chết máy, phải neo lại chờ đến sáng sửa xong, hai vợ chồng về tới nhà đã sáng mùng 2 rồi. Ăn tết trên sông riết rồi cũng quen", chị cười giả lả.
Dù lênh đênh trên sông nước nhưng những thương hồ vẫn chu toàn việc thờ cúng tổ tiên ngày Tết ngay trên ghe.
Anh Minh thuộc dạng "thương hồ nghèo", mỗi chuyến hàng bỏ vốn vài chục triệu đồng, mua những chậu kiểng bình dân chở về phố. Anh bộc bạch, mỗi năm có vài ngày Tết để kiếm tiền. "Mỗi chậu kiểng tôi bán lời khoảng 5.000 - 10.000 đồng, trừ hết chi phí mỗi chuyến hàng kéo dài nửa tháng, vợ chồng tui kiếm được chục triệu đồng trang trải những ngày Tết", anh chia sẻ.
Anh Minh dồn sức chống sào cho ghe lui không quên cất câu vọng cổ nghe não ruột"... Cuộc đời trôi theo con nước ròng, nước lớn. Kiếp thương hồ dọc ngang phiêu dạt, đón tết xa quê mà xao xuyến trong lòng...".
Theo Danviet
Phát hiện 5 người trong gia đình tử vong trưa 30 Tết 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 người con được phát hiện đã tử vong trong căn nhà ở Sài Gòn vào trưa nay 15/2, tức 30 Tết. Hiện trường căn nhà có 5 người tử vong trưa 30 Tết Chiều 15/2 (30 Tết), Công an quận Bình Tân vẫn đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an TPHCM...