Tết của hội bỉm sữa Việt Nam ở Nhật Bản: Tưởng không vui mà vui không tưởng
Có lẽ với người phụ nữ đi lấy chồng xa, vào những dịp Tết nhất thế này, sẽ khó tránh khỏi cảm giác tủi thân. Nhưng thực ra họ mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Nhiều người luôn khẳng định con gái lấy chồng xa sẽ phải chịu nhiều vất vả và khổ cực. Họ không chỉ phải rời xa vòng tay bố mẹ để đến sống trong một gia đình xa lạ mà còn phải làm quen với môi trường hoàn toàn mới. Vì vậy mà không ít ông bố bà mẹ sợ “mất” con gái khi để con mình lấy chồng xa.
Nhưng có một điều cần được ghi nhận, đó là phụ nữ Việt Nam không chỉ đảm đang mà còn vô cùng mạnh mẽ, kiên cường. Nếu vẫn đang bán tín bán nghi về khẳng định này, câu chuyện về hội bỉm sữa Việt ở Nhật Bản dưới đây sẽ khiến bạn khâm phục.
Các mẹ bỉm sữa Việt Nam ở Nhật Bản.
“Tết đầu tiên xa nhà, MXH là niềm vui và cũng là nỗi buồn”
Mỗi chị em một hoàn cảnh, một cuộc sống khác nhau nhưng không ai giấu nổi nỗi nhớ nhà trong những ngày Tết. Chị Sen, một bà mẹ đã trải qua 4 cái Tết ở Nhật cho biết: “Những ngày này, khắp Facebook ngập tràn hình ảnh Tết ở Việt Nam. Nhìn bạn bè, người thân được quây quần bên gia đình, không chỉ mình mà mẹ nào cũng tủi thân hết.”
Đây cũng chính là nỗi niềm của chị Thương: “Tết đầu tiên xa nhà, niềm vui chính của mình là lướt Facebook để có thể nói chuyện với gia đình và bạn ở nhà. Nhưng cũng chính Facebook làm cho mình nhớ quê hương da diết bởi nhìn đâu cũng thấy mọi người đua nhau khoe ảnh đào quất hay sắm sửa Tết”.
Còn chị Thanh lại kể về cái Tết đầu tiên ở Nhật của mình cách đây 5 năm: “Mình còn nhớ năm đầu xa nhà, đến gần Tết thì cảm giác nhớ nhà trỗi dậy, thèm vị bánh chưng bố mẹ nấu ngày Tết, thèm được đi chợ Tết để ngắm và mua đồ.”
Những món ăn Việt Nam được các chị em làm ở Nhật.
“Ở Nhật không có Tết Âm lịch nhưng nhà chồng vẫn gửi lời chúc Tết cho thông gia!”
Giống như nhiều gia đình ở Việt Nam, chồng và nhà chồng của các bà mẹ bỉm sữa ở Nhật cũng gửi lời chúc Tết đến gia đình thông gia. Chị Thương chia sẻ: “Lại nói đến gia đình chồng, mỗi dịp Tết, ông bà đều gọi điện về Việt Nam để chúc Tết thông gia”.
Không chỉ có thế, còn có ông chồng vô cùng tâm lý như chồng chị Sen: “Nếu mình không về Việt Nam thì chồng chở đi sắm Tết, mua gạo nếp, đỗ xanh và thịt để cho mình chuẩn bị gói bánh chưng. Chồng mình cũng muốn vợ con có được một cái Tết cho giống ở nhà”.
Mẹ chồng chị Đô Va (thứ 4 từ trái sang) hào hứng tham gia buổi gói bánh chưng cùng con dâu và hội chị em.
Hay như chị Đô Va, đây là năm đầu tiên chị đón Tết Nguyên đán ở Nhật Bản. Khi nghe con dâu kể thì mẹ chồng chị rất hào hứng: “Mẹ chồng mình rất háo hức muốn xem món bánh đặc trưng của Việt Nam trong ngày Tết như thế nào. Vì vậy mà khi các chị em tụ tập làm bánh chưng thì mẹ chồng mình cũng đi cùng”.
“Muốn kể cho con rất nhiều về Tết Nguyên đán”
Không chỉ có niềm trăn trở với Tết quê nhà, hội mẹ bỉm sữa Việt ở Nhật còn có những mong muốn dành cho con cái mỗi khi Tết đến xuân về. Vì vậy mà mỗi lần gặp mặt, đặc biệt là ngày Tết thế này, họ luôn mang con đi để con có thể cảm nhận phần nào không khí Tết ở quê mẹ.
Còn các em bé, dù chưa nhận thức được sự quan trọng của Tết với mẹ nhưng vẫn không khỏi tò mò. Chị Sen, bà mẹ 2 con cho biết: “Cứ gần Tết là mình lại bật nhạc Tết. Bé lớn nhà mình mới biết nói nên thuộc mỗi cầu “Tết Tết Tết đến rồi”. Mình cũng chỉ cho con cái bánh chưng thì con cũng biết”.
Các bà mẹ đều mong muốn chỉ cho con mình những nét đặc trưng của Tết Việt như bánh chưng.
Chị Thanh lại dự định: “Con mình vẫn còn nhỏ nên mình cũng chưa kể về Tết Việt Nam. Nhưng mình định để con lớn thêm chút nữa sẽ đưa chúng nó về vào dịp Tết và chỉ cho chúng về Tết Việt Nam như thế nào”.
“Chúng tôi tự tạo Tết cho chính mình!”
Sống ở nơi lệch Việt Nam đến 2 múi giờ, đương nhiên các bà mẹ bỉm sữa này sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, các chị đã tìm đến với nhau, gặp mặt và lập thành một nhóm giống như chị Thúy chia sẻ: “Ăn Tết xa quê đương nhiên sẽ không tránh khỏi cảm giác buồn bởi còn gì hạnh phúc hơn là được quây quần bên gia đình. Nhưng ở đây có những người chị em đã giúp mình vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê”.
Gặp mặt, làm bánh chưng, nem rán, đồ ăn Việt Nam chính là cách mà các bà mẹ bỉm sữa Việt ở Nhật tự tạo Tết cho mình.
Với các chị, khó khăn nhất khi đón Tết xa nhà chính là việc mua nguyên liệu để làm những món ăn Việt Nam. Chị Quyền, người đã có 8 năm không ăn Tết ở nhà cho biết: “Tết ở Nhật cũng chẳng thiếu thốn gì nhiều đâu ạ. Ở những nơi có nhiều người Việt sinh sống cũng có hoa đào, hoa mai hay câu đối. Hội chị em thì tụ tập làm bánh chưng, giò xào, dưa hành, đồ ăn Việt Nam,…”
Mặc dù ngày nay những cửa hàng bán đồ Việt khá nhiều nhưng giá thì cũng không rẻ. Chị Thoa nói thêm: “Những lần tụ họp giúp mình nâng cao khả năng nấu nướng. Từ 1 đứa không biết nấu món gì giờ đã thành bà nội trợ thèm gì nấu đó. Dù giá cả nguyên liệu cao hơn ở Việt Nam rất nhiều nhưng mọi người đều cố gắng chuẩn bị để tạo ra một cái Tết Việt Nam nhất có thể giữa xứ sở mặt trời mọc”.
Thế mới thấy rằng, hội mẹ bỉm sữa Việt ở Nhật mạnh mẽ đến như thế nào. Cho dù có vất vả bận rộn với con mọn, với việc phải sống xa xôi nơi đất khách quê người, họ vẫn luôn nỗ lực để tạo một cái Tết đủ đầy nhất cho mình và cho mọi người.
Theo helino
Con dâu ngỏ ý muốn về ngoại ăn Tết và chia sẻ của bố mẹ chồng "gây bão" mạng xã hội
Ngày giáp Tết, tâm sự của những nàng dâu và tâm tư của bố mẹ chồng thực sự khiến dân mạng xúc động.
Chủ đề cũ nhưng chưa bao giờ hết "hot" trên mạng xã hội những ngày giáp Tết Nguyên đán: Tết nội, Tết ngoại. Chẳng thế mà một đoạn clip với tiêu đề "Với mẹ chồng, Tết nhà ngoại cũng từng là mong ước" đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý trên mạng xã hội ngay khi vừa đăng tải. Chỉ sau ít ngày, đoạn clip đã hút hơn triệu lượt xem, hàng ngàn lượt chia sẻ cùng hàng trăm bình luận rôm rả trên nhiều diễn đàn.
Mở đầu đoạn clip phỏng vấn, những nàng dâu đã có chia sẻ rất chân thành về tâm tư nguyện vọng của mình trong ngày Tết. Nhiều người đi lấy chồng xa lâu năm mà chưa từng được về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết, muốn ngỏ ý với gia đình nhà chồng nhưng lại sợ, sợ bố mẹ chồng không đồng ý, rồi lại sợ không khí gia đình bị ảnh hưởng...
Biết bao nỗi sợ hãi bủa vây khiến những người phụ nữ ấy đành tặc lưỡi nín nhịn, thế nhưng cứ mỗi lần nghĩ về bố mẹ đẻ ăn Tết ở nhà không có con gái bên cạnh thì họ lại ứa nước mắt, tủi thân.
"Khi mà dọn dẹp nhà cửa cho bên chồng thì mình lại chợt nghĩ về bố mẹ đẻ ở nhà, chắc cũng đang lủi thủi một mình. Lúc ấy, mình thấy thương lắm. Mình chỉ mong bố mẹ chồng hiểu và đồng ý để cho mình về đón giao thừa với bố mẹ đẻ 1 lần thôi, thì đã là hạnh phúc lắm rồi", chia sẻ của một người phụ nữ.
Clip phỏng vấn chia sẻ của những nàng dâu muốn được về ngoại đón Tết
Những nàng dâu rụt rè, ngại ngỏ ý tâm tư nguyện vọng với bố mẹ chồng hẳn sẽ bất ngờ trước suy nghĩ của chính bố mẹ chồng họ trong vấn đề Tết nội, Tết ngoại và câu chuyện của những ông bố, bà mẹ chồng trong clip đã khiến số đông cảm thấy ấm lòng.
Mẹ chồng nào cũng từng làm dâu, nên họ càng thấu hiểu và đồng cảm với nguyện vọng muốn được một lần về ngoại đón Tết của con dâu.
"Tôi đi làm dâu cũng ít khi được về nhà ngoại ăn Tết. Mãi đến năm bà ngoại bệnh tai biến nặng, tôi mới dám xin ba má chồng về đón Tết với gia đình mình và chăm sóc cho bà ngoại. Nếu tôi không về được, chắc tôi hối hận lắm", một bà mẹ chồng ở TP. HCM chia sẻ.
1 bà mẹ chồng nghẹn ngào nhớ về quãng thời gian làm dâu, quãng thời gian mong muốn được về ngoại đón Tết.
Đặc biệt, có ông bố chồng từng chứng kiến cảnh mong mỏi đón con cháu về của bố mẹ vợ mình trước đây nên đã lên tiếng ủng hộ con dâu về ngoại ăn Tết. Theo ông: "Tôi nhớ bữa đó cả nhà vừa về tới cổng đã thấy bà ngoại đứng trong nhà ngóng ra, trông chờ, mắt rưng rưng... Mấy đứa con tôi chạy ào tới, ôm choàng lấy bà ngoại. Đó chính là cảm giác gia đình hạnh phúc ngày Tết".
Ông bố chồng này "đấu lý" vợ: "Bà nhà tôi nói rằng làm dâu bên này phải theo phong tục, gia giáo này nọ... Tôi mới bảo bà ấy, thế ngày xưa bà làm dâu nhà tôi thì những ngày Tết bà cũng muốn về ngoại ăn Tết cơ mà. Thế sao bây giờ bà lại cấm con dâu về ngoại ăn Tết? Tôi nói thế, bà ấy ngồi im, bà ấy không nói gì nữa".
Ông bố chồng chia sẻ lại kỷ niệm đưa vợ cùng các con về thăm ông bà ngoại ngày Tết.
Được biết, đoạn clip phỏng vấn bố mẹ chồng là một trong những hoạt động ý nghĩa của chiến dịch "Tết nhà ngoại". Hiện đoạn clip vẫn đang chứng tỏ được sức hút của mình đối với người xem.
Theo Trí Thức Trẻ
"Về ngoại sướng thật" - chia sẻ của cô con gái ở cữ bên ngoại đảm bảo ai cũng thấy mình trong đó "Cơm không phải nấu, bát không phải rửa, nhà không phải quét, chỉ lúc nào em xung phong làm thì làm thôi. " "Sáng lười dậy sớm nên ông toàn bế con chơi, rửa mặt mũi, xi tè rồi thay bỉm tã cho con. Bà thì nấu cháo theo công thức mẹ dặn trước rồi ông bà cho cháu ăn uống, vệ sinh...",...