Tết của hiệp sĩ ‘Minh cô đơn’: ‘Đường càng vắng càng phải đi làm, ai gặp khó khăn mình còn giúp’
Sài Gòn thời điểm cuối năm, giữa lúc người người bận rộn thu xếp lại công ăn, chuyện làm, chuyện học hành, thi cử để về quê sum họp cùng gia đình, thì đâu đó tại một góc đường quen thuộc của Làng đại học, bóng dáng một người đàn ông phong trần vẫn cặm cụi tới lui để giúp đời, giúp người.
Clip: Ngày Tết của chú Minh cô đơn là… giúp đỡ người khác
Chúng tôi đến thăm chú ‘Minh cô đơn’ (tên thật là Nguyễn Văn Minh, 60 tuổi) vào một buổi chiều cuối năm nắng gắt, chú ‘phơi’ chiếc xe ba gác trên lề đường, tay cầm thanh lăn đầy nước sơn trượt qua trượt lại trên thùng xe, chú cười: ‘Con thấy chú sơn lại có đẹp không, chở đồ nặng người ta kéo trầy hết nè, nay không phải đi chuyến nào nên chú tranh thủ sơn lại cho mới’.
Từ ngày được tặng chiếc xe ba gác, chú Minh biết bản thân thật sự không cô đơn như cái tên của mình, có rất nhiều người luôn đứng đằng sau để ủng hộ, đồng hành cùng chú trên hành trình giúp đời. Có lẽ vì điều này, chú đang ngày càng nhiệt huyết hơn, cùng dòng chữ ‘Minh cô đơn, chuyển trọ cho sinh viên miễn phí’ đi khắp mọi nẻo đường.
Cuối năm, trên con xe ba gác mới, ‘hiệp sĩ’ Minh chở theo những nỗi niềm đã cũ, xuôi theo mấy con đường mong giúp sinh viên, người lao động sớm được đoàn viên cùng gia đình.
Càng cận tết, những ‘chuyến đi’ càng dày đặc hơn, đến mức người đàn ông này phải xếp lịch: ‘Gần tết nên chú chuyển đồ nhiều hơn thời gian trước, chủ yếu là chở người lao động nghèo như thợ hồ, bán vé số, rồi nhiều sinh viên nữa, người ta dọn đồ để về quê ăn tết đó. Ai khó khăn cần giúp đỡ là mình giúp hết à, nhưng mà phải gọi trước để chú biết, ai hẹn trước thì chuyển trước chứ không được tranh giành’.
Có ngày, chú phải đi hai ba chuyến quanh các quận khác nhau của Sài Gòn, thậm chí là đi sang các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai để chuyển trọ cho người dân và sinh viên. Những chuyến đi xa đầy nắng gió, bụi đường chưa bao giờ khiến ‘hiệp sĩ Minh’ thấm mệt, nhưng đổi lại người đàn ông này có niềm vui và hạnh phúc.
‘Đi như vậy mệt chứ, mệt lắm nhưng mà chú thấy rất vui. Mình đi như vậy mình mới biết thêm nhiều thứ, biết chỗ này chỗ kia, rồi giúp đỡ được người khác nữa’ – chú tươi cười giải thích.
Có lẽ, lòng tốt là thứ duy nhất giúp chú Minh luôn hạnh phúc giữa cuộc đời. Sau những chuyến xe đường dài, chú không tìm về chiếc giường để ngơi nghỉ, mà là ngồi trên băng ghế đá quen thuộc ở ngã tư, bên cạnh thùng đồ nghề sửa xe để chờ ai đó ghé qua hỏi thăm đường, chờ mấy cô cậu sinh viên tan giờ học ghé bơm lại bánh xe, nói đôi câu rôm rả là đã thấy đủ đầy.
Từ ngày chú Minh bắt đầu với công việc vá xe miễn phí, làm hiệp sĩ thầm lặng đến nay đã hơn 10 năm, chú chưa từng có một cái tết trọn vẹn, hay nói đúng hơn là chưa từng ăn tết.
Dạo một vòng quanh căn chòi mà chú hay gọi vui là ‘căn biệt thự 5 tỷ’ dựng bằng một tấm bạt của chú, chúng tôi không thấy có vật gì giá trị, hay có thể trang trí cho ra một chút không khí tết, ngoài chiếc giường được nhấc lên cao hơn một chút so với nền đất bằng mấy cục gạch thô.
‘Này là biệt thự 5 tỷ đó, có mua cũng không có bán đâu’ – chú cười. Trong căn chòi gọn gàng, chiếc mùng luôn được chú Minh giăng sẵn, bởi lẽ, chú chỉ có hơn 5 tiếng cho giấc ngủ của mình.
Chú thường bắt đầu một ngày mới vào lúc 4 giờ sáng, và dành cả ngày để chuyển đồ, sửa xe miễn phí cho sinh viên, người lao động nghèo. Đến chừng 8 giờ tối, chú ‘đánh xe máy’ đi khắp làng đại học xem có ai cần giúp đỡ hay không, đến 11 giờ đêm thì về chòi, tắm rửa rồi nghỉ ngơi.
Năm này qua tháng nọ, chú vẫn cứ miệt mài đi giúp đời, chẳng nề hà công cán, chẳng đòi hỏi nghỉ ngơi, kể cả ngày Tết: ‘ Tết thì cũng như ngày thường thôi, sinh viên cũng còn một số ít ở lại làm thêm nên chú vẫn ra đó ngồi. Mà càng vắng người thì mình càng phải đi làm chứ, kẻo ai có gì khó khăn còn có mình giúp đỡ ‘ .
Năm nay, ‘hiệp sĩ Minh’ vẫn đi làm như thông lệ, có điều, chú đã có cho mình vài ba ngày nghỉ Tết thật lạ – làm tình nguyện cùng sinh viên. ‘Tết này chú đi tình nguyện ở Vũng Liêm với mấy đứa sinh viên nè, chú chạy xe ba gác để chở gấu bông xuống đó, ngủ lại một đêm, phát quà xong thì đánh xe không về. Chú đi tình nguyện với sinh viên cũng nhiều lần rồi, đi như vậy rất là vui, coi như là mình được đi du lịch vậy’.
Nói về mong muốn của mình trong tương lai, chú Minh cô đơn hi vọng bản thân có đủ sức khoẻ để làm việc và lo cho bản thân mình. Với chú, nụ cười của mọi người là niềm vui, lời cảm ơn của mọi người là động lực, chỉ khi còn đủ sức lực chú mới có được niềm vui và động lực cho cuộc sống của mình.
Bị trộm mất chiếc xe ba gác, chú Minh 'cô đơn' ở làng ĐH Quốc gia: 'Chiếc mới cũng mấy chục triệu, chú không biết làm sao...'
Chiếc xe ba gác chú Minh 'cô đơn' dùng để chở đồ, hỗ trợ miễn phí, giúp đỡ cho những người khó khăn nay đã bị kẻ gian lấy mất.
Mới đây, chú Nguyễn Văn Minh (thường được gọi là Hiệp sĩ Minh 'cô đơn') khi vừa thức dậy vào sáng nay (7/12) thì phát hiện tài sản là chiếc xe ba gác của mình bỗng chốc biến mất.
Chiếc xe ba gác có màu xanh, mang biển số 61G6- 6055, trên xe có ghi tên 'chú Minh cô đơn'.
Chú Minh 'cô đơn' vừa bị mất chiếc xe ba gác.
Chiếc xe này chú Minh được mua tầm 1 năm nay dùng để chở đồ, chuyển trọ hỗ trợ miễn phí, giúp đỡ cho các bạn sinh viên và người dân khó khăn!
Trên hội nhóm fanpage, mọi người đang cùng nhau chia sẻ thông tin này, kêu gọi nếu thấy chiếc xe ở đâu thì có thể liên hệ lại với chú Minh 'cô đơn' vào số điện thoại 0785 589 849 để chú lấy lại xe.
Chiếc xe ba gác không chỉ là phương tiện kiếm sống qua ngày mà còn giúp chú Minh có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn ở Làng ĐH Quốc Gia.
Tuy nhiên trước đó vào tháng 1, chú Minh bị kẻ gian bị truy sát, đốt xe, đốt chòi trong đêm.
Liên lạc với chú Minh, chú cho biết đã đến cơ quan chức năng trình báo sự việc. 'Mất xe thì chú cũng hơi buồn, vì chiếc xe đó người ta cho chú để làm việc thiện, giúp đỡ sinh viên mà giờ lại mất, giờ chú chỉ còn bơm vá xe được thôi' - điều chú nghĩ tới hiện tại là không thể giúp được sinh viên.
'Chú cũng rất hi vọng là tìm lại được, cũng có báo cho các anh em hiệp sĩ để họ truy lùng, giúp đỡ. Trường hợp xấu nhất là phải mua xe mới, chú đi hỏi giá ở các chợ, các đầu bán rồi, nhưng mà giá lên đến mấy chục triệu, chú cũng không biết làm sao. Nhưng mà không có chiếc xe thì mình thấy khó chịu trong lòng lắm' - chú Minh buồn bã.
Chú Minh làm nghề vá xe miễn phí cho học sinh sinh viên và những người khó khăn.
'Hiệp sĩ' Minh 'cô đơn'(tên thật là Nguyễn Văn Minh, 56 tuổi) ở Làng đại học Quốc gia TP.HCM, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Chú Minh 'cô đơn' nổi tiếng là khắc tinh của cướp giật trong Đại học quốc gia TP.HCM. Hiệp sĩ Minh ở làng Đại học được nhiều người dân quanh đây yêu quý. Ngoài các thành tích nhiều lần bắt cướp thì chú Minh 'cô đơn' còn có một 'tiệm' chuyên vá xe miễn phí, giúp đỡ sinh viên khu Đại học Quốc gia TP.HCM.
Người dân quyên tiền giúp chủ xe ba gác bồi thường xe ô tô khi lỡ va quẹt, tưởng là câu chuyện tốt như mơ nhưng lại gây tranh cãi kịch liệt Ấm lòng nhất chắc vẫn là hành động của người dân, mỗi người bỏ ra một ít, gom góp tiền để bồi thường thay cho chàng thanh niên. Một câu chuyện va quẹt xe xảy ra ngày cuối năm ở Quảng Trị mới đây vừa được dân mạng lan truyền tích cực. Theo đó, nhân vật chính của câu chuyện là một anh...