Tết của cô bé mang hai dòng máu Việt-Thụy Sĩ
“Tết tết tết! Vui thật là vui! Ngày đầu năm, bé kính chúc mọi người cuộc đời giàu sang, tâm hồn phơi phới. Xuân về đây rồi, làm ăn phát tài!”, nghe con gái Thy Thy của mẹ líu lo hát mà lòng mẹ tràn ngập mùa xuân. (Đồng An, Thụy Sĩ)
Con gái mẹ rất mê mặc áo dài Việt Nam. Ảnh: tác giả cung cấp
Con gái Thy Thy của mẹ Tết này gần 6 tuổi rồi nhỉ! Con được mẹ kể về Tết cũng như từng về Việt Nam ăn Tết hai lần khi còn bé nên cũng háo hức đón Tết vô cùng. Những ngày cận Tết con cứ lăng xăng chạy quanh khi thấy mẹ dọn dẹp nhà cửa và cố gắng giúp mẹ. Con được mẹ dạy rằng những ngày đầu năm mà nhà cửa gọn gàng sạch sẽ thì cả năm sẽ như thế.
Những ngày sát Tết, con háo hức quá, cứ luôn miệng hỏi “Mẹ ơi, chừng nào mới đến Tết?” líu lo bằng tiếng Việt thật đáng yêu. Mẹ kể cho con nghe vào dịp Tết trẻ con sẽ được ba mẹ mua cho quần áo đẹp và được mặc chúng để dạo chơi khắp phố phường và khoe với ông bà, người thân của mẹ. Con thích lắm nên cứ nôn nóng chờ đến Tết để được mặc chúng.
Giây phút làm mẹ hạnh phúc nhất là khi ngắm nhìn con mặc những trang phục truyền thống Việt Nam. Yểu điệu trong những chiếc áo bà ba, áo dài, áo tứ thân vào ngày đầu của năm mới, con thích chí lắm và cảm giác rất tự hào nữa. Con cứ xin mẹ lôi hết quần áo kiểu này ra mặc thôi. Con còn rất hào hứng tập hát những bài hát về Tết bằng tiếng Việt để biểu diễn cho mọi người xem qua những video mẹ quay, và hăng say học câu chúc Tết mọi người.
Nhớ có lần con được bố mẹ dẫn đến một cửa hàng Việt Nam cách nhà mình một tiếng lái xe để mua vài thứ cho ngày Tết. Sau khi được mẹ cho phép nhận quà từ cô chủ, Thy Thy của mẹ dõng dạc tự cảm ơn và chúc Tết: “Con kính chúc bà một năm mới an khang, thịnh vượng, phát tài và hạnh phúc”, khiến cô chủ ngạc nhiên vô cùng.
Cô khen Thy Thy chúc Tết còn giỏi hơn cô ấy, vì sống ở nước người quá lâu nên cô còn không nhớ rõ những lời chúc tiếng Việt nữa. Mẹ cảm thấy thật vui vì dù con sinh ra và lớn lên ở Thụy Sĩ nhưng không quên cội nguồn của mẹ.
Dù năm nay không được đón Tết ở Việt Nam nhưng bên cạnh có con, có bố, có ông bà nội, cùng chuẩn bị và đón Tết, mẹ vô cùng hạnh phúc và cảm thấy cuộc đời mình thật may mắn. Ba năm rồi không được về quê khiến năm nay mẹ càng nhớ Tết hơn bao giờ hết. Mặc dù xa nhà cũng gần 10 năm nhưng trái tim mẹ luôn nghĩ về quê hương mỗi ngày, nghĩ về nơi mà mình đã sinh ra và khôn lớn.
Bà nội diện áo dài, ông nội đội nón lá trông cũng đẹp không khác gì người Việt Nam con nhỉ?. Ảnh: tác giả cung cấp
Điều làm mẹ thấy cảm động nhất khi ở xứ người là dù gia đình bố con là người Thụy Sĩ nhưng tâm hồn của họ rất Việt Nam. Họ yêu cái bầu không khí của Tết cổ truyền chúng ta và thích hòa nhập vào đó.
Video đang HOT
Mẹ ngạc nhiên vô cùng vì không ngờ bố con lại yêu Tết đến vậy. Ngày cuối năm bố đã cố gắng đi tìm mua vài nhành hoa màu vàng để trang trí tượng trưng cho hoa mai ngày Tết, tự tìm tòi để cắt dán những thứ trang trí lên cây mai và còn làm cả những cái bao lì xì cho các thành viên trong gia đình nữa. Những điều nhỏ nhặt ấy đã khiến mẹ thật xúc động biết bao và càng trân trọng gia đình nhỏ và lớn của mẹ nhiều hơn mỗi ngày.
Dù mất nhiều năm để hiểu nhau, để có cuộc sống hòa thuận êm đềm với nhau nhưng vài năm nay, khi tạo được bầu không khí Tết trong gia đình, lòng mẹ thật ấm áp. Mẹ cảm thấy thật tự hào vì là người Việt Nam và đã chia sẻ văn hóa của quê ngoại con vào Thụy Sĩ, dù ở thành phố nơi gia đình mình đang sống số người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ba năm nay rồi, cứ đến Tết là con cùng bố mẹ và ông bà nội quây quần bên nhau ăn tối với những món ăn Việt Nam như khổ qua dồn thịt, trứng kho tàu, bánh chưng, bánh tét… Cả nhà cùng nhau trò chuyện về Tết thật rôm rả, cùng chơi lắc cua bầu rồi lì xì cho nhau khiến ai cũng vui vẻ. Một cái Tết thật đơn giản nhưng đầy hạnh phúc khi mọi người trong gia đình đều quan tâm đến nhau, hướng về nhau, dù không cùng ngôn ngữ và truyền thống.
Năm nay, chú con dù bận rộn đi du lịch xa, không cùng tham gia buổi họp mặt gia đình nhưng vẫn nhờ mẹ mừng tuổi ông bà nội khiến ông bà ấm lòng lắm khi được các con quan tâm nhiều hơn mỗi ngày. Chính ông bà nội cũng lì xì cho con và bố mẹ để lấy hên cho năm mới. Ông bà ngày càng “Việt Nam” con nhỉ? Dù mùa đông lạnh lẽo vẫn đang bao trùm Thụy Sĩ, mà mẹ thì sợ nhất là cái lạnh, nhưng mẹ cảm thấy thật ấm áp với không khí Tết trong ngôi nhà nhỏ của mình, Thy Thy ạ.
Mẹ và bố con cảm ơn mọi người ở Việt Nam nhiều lắm vì đã luôn quan tâm đến gia đình mình, đến cô con gái bé bỏng của mẹ. Nhờ mọi người mà mẹ càng có thêm động lực để dạy con gái mẹ nói thật giỏi tiếng Việt và hiểu biết thật nhiều về quê ngoại thân yêu. Mẹ cầu chúc cho mọi người mọi nhà có một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và vạn sự như ý. Còn Thy Thy, con gái cũng có những lời chúc nho nhỏ dành cho các cô, các chú đấy!
Theo VNE
Lời cầu hôn lúc Giao thừa
Với em đây sẽ là cái Tết ý nghĩa nhất và đáng nhớ nhất trong đời. Đến giờ em vẫn còn lâng lâng hạnh phúc, tim đập rộn ràng khi nhớ lại lúc anh ngỏ lời cầu hôn. Làm sao em có thể từ chối một người yêu quê hương em, yêu gia đình em, yêu em sâu sắc đến thế! (Minh Trang, Pháp)
Jérôme yêu thương,
Thế là em đã đón 8 cái Tết ở Paris rồi đấy, nhưng năm nay đặc biệt hơn mọi năm rất nhiều, đó là có anh cùng chia sẻ những khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới... Em hạnh phúc vì có anh ở bên, cái Tết xa quê không còn cảm giác cô đơn và tủi thân nữa. Sự ấm áp của anh cũng như tình yêu thương của tất cả mọi người làm em yêu hơn không khí của những ngày Tết đến trên mảnh đất xa xôi này.
Ở Paris em không có được cảm giác mọi người hối hả chuẩn bị Tết, không được thấy những xe chở đào, chở quất vào thành phố, chỉ cần thấy hình ảnh này thôi em đã có cảm giác Tết về thật gần. Không thấy những gánh chuối xanh nặng trĩu trên vai những người bán rong nhưng trên gương mặt họ hiện rõ niềm vui sướng, không thấy những túi cá chép treo lủng lẳng sau xe bán dạo ngày cúng ông Táo, ông Công.
Em không thấy những gánh gấc đỏ rực một góc chợ, không thấy những chiếc bánh chưng xanh mới luộc được xếp ngay ngắn trên gian hàng, không thấy những quầy hàng Tết với những băng rôn "Chúc mừng năm mới" nào mứt, nào kẹo thơm phức. Không thấy những gánh hàng hoa muôn màu với violette, thược dược, lay ơn, không thấy cờ hoa rực rỡ khắp phố, khắp đường...
Ở Paris em không ngửi thấy mùi nem rán, canh măng, mùi hương trầm ngào ngạt khắp ngõ, em không thấy pháo hoa sáng rực lúc giao thừa ; em không nghe tiếng trẻ con nô đùa sung sướng, khoe tiền mừng tuổi, khoe quần áo mới ; không có được cảm nhận khoảnh khắc trời đất giao hòa, phải ở đó, trong khung cảnh đó, tại thời điểm đó, ở Việt Nam, ta mới cảm nhận hết được...
Nhưng ở đây, giữa Paris hoa lệ, em vẫn có Tết, không thực sự giống ở Việt Nam nhưng cũng đủ làm em thấy gần gũi, thân thương, bên gia đình là những thầy cô giáo cũ, là bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là bên anh yêu.
Một góc mâm cỗ Tết. Ảnh tác giả chụp tại Tòa thị chính Paris ngày 8/2.
Năm nay Đại sứ quán tổ chức Tết ở tòa thị chính Paris để thể hiện tình hữu nghị Pháp-Việt nhân năm giao lưu và 40 năm quan hệ ngoại giao hai nước (và 2 năm Tình yêu của mình, anh nhỉ?). Ngoài trời mưa và lạnh nhưng em luôn cảm thấy ấm áp trong lòng...
Nườm nượp người đến, những gương mặt rạng ngời, những ánh mắt hân hoan, anh bảo nhìn mọi người thôi cũng đã thấy vui rồi. Anh thấy vui sướng được mời đến tham dự và thưởng thức Tết Việt Nam. Em hãnh diện lắm khi giới thiệu với anh những nét văn hóa Việt Nam, kể anh nghe sự tích bánh chưng bánh dày, về phong tục đi chúc Tết. Anh rất ngưỡng mộ sư sáng tạo và khéo léo của người Việt Nam qua mâm cỗ Tết, qua những món ăn đẹp mắt và thơm ngon, anh yêu sự đón tiếp nồng hậu của người Việt, em thấy hạnh phúc lắm...
Thế là anh cũng trải nghiệm được phần nào về Tết cổ truyền Việt Nam, cũng tưng bừng, rộn ràng anh nhỉ? Cũng múa lân, múa rồng, cũng bánh chưng, câu đối. Ở Paris này không thực sự như ở Việt Nam và anh ước mong sẽ có lần được đón Tết với gia đình em ở Hà Nội.
Anh háo hức chờ đợi phần bóc thăm trúng thưởng vé khứ hồi của Vietnam Airlines, anh cứ cầu Chúa cho anh có may mắn đó để được về thăm nhà với em, em thực sự cảm động khi thấy anh hồi hộp đến thế khi đợi Đại sứ tuyên bố tên người trúng giải. Nhưng thật tiếc khi hai giải thưởng đó lại không dành cho mình, em cũng buồn như anh, nhưng không sao anh ạ, mình sẽ hy vọng vào lần sau, em chắc chắn mình sẽ cùng về Việt Nam một ngày không xa...
Đôi khi em ước giá mà khoảng cách địa lý Việt Nam và Pháp gần như Paris và Toulouse để mình có thể về thăm gia đình dễ dàng hơn, thường xuyên hơn, và em hay tham gia các hoạt động với cộng đồng người Việt như vậy cũng là để đỡ nhớ nhà và để cảm thấy gần Việt Nam hơn nữa...
Gửi bài dự thi "Xuân Quê hương" của bạn
Giao thừa em cũng làm mâm cúng tươm tất, cũng có bánh chưng, giò lụa mẹ gửi từ Hà Nội, em cũng nấu canh măng, cũng đồ xôi gấc, nhưng mâm ngũ quả không có chuối xanh. Em thắp hương cầu chúc năm mới an lành. Và anh đến xông đất nhà em, sung sướng như một đứa trẻ được giao trọng trách, dù anh chưa hiểu nhiều về tục xông đất là như thế nào.
Em đang điện thoại về với mẹ, nhớ nhà và ước gì có cánh cửa thần kỳ của Đô-rê-mon để được về ngay với cả nhà đang quây quần vào thời khắc đón Giao thừa, bố mẹ sẽ mừng tuổi em và chúc em sức khỏe, thành đạt. Anh cũng chào bố mẹ và nói lời chúc Tết bằng tiếng Việt, bố mẹ bảo sao anh dễ thương thế không biết!
Qua điện thoại, dù không nói ra, nhưng em cũng hiểu mẹ mong em về thế nào. Mẹ mong con gái lần sau về thăm nhà sẽ không về một mình nữa. Từ ngày đi du học em chưa về dịp Tết được lần nào. Anh không hiểu những gì em nói với mẹ nhưng thấy mắt em đỏ hoe mà lo lắng, em nói dối bảo tại khói hương trầm làm mắt em cay...
Jérôme ạ, nhờ có anh bên cạnh mà em thấy ấm lòng nhiều lắm! Một đứa con gái hay nghĩ về gia đình như em, nhạy cảm và mong manh như em, anh vẫn nói thế, thì đúng khoảnh khắc này lại càng làm em xúc động hơn bao giờ hết! Khi xuân đến Tết về lại càng là lúc người ta hướng về quê hương, về gia đình nhiều hơn. Trong vòng tay ấm áp của anh, em hiểu rằng Tết này em không còn cô đơn nữa...
Em mừng tuổi và chúc Tết anh, em viết lời chúc cho anh trong 5 ngôi sao lấp lánh, hy vọng sẽ mang lại may mắn và bình an. Em giới thiệu về các món ăn, anh muốn em viết ra bằng tiếng Việt và dịch tiếng Pháp, nhìn anh say sưa đọc dù không hiểu tiếng Việt, chữa lỗi tiếng Pháp và tìm từ sát nghĩa hơn, em thấy anh đáng yêu biết chừng nào...
Anh rất hào hứng nếm canh măng, nem rán, anh vẫn bảo các món ăn em nấu như có bùa yêu... Quả thực em đã rất bất ngờ khi biết ở nhà anh, anh tự đi chợ, mua gạo nấu cơm, mà lại mua hẳn nồi cơm điện để nấu chứ không "luộc gạo" như những người bạn Pháp khác của em. Từ một người không biết chút gì về Việt Nam, giờ anh lại có thể thích ăn nem, thèm mực nướng, yêu bánh cốm, khoái ớt tương, và phát âm tiếng Việt không tồi nữa chứ!
Em thì vẫn luôn thích được giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam với những người bạn Pháp, anh bảo nhờ có cô "đại sứ văn hóa Việt Nam" này mà bây giờ anh biết "Tết" là gì, cả ý nghĩa chữ viết lẫn phong tục, và anh yêu đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, vì anh yêu một cô gái Việt Nam, một cô gái thông minh, dịu dàng, đảm đang, xinh đẹp mà anh vẫn luôn tự hào... (Sao anh khéo nịnh thế!) Anh nói càng biết về văn hóa Việt Nam, anh càng yêu và thêm trân trọng nó. Lại một lần nữa anh "phải lòng" văn hóa của em. Còn em thêm hạnh phúc vì anh yêu quê hương em đến thế...
Anh cầu hôn vào khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong năm làm em vô cùng xúc động. Ảnh minh họa:Google
Và giờ đây, anh lại trở về Toulouse để tiếp tục công việc nghiên cứu của mình, em lại phải xa anh những ngày sắp tới. Em khép lại trang nhật ký xuân cho anh (cũng là để ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng, đáng nhớ với em), và gửi những nhớ thương qua trang giấy. Em đã có một cái Tết ấm áp hơn bao giờ hết, không chỉ có thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp cùng chia sẻ và trở nên gắn bó như những người thân trong gia đình, mà trong lúc này đây, em thấy hạnh phúc lan tỏa gấp bội khi anh cầu hôn em và mình sẽ là người một nhà ngay trong mùa xuân mới.
Với em đây sẽ là cái Tết ý nghĩa nhất và đáng nhớ nhất trong đời. Dù đã mấy ngày qua nhưng đến giờ em vẫn còn cảm giác lâng lâng hạnh phúc, tim đập rộn ràng khi nhớ lại hình ảnh lúc anh ngỏ lời cầu hôn. Dẫu biết rằng mình đã xác định gắn bó với nhau trọn đời nhưng em rất bất ngờ khi anh cầu hôn em lúc ấy.
"Nhờ có em, anh thấy gia đình thiêng liêng hơn, anh yêu gia đình mình hơn, và đã đến lúc anh muốn xây dựng một gia đình nhỏ hạnh phúc của riêng mình, mình cưới nhau nhé?" Tim em như muốn nhảy khỏi lồng ngực, người như muốn bay lên nhưng em vẫn còn đùa anh : "Lý do gì để em đồng ý?" - "Vì anh yêu Việt Nam như em yêu nước Pháp, vì anh yêu gia đình em như em yêu gia đình anh, vì anh yêu em chân thành như em yêu anh, vì mình sinh ra là dành cho nhau, với một nghìn lý do để em đồng ý, và không một lý do nào để từ chối đâu em"...
Làm sao em có thể từ chối một người yêu quê hương em, yêu gia đình em, yêu em sâu sắc đến thế! Jérôme ạ, anh có biết giờ đây nước Pháp trở nên gần gũi, thân thương với em biết chừng nào! Dù xa Việt Nam, nơi chôn rau cắt rốn của em, dù nhớ gia đình da diết, nhưng nhờ Tình yêu của anh, Tình yêu em dành cho nước Pháp xinh đẹp, xứ xở này cũng trở nên gần gũi như quê hương thứ hai của em vậy. Quả đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương", và với em, "Tình yêu (chúng mình) làm Pháp - Việt hóa yêu thương".
Theo VNE
Tết ấm lòng ở Chiba, Nhật Bản Không khí ấm cúng, ngập tràn yêu thương trong ngày Tết này đã giúp tôi và biết bao bạn bè, những người con Việt xa quê, khỏa lấp đi nỗi nhớ gia đình và quê hương cháy bỏng, da diết trong lòng mình. (Lan Anh, Nhật Bản) Video clip này ghi lại những hình ảnh, những cảm xúc về ngày Tết Việt Nam...