‘Tết chỉ đến với chúng tôi khi đất nước không còn dịch bệnh’
Trong đêm giao thừa những nhân viên y tế họ vẫn tất bật với công việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 như công việc thường lệ mà họ vẫn làm bấy lâu nay.
Các nhân viên y tế quây quần nghe lời chúc tết và gửi lời động viên đến lực lượng y bác sĩ tại các khu cách ly trên cả nước từ Bộ Y tế – Ảnh: NHẬT THỊNH
Gác lại sau lưng niềm vui quây quần bên gia đình, họ vẫn bám trụ khu cách ly điều trị trong thời khắc chuyển giao năm mới để chăm sóc điều trị cho người bệnh. Với họ, niềm vui lớn nhất là khi đất nước không còn dịch bệnh.
Nhận nhiệm vụ chống dịch xuyên tết tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, chị Nguyễn Thị Phương Trang (Bệnh viện Ung Bứu TP.HCM) đành phải gửi con nhỏ về quê cho bà ngoại chăm sóc.
“Gia đình chị chỉ có 2 mẹ con nên việc ngày tết phải xa con khiến chị buồn và thương con lắm. Nhưng làm trong ngành y, nhiệm vụ của mình là cống hiến hết sức cho bệnh nhân, nên dù phải đón tết xa nhà, xa con nhỏ mình vẫn phải chấp nhận và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, chị Trang tâm sự.
Bác sĩ Vũ Nguyễn Quý Huân (áo xanh) cùng đồng nghiệp tất bật soạn lời chúc tết gửi đến các bệnh nhân Covid đang điều trị tại bệnh viện – Ảnh: NHẬT THỊNH
Dù công việc tất bật, kể cả vào những ngày lễ tết nhưng những y bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến Củ Chi vẫn luôn vui vẻ lạc quan. Khoảnh khắc giữa năm mới và năm cũ, họ tạm nghỉ tay, gửi cho nhau những phong bao lì xì mừng năm mới.
Cùng nhau quây quần xem vội chương trình Táo quân, người thì gọi về cho gia đình thăm hỏi, chúc tết. Không khí năm mới đến nơi đây theo một cách thật đặc biệt.
Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng – giám đốc Bệnh viện dã chiến Củ Chi – cho biết sau 1 năm thành lập bệnh viện đã tiếp nhận 816 người liên quan đến COVID-19, trong đó có 177 ca dương tính. Đến thời điểm hiện tại bệnh viện đang chữa trị, cách ly 72 trường hợp.
Dù gọi là “dã chiến” nhưng bệnh viện hoạt động rất chuyên nghiệp, từ chuyên môn điều trị cho đến kiểm soát nhiễm khuẩn. Bệnh viện hoạt động đều dựa vào mô hình phối hợp sẵn có từ con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, mô hình xử lý nước thải.
Trước đó sáng 11-2 (30 tết), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đến thăm hỏi, động viên tinh thần lực lượng nhân viên y tế tại đây và khẳng định để có được các thành quả phòng chống dịch hiệu quả như ngày hôm nay, có sự đóng góp âm thầm từ các nhân viên y tế của bệnh viện.
Tuổi Trẻ Online có mặt trong khu cách ly đêm giao thừa để gửi tới bạn đọc những hình ảnh xúc động này.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Trang tranh thủ thời gian nghỉ để gọi điện về cho con gái – Ảnh: NHẬT THỊNH
Các bác sĩ thay phiên túc trực tại khu cách ly của bệnh nhân COVID-19 qua camera – Ảnh: NHẬT THỊNH
Bữa ăn vội của bác sĩ bệnh viện dã chiến – Ảnh: NHẬT THỊNH
Gần khuya, các nam bác sĩ chia nhau ra đạp xe đi quanh các toà nhà có người cách ly ở để kiểm tra – Ảnh: NHẬT THỊNH
Khi có ca bệnh mới đưa đến, y bác sĩ nhanh chóng đứng đợi để làm thủ tục giấy tờ cho bệnh nhân – Ảnh: NHẬT THỊNH
Chuẩn bị mâm cúng tất niên trong bệnh viện – Ảnh: NHẬT THỊNH
Đội ngũ y bác sĩ bệnh viện dã chiến Củ Chi cúng tất niên ngay trước phòng làm việc – Ảnh: NHẬT THỊNH
Các y bác sĩ cũng nhau ăn mứt tết, hạt hướng dương đón giao thừa – Ảnh: NHẬT THỊNH
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: 'Cơ hội đuổi theo virus của TP.HCM vẫn còn, nếu....'
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online ngày 11-2 (30 Tết) trong Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói từ Tết năm ngoái đến năm nay, cả nước vẫn cùng chung một tâm thế quyết tâm chống dịch COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xuống khu phong tỏa và chào hỏi bằng cách "cụng tay" với cán bộ y tế quận Gò Vấp ngày 10-2 - VIDEO: HOÀNG LỘC
Với tư cách là tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế được điều vào TP.HCM, 3 ngày qua ông đã có nhiều cuộc họp với TP.HCM, đi thị sát nhiều nơi như bệnh viện, khu vực phong tỏa và nơi cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ông nói:
"Bên cạnh sự chi viện của các đơn vị trung ương, TP.HCM còn cho thấy sự chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước đây về truy vết, xét nghiệm, chăm sóc điều trị. Trong đó năng lực xét nghiệm được nâng lên đáng kể; các khu phong tỏa được xây dựng theo nguyên tắc từ rộng rồi thu hẹp dần để đảm bảo an toàn, không xáo trộn cho cộng đồng".
Virus đã âm thầm "mật phục" trong cộng đồng?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm và chúc tết các nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi sáng 11-2 - Ảnh: NHẬT THỊNH
* Như ông nói, "33 ca nhiễm COVID-19 ở TP.HCM tưởng đơn giản nhưng nảy sinh bất ngờ". Đó là đến nay TP.HCM đã ghi nhận 18 ca từ F2 chuyển thành F0. Lý giải điều đó như thế nào, thưa ông?
- Để đánh giá vấn đề này, theo tôi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta đều biết sự phức tạp trong đội bốc vác của sân bay Tân Sơn Nhất, bên cạnh các ca F1 âm tính thì F2 lại dương tính.
Sẽ có nhiều giả thuyết về hiện tượng này, và có lẽ chúng ta cần chờ đợi kết quả giải trình tự gen từ Viện Pasteur TP.HCM để xem virus này với các virus ở Hải Dương, Quảng Ninh có gì giống, khác nhau; và liệu có mang các đột biến giống virus ở Anh, Nam Phi, Brazil hay không.
* Theo ông, liệu đây có phải bất thường mà từ trước đến giờ chúng ta chưa bao giờ gặp?
- Hiện tượng này là điểm mới, có nhiều giả thuyết được đưa ra và nhiệm vụ của các nhà khoa học là phải tìm cho ra giả thuyết phù hợp nhất. Giả thuyết đầu tiên là khi phát hiện ra F2 dương tính với COVID-19, F1 đã hết bệnh (âm tính).
Giả thuyết thứ 2 có thể F1 âm tính này trước đó chính là trung gian lây bệnh cho F2 và F0.
Còn giả thuyết thứ 3 có lẽ đáng ngại hơn, tức F2 không phải lây từ F1 mà từ nguồn có sẵn, đã âm thầm "mật phục" trong cộng đồng từ sự "rò rỉ" ở các đợt dịch trước nhưng không có triệu chứng.
Hiện nay ngành y tế đang chủ động ở tất cả mọi giả thuyết, xây dựng các phương án để có thể tìm ra lời giải một cách rõ ràng nhất. Đặc biệt, vấn đề truy vết rộng trong cộng đồng đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo và chúng tôi sẽ bàn với TP.HCM để tổ chức lấy mẫu trong cộng đồng rộng một cách điển hình hơn.
* Như vậy có thể bệnh nhân 1979 không phải là ca bệnh đầu tiên?
- Đúng như thế.
TP.HCM đã mất dấu virus chưa?
Ông xuống khu phong tỏa kiểm tra tình hình phòng chống dịch COVID-19 của địa phương, đồng thời chúc Tết các nhân viên y tế tại quận Gò Vấp, nơi đang có 2 khu phong tỏa với 5 ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: HOÀNG LỘC
* Trong các cuộc họp gần đây với ngành y tế TP.HCM, ông có đề nghị phải "quét đi quét lại tìm cho ra kháng thể dương tính" và cảnh báo: "Càng làm nhanh càng đuổi theo kịp dấu vết của con virus". Thực tế TP.HCM đã mất dấu virus chưa, thưa ông?
- Quan điểm của chúng ta bây giờ là truy vết, phát hiện và khoanh vùng dập dịch. Còn việc truy vết F0, được đúc kết từ bài học ở Đà Nẵng rồi, đó là chúng ta không phải đưa vấn đề này làm chủ chốt. Chúng ta vẫn phải quyết liệt tìm kiếm, còn nếu không tìm thấy vẫn phải áp dụng các biện pháp chống dịch một cách quyết liệt nhất.
Hiện chuỗi ca nhiễm COVID-19 ở trong sân bay Tân Sơn Nhất tương đối ổn, còn với cộng đồng như chúng ta đã biết có thêm 5 khu phong tỏa mới. Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất phức tạp, và chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để "đuổi kịp virus" nhằm xử lý càng sớm càng tốt.
* Vậy cơ hội đuổi theo dấu vết của virus ở TP.HCM còn nhiều không, thưa ông?
- Dự kiến ngày mai Viện Pasteur TP.HCM sẽ giải xong trình tự gen, khi đó chúng ta mới biết được những vùng đột biến của virus này có trùng hợp với đột biến của các loại virus khác ở Anh, Nam Phi hay không.
Nếu như trước đây chu kỳ của virus thường từ 5-7 ngày thì hiện nay được rút ngắn chỉ còn 3-4 ngày. Do đó tùy vào chủng virus, chúng ta sẽ biết được cơ hội theo dấu còn nhiều hay ít.
* Có một sự trùng hợp thú vị. Năm ngoái vào tối 29 Tết Việt Nam công bố 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, lúc ấy ông là người có mặt trực tiếp chỉ đạo chống dịch. Tết năm nay vẫn cứ chống dịch như thế...
- (Cười). Từ sau hai ca bệnh đầu tiên nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, nước ta bước vào một cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 quyết liệt. Và không phải riêng gì tôi, toàn bộ nhân viên y tế cả nước được nâng cao mức độ cảnh giác, cũng như chuẩn bị mọi tâm thế sẵn sàng đối phó với các đợt dịch khó khăn, phức tạp hơn.
Bây giờ sau một năm tôi vẫn bồi hồi cảm xúc đó và vẫn tâm thế sẵn sàng "gác Tết" để quyết tâm chống dịch. Đó là một ký ức đáng nhớ của mỗi người trong cuộc đời làm nghề y!
Dịch ở Đà Nẵng khác với dịch ở TP.HCM
Chủ trì cuộc họp đầu tiên của Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ khi nhận quyết định tổ trưởng tổ đặc biệt, ông có chút "lăn tăn" bởi tình hình dịch ở TP.HCM so với Đà Nẵng trước đây có sự khác biệt nhất định.
Nếu như ở Đà Nẵng lúc bấy giờ dịch COVID-19 tấn công đầu não ngành y tế, hệ thống y tế suy yếu rất nhiều thì TP.HCM rất tỉnh táo.
"Cho đến bây giờ, qua 3 ngày vào làm việc với TP.HCM, tôi nhận thấy công tác chuẩn bị ứng phó với đợt dịch này của địa phương là hết sức quyết liệt, kỹ lưỡng. Cụ thể, thông qua các hoạt động truy vết "thần tốc", chúng ta đã phát hiện ra ca bệnh 1979, kiểm soát được sân bay Tân Sơn Nhất", ông Sơn nói.
Hưng Yên khẩn cấp tìm người liên quan đến hai ca mắc mới COVID-19 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hưng Yên ban hành thông báo hỏa tốc về việc tìm người qua các điểm liên quan đến 2 bệnh nhân 2062, 2063 (mẹ và vợ của BN2060). Ảnh minh hoạ. Sáng 10/2, đại diện Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cho biết địa phương này đã thông báo tìm khẩn cấp những người đến các...